Dự án thực hiện vẽ 100 bức tranh về Sài Gòn vừa là thử thách, vừa là cơ hội đối với họa sĩ người Philippines - Daniel Tingcungco.
Daniel Tingcungco là một giám đốc nghệ thuật quảng cáo (Advertising Art Director), một người vẽ tranh minh họa (Illustrator) đến từ Manila, Philippines. Anh tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Philippines, Diliman, chuyên ngành Truyền thông thị giác.
Từng bắt đầu vì sở thích và để giải tỏa căng thẳng, vẽ tranh minh họa đã dần trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống và quá trình phát triển sự sáng tạo của anh ấy. Daniel đã từng cộng tác với McDonald's, Avon, Educo và các tập đoàn lớn ở Philippines như Tập đoàn Century Pacific, Tập đoàn Universal Robina, MCA Universal Music, v.v. và các tác phẩm của anh cũng xuất hiện trên nhiều phương tiện như tranh tường, tạp chí, album thu âm hay bộ nhận diện thương hiệu.
Gần đây, Daniel Tingcungco được người Việt Nam biết đến như một họa sĩ tài ba và nhiệt huyết thông qua dự án 100 Góc Phố Sài Gòn (100 Views of Saigon). Lần đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn là dịp Tết Nguyên Đán năm 2019, anh từng đôi lần "hoang mang" về những ngày tháng tiếp theo ở nơi đất khách. Nhưng chỉ một tuần sau đó, Daniel đã "trót yêu" Sài Gòn cho đến giờ và hai năm sau, anh đã hoàn thành một dự án thực sự tuyệt vời mà khi bắt đầu, lại tưởng chừng như không thể.
Không biết trong những năm qua, với tư cách là một người nước ngoài, anh thấy cuộc sống ở Sài Gòn như thế nào?
Trong những năm qua ở Sài Gòn, tôi đã trưởng thành và trải nghiệm rất nhiều điều, tất nhiên, tôi vẫn đang tiếp tục học hỏi từng ngày. Tôi cảm thấy bản thân không chỉ còn là một khách du lịch nước ngoài bình thường nữa, mà tôi đã trở thành một người có thể gọi Sài Gòn là quê hương thứ hai của mình.
Tôi muốn tìm hiểu thật nhiều về phong cảnh và con người nơi đây như một người địa phương - bởi tôi nghĩ, đó là cách tốt nhất để trải nghiệm bất kỳ một nơi nào. Chắc chắn rằng vẫn còn rất nhiều điều tôi chưa biết đến và tôi rất vui khi luôn có những người bạn giúp đỡ mình.
Đâu là yếu tố quyết định khiến anh dành tâm huyết để vẽ tận 100 Góc Phố Sài Gòn như vậy?
100 Góc Phố Sài Gòn là dự án nối tiếp 100 Góc Phố Manila mà tôi đã thực hiện trước đây, được truyền cảm hứng rất nhiều từ "Trăm danh thắng Edo" của danh họa người Nhật Hiroshige. Tôi đã tìm hiểu về nghệ thuật in mộc bản của Nhật Bản, Ukiyo-e, vào thời điểm đó và cũng tình cờ biết đến trào lưu nghệ thuật mới xuất hiện sau đó, có tên là "Shin-hanga" (tân bản họa), kết hợp các yếu tố phương Tây như hiệu ứng ánh sáng và bộc lộ tâm trạng cá nhân, được tiên phong thực hiện bởi Kawase Hasui và Yoshida Hiroshi.
Tôi cũng bị cuốn hút bởi các tác phẩm của danh họa Tatsuro Kiuchi, một người mà với tôi vừa là một người hùng, vừa là một người thầy. Sự sống động và giản dị trong các tác phẩm ấy vẫn thể hiện được rõ ràng cảm xúc của đối tượng hay cảnh được vẽ.
Những nguồn cảm hứng này đã khiến tôi khao khát thực hiện phiên bản 100 góc phố của Manila, vì tôi chưa từng thực hiện dự án như này bao giờ. Tôi cũng muốn vượt qua nỗi sợ vẽ địa điểm hay bối cảnh nữa, nên tôi nghĩ đây sẽ là một thử thách tuyệt vời.
