Chúng tôi - lớp sinh viên bị kẹt lại Sài Gòn những ngày giãn cách nhưng không cô đơn.
Lớp trẻ chúng tôi vừa mới vào Sài Gòn được mấy năm nay, chúng tôi yêu quý cái thành phố này bởi sự bao dung và mến khách của nó. Người ta kể nhiều về tình yêu với Sài Gòn. Riêng lớp trẻ bọn tôi lại thấy nó như một trạm trung chuyển của những niềm thương và nỗi nhớ.
Thời cấp ba, bọn tôi hay nói về những điều xa xỉ ở nơi này, học đại học thì phải lên Sài Gòn, tìm việc cũng lên Sài Gòn, mong ngóng một cuộc đời mới cũng tới Sài Gòn. Và mong những thứ tốt đẹp nhất cũng ở... Sài Gòn!
Sài Gòn luôn nhận phần thiệt về mình để bao dung với biết bao người con tứ xứ, trong đó có chúng tôi!
Sài Gòn trong ký ức của chúng tôi là hình ảnh của mấy cô bán hủ tiếu gõ mối đêm trước cổng ký túc xá hay quán hàng nước quen đường với câu hỏi quen thuộc "thi chưa con?". Tôi đã ở Sài Gòn từ ngày bỡ ngỡ lạc chuyến xe buýt đầu tiên. Tôi đã có bạn bè ở Sài Gòn kể từ lúc lên đại học. Ai ở Sài Gòn cũng có quê, cũng nhớ quê và chắc chắn một điều rằng ai về quê cũng nhớ Sài Gòn.
Có lẽ, những ngày như thế này lại nhớ Sài Gòn hơn gấp bội. Dịch bệnh hoành hành, Sài Gòn giãn cách, người ở Sài Gòn càng khổ hơn trong cái khổ. Sài Gòn vừa "ăn chơi" nhưng cũng vừa lam lũ. Chỉ có điều tôi đặt niềm tin chắc nịch vào cái thành phố chưa bao giờ phụ lòng bất kỳ một ai.
Ngày chưa lên Sài Gòn, người ta hay bảo với nhau nơi đây là chốn xô bồ, người với người như người dưng nước lã. Nhưng lớp trẻ chúng tôi vào đây, sinh sống, học tập và làm việc tự dưng thấy yêu thành phố này quá.
Người ở Sài Gòn tốt lắm, có "chú Minh cô đơn" ở làng đại học hay vá xe miễn phí cho sinh viên, có cô bán hủ tiếu mì hay cho sinh viên thêm mì để ăn no hơn buổi tối, có quán cơm chay từ thiện gần trường để cho bạn nào có đói, nhà có khó thì ăn mà lấy sức học. Có cô bán bánh tráng nướng bữa nào cũng kêu lại cho cái bánh tráng lúc nửa đêm. Có bạn bè xóm trọ chia nhau mấy củ khoai ngày túi hết tiền.
Rồi mấy ngày Sài Gòn "ốm nặng", có những dòng tin nhắn đầy ắp lòng người của cô chủ trọ "dịch bệnh nên tháng này cô giảm tiền trọ cho con".
Nên những ngày này, ở quê mà thương thành phố thắt ruột. Lo là lo cho mình, lo cho người kẹt lại ở Sài Gòn, thương là thương từng con hẻm mới ngày nào tấp nập mà giờ dây giăng kín lối. Càng thương hơn là cái tình cái nghĩa của người Sài Gòn khi giữa những ngày Sài Gòn giãn cách nhưng lòng người thì không giăng dây.
Giữa thời buổi khó khăn, ai ai cũng lo bảo vệ cuộc sống của mình thì có cô chủ trọ "lạ đời" đi ngược thế sự
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến cho đời sống của tất cả những người dân Sài Gòn trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa, trường học dừng hoạt động, thậm chí tất cả các hoạt động kinh doanh mua bán cũng phải tạm ngưng.
Một trong những thành phần bị ảnh hưởng nhiều nhất có lẽ là các công nhân ở các khu công nghiệp có người bị F0, người nghèo và lớp sinh viên bị kẹt lại ở Sài Gòn. Dịch bệnh kéo dài, họ càng lo lắng hơn về gánh nặng như tiền điện nước, tiền nhà hàng tháng phải giải quyết ra làm sao.
"Ấy vậy mà giữa thời buổi khó khăn, ai ai cũng lo bảo vệ cuộc sống của mình thì có cô chủ trọ lạ đời giữa đất Sài Gòn đi ngược lại thế sự". Đây là chia sẻ của bạn Thanh Tuyền, sinh viên năm 3 của Trường Đại học KHXH&NV.
Chạnh lòng trước những đứa sinh viên nghèo bận ở lại đi làm thêm bị kẹt lại nơi đất khách một mình, chị chủ trọ tại khu trọ Tuyền thuê đã giảm tiền trọ tháng này cho sinh viên ở đây. Người ta không ngại chia sẻ với nhau để cùng nhau vững tin qua mùa dịch.
Nhìn thấy nhiều sinh viên lay lắt mùa dịch bệnh phải sống trong cảnh xa nhà, thiếu thốn, chủ nhà trọ đã san sẻ gánh nặng. Hành động ấm lòng ấy khiến nhiều sinh viên không khỏi bất ngờ và mừng rỡ.
