Nhưng giờ tôi không muốn ích kỷ giữ Sài Gòn cho riêng mình nữa.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn đã 22 năm, đó là điều làm tôi thấy mình may mắn hơn rất nhiều bạn trẻ khác. "Sinh ra đã ở vạch đích" - đây là cảm giác của những đứa con Sài Gòn giống như tôi. Vì chúng tôi không cần trải nghiệm cảm giác xa nhà khi lên Đại học, công ăn chuyện làm cũng có sẵn gần nhà chẳng cần đi đâu xa, cũng không cần ở trọ, ở nhà thuê như những sinh viên khác,... nói chúng là "sướng".
Ngày tôi lên Đại học, trong một lớp 80 người thì chỉ có khoảng 5, 6 bạn là dân thường trú tại Sài Gòn. Con số ít ỏi đến mức hiếm hoi khiến tôi giật mình: Chả nhẽ, người Sài Gòn gốc giờ hiếm vậy sao? Chính cái sự hiếm hoi đó làm tôi thấy mình trở nên đặc biệt, khi ai hỏi quê tôi ở đâu, tôi đều tự hào đáp: "Mình ở Sài Gòn!" .
Chẳng biết sao nữa, chỉ là ở cái đất này, người tứ xứ đồn rằng nó xa hoa, lộng lẫy và hơn hết là nó "sang". Không ít bạn trẻ khắp nơi, lấy Sài Gòn làm miền đất hứa cho tương lai rộng mở, họ lên đây để học, để sống, để kiếm tiền và… "xâm chiếm" luôn cả Sài Gòn của người Sài Gòn. Điều đó từng làm tôi khó chịu!
Kẹt xe ai mà không ghét!
Tôi ghét kẹt xe! Và bạn bè tứ xứ của tôi cũng ghét. Có nhiều lúc bất lực giữa Sài Gòn mênh mông, họ còn trách Sài Gòn là cái xứ "ồn ào và xô bồ" chẳng yên bình như quê hương của họ. Thật ra, cái lối sống yên bình cũng là điều làm tôi ao ước được trải nghiệm nhưng mỗi tội sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn thì trải nghiệm làm sao?
Tôi từng ước rằng nếu Sài Gòn chỉ trả về đúng cho người Sài Gòn thì làm gì nó ồn ào và vội vã như vậy. Mỗi năm tôi chỉ chờ đến dịp Tết, khi tất cả những người con tạm trú đều rời xa thành phố để trở về nơi đúng nghĩa họ thuộc về, cũng là lúc Sài Gòn tĩnh lặng lại để nghỉ ngơi. Đổi lại, tết ở Sài Gòn chỉ được bình yên chứ không vui lắm… vì ít người.
Mấy ngày nay Covid-19 ngang dọc khắp Sài Gòn, đường sá 9 giờ tối chỉ chìm trong tiếng mưa. Nếu bạn không phải người Sài Gòn và chưa từng trải nghiệm cái Tết ở đây thì thời gian này chính là cơ hội để bạn thử cảm giác đó: vắng vẻ, bình yên và buồn. Chỉ có Tết đến, người ta trang trí đường phố lên cho lộng lẫy hơn bây giờ thôi.
Mấy ngày giãn cách theo Chỉ thị, người ta cứ hay nói đùa là: Tết Sài Gòn lần thứ 3, thứ 4 trong năm. Tất cả đều có lý do riêng của nó!
Lúc này tôi mới thấy thương cho cái sự vắng vẻ của Sài Gòn. Sài Gòn sinh ra đâu phải để đìu hiu dưới ánh đèn đường như vậy. Dù người Sài Gòn đôi khi thèm bình yên một chút, nhưng chỉ là một chút thôi chứ không phải quá lâu như thế này.
Người Sài Gòn giờ chẳng muốn ích kỷ giữ riêng Sài Gòn cho mình nữa
Gần 2 tháng qua, người ta để lại một Sài Gòn không khói bụi, không kẹt xe, không người í ới gọi nhau, không hàng quán lề đường, không đám đông nhậu nhẹt,... Có quá nhiều cái "không" để người ta tiếc nuối về một Sài Gòn nức tiếng "khói bụi kẹt xe" mà xa hoa, lộng lẫy.
"Sài Gòn hối hả trở lại được không?", là mong muốn không chỉ của riêng người dân Sài Gòn mà là ước nguyện của cả những người con xa xứ. Lúc này, người ta chẳng còn tị nạnh nhau chuyện Sài Gòn là của ai nữa, mà người ta "tay nối tay" mỗi người góp một chút công sức để vực dậy Sài Gòn trở lại.
Sài Gòn yêu những người dân nơi đây, không phân biệt gốc gác, quê quán. Mấy ngày này người ta an ủi nhau Sài Gòn chỉ "nghỉ giải lao" một chút sau một thời gian dài căng mình hứng khói bụi.
Nhưng có lẽ chính bản thân Sài Gòn cũng muốn được trở lại sớm, chấp nhận mình nặng mùi thêm chút vì khói bụi và rác thải; chấp nhận chật chội thêm một chút bởi xe cộ và dòng người; chấp nhận mất đi chút vẻ đẹp tươi trong của mình chỉ để cưu mang những người cần lập nghiệp sinh sống.
Sài Gòn không là của riêng ai hết vì ai cũng là người con của Sài Gòn!
*Bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả, một người dân TP.HCM.
''Chờ ngày Sài Gòn… kẹt xe trở lại'' là mong muốn của nhiều người trẻ ở TP.HCM lúc này, cũng là tên tuyến bài được khởi xướng. Trong tuyến bài này, ghi nhận những chia sẻ, những câu chuyện và kỷ niệm về Sài Gòn. Có thể là của một người nổi tiếng, cũng có thể đến từ một bạn trẻ bình thường. Nhưng tất cả cùng gặp nhau ở tình yêu dành cho Sài Gòn và niềm tin thành phố sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh để đường phố đông vui trở lại!
Nguồn: TH&PL