Người ta vẫn nói “Nhà là nơi để về”, nhưng có thật sự như vậy khi trong căn nhà ấy không có một ai ủng hộ, thậm chí còn kỳ thị giới tính thật của mình?
Ở nhà và “ẩn náu” tại một nơi nào đó có thể là những việc khiến mọi người thấy áp lực. Đặc biệt, với một số sinh viên đại học là LGBTQ+ thì việc trở về nhà có thể là một chuyện rất khó khăn và thậm chí còn gây tổn hại về tâm lý.
Nhà tâm lý học Megan Mooney, người làm việc với trẻ em, thanh thiếu niên và là chuyên gia về ngăn ngừa và điều trị chấn thương tâm lý cho giới trẻ thuộc cộng đồng LGBTQ+ nói rằng: “Với rất nhiều người trẻ, khoảnh khắc bước vào đại học là lần đầu tiên họ có thể thực sự sống là chính mình”.
Và không thể tránh khỏi những lúc người trẻ “bị buộc” sống trong một ngôi nhà khiến họ phải che giấu bản dạng giới của mình, đặc biệt là khi hầu hết trường học, ký túc xá đóng cửa vào các kỳ nghỉ, hay như hiện tại, mọi thứ dường như “đóng băng” vì Covid-19.
Megan Mooney cũng nói rằng đối với nhiều người trẻ, đại học chính là nơi nương tựa, ẩn náu của họ sau những năm tháng bị từ chối và phân biệt đối xử ở trường trung học và thậm chí từ các thành viên trong gia đình.
Phần lớn thanh niên LGBTQ+ thường xuyên bị gọi bằng những cái tên đầy ý xúc phạm khi còn học trung học. Ngoài ra, các quy định của trường cũng thường không cho phép học sinh mặc loại quần áo họ muốn mặc, sử dụng phòng vệ sinh hay tham gia vào các sự kiện thể thao mà họ muốn...
Đại học là “một cuộc sống khẳng định thế giới mới”, nơi những người trẻ này có thể hẹn hò với người họ mà muốn, mặc những bộ đồ họ thích, tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế và các phương pháp điều trị mà họ không thể có như trước đây. Ra khỏi nhà và sống cuộc sống đại học là sự cứu tinh đối với rất nhiều người thuộc cộng đồng LGBTQ+.
Việc trở về với gia đình có thể khiến họ tổn thương thêm nhiều lần nữa, đặc biệt là nếu họ bị cha mẹ hoặc anh chị em từ chối, thậm chí là thù ghét. Những người trẻ LGBTQ+ có khả năng cao đã từng trải qua rất nhiều chấn thương về tinh thần và những tình huống căng thẳng trong cuộc sống; điều đó có nghĩa là tác động của việc trở về ngôi nhà không tồn tại bất kỳ sự ủng hộ nào sẽ càng lớn hơn nữa.
Chuyên gia Megan bày tỏ rằng: “Vì vậy, điều chúng tôi lo lắng nhất là sự gia tăng lo lắng và trầm cảm bao gồm cả tự tử”.
Có rất nhiều người trẻ bị tác động và sợ hãi, bị rơi vào những tình huống hay thử thách không an toàn. Nhiều người trong số họ đang tìm kiếm sự giúp đỡ và chia sẻ về những gì họ đang phải trải qua.
“Con không được phép là người đồng tính”
Mia, một sinh viên năm cuối đại học, nói rằng cho đến khi học đại học, cuối cùng cô cũng có thể hoàn toàn “là chính mình” với lá cờ bảy sắc cầu vồng tự hào trong căn phòng của mình. Bạn bè của cô ấy đang đón nhận cô và cô cảm thấy họ như gia đình của mình. Mia nói: “Họ yêu thương con người thật của tôi”.
Nhưng cha mẹ cô là người truyền giáo và điều mà họ nói với cô là: “Con không được phép là người đồng tính, con phải rửa tội điều đó với dấu thánh giá nếu con muốn theo đạo Cơ đốc”.
Mia nói rằng bố cô ấy rất tức giận và chán nản về cô và cô nghĩ rằng có lẽ bố của cô đã nghi ngờ rằng cô là người đồng tính. Và cô sợ rằng cô sẽ bị từ chối nếu gia đình biết cô là đồng tính nữ.
