Mới đây, sự việc đau lòng xảy ra khi cha ruột thẳng tay ném con xuống sông chỉ vì mâu thuẫn với vợ, đây lần nữa cho thấy giá trị của trẻ em đang bị xem nhẹ.
Dư luận đang không khỏi phẫn nộ trước thông tin cha ruột tàn độc xuống tay với con gái ruột của mình. Cụ thể, khuya ngày 16/2, sau khi mâu thuẫn với vợ thì người đàn ông đã mang con gái của mình vứt xuống sông Trường Giang (Quảng Nam). Sau khi ra tay thì đối tượng đến trình báo với công an và bị bắt giữ, trong đêm thì người dân cùng lực lượng chức năng cũng đã tìm thấy thi thể của nạn nhân.
Sự việc trên chỉ là một trong số những câu chuyện đau lòng trong suốt thời gian qua, đáng nói hơn cả là người ra tay thủ ác lại chính là gia đình của các em. Mặc dù, nhiều vụ án đã được ra ánh sáng, pháp luật cũng có nhiều chính sách và các tổ chức cũng đang không ngừng tìm kiếm sự bảo vệ đối với trẻ em, nhưng dường như sau tất cả thì tiếng nói của chúng vẫn không được coi trọng.
Liên tiếp những sự việc thương tâm, đâu là nơi đủ an toàn?
Trước đó, sự việc của bé V.A bị bạo hành dưới sự chứng kiến của cha ruột hay bé N.A bị đóng đinh vào đầu… chưa thể nguôi ngoai cơn phẫn nộ trong dư luận. Thì câu chuyện cha ruột nhẫn tâm vứt con mình xuống sông lần nữa khiến nhiều người không khỏi bức xúc và nhận thấy rằng những quyền lợi của trẻ em vẫn chưa thật sự được được nâng cao trong ý thức của nhiều người.
Ai cũng cho rằng trẻ em là đối tượng không hiểu chuyện, là con cái trong gia đình mà tùy ý hành xử theo nhiều cách khác nhau, không đơn giản là việc bắt con nhỏ phải nghe theo ý mình, ở đó còn là sự giáo dục không cho chúng được lên tiếng. Chính điều này đã khiến các vụ bạo hành và xâm hại liên tục được diễn ra, hàng ngàn cuộc đời phải mãi ngủ yên hay chịu đựng vô số những đau đớn về cả thể chất lẫn tinh thần.
Khi gia đình trở thành "cái nôi" sản sinh ra những tội ác thì chắc chắn sẽ chẳng còn nơi là có đủ an toàn đối với quá trình trưởng thành của trẻ. Nhân cách con người thật chất đến từ gia đình, nơi mà các em tiếp xúc hằng ngày và từ đó khám phá ra cái tôi của bản thân, việc liên tục chứng kiến hay trở thành nạn nhân của hành vi tiêu cực có thể khiến trẻ trở nên lệch lạc trong hành vi, suy nghĩ, kể cả là méo mó về nhân cách.
Sự an toàn ở đây được xem như việc gia đình sẽ đảm bảo cho trẻ một không gian đủ an toàn để chúng phát triển, có thể bảo vệ chúng trước những điều tiêu cực từ người lớn. Mặc dù, ta không nên đánh đồng với những giá trị thiêng liêng của gia đình, song cũng cần nhìn nhận thực tế rằng mọi môi trường đều tiềm ẩn những rủi ro đối với trẻ.
Trách nhiệm phụ huynh không chỉ bảo vệ, mà còn là giáo dục
Bên cạnh việc chăm sóc, nuôi dưỡng một đứa trẻ, hạn chế cho chúng tiếp xúc với những điều tiêu cực để trở thành một con người hoàn thiện về nhân cách, thì phụ huynh cũng cần có trách nhiệm trong việc giáo dục trẻ. Nhiều người lại cho rằng đây thuộc về bổn phận của nhà trường, tuy nhiên đó chỉ là một phần bởi thời gian ấu thơ của trẻ phần lớn vẫn ở bên cạnh gia đình.
Giáo dục ở đây còn là sự thay đổi trong cách nghĩ, nhất là trong quan điểm "thương cho roi cho vọt", khi chúng đôi khi lại là cái cớ để bao biện cho hành vi tội ác. Yêu thương là điều cần thiết nhưng phải có sự định hướng đúng đắn, để sao cho trẻ em được hoàn thiện nhân cách của bản thân, việc dùng đòn roi và bạo lực chỉ đang khiến tâm lý trẻ méo mó hơn là sự giáo dục.
Bên cạnh đó, mỗi phụ huynh cũng cần dạy trẻ trong việc bảo vệ cơ thể và quyền lợi của bản thân trong cuộc sống, ngay chính trong gia đình của mình và sau đó là bên ngoài xã hội. Điều này cũng có nghĩa là chúng sẽ có quyền được lên tiếng nói ra những quan điểm và mong muốn của bản thân, thay vì phải cam chịu trong im lặng.
Điều này không hoàn toàn đi trái lại với những giá trị văn hóa lâu đời của ta trong việc kính trọng cha mẹ, đó đơn giản chỉ là một sự thay đổi trong tư duy để thấy rằng trẻ em cũng là một cá thể cần được tôn trọng. Chúng ta sinh một đứa trẻ ra và mang trong mình thiêng chức lớn lao cũng không đồng nghĩa có thể quyết định số phận của chúng, trên thực tế mỗi cá nhân trong xã hội cũng chỉ là một cá thể riêng biệt và chỉ được gắn kết với nhau bởi các mối quan hệ nhất định.
Pháp luật là chế tài, quan trọng vẫn là thay đổi nhận thức
Với những hoạt động không ngừng nghỉ của các tổ chức, sự tiếp nhận thông tin từ các phương tiện truyền thông, cũng như sự lên án từ dư luận. Pháp luật trong vấn đề bảo vệ quyền lợi của trẻ em cũng có nhiều sự nâng cao, cùng với đó là những chế tài xử lý nghiêm minh và kịp thời trong những hành vi sai phạm của con người trong các vấn đề liên quan đến trẻ em.
Tuy nhiên, điều này cũng không thật sự giải quyết được các vấn đề liên quan trong xã hội bởi lẽ vẫn tồn tại rất nhiều những khía cạnh khác nhau, đặc biệt là việc chúng vẫn tồn tại trong việc riêng tư của mỗi gia đình. Điều quan trọng vẫn là sự thay đổi trong nhận thức của những phụ huynh trong việc đảm bảo những quyền lợi cơ bản của trẻ trong cuộc sống.
Những thay đổi trong tư duy sẽ tạo điều kiện để tạo cho trẻ một không gian sống đủ an toàn và lành mạnh. Điều này cũng cần được nhìn nhận trong trách nhiệm đối với cuộc đời của trẻ, khi nhận thấy đủ yêu thương và điều kiện thì hãy đưa ra quyết định sinh con, đừng vì những áp lực vô hình trong cuộc sống hôn nhân mà để trẻ em trở thành "bia đỡ" cho cơn phẫn nộ của người lớn.
Sự thực thi của pháp luật suy cho cùng cũng chỉ là việc xử lý và răn đe, nếu các cá nhân vẫn giữ tư tưởng lạc hậu trong việc nuôi dạy con cái thì những vấn đề liên quan đến bạo hành, xâm phạm cũng không thể được giải quyết. Tất nhiên, trong mọi vấn đề thì yêu thương và lòng trắc ẩn vẫn luôn cần được tồn tại để tội ác sớm được bài trừ trong cuộc sống xã hội.
Nguồn: TH&PL