Giáo sư Dame Sarah Gilbert nói rằng việc cung cấp liều tăng cường thứ ba cho hàng triệu người là "một quyết định phức tạp".
Nhà khoa học đã phát triển vaccine AstraZeneca, Giáo sư Dame Sarah Gilbert cho biết lộ trình tiêm hai liều vaccine vẫn đang mang lại hiệu quả bảo vệ mạnh mẽ trong vòng 1 năm sau tiêm. Và bà kêu gọi sản xuất thêm vaccine được cấp phép để tăng nguồn cung.
Giáo sư Gilbert, người bắt đầu nghiên cứu phát triển vaccine AstraZeneca vào đầu năm 2020 khi Covid lần đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc, nói với BBC rằng không có dấu hiệu suy giảm khả năng miễn dịch trong các thử nghiệm liên tục về vaccine kể từ đầu tháng 4 năm 2020.
Các xét nghiệm máu trên những tình nguyện viên tham gia tiêm chủng thử nghiệm hơn một năm trước vẫn cho thấy họ đang được bảo vệ tốt.
Bà nói: "AstraZeneca là mũi tiêm đầu tiên có tác động mạnh nhất, dù bạn tiêm nó cho bất kỳ ai đủ điều kiện được tiêm phòng. Chúng tôi ghi nhận được sự bảo vệ tốt sau mũi tiêm đầu tiên và hàng rào bảo vệ sẽ được cải thiện bởi liều thứ hai. Chúng tôi hy vọng hai liều vaccine đủ để duy trì sự bảo vệ này hoặc bổ sung miễn dịch bằng liều thứ ba đối với những người trong diện dễ bị tổn thương".
Giáo sư Gilbert cũng cho biết thế giới cần nhiều lượng và nhiều nguồn cung cấp vaccine hơn. Vì vậy không cần phải lựa chọn giữa việc tiêm chủng cho quốc gia này với quốc gia khác. Giáo sư Gilbert chia sẻ: "Ngày càng có nhiều vaccine được sản xuất và chúng tôi cần tập trung vào việc cung cấp chúng đến các quốc gia thực sự cần".
Thực tế là nhiều nước châu Phi mới chỉ tiêm vaccine cho 2% dân số của họ và những quốc gia chậm phát triển khác nữa. Giáo sư Andrew Pollard, giám đốc của Tập đoàn vaccine Oxford đồng ý rằng có một "ngọn lửa đang hoành hành trên toàn thế giới gây ra áp lực rất lớn đối với hệ thống y tế ở nhiều quốc gia".
Bộ trưởng Y tế Sajid Javid hồi ngày 9/9 cho biết ông đang chờ "lời khuyên cuối cùng" từ JCVI (Ủy ban kết hợp Tiêm chủng và Chủng ngừa), nhưng "tự tin" một chương trình tiêm vaccine tăng cường sẽ bắt đầu vào cuối tháng 9 này. Lời khuyên tạm thời do JCVI đưa ra vào tháng 7 đề xuất hơn 30 triệu người nên tiêm liều tăng cường, bao gồm tất cả người lớn trên 50 tuổi.
Cơ quan tư vấn vaccine của Vương quốc Anh đang cân nhắc việc có cần tiêm liều tăng cường chống lại Covid-19 vào mùa thu này hay không. JCVI đã cho biết liều bổ sung thứ ba nên được cung cấp cho những người có hệ thống miễn dịch suy yếu nghiêm trọng, chiếm tới nửa triệu người ở Anh. Nhưng vẫn chưa quyết định liệu có cần dùng liều tăng cường để mở rộng sự bảo vệ cho số lượng lớn hơn những bộ phận dân số có nguy cơ cao mắc Covid-19 hay không.
Nội dung liên quan
Vương quốc Anh đã báo cáo thêm 37.622 trường hợp coronavirus theo số liệu mới nhất ghi nhận vào ngày 10/9. Cũng đã có 147 trường hợp tử vong khác trong các ca ghi nhận kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút trong vòng 28 ngày trước đó. Hơn 48,3 triệu người ở Anh tương đương 88.8% dân số trên 16 tuổi đã tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên và 43,7 triệu người đã tiêm mũi 2.
Vương quốc Anh đã đặt hàng hơn 540 triệu liều của bảy loại vaccine được cấp phép. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn về tốc độ tiêm chủng ở các nơi khác nhau trên thế giới và chính phủ đã cam kết tài trợ 100 triệu liều vắc xin thặng dư cho các nước kém phát triển hơn trước giữa năm 2022.
Giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tiêm ngừa vaccine là một trong những biện pháp hữu hiệu để chúng ta bảo vệ sức khoẻ và trở lại cuộc sống bình thường. Tuyến bài Toàn cảnh Vaccine sẽ giúp độc giả có cái nhìn tích cực, lạc quan và sự hiểu biết nhất định về vaccine Covid-19 để nâng cao ý thức tiêm ngừa và phòng chống dịch bệnh.
Nguồn: TH&PL