#PrideMonth: Hội chứng tự kỳ thị bản thân của cộng đồng LGBTQ+

Đôi lúc, những người thuộc cộng đồng LGBTQ+ không những phải chịu những cái nhìn ái ngại từ xã hội mà còn gặp phải tâm lý tự kỳ thị chính bản thân mình.

Ghê sợ đồng tính của chính mình là gì?

Trong tâm lý học, có một hội chứng mang tên Hội chứng ghê sợ đồng tính luyến ái (homophobia), chỉ nỗi sợ hãi, ác cảm, kỳ thị với người đồng tính hoặc tình trạng đồng tính một cách vô lý. Trong homophobia, ta có một nhánh nhỏ hơn là tình trạng Ghê sợ đồng tính của chính mình (internalized homophobia).

Ghê sợ đồng tính của chính mình là sự sợ hãi hoặc có ác cảm với cảm giác đồng tính trong bản thân mình. Đây được xem là dạng mâu thuẫn nhận thức (cognitive dissonance) khi họ không thể tìm kiếm sự nhất quán trong nhận thức. Trong trường hợp này, họ vừa cảm thấy hấp dẫn với người cùng giới nhưng lại có xu hướng định chuẩn dị tính hoá, tức chỉ chấp nhận sự hiện diện của hai giới và coi đó là chuẩn mực của xã hội.

pride month hoi chung tu ky thi ban than cua cong dong lgbtq - anh 0

Điều đó khiến mọi hành động, thái độ của họ trở nên hết sức kiềm chế. Họ cảm thấy băn khoăn, không chấp nhận chính bản thân mình và cố tỏ ra mình là người dị tính để được cảm thấy "bình thường" như bao người khác. Tình trạng này xuất hiện phổ biến ở giai đoạn đầu khi một người bắt đầu có nhận thức về bản sắc giới của bản thân hoặc thậm chí theo họ đến suốt cuộc đời.

Tại sao lại có cảm xúc đó?

Thật buồn khi phải thừa nhận rằng, xã hội Việt Nam hiện nay vẫn chưa thật sự mở lòng với cộng đồng LGBTQ+. Chính vì thế, không tránh khỏi vẫn còn tồn tại hiểu lầm và định kiến, gây khó khăn và thường tạo nên tâm lý ngại ngùng cho mỗi cá nhân, đặc biệt trong giai đoạn tìm hiểu bản sắc giới hoặc xu hướng tính dục của bản thân.

pride month hoi chung tu ky thi ban than cua cong dong lgbtq - anh 0

Năm 1979, Vivienne Cass đưa ra lý thuyết nền tảng về quá trình nhận diện bản thân của người đồng tính nam và nữ mang tên Mô hình Nhận diện của Cass. Theo mô hình này, khi một người nhận diện được bản thân mình là người đồng tính và hòa nhập với xã hội xung quanh, họ phải trải qua 6 giai đoạn: Bối rối - So sánh - Chấp nhận - Thừa nhận - Tự hào - Hoà nhập.

Khoảng thời gian đầu tiên trong quá trình tìm hiểu bản sắc, bạn sẽ bắt đầu đặt rất nhiều câu hỏi cho bản thân, và đây cũng là lý do tại sao bạn rất dễ sốc khi phát hiện mình là người đồng tính. Từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành, hầu hết chúng ta đều được nuôi dạy trong một khuôn mẫu về giới cố định. Bố mẹ dạy rằng chúng ta chỉ có thể yêu người khác giới cũng như thái độ hay cách hành xử của chúng ta phải đúng theo hình mẫu giới có sẵn. Chúng ta không hề được dạy rằng bản thân mình sẽ có cảm nhận về giới khác hẳn trên tờ giấy khai sinh, hay ta có thể yêu một người cùng giới với mình.

pride month hoi chung tu ky thi ban than cua cong dong lgbtq - anh 0

Chính vì thế, chúng ta rất dễ mắc phải lối tư duy định chuẩn hóa dị tính (tức chỉ chấp nhận sự hiện diện của hai giới nam - nữ). Khi đó, việc chối bỏ bản thân có thể xảy ra nếu nhận ra mình thuộc cộng đồng LGBTQ+. Khi đã thấy bản thân mình quá khác biệt so với những người xung quanh, chúng ta sẽ sinh ra tâm lý bối rối, lo lắng hay sợ hãi. Chúng ta sợ vì thấy mình “không bình thường", sợ vì có thể bị phát hiện, sợ bị kỳ thị, hoặc sợ bố mẹ đau lòng,...

Làm thế nào để vuợt qua sự tự kỳ thị chính bản thân mình?

Sự tự kỳ thị sẽ có hậu quả xấu đối với tâm lý cảm xúc của những người thuộc cộng đồng LGBTQ+. Nỗi sợ bị phát hiện sẽ ngăn chặn việc kết nối (thân mật) với người khác hoặc hạn chế giao tiếp với gia đình. Không chỉ vâỵ những hành động mang khuynh hướng tiêu cực hơn vẫn có thể xảy ra như cố gắng thể hiện mình là người dị tính theo nhiều cách, tự thu hẹp phạm vi bản thân vào các khuôn khổ của vai trò giới.

pride month hoi chung tu ky thi ban than cua cong dong lgbtq - anh 0

Những tác động đó cho ta thấy tầm quan trọng của quá trình hỗ trợ người đồng tính trong việc vượt qua sự tự kỳ thị chính mình mà điều đầu tiên phải kể đến đó là sự chung tay góp sức của cộng đồng. Những cuộc đối thoại và hội thoại cởi mở nên thường xuyên được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của mọi người xung quanh. Hãy trò chuyện với những người mà mình tin tưởng, sau đó đến cộng đồng xã hội.

Kết nối nhiều hơn với cộng đồng LGBTQ+ là cách tối ưu để bạn có thể khám phá nhiều hơn về bản dạng giới của bản thân. Không chỉ vậy, những câu chuyện về quá trình công khai của người từng trải vừa là kinh nghiệm quý báu, vừa là động lực mạnh mẽ giúp bạn dám sống thật với chính bản thân mình. Việc dám tham gia vào cộng đồng này cũng là cách chủ động giúp bạn không còn các hiểu lầm thường gặp, giảm đi những nỗi sợ thiếu căn cứ.

pride month hoi chung tu ky thi ban than cua cong dong lgbtq - anh 0

Hãy trân trọng cuộc sống muôn màu, điều đó giúp bạn chấp nhận những ý kiến trái chiều về mình đồng thời cũng khiến bạn tự tin hơn khi hiểu rằng thế giới này không chỉ có hai giới nam - nữ. Bạn không hề cô đơn trên hành trình khám phá bản dạng giới hay xu hướng tính dục của bản thân.

Pride Month - Tháng tự hào LGBT không chỉ dành riêng cho cộng đồng LGBT mà còn là sự kiện kết nối tất cả những ai đã và đang đồng hành cùng lá cờ lục sắc. Tuyến bài #PrideMonth của mục GenVie sẽ cùng bạn khám phá những góc nhìn, quan điểm và chia sẻ những câu chuyện đầy cảm hứng về cộng đồng LGBT. Chúng tôi hy vọng có thể gửi đến tất cả thông điệp: Hãy luôn là chính mình trong mọi khoảnh khắc!

#PrideMonth: "Coming out" và những điều nhất định phải lưu ý

#PrideMonth: Giang Ơi cùng những câu chuyện mà người đồng tính chưa bao giờ kể

#PrideMonth: Con cái yêu người đồng giới là ích kỷ và có lỗi với cha mẹ?

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