Come out để được sống thật với gia đình - tuy vậy với những bạn trẻ LGBT+, hạnh phúc ấy đôi khi cũng có cái giá riêng của nó.
Liệu có nhất thiết phải come out với gia đình?
Come out - một cụm từ khá phổ biến trong cộng đồng LGBT+, được dùng để chỉ hành động công khai mình là người thuộc nhóm giới tính ngoài dị tính. Câu chuyện come out với người thân, nhất là bố mẹ, cũng là một chặng đường dài ngắn khác nhau với từng người khác nhau, nặng trĩu hay không cũng tùy mức độ và thời điểm, nhưng chắc chắn có ý nghĩa nhiều hơn một lựa chọn.
Đại đa số thanh niên thuộc cộng đồng LGBT+ được sinh ra bởi cha mẹ dị tính. Họ, đương nhiên mong muốn con cái của mình sẽ là người dị tính. Không hiếm những bậc cha mẹ thuộc về thế hệ trước có thái độ tiêu cực ngầm, hoặc rõ ràng, đối với tình dục đồng giới.
Những phản ứng tiêu cực từ cha mẹ đối với thanh thiếu niên LGBT+ có thể đến từ những lo lắng về hạnh phúc và tương lai của đứa trẻ, hoặc “sâu xa” hơn là tính cách khó chấp nhận những gì quá khác biệt, thậm chí còn “đi ngược” lại với vốn hiểu biết từ trước của mình.
Chúng ta nên thừa nhận rằng, đón nhận một điều gì đó hoàn toàn mới mẻ không phải bao giờ cũng là trải nghiệm dễ chịu và dễ dàng, vì những cái mới dường như có gì đó “thách thức” lại sự hiểu biết vốn có của một người. Lúc nào cũng vậy, để hiểu và chấp nhận một cái mới, nó đòi hỏi ta phải mở lòng mình ra, sẵn sàng “gỡ rào” những “định kiến” hoặc niềm tin có sẵn nếu điều đó là cần thiết.
Và đây là một nỗ lực tốn rất nhiều công sức, huống chi với nhiều bậc cha mẹ, LGBT+ là một khái niệm vượt quá hình dung của họ, và trong vốn sống của những người thuộc thế hệ cũ, họ chưa từng được trang bị những kiến thức này để một ngày nào đó có thể “đối phó” với thông tin con mình không phải người dị tính.
Tuy không cần thiết, nhưng sự chấp nhận từ gia đình là quan trọng
Mức độ quan trọng của cha mẹ trong cuộc sống của một cá nhân là không thể chối cãi. Gia đình đã đồng hành từ khi chúng ta được sinh ra, tới tuổi vị thành niên, thậm chí đến tuổi trưởng thành, và là “tác nhân” tạo ảnh hưởng đến tính cách, ý thức về giá trị bản thân, cũng như hình thành xu hướng hành động của một người khi họ ở trong những mối quan hệ khác ngoài xã hội.
Việc gia đình chấp nhận hoặc từ chối xu hướng tính dục của một người, trên thực tế được dự đoán là có ý nghĩa quan trọng trong việc tác động đến trải nghiệm trưởng thành của một người trẻ, góp phần hình thành xu hướng phản ứng của một người khi đối phó với căng thẳng, và do đó tác động lên sức khỏe tinh thần.
Đứng dưới lý giải của những học thuyết khoa học xã hội, sự gắn bó với người chăm sóc sẽ đảm bảo cho một cá nhân mới ra đời có thể sống sót, bởi vì hệ thống gắn kết ở não bộ được kích hoạt khi chúng ta “lâm” vào một tình huống căng thẳng hoặc liên quan đến sinh tồn. “Kiểu gắn bó” được hình thành dựa trên các tương tác lặp đi lặp lại với người chăm sóc - phần đông là những người sinh ra ta, trong giai đoạn trẻ sơ sinh và thời thơ ấu.
Những trải nghiệm đó, cộng thêm tính cách bẩm sinh của mỗi người, sẽ ảnh hưởng đến các biểu hiện tinh thần của cảm xúc, hành vi và suy nghĩ. Theo thời gian, nhận thức của một người được định hình, những liên kết với xã hội xuất hiện, đồng nghĩa là ý thức về giá trị bản thân của mỗi cá nhân cũng xuất hiện.
Điều đó lý giải tại sao sự chấp nhận từ gia đình đối với một cá nhân, không kể chỉ là giới tính, lại quan trọng. Theo nhiều khảo sát và nghiên cứu trên thế giới, những thanh niên không nhận được sự chấp thuận giới tính thật từ gia đình có nhiều khả năng “vướng” vào những vấn đề tâm lý như xu hướng phủ nhận bản thân mình, gặp khó khăn trong việc kiểm soát phản ứng cảm xúc và hành vi (đặc biệt là khi đối diện với những cảm xúc đau khổ),...