"Dù chỉ là một tin nhắn nhỏ của chủ nhà nhưng lại có sức mạnh rất lớn đối với sinh viên chúng tôi đang chật vật bám trụ tại thành phố không thể về quê. Mặc dù chính cô cũng là người đang gặp khó khăn nhưng dựa trên tình hình chung của xã hội, chị vẫn chấp nhận chia sẻ gánh nặng với sinh viên". Huỳnh, sinh viên năm 2 trường Đại học KHXH&NV, một sinh viên kẹt lại ở thành phố nghẹn ngào chia sẻ.
"Mình rất cảm ơn tấm lòng của cô chú những lúc này lắm! Giảm giá như vậy không những giúp cho mình mà còn giúp cho mẹ mình nữa. Gia đình mình sẽ có thêm một khoản tiền. Đối với một số bạn gia đình khá giả thì còn trụ được chứ với một số bạn sinh viên khó khăn như mình thì đây là một việc làm thật sự rất ý nghĩa". Đây là chia sẻ của bạn Vũ Khắc Phong, sinh viên Trường Đại Học Công nghệ TPHCM.
Trong nghịch cảnh, tình người tỏa sáng hơn bất cứ lúc nào. Đối với nhiều người, mấy trăm ngàn ở chốn Sài Gòn chỉ là những đồng chi tiêu bạc cắc. Nhưng đối với một số người, nó là mức chi tiêu gần nửa tháng.
Nguyễn Ngọc Tư có viết: "Hào nhoáng, mơ tưởng như lớp vôi vữa, cứ dần rụng rơi. Thành phố không phải thiên đường cho tất cả cư dân ngụp lặn ở trong lòng nó". Ở thành phố hay nơi nào cũng vậy, có người sống trong sự giàu sang, cũng có người sống bám mặt đường mà mưu sinh qua ngày. Nhưng suy cho cùng, người ta chấp nhận ở lại với nhau là vì tình thương giữa những người xa lạ. Đặc biệt là trong hoàn cảnh khó khăn như thế này!
"Thật sự giảm được bao nhiêu thì đỡ bấy nhiêu, mình cũng thấy được an ủi vì chủ nhà cũng đã có lòng chia sẻ với mình. Ít hay nhiều gì cũng đỡ vì ít ra cũng có tình cảm còn hơn là người lạ dửng dưng". Vì phải hoàn thành việc thực tập hai tháng tại TP.HCM mà bạn Đào, sinh viên năm 3 khoa Du lịch, Trường Đại học KHXH&NV bị kẹt lại ở Sài Gòn.
Dù không quá dư giả nhưng chủ nhà trọ vẫn quyết định san sẻ nhau gánh nặng với đám sinh viên thuê trọ chúng tôi. Chủ nhà trọ mở tiệm rau 0 đồng tiếp tế cho sinh viên. Có cô chủ trọ còn tiếp tế lương thực cùng một số nhu yếu phẩm để chúng tôi có cái ấm lòng giữa những ngày dịch bệnh mà ở xa nhà.
"Nghe tin thành phố giãn cách, hàng quán bán mang về phải tạm ngưng, cô chủ trọ và bạn bè xóm trọ thay nhau vỗ béo tôi trong mùa dịch. Thế mới thấy, bình thường ở chung xóm trọ có ai biết mặt ai. Ấy vậy mà đùng một cái, nhớ hết tên hết mặt chỉ vì mấy gói mì, bó rau". Đây là chia sẻ của Hiếu, sinh viên năm hai Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM.
Đám sinh viên - họ cũng là một phần Sài Gòn, thiếu họ sao Sài Gòn đẹp được!
Sài Gòn lúc nào cũng hào sảng, nhất là trong lúc khó khăn như thế này hai từ "hào sảng" mới thật sự phát huy hết vốn nghĩa thiêng liêng của nó. Dù cho dịch Covid bùng phát trở lại, Sài Gòn có trăm cái khó, cái khổ nhưng người Sài Gòn lúc nào cũng đối xử với nhau nghĩa tình, không tính toán với bất cứ ai.
Nội dung liên quan
Đặc biệt, lớp sinh viên của chúng tôi vẫn tin yêu Sài Gòn như cái mộng mơ vừa đặt chân lên thành phố. Có lẽ không có đám sinh viên này, Sài Gòn cũng mất đi một phần hào khí sức trẻ. Vì thế mà đối với chúng tôi, Sài Gòn cũng bao dung, tình nghĩa như mảnh đất quê ngày nào.
Biết là trong những ngày sắp tới, Sài Gòn còn sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng tất cả chúng ta vẫn một mực tin rằng Sài Gòn sẽ khỏe lại để mãi là mảnh đất bao dung bất cứ ai đặt chân đến nơi này.
''Chờ ngày Sài Gòn… kẹt xe trở lại'' là mong muốn của nhiều người trẻ ở TP.HCM lúc này, cũng là tên tuyến bài được khởi xướng. Trong tuyến bài này, ghi nhận những chia sẻ, những câu chuyện và kỷ niệm về Sài Gòn. Có thể là của một người nổi tiếng, cũng có thể đến từ một bạn trẻ bình thường. Nhưng tất cả cùng gặp nhau ở tình yêu dành cho Sài Gòn và niềm tin thành phố sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh để đường phố đông vui trở lại!
Nguồn: TH&PL