Có lẽ "sự tử tế" là liều vắc xin tinh thần tốt nhất làm an lòng mọi người.
Giữa những ngày Sài Gòn căng mình chống dịch, thành phố giãn cách nhưng lòng người thì không "giăng dây"! Không phải cứ thấy rào chắn, dây chặn, phong tỏa là đường cách đường, nhà cách nhà, vì tấm lòng của dân Sài Gòn vẫn còn đó.
Sài Gòn năng động khoác lên mình một diện mạo rất khác trong mùa giãn cách: Ấm áp, nghĩa tình!
Sài Gòn được xem là thành phố "không ngủ" nhưng mấy hôm nay, Sài Gòn lại trầm lắng lạ thường. Có lẽ, mấy năm sống ở Sài Gòn, chưa bao giờ tôi thấy Sài Gòn co mình đến thế!
Sài Gòn mấy hôm nay cũng thật lạ, khi cái không khí tấp nập, sôi nổi với tiếng còi xe, tiếng rao "bánh chưng bánh giò", tiếng rôm rả của mấy quán cà phê bệt lại nhường chỗ cho sự yên ả, vắng vẻ đến đau lòng. Ai cũng ngại ra đường vì chẳng muốn làm tổn thương Sài Gòn thêm chút nào nữa!
Những ngày dịch Covid-19 hoành hành trở lại, Sài Gòn bước vào cơn sốt mệt mỏi nhất, sau gần hai năm chung sống với dịch bệnh. Gò Vấp đau một chút, quận 3 đau một chút, rồi cả những quận khác đua nhau đổ bệnh. Thế là Sài Gòn chính thức vào những ngày "ốm nặng". Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, công nhân, người lao động phải mất việc.
Giữa những ngày Sài Gòn căng mình chống dịch, Sài Gòn giãn cách nhưng không cách lòng bởi họ tự trao nhau những câu chuyện tử tế.
Đó là câu chuyện của hội chị em chị Đỗ Thị Tường miệt mài nấu hàng trăm phần cơm giúp người dân vượt qua cơn "bão bệnh" với dòng chia sẻ đầy nghẹn ngào: "Nay mình nấu món này, mai mình nấu món khác, chị chuẩn bị quần quật cả ngày, mệt nhưng vui. Mình có điều kiện hơn thì sao không giúp đỡ người ta". Thế mới biết, cái tình người nơi đây, dân quanh manh kể mà thân thương chừng nào.
Hay những "siêu thị 0 đồng" mọc lên ngay giữa những xóm lao động bị phong tỏa. Ở đây, người lao động nghèo có thể đến chọn mua những món hàng 0 đồng để phần nào vượt qua khó khăn bệnh dịch. Rồi cả những bếp ăn miễn phí đỏ lửa giữa những ngày Sài Gòn ốm nặng cũng cháy sáng tình người.
Rồi câu chuyện ở đường Bùi Văn Ba, phường Tân Thuận Đông, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh cũng làm ta nao lòng. Đó là dân Sài Gòn đi chợ giúp nhau, chia nhau từng cọng rau con cá. Thiếu lương thực thì chia sẻ cùng nhau, cùng động viên nhau, hàng xóm vậy mà cũng vui vì gói mì, bó rau!
Bao nhiêu ngày người dân gồng mình chống dịch, là bấy nhiêu ngày ta thấy thành phố nghĩa tình đến thế. Không ồn ào cũng chẳng phô trương nhưng lại rất đỗi nhân văn, như thương hiệu từ bao năm mà thành phố này có được "Sài Gòn lúc nào cũng dễ thở... Dù khói bụi, chật chội, dù kẹt xe, nước ngập nhưng đầy ắp tình người tứ xứ".
Tôi nhớ, Nguyễn Ngọc Tư có viết một đoạn trong "Bóng của thành phố": "Hào nhoáng, mơ tưởng như lớp vôi vữa, cứ dần rụng rơi. Thành phố không phải thiên đường cho tất cả cư dân lặn ngụp trong lòng nó".
Sài Gòn được xem là mảnh đất mưu sinh của dân tứ xứ. Ngày thường người ta ngó lơ nhau nhưng khi Sài Gòn ốm nặng, người dân cũng không bỏ lại nhau. Từ chị bán xôi, bà nhặt ve chai, anh xăm trổ Minh Râu bán rau "ngầu lòi" hay cô công nhân, chị gái ngồi văn phòng đến anh thầu công trường, bác giám đốc đều cùng sống trong một nghịch cảnh, bảo bọc nhau đi qua ngày giãn cách.
Thế mới thấy, người Sài Gòn ngày thường "thấy ghét" vì họ bận mưu sinh chứ không phải họ coi đây là trốn xa lạ.
Ngày Sài Gòn đổ bệnh, tự dưng có một lớp trẻ đáng tự hào!
Thế hệ Gen Z chúng tôi mới vào Sài Gòn cách đây vài năm, sinh sống, học tập, làm việc rồi chúng tôi cũng quen dần mình thành "người Sài Gòn" bởi chúng tôi học được cái sự tử tế. Sài Gòn đổ bệnh, thế là một số bạn trẻ kẹt lại nơi này vì nhiều lý do khác nhau.