Thanh thiếu niên phụ thuộc nhiều vào người lớn, đặc biệt là cha mẹ, để hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu phát triển cá nhân, cũng như đóng vai trò hướng dẫn những trải nghiệm đầu đời trong nhiều khía cạnh của cuộc sống (như tình cảm, trường học, công việc,...). Những thanh thiếu niên LGBT+ có “kiểu gắn bó” không an toàn với gia đình có thể gặp khó khăn trong việc đương đầu với những thử thách ngoài cuộc sống.
Do đó, sự chấp thuận từ gia đình, ở đây là chấp nhận sự khác biệt trong giới tính, sẽ giúp cải thiện sức khỏe tinh thần cho một bạn trẻ trong độ tuổi thanh thiếu niên.
Gia đình là quan trọng và không thể thay thế, nhưng nội lực của mỗi người còn quan trọng hơn
Không ai là hoàn hảo, và cha mẹ cũng không ngoại lệ. Họ có thể là người có “biên độ” chấp nhận và thấu hiểu tốt, cũng có thể không, nhưng sự thật là không ai lựa chọn được gia đình của mình. Nếu bạn có bố mẹ đồng hành, chia sẻ và ủng hộ trên bước đường trưởng thành, sẵn sàng đón nhận bạn kể cả khi bạn có là người đồng tính, chuyển giới, song tính,... thì đó quả là một may mắn, là một niềm hạnh phúc to lớn không gì có thể thay thế.
Nhưng nếu bạn không có được sự may mắn từ nền tảng quan trọng ấy, điều đó cũng không đồng nghĩa rằng bạn sẽ mãi mãi không có được hạnh phúc, hay phải “hứng chịu” quá nhiều bất ổn tâm lý về sau. Hạnh phúc tự thân vẫn là hạnh phúc bền vững nhất.
Hiểu về những kiến thức cũng như “cơ chế” hình thành nên tâm lý, động cơ chi phối hành động là điều cần thiết và đáng khen trong hành trình thấu hiểu bản thân. Kết luận có được từ những khảo sát và nghiên cứu không phải để “đóng đinh” suy nghĩ và nhận định của con người, mà ngược lại, nó đóng vai trò là thông tin để chúng mình - đặc biệt là thế hệ trẻ đương độ tuổi khám phá và định hình nhân cách, có thể thấu hiểu hơn về bản thân, từ đó vượt qua những trở ngại và thiếu sót.
Chuyện come out của những bạn trẻ LGBT+ cũng tương tự như thế, nếu bạn gặp những “tổn thương” từ việc không được chấp nhận con người thật trong quá khứ, thì đã là một thành công nếu bạn biết quan sát và “truy xuất” được “nguồn gốc” những xu hướng hành vi của mình, liệu đó có phải xuất phát từ những nỗi sợ hay sự tự ti về niềm tin có được ai đó ủng hộ, hay chấp nhận con người thật của mình,...
Thực tế là có những bạn trẻ sau khi đã vào tuổi trưởng thành, khi đã thành công, có sự nghiệp riêng và cuộc sống riêng,... thì việc được gia đình chấp nhận xu hướng tính dục của mình cũng “dễ thở” hơn. Gia đình khi ấy đã thực sự hiểu bạn là ai, giá trị của bạn là gì và bạn hoàn toàn đủ khả năng chịu trách nhiệm cho cuộc sống bản thân, họ ắt hẳn sẽ dành nhiều yêu thương và ủng hộ cho con cái mình.
Nên come out hay không, hay một tên gọi “định danh” xu hướng tính dục cũng có thể chỉ là một dãn nhán nếu chúng bị “đẩy” vào trạng thái cực đoan, bởi điều quan trọng hơn cả là chất lượng cuộc sống thật của bạn, thế nên một khi đã hiểu được điều cốt lõi đó, bạn sẽ biết cách gỡ bỏ dần dần những yếu tố nào đang là gánh nặng tâm lý cho mình.
Dẫu có gia đình đồng hành trên hành trình “lục sắc” hay không, nội lực của một người vẫn là điều tiên quyết nhất và là yếu tố tác động mạnh mẽ nhất đến chất lượng cuộc sống của chính cá nhân ấy.
Chúc các bạn LGBT+ sẽ luôn tự tin vào bản thân, và các bạn không đơn độc đâu, vì có rất nhiều người sẽ luôn ủng hộ, chấp nhận con người thật của bạn.
________
Ngày 28/6/1969 được coi là mốc đánh dấu bước khởi đầu của phong trào đấu tranh đòi quyền lợi cho cộng đồng LGBTQ+ trên toàn thế giới, cũng là căn nguyên của Tháng Tự Hào sau này, một dịp để toàn thế giới tôn vinh sự đa dạng về giới và tính dục. Sau 52 năm, ngày 28/6 năm nay, tập trung chia sẻ những câu chuyện về cộng đồng LGBTQ+ Việt nhưng đặt trong giá trị thiêng liêng của tình cảm gia đình vì 28/6 cũng là ngày Gia đình Việt Nam. Hãy cùng lắng nghe để xóa bỏ những định kiến còn tồn tại vì sự bình đẳng cho cộng đồng LGBTQ+!
Nguồn: TH&PL