Tôi mong tất cả mọi người đặc biệt là những người thân yêu của mình sẽ hiểu và chấp nhận tôi như cách mà tôi đã chấp nhận chính mình.
Đầu óc trống rỗng, dường như mọi thứ đã tê liệt kể từ khi tôi xác nhận mình là người đồng tính. Tôi sợ hãi với việc đối diện với bản thân, tôi chán ghét tôi và đã tự oán trách: "Tại sao lại như thế?". Nhưng đó mới là bản thể thật sự của tôi, tôi cần phải chấp nhận và đối diện rằng: Tôi là người đồng tính!
Lần đầu tôi cảm nhận được con người thực sự của mình
Khoảnh khắc nhận ra bản thân không hoàn toàn là một đứa con trai cũng không phải một đứa con gái sẽ ra sao? Tôi đã đối mặt với nhiều sự thay đổi cả về tâm lý và cơ thể khi một đứa trẻ bắt đầu bị đẩy vào ngưỡng cửa để trở thành người lớn.
Khi mà tôi chưa thật sự hiểu hết thế nào là “giới tính” nhưng lại nhận ra sự khác biệt của bản thân và “giới tính thật" đang được bộc lộ khác với những gì bên ngoài chúng đang có. Cảm xúc rung động đầu đời chợt đến nhưng nó lại dành cho một bạn cùng giới.
Tôi nhận thấy dường như mình vẫn cư xử và muốn được nhìn nhận khác với giới tính mình đang có. Tôi nhận thấy một con người khác của bản thân, có chút lạ lùng nhưng lại vô cùng quen thuộc. Tôi thấy tôi là chính mình khi sống như con người đó và phải chăng đó mới chính là tôi!
Áp lực bắt đầu ùa tới
Khi chắc chắn bản thân là người đồng tính, cha mẹ và người thân là những người mà tôi muốn giữ bí mật nhất. Bởi tôi lo sợ. Việc “come out” có thể khiến cha mẹ bị shock và thất vọng bởi đa phần phụ huynh không ai muốn con em là mình là người đồng tính cả.
Áp lực càng đè nặng hơn khi tôi là đứa con trai duy nhất của gia đình. Dẫu cho xã hội ngày nay đã có cái nhìn thoáng, cởi mở hơn đối với cộng đồng LGBT nhưng việc chấp nhận con cái là người đồng tính vẫn là quá khó với cha mẹ. Tôi hiểu điều đó.
Tôi từng chứng kiến cậu bạn lấy hết dũng khí để nói hết với mẹ rằng: “Mẹ, con là người đồng tính”. Và dù mẹ cậu biết rõ điều đó bởi cậu sớm đã thể hiện mình là một đứa “con gái” nhưng bà ấy vẫn khóc rất nhiều và cầu xin cậu đừng nói ra, đừng làm vậy vì cậu là con trai duy nhất của bố mẹ cậu.
Thêm nữa nỗi sợ xã hội phán xét, kỳ thị... dần khiến con người ta mắc kẹt giữa: sống cuộc đời của chính mình hay tiếp tục “diễn” để làm “đứa con có hiếu”.
Tôi từng muốn chối bỏ nhưng rồi cũng phải thừa nhận bản thân
Tôi từng đọc câu chuyện Đào Bá Lộc từng kể: “Tôi vẫn nhớ năm lớp 4. Rất thích búp bê Barbie. Một buổi sáng trước khi đi học, tôi thấy tờ báo Công An để ngay kệ dép. Tò mò tôi đọc! Trang nhất ghi rằng: 'Bệnh đồng tính! Và các bác sĩ chẩn đoán có khả năng do một hạch trong cơ thể gây ra tâm lý khác thường này cho bệnh nhân – những người đồng tính'. Trang báo này ám ảnh tôi mãi về sau”.
Đào Bá Lộc nói thêm đó là do mẹ anh đọc được và cố tình để đó cho anh xem và suốt thời gian sau đó anh nghĩ mình “sai”. Sự kỳ thị, phân biệt của xã hội hay những định kiến từ trước khiến tôi có lúc thấy mình “kỳ cục” và có vẻ đang “sai” thật. Nhưng thời gian đã chứng minh đồng tính không phải một căn bệnh và tôi cũng không sai.
Một mình trải qua nhiều nỗi dằn vặt trên con đường tìm kiếm bản thân tôi vẫn phải khẳng định “tôi là người đồng tính”. Và tôi mong tất cả mọi người đặc biệt là những người thân yêu của mình sẽ hiểu và chấp nhận tôi như cách mà tôi đã chấp nhận chính mình.
Pride Month - Tháng tự hào LGBT không chỉ dành riêng cho cộng đồng LGBT mà còn là sự kiện kết nối tất cả những ai đã và đang đồng hành cùng lá cờ lục sắc. Tuyến bài #PrideMonth của mục GenVie sẽ cùng bạn khám phá những góc nhìn, quan điểm và chia sẻ những câu chuyện đầy cảm hứng về cộng đồng LGBT. Chúng tôi hy vọng có thể gửi đến tất cả thông điệp: Hãy luôn là chính mình trong mọi khoảnh khắc!
Nguồn: TH&PL