Để hiện thực hóa cuộc sống "bình thường mới" trong giai đoạn dịch Covid-19 thì nhiều nước đã bắt đầu triển khai "thẻ xanh vaccine".
Trước những nhận định về virus khó có thể chấm dứt trên thế giới trong thời gian tới, cùng lệnh đóng cửa để đảm bảo an toàn cho người dân trong suốt thời gian dài khiến tình hình kinh tế nhiều nước trở nên bất ổn, thậm chí Covid-19 đã cũng có những tác động hết sức nặng nề đến kinh tế và đời sống xã hội của người dân. Trước vấn đề này thì chính sách "Thẻ xanh vaccine" được xem là giải pháp hữu hiệu nhất trong công tác ngăn chặn sự lây lan, cũng như khôi phục lại kinh tế.
Chính sách "Thẻ xanh vaccine" được hiểu như thế nào?
"Thẻ xanh vaccine" được xem là một loại giấy chứng nhận cá nhân đã được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đầy đủ, đã từng mắc bệnh nhưng đã khỏi hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với dịch bệnh. Theo đó, tại nhiều nước khi có được loại thẻ này thì các cá nhân có thể được tham gia các hoạt động công cộng và dịch vụ, cũng như những lĩnh vực kinh tế - xã hội khác trong nội địa.
Loại giấy chứng nhận này được hầu hết các nước áp dụng trên lĩnh vực điện tử, mọi thứ sẽ được diễn ra nhanh chóng và thuận tiện hơn thông qua việc quét mã QR trên các thiết bị điện thoại. Thông tin sẽ được cập nhật minh bạch và chính xác để người dân được an toàn khi tham gia các hoạt động.
"Thẻ xanh vaccine" chính là cơ hội về một cuộc sống được ổn định trở lại trong bối cảnh mà dịch Covid-19 vẫn chưa có các dấu hiệu suy giảm, nhất là khi nhiều quốc gia trên thế giới đã đẩy mạnh việc tiêm chủng cho người dân. Tuy nhiên, dù triển khai hình thức này nhưng những người có thẻ xanh vẫn buộc phải thực hiện một số biện pháp an toàn về phòng chống dịch bệnh, nói cách khác thì đây là biện pháp nới lỏng giãn cách với một số cá nhân.
Vấn đề "Thẻ xanh vaccine" gây nên những cuộc tranh cãi
Tuy rất hữu ích và nhận được sự đồng tình từ nhiều người, song vấn đề này đã tạo nên những tranh cãi xoay quanh. Nhiều người lo ngại việc nới lỏng về biện pháp an toàn sẽ có thể tạo nên nhiều nguy cơ về sự lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là khi các biến thể mới của virus được ghi nhận và có sự lây lan nghiêm trọng, song đó vấn đề tiêm chủng vaccine tại nhiều nơi vẫn chưa có sự ổn định cho thấy hiệu quả nếu nới lỏng các biện pháp an toàn.
Bên cạnh đó "Thẻ xanh vaccine" cũng đã đặt ra vấn đề về đạo đức khi nhiều người cho đây là sự bất bình đẳng với những người chưa được tiêm chủng, sự không công bằng nằm ở việc hầu hết các loại vaccine, cũng như tình trạng cơ thể con người thì sẽ có những hạn chế về đối tượng tiêm chủng.
Tại Israel nhiều người dân lo ngại chính sách này được triển khai thì bản thân họ sẽ bị kỳ thị bởi chính những người đã được tiêm chủng, điều này cũng sẽ vô tình tạo nên sự phân cấp xã hội. Hội đồng Đạo đức của Đức cũng bày tỏ quan ngại khi nhận thấy vấn đề này có thể sẽ dẫn đến hành vi một số các nhân không nhận được sự quan tâm và hỗ trợ.
Còn tại Pháp, "Thẻ xanh vaccine" được tiến hành trên hầu hết các địa điểm công cộng và dịch vụ, họ cũng xem đây như biện pháp để có thể hối thúc người dân thực hiện tiêm chủng khi tình trạng về số ca nhiễm với biến thể Delta vẫn chưa có dấu hiệu ổn định.
Tuy nhiên, từ khi công bố chính sách này thì đã có một luồng dư luận phản đối mạnh mẽ, thậm chí là có biểu tình phản đối việc áp dụng thẻ xanh vì họ cho rằng đây là sự bất công và phân biệt với những người chưa được tiêm chủng. Ngay sau đó, Chính phủ nước này cũng đã đưa ra nhượng bộ trong giới hạn an toàn, cũng như các biện pháp xử lý trường hợp không tuân thủ.
Nhiều chuyên gia nhận định chính sách này đang phần nào đi ngược với quy định quyền tự do lựa chọn tiêm vaccine hay không của nhiều nước. Việc có nhiều người đã tiêm vaccine từ trước được tham gia các hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí… cũng tìm ẩn nhiều nguy cơ về sự lây nhiễm, cũng như tạo ra sự phân biệt đối xử rất lớn trong xã hội khi có một số khu vực vẫn còn nhiều người chưa có điều kiện được tiêm chủng hay chỉ mới thực hiện 1 liều tiêm duy nhất.
Nhìn chung, trong vấn đề này thì vẫn nên có cách nhìn nhận trong bối cảnh mà tại các quốc gia đã phải chịu nhiều tác động nặng nề đến kinh tế từ khi dịch Covid-19 bùng phát, điều này có thể sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ hơn nữa nếu không có chính sách kịp thời. Hiện nay vaccine được xem là giải pháp hiệu quả và nhanh chóng để bảo vệ sức khỏe con người, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, tạo điều kiện để ổn định cuộc sống, mở cửa lại nền kinh tế.
Giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tiêm ngừa vaccine là một trong những biện pháp hữu hiệu để chúng ta bảo vệ sức khoẻ và trở lại cuộc sống bình thường. Tuyến bài Toàn cảnh Vaccine sẽ giúp độc giả có cái nhìn tích cực, lạc quan và sự hiểu biết nhất định về vaccine Covid-19 để nâng cao ý thức tiêm ngừa và phòng chống dịch bệnh.
Nguồn: TH&PL