Rei - chủ nhân podcast Tea You: "Mẹ từng bắt tôi đi khám nếu thích con trai"

“Có ba yếu tố để đạt đến điểm come-out, đó là gia đình có đủ kiến thức và không quá kỳ thị, bản thân bạn biết được mình là ai, và có định hướng rõ ràng với nó" - Rei.

Rei, tên thật là Nguyễn Văn Đức Mạnh - người đã sáng lập nên kênh Podcast Tea YouTea You Channel về xu hướng phát triển bản thân và làm chủ cuộc sống. Kênh Tea You chủ yếu chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm để giới trẻ tự mình quản lý thời gian, tài chính, lập kế hoạch và có lối sống healthy hơn.

Bên cạnh công việc Content Creator, hiện Rei còn là Digital Marketer cho công ty Thụy Sĩ Ethical Gmbh. Trước đây, anh là du học sinh của trường Ritsumeikan APU Nhật Bản, không những thế anh còn giành được học bổng Ando Momofuku trong 4 năm "tu nghiệp" tại xứ sở hoa anh đào.

Nhân dịp tháng Tự Hào (Pride Month) vào một ngày tháng 6, đã có một buổi trò chuyện thân tình với Rei về quá trình công khai xu hướng tính dục của bản thân (come out) và những góc nhìn xoay quanh chuyện giới tính.

rei chu nhan podcast tea you me tung bat toi di kham neu thich con trai - anh 0

"Mẹ ơi con đang quen bạn này"

Chào Rei, bạn biết mình là Gay từ khi nào?

Lúc còn nhỏ mình chưa có định hình về giới tính, mình đã từng đòi mua búp bê (cười). Đó chắc là dấu hiệu đầu tiên, nhưng gia đình cũng không để ý lắm, vì ngoài búp bê mình cũng chơi nhiều thứ khác nữa. Sau đó học lớp 4, mình làm lớp phó, có một bạn nam làm lớp trưởng, bạn đó ngỏ lời làm người yêu với mình, và mình đồng ý.

Với mình khi đó "người yêu" có nghĩa là hai người luôn đi cùng với nhau thôi, xung quanh cũng rất ít người quen nhau để có đối chiếu như thế nào là "bình thường". Đến tuổi dậy thì, mình mới xác nhận, mình bị hấp dẫn bởi bạn nam nhiều hơn là bạn nữ. 

Khi đó bạn có nghĩ mình cần phải nói ra?

Hồi quen bạn đó khi học lớp 4, mình không nói ra, đơn giản vì cảm thấy gia đình nghĩ mình còn nhỏ, không muốn con yêu sớm, hy vọng con tập trung học hành. Lúc lên cấp 2, mình chơi với bạn nữ nhiều hơn là bạn nam. Mình nghĩ là mẹ mình có cảm nhận được, mẹ cũng từng hỏi trực tiếp khi mình chơi với một vài bạn nam, con có thích bạn đó không, nếu có thì mẹ dắt đi khám. Mình sợ quá, chối bay chối biến (cười). Sau đó tới năm 3 đại học thì mình mới thừa nhận với mẹ.

rei chu nhan podcast tea you me tung bat toi di kham neu thich con trai - anh 0

Cuộc come-out của bạn với mẹ diễn ra như thế nào? Sự kiện gì đã xảy ra dẫn đến quyết định come out khi đó?

Hôm đó là ngày mình và người yêu hiện tại chính thức yêu nhau. Trước đó hai đứa mình có thử hẹn hò, nhưng đến hôm đó mới xác nhận quen nhau. Mình cảm thấy tự tin và có tương lai với người này, cảm xúc dâng trào, mình nhắn tin cho mẹ khi ngồi trên xe bus: “Mẹ ơi con đang quen bạn này”. 

Phản ứng của mẹ ra sao?

Chắc chắn mẹ có bị sốc, sau đó mẹ quan tâm hỏi han mình, hai đứa quen nhau lâu chưa, chuyện công việc thế nào, dự định tương lai ra sao vân vân. Mình không biết chắc tiến triển sự việc thế nào, vì khi đó đang du học ở Nhật. So với hồi học cấp 2, mình cảm thấy gia đình đã được tiếp nhận nhiều thông tin hơn và không còn quá kỳ thị nữa.

Ngoài ra, vì ở xa nhà, cả mình và gia đình đều cho nhau được không gian và thời gian để từ từ chấp nhận thông tin. Nếu ở cùng dưới một mái nhà, thường xuyên nhắc tới, có thể không khí sẽ trở nên gay gắt.

3 yếu tố cần có để come-out: gia đình đủ kiến thức, bạn biết mình là ai và có định hướng rõ ràng với nó

Bạn có lời khuyên gì dành cho những người có dự định come out? Việc come out có nhất thiết diễn ra vào lúc đã độc lập tài chính?

