Cuộc trốn chạy khỏi nhà giam “công nghệ” luôn là hành trình nan giải đối với không ít đại đa số các bạn trẻ thời nay.
Kể từ khi công nghệ phát triển, các nền tảng mạng xã hội mọc lên như nấm, điều này làm nảy sinh không ít những thói quen xấu đến người dùng.
Nhưng không biết tự lúc nào, các thói quen này lại có thể lây qua đường mạng khiến cho môi trường ảo phức tạp và nguy hiểm không kém gì ngoài đời thực, hàng ngày có đầy rẫy thông tin giả, sáo rỗng xuất hiện tràn lan hoà trộn vào những thông tin chính thống, với mục đích xấu, gây hoang mang dư luận. Thời điểm giãn cách xã hội vừa là cơ hội được tiếp tục làm việc vừa là cạm bẫy ăn sâu vào tận gốc rễ của cơn "nghiện" công nghệ.
Người ta hay nói: "Lên mạng là để giải trí, để biết thêm thông tin", nhưng đối mặt với những hệ lụy tiêu cực, thông tin giả tràn lan, liệu mạng xã hội có còn được xem là công cụ để giải trí? Mối nguy hiểm tiềm tàng trên thế giới ảo từng được Đen Vâu, một rapper nổi tiếng, khắc họa qua câu hát: "Ở trong rừng an toàn hơn ở trên mạng" .
Mắc kẹt trong môi trường số hoá hết "khoẻ", liệu bạn có cảm thấy an toàn?
Như đã đề cập ở trên, các thói xấu cũng có thể lây qua đường mạng. Tưởng chừng như những vấn đề như bắt chước làm theo hành động của người lớn chỉ có ở con nít, hay học đòi chỉ tồn tại ở các bạn trẻ tuổi vị thành niên, nhưng giờ đây trên môi trường ảo, những vấn đề này là không của riêng ai.
Trước đây, mọi người tin vào việc lên mạng là để giải khuây sau những giờ học, giờ làm căng thẳng. Nhưng bây giờ điều này đã biến chất, cắm rễ trên mạng không những không giải tỏa được gì mà còn thêm tốn thời gian vào những cuộc tranh luận không đâu.
Đối mặt với thông tin giả nhiều người không xác minh lại mà chọn cách tin theo, và rồi truyền tai nhau. Đối mặt với những bình luận gay gắt về idol của mình ít fan nào có thể "giữ mình" mà không chửi bới, buông lời xúc phạm đối phương. Hay những vụ bê bối tình cảm của giới nghệ sĩ nổ ra, việc cần làm là đừng nên làm gì cả, thậm chí là cho ý kiến.
Nhưng những "thẩm phán online" lại quyết định dạy cho người khác cách đối nhân xử thế như thế nào cho đúng. Tất cả những việc trên và còn vô vàn những vấn đề xảy ra trên không gian mạng mà người dùng không thể kiểm soát, khiến cho việc online để giải trí trở nên căng thẳng hơn vì những điều độc hại. Chính vì thế, thuật ngữ digital detox ra đời.
Digital Detox: Đã đến lúc bạn cần thanh lọc cuộc sống
Nhắc đến detox, không chỉ riêng cơ thể con người cần được thanh lọc, mà tâm hồn cũng cần được detox bằng việc tự nguyện "cách ly" khỏi các thiết bị công nghệ, hay nói cách khác, việc con người cần làm để detox tâm trạng là ngưng kết nối để tái kết nối một cách mạnh mẽ và tích cực hơn.
Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok… giống như những liều thuốc phiện. Thoạt đầu rất cuốn hút và phiêu bạt với cuộc sống tự do tự tại, do chính mình tạo ra, nhưng dần dà về sau khi các liều thuốc được bơm liên tục thì rất khó để dứt ra, thậm chí tâm trạng lúc nào cũng mơ mơ ảo ảo về một thế giới không có thật. Nắm bắt được điều này, thuật ngữ Digital Detox ra đời nhằm vực dậy những tâm hồn còn phiêu diêu, bộn bề lo lắng nơi chốn ảo.
Digital Detox (tạm dịch: giải độc/ thanh lọc kỹ thuật số) là một xu hướng mới của thời đại công nghệ, hình thức này kêu gọi các cá nhân tự nguyện tránh xa mạng xã hội vào một khoảng thời gian nhất định, quay về với cuộc sống đời thực. Mục đích của phương pháp này là để con người giảm bớt những căng thẳng, những buồn phiền vô cớ khi tiếp xúc với các sàn điện tử.
Chắc chắn một điều những hệ luỵ của việc lạm dụng mạng xã hội ai ai cũng đều biết, và thậm chí là đã và đang trải qua, song việc "cai nghiện" thói quen sử dụng công nghệ thường ngày là điều rất khó để làm được. Nhất là những ai đang mắc hội chứng FOMO (nỗi sợ bị bỏ lỡ) thì lại càng không thể dứt được.
Tuy nhiên, hãy nhìn nhận vấn đề một cách bao quát hơn, và thừa nhận rằng việc cắm cọc, nằm lì một chỗ trước mắt là không nuôi sống bản thân (trừ những công việc liên quan trực tiếp đến mạng xã hội), sau đó những hệ quả gây ra đối với cơ thể, sức khỏe tinh thần, thể chất là điều sớm muộn sẽ xảy đến.
Đừng quá bao đồng và đừng quá chú trọng vào những nền tảng mạng, hay những vấn đề tiêu cực. Thay vào đó hãy nuôi dưỡng tâm hồn thực tại, đó mới là điều cần thiết.
Nội dung liên quan
Đừng hiểu lầm việc thực hiện Digital Detox là đang chối bỏ thế giới số. Phương thức này hướng đến việc tiết chế và cân nhắc cũng như quản lý thời gian cho hợp lý mỗi khi sử dụng thiết bị điện tử.
Đi đôi với Digital Detox là một xu hướng mới gần đây là "More green, less screen", cả hai xu hướng đều khuyến khích con người hạn chế sống trên môi trường ảo và tận hưởng cuộc sống, dành nhiều thời gian để tái tạo năng lượng tích cực cho cơ thể.
------------------
Giãn Cách Không Sai Cách: Làm như thế nào để kỳ giãn cách xã hội của bạn không chìm trong mạng xã hội và những giấc ngủ? GenVie sẽ cùng bạn khám phá hàng loạt những hoạt động thú vị cho dịp ở nhà, cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích để có một mùa giãn cách "đúng cách".
Nguồn: TH&PL