Cô quyết định đến “nương tựa” tại nhà của một người bạn vì đó không phải là nơi độc hại về cảm xúc đối với cô. Bố mẹ của bạn cô “không lạm dụng và họ cho phép bạn có ý kiến khác với họ. Họ không quan tâm đến việc tôi là người đồng tính. Tôi luôn được chấp nhận”.
Dù vậy, cô rất buồn vì không thể ở nhà với gia đình của mình, cô nhớ họ, đặc biệt là mẹ. Cô ấy nói rằng họ luôn là một phần quan trọng trong cuộc sống của cô.
Những tác động đến người trẻ bao gồm từ cảm giác tội lỗi, xấu hổ hoặc sợ hãi đến lo lắng về sự an toàn thể chất của bản thân. Nhiều cha mẹ không nhận thức được sự nghiêm trọng trong hành động từ chối con cái của bản thân rằng nó có thể ảnh hưởng đến tâm lý con rất nhiều. Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2009, những người trẻ LGBTQ+ bị gia đình từ chối có nguy cơ tự tử cao hơn gấp tám lần so với những người không bị gia đình từ chối.
Đối mặt với sự từ chối, phủ nhận và thù ghét
Rời khỏi môi trường đại học chấp nhận mình có thể sẽ đặc biệt đau đớn đối với những người chuyển giới. Khi bị buộc phải trở lại nhà của mình, nơi người trẻ không chỉ không nhận được sự ủng hộ cơ bản mà họ còn có thể bị bố mẹ gọi bằng một cái tên hay đại từ xưng hô khác hoàn toàn với cái tên hay đại từ xưng hô mà họ sử dụng trong phần lớn cuộc đời mình, thứ không thể hiện được giới tính thật của họ.
Tất nhiên là cũng có những gia đình ủng hộ, chấp nhận, và một vài gia đình thì “cố gắng hết sức”, nhưng cũng có những bậc cha mẹ nói với con cái họ những điều đau lòng đến mức chúng ta không muốn tưởng tượng. “Sự tồn tại ghê tởm trước Chúa”, “Sự ô nhục đối với gia đình này”... Hẳn là mọi người sẽ không ngừng tự hỏi rằng tại sao bậc cha mẹ lại có thể từ chối bản sắc giới tính của con cái mình một cách khắc nghiệt đến vậy.
Duy trì sự kết nối với người khác
Nhiều người trẻ LGBTQ+ cảm thấy hoàn toàn đơn độc khi trở lại môi trường mà họ không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào, thậm chí là phải ở bên những người không chấp nhận hay thù ghét họ.
Khoảng cách về mặt thể xác không có nghĩa là bị cô lập xã hội. Các bạn trẻ nên tiếp cận với những người ủng hộ con người thật của mình, bởi vì gia đình hay bạn bè không phải là những nhóm người duy nhất. Có rất nhiều người ngoài kia sẵn sàng ủng hộ các bạn.
May mắn thay trong thế giới ngày nay, thật không khó để tìm thấy những “địa điểm” kết nối trực tuyến. Những người trẻ tuổi cần kết nối với một cộng đồng hoặc ít nhất là với những người bạn chấp nhận con người của mình và chia sẻ hệ thống giá trị của họ.
Và một điều quan trọng mà người trẻ LGBTQ+ cần ghi nhớ đó là sự vô vọng mà các bạn đang cảm nhận được bây giờ sẽ không kéo dài mãi mãi! Giãn cách xã hội rồi sẽ hết, các trường học sẽ mở cửa trở lại dù sớm hay muộn và cuối cùng, đại dịch cũng sẽ tan biến mà thôi. Vì vậy, hãy sống thật tích cực lên nhé!
----------------
Ngày 28/6/1969 được coi là mốc đánh dấu bước khởi đầu của phong trào đấu tranh đòi quyền lợi cho cộng đồng LGBTQ+ trên toàn thế giới, cũng là căn nguyên của Tháng Tự Hào sau này, một dịp để toàn thế giới tôn vinh sự đa dạng về giới và tính dục. Sau 52 năm, ngày 28/6 năm nay, tập trung chia sẻ những câu chuyện về cộng đồng LGBTQ+ Việt nhưng đặt trong giá trị thiêng liêng của tình cảm gia đình vì 28/6 cũng là ngày Gia đình Việt Nam. Hãy cùng lắng nghe để xóa bỏ những định kiến còn tồn tại vì sự bình đẳng cho cộng đồng LGBTQ+!
Nguồn: TH&PL