Thời điểm mình come out, tức năm ba đại học, thì mình vẫn là sinh viên, chưa thực sự độc lập tài chính. Nhưng đúng là mình có đi làm part-time, có học bổng và không còn bị phụ thuộc quá nhiều tài chính vào gia đình, cũng đủ khả năng để tìm được một công việc sau khi tốt nghiệp. Có ba yếu tố bạn cần để đạt đến "điểm come-out'', đó là gia đình có đủ kiến thức và không quá kỳ thị, bản thân bạn biết rõ mình là ai, và có định hướng rõ ràng với nó.

rei chu nhan podcast tea you me tung bat toi di kham neu thich con trai - anh 0

Trước khi đối diện với người khác, bạn có gặp khó khăn để chấp nhận xu hướng tính dục của chính mình không?

Có một chút, vốn là một người không quá tự tin, xu hướng tính dục có phần khiến mình thêm tự ti. Nhưng mình nghĩ là mình may mắn, người đầu tiên mình quen từ lúc còn chưa định hình giới, nên với mình hai người con trai quen nhau là một tình cảm đẹp. Sau này mình biết là mình "khác", nhưng mình không buồn vì việc đó.

Từng là một du học sinh, những môi trường bạn từng ở có nhìn nhận cởi mở về giới tính hơn so với Việt Nam?

Thật sự mình bị kẹt giữa rất nhiều văn hóa khác nhau: Việt Nam, Nhật Bản, quốc tế. Mỗi môi trường có độ mở khác nhau về giới tính, khi ở đâu thì mình nương theo văn hóa ở đó. Người Nhật rất kín đáo, họ không bao giờ chủ động hỏi về chuyện giới tính, và mình cũng không bao giờ nói.

Đây là ưu điểm lớn đối với những người chưa sẵn sàng để nói ra, nhưng đồng thời, về lâu dài, nó khiến mình có áp lực tinh thần nhất định vì không có cơ hội nói ra sự thật. Việt Nam nói chung chưa quá "thoáng", nhưng thành phố Hồ Chí Minh nơi mình ở, mình cảm nhận được sự "thoải mái" của nó.

rei chu nhan podcast tea you me tung bat toi di kham neu thich con trai - anh 0

Tôi chỉ come-out với đối tượng khiến mình cảm thấy an toàn

Bạn thường ứng xử ra sao trước những câu hỏi "có bạn gái chưa" từ người quen, bạn bè, hoặc người biết bạn qua Teayou?

Với những đối tượng chỉ hỏi "xã giao", mình thường tìm cách lảng tránh hoặc nói bông đùa cho qua. Mình không come-out với tất cả mọi người, chỉ bày tỏ với đối tượng khiến mình cảm thấy an toàn.

Vậy vì sao bạn tiết lộ việc "có bạn trai" trong một video? Việc đăng công khai như vậy có khiến bạn khó kiểm soát đối tượng an toàn để come out?

Đó là một video hiếm hoi mình chia sẻ thông tin cá nhân như vậy, nội dung chính của Teayou hầu hết là giúp người đọc/người xem phát triển về bản thân họ. Mình cũng "filter" bằng cách để câu hỏi đó ở cuối video, và mình cảm nhận được, người xem video đến cuối cùng là đối tượng đủ an toàn để biết.

rei chu nhan podcast tea you me tung bat toi di kham neu thich con trai - anh 0

Trong Pride Month có khá nhiều hoạt động hướng về cộng đồng LGBT, nhưng bạn nghĩ LGBT nên đấu tranh công khai cởi mở hay nên "cư xử như bình thường"?

Đây là một vấn đề khá vĩ mô. Pride Month và diễu hành bắt nguồn từ văn hóa Mỹ, nơi tự do ngôn luận được đề cao, và họ diễu hành để đấu tranh cho nhiều thứ, không chỉ chuyện giới tính. Mình nghĩ, với văn hóa Việt Nam, việc diễu hành không hoàn toàn là một cách hiệu quả, vì chỉ người trong cộng đồng mới đủ quan tâm. Chính mình thuộc LGBT còn chưa tìm hiểu kỹ (haha).

Tuy nhiên, những hoạt động truyền thông liên quan LGBT sẽ góp phần làm tăng sự biết đến (awareness) của người khác. Có thể người ta chưa đủ hiểu, nhưng việc được biết đến là một khởi đầu tốt.

___________

Ngày 28/6/1969 được coi là mốc đánh dấu bước khởi đầu của phong trào đấu tranh đòi quyền lợi cho cộng đồng LGBTQ+ trên toàn thế giới, cũng là căn nguyên của Tháng Tự Hào sau này, một dịp để toàn thế giới tôn vinh sự đa dạng về giới và tính dục. Sau 52 năm, ngày 28/6 năm nay, tập trung chia sẻ những câu chuyện về cộng đồng LGBTQ+ Việt nhưng đặt trong giá trị thiêng liêng của tình cảm gia đình vì 28/6 cũng là ngày Gia đình Việt Nam. Hãy cùng lắng nghe để xóa bỏ những định kiến còn tồn tại vì sự bình đẳng cho cộng đồng LGBTQ+!

#PrideMonth: Ái nữ Gen Z Shayne Trần và hành trình cổ vũ mỗi người toả sáng "là chính mình"

Tại sao ngày 28/06 lại là ngày quan trọng với cộng đồng LGBTQ+?

LGBT bị gia đình từ chối: Nhà nhưng lại chẳng phải nơi an toàn?

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