Ban đầu, tôi không có kế hoạch tiếp tục dự án vẽ 100 bức tranh và muốn chuyển sang thực hiện một loại dự án khác. Tuy nhiên, sau một vài ngày dạo quanh Sài Gòn kể từ khi đặt chân đến vùng đất này và được bạn bè động viên, dù chưa biết nhiều về nơi đây nói riêng hay Việt Nam nói chung ngoài những thông tin du lịch điển hình và những quan niệm sai lầm, tôi đã tìm cách để khám phá và quan sát Sài Gòn một cách chi tiết - với đôi mắt mới mẻ và dưới những góc nhìn khác nhau. Bởi vì đối với tôi, vẽ không chỉ là những thao tác trên màn hình hay trên vải bạt, mà còn là vẽ vào trong tim và những ký ức.
Trong quá trình thực hiện dự án này, anh thấy đâu là điểm khó khăn nhất và anh đã vượt qua điều đó như thế nào?
Vấn đề khó nhất của dự án này chính là việc lựa chọn khung cảnh nào để đưa vào, bởi vì chắc chắn rằng không chỉ có một 100 góc phố thể hiện được bầu không khí và những cảm xúc khác nhau của Sài Gòn. Vì thế mà đây không phải là một danh sách cuối cùng, không chỉ dừng lại ở cảm xúc đáng nhớ mà tôi đã cảm nhận được trong suốt quãng thời gian thực hiện dự án mà tôi mong rằng đây sẽ là một điểm khởi đầu, một chỉ dẫn cho những người muốn tạo ra 100 bức tranh của riêng mình, hoặc có thể là hơn thế nữa!
Để nắm bắt được bầu không khí, cảm xúc, điều cốt lõi của một địa điểm với tư cách là một người nước ngoài, ban đầu tôi có sợ rằng mình sẽ không thể hiện được đúng những yếu tố đó, nhưng tôi vẫn tiếp tục vẽ. Nhờ dự án này mà tôi đã gặp rất nhiều người truyền cảm hứng cho tôi và cũng kết được rất nhiều bạn. Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung thực sự đã "cho" tôi rất nhiều và tôi luôn cảm thấy biết ơn mọi người vì đã ủng hộ, sát cánh cùng tôi cho đến ngày hôm nay.
Trong quá trình vẽ tranh, anh đã đi đến rất nhiều địa điểm, không biết có kỷ niệm nào ở Sài Gòn khiến anh nhớ mãi?
Có rất nhiều kỷ niệm nhưng điều tôi nhớ nhất chắc sẽ là khung cảnh trong bức tranh số 50, cảnh đi bộ ngắm Nhà thờ Thánh Jeanne d'Arc, vì đó là lần mà khi tôi suýt bị lạc ở Chợ Lớn, tôi đã vô tình đi ngang qua đúng chính xác khung cảnh trong bản vẽ và bị lay động bởi ánh sáng và bố cục của khung cảnh tại thời điểm đó. Như thể là nơi này "đã gọi tôi" vậy và nó thực sự rất yên bình. Đây cũng là một trong những tác phẩm mà tôi vẽ rất suôn sẻ.
Trong những năm qua, chắc hẳn anh đã kết được thêm rất nhiều người bạn, anh thấy những người bạn Việt Nam như thế nào?
Những người bạn Việt Nam mà tôi có cho đến giờ đều rất niềm nở và ấm áp. Dù tồn tại bất đồng về ngôn ngữ nhưng tôi thực sự không cảm thấy lạc lõng khi ở bên họ, vì họ luôn giúp tôi học hỏi rất nhiều điều về văn hóa Việt Nam, nhờ vậy mà tôi có thể hiểu và nhìn thành phố này theo một cách nhất định.
Cụ thể hơn, những người bạn người Sài Gòn của anh thì sao? Anh có muốn chia sẻ kỷ niệm đặc biệt nào với họ không?
Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ là khi tôi vẽ bức tranh số 82 có tên "Lái xe quanh vòng xoay Điện Biên Phủ". Vì tôi luôn phải đi qua khu vực đông đúc này để đi làm và cảnh tôi vẽ là một khoảnh khắc hiếm hoi vào một chiều Chủ nhật, khi không có nhiều xe cộ qua lại. Tôi đã quyết định đưa người bạn Sài Gòn của tôi (IG @coffee.saigon) vào bức ảnh, vì tôi cảm thấy cảnh này cần một chiếc xe máy (ngầu) như của cậu ấy.
Sau đó, tôi hoàn thành bản vẽ và vào cuối tuần tiếp theo, chúng tôi đi uống cà phê với bạn và tôi thì được cậu ấy chở, ngồi ở yên sau của chiếc xe… rồi chúng tôi vô thức đi ngang qua vòng xoay - vào khoảnh khắc ấy, tôi có một cảm giác siêu thực vì như thể tác phẩm nghệ thuật diễn ra thật trong đời sống vậy! Có lẽ chính những khoảnh khắc chia sẻ cùng bạn bè Sài Gòn đã khiến mọi thứ trở nên đặc biệt.
Tiếp theo là bức tranh số 90 mang tên "Coffee Time" tại Local Saigon Cafe, một tác phẩm mà tôi kết hợp với người bạn của tôi - Qui (IG @quiztran), vẫn là Sài Gòn, nơi tôi đã dành cả chiều để đi cà phê, trà đá, cùng trò chuyện và vui cười về đủ thứ trên đời với bạn bè.
Những kỷ niệm đó thực sự đáng nhớ, bởi vì khi ở bên họ, tôi cảm thấy như đang được ở nhà và thời gian thì cứ thế trôi qua!
Ở góc nhìn của một người làm về nghệ thuật thì kiến trúc và cảnh vật ở Sài Gòn có mang lại cảm hứng gì cho anh không?
Một trong những điều đầu tiên tôi khám phá mỗi khi đến một mảnh đất mới là nhìn vào kiến trúc của thành phố ấy và điều đó đã giúp tôi có nhiều cảm hứng cho dự án này. Từ kiến trúc thuộc địa Pháp nổi tiếng đến kiến trúc miền Nam Việt Nam hiện đại (mid-century modernist) hậu thuộc địa, kiến trúc của thành phố chưa bao giờ khiến tôi thấy chán mỗi khi bước ra ngoài.
Tôi đã biết thêm rất nhiều kiến thức khi đọc cuốn "Khám Phá Sài Gòn - Chợ Lớn" của tác giả Tim Doling, cuốn "Kiến Trúc Hiện Đại Miền Nam Việt Nam - Chủ Nghĩa Hiện Đại Giữa Thế Kỷ" của Mel Schenck, Alexandre Garel và cuốn "Poetic Significance: Sài Gòn Mid-Century Modernist Architecture" của Phạm Phú Vinh.
Các phong cách và cấu trúc kết hợp với nhau, thể hiện những câu chuyện khác nhau, khiến Sài Gòn trở thành một địa điểm thú vị. Và tôi thực sự rất buồn khi biết rằng rất nhiều nơi đang bị phá bỏ để nhường chỗ cho sự "phát triển". Tôi chỉ mong rằng sẽ có nhiều người nhận thức rõ hơn về giá trị của những công trình kiến trúc di sản này và ít nhất là tìm cách thích nghi với thời hiện đại nhưng vẫn bảo vệ được chúng. Bởi chính những kiến trúc này đã tạo nên "tính cách" của Sài Gòn và nếu chúng không còn thì thế hệ mai sau cũng sẽ không còn câu chuyện nào để trải nghiệm nữa.
Sài Gòn đang thực hiện giãn cách để đẩy lùi Covid-19, trong khoảng thời gian ở nhà này, anh có thấy nhớ da diết điều gì của một Sài Gòn bình thường?
Tôi nhớ mọi người và mọi nơi! Tôi nhớ vô cùng cảm giác được đi ra ngoài để trải nghiệm thành phố. Và vì nhiều nhà hàng và địa điểm ăn uống phải đóng cửa tạm thời khiến tôi rất nhớ những quán ăn ruột của mình!
Vậy sau khi hết dịch, điều đầu tiên anh muốn làm ở Sài Gòn là gì?
Điều đầu tiên chắc chắn sẽ là đi ăn những món ăn Việt mà tôi yêu thích ở Sài Gòn và cùng bạn bè đi khám phá những quán cà phê mới rồi!
Không biết anh có tiện bật mí một chút về những kế hoạch trong tương lai?
Trong vài năm tới, tôi vẫn sẽ ở đây. Với tôi, Sài Gòn là nơi ước mơ được chắp cánh và phát triển không ngừng, miễn là bạn luôn nỗ lực vì nó. Tôi muốn nhìn thấy Sài Gòn tiếp tục phát triển và muốn học hỏi nhiều hơn nữa. Tôi cũng có một số dự án trong tương lai lấy cảm hứng từ Sài Gòn và Việt Nam, mọi người hãy đón chờ nhé!
Thưởng thức thêm những bức tranh tuyệt vời của Daniel Tingcungco tại:
Instagram: https://www.instagram.com/cafedandy/
Website: cargocollective.com/danielansel
Nguồn:TH&PL