Có bạn thì không có chuyến xe về quê do dịch bệnh, có bạn thì bận ở lại thực tập, có bạn bận ở lại đi làm. Thế nhưng, Sài Gòn - "máu tử tế" đã ăn sâu! Các bạn trẻ thấu hiểu rằng Sài Gòn đang cần chúng mình chia sẻ, mỗi đứa bớt nghịch ngợm xíu đi cùng nhau đỡ đần cho Sài Gòn nghỉ ngơi còn mau khỏi bệnh.
Với nhiều bạn trẻ sống độc thân, vốn quen việc ăn uống hàng quán bên ngoài. Nhưng đùng một cái, Sài Gòn giãn cách, hàng quán ở thành phố cũng ngừng việc bán mang về. Giữa những bất tiện ấy, các bạn trẻ cùng dãy trọ, cùng xóm chung cư nấu đồ ăn gửi nhau mùa dịch bệnh. Rồi tự nhiên thấy thành phố dễ sống vì con người biết sống với nhau sao cho dễ thương, dễ mến.
Thế là những ngày đầu tiên Sài Gòn giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, người trẻ gom góp yêu thương cùng với niềm tin thành phố nghĩa tình sẽ ổn. Nhóm thiện nguyện tuổi trẻ của bạn Nguyễn Thanh Tâm đã gửi tặng hàng chục phần quà nhu yếu phẩm tới những người có hoàn cảnh khó khăn. Rồi hình ảnh màu áo xanh, áo đỏ tình nguyện "đi chợ giùm dân" ở khắp các khu phong tỏa cũng làm Sài Gòn ngày giãn cách trở nên đáng yêu đến lạ.
Có lẽ, đây là mùa hè đáng nhớ của các bạn trẻ vì nó là mùa hè tình nguyện chống dịch, sẵn sàng kiêm luôn "vai tài xế". Đó là những cuốc xe ôm không lấy tiền chở nhân viên y tế đến điểm làm nhiệm vụ. Đó là những ngày khoác lên mình bộ đồ bảo hộ trực chốt kiểm dịch, điều phối trực tự, nhập liệu thông tin, hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm. Quả là một thế hệ trẻ đáng tự hào, quyết tâm tình nguyện chỉ mong thành phố sớm trở lại để mình mỉm cười với nhau!
Ở nhiều xóm lao động bị phong tỏa, tuần nào cũng tất bật những xe cộ đến tiếp tế từ những nơi thành phố không có dịch. Rồi những câu chuyện ấm lòng mùa dịch được lan tỏa trên mạng xã hội như một thông điệp ấm lòng, người nối người san sẻ với nhau. Có những bạn trẻ đọc được tin tức trên mạng, cũng kêu gọi nhau để gửi chút quà cho bà con đỡ cực.
Ngày Sài Gòn đổ bệnh, có một lớp trẻ đáng tự hào: tình nguyện trên mọi mặt trận, từ nhà ra phố chỉ mong Sài Gòn sẽ khỏe lại thôi!
Chỉ cần chúng ta đồng lòng để... Sài Gòn nghỉ ngơi một lúc!
Tất cả chúng ta có quyền đặt niềm tin rằng Sài Gòn sẽ khỏe lại thôi! Sau cơn ốm nặng, Sài Gòn sẽ sống lại những năm tháng huy hoàng mà nó đã từng có, năng động, ồn ào, náo nhiệt.
Việc của chúng ta bây giờ là hãy ở yên vì bạn yêu Sài Gòn và Sài Gòn yêu bạn. Việc của chúng ta bây giờ là cố gắng trở thành một tế bào khỏe mạnh vì Sài Gòn khỏi bệnh. Việc của chúng ta bây giờ là mỗi người đong cho nhau một chút tấm lòng, "của ít lòng nhiều" vì Sài Gòn yêu thương nhau.
Chúng ta chỉ cần giữ vững niềm tin, sự đoàn kết và hết lòng, ta sẽ vượt qua và những ngày này chỉ sẽ còn là câu chuyện ta kể nhau nghe về sau. Thành phố bị ốm, dân mình phải chăm nhau để ai cũng khỏe mạnh. Tất cả những con người trên mảnh đất này, dù nhỏ bé hay lớn lao họ đều mang tinh thần của người Sài Gòn hào sảng. "Lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn", tất cả cùng nhau chờ ngày Sài gòn khỏi bệnh!
''Chờ ngày Sài Gòn… kẹt xe trở lại'' là mong muốn của nhiều người trẻ ở TP.HCM lúc này, cũng là tên tuyến bài được khởi xướng. Trong tuyến bài này, ghi nhận những chia sẻ, những câu chuyện và kỷ niệm về Sài Gòn. Có thể là của một người nổi tiếng, cũng có thể đến từ một bạn trẻ bình thường. Nhưng tất cả cùng gặp nhau ở tình yêu dành cho Sài Gòn và niềm tin thành phố sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh để đường phố đông vui trở lại!
Nguồn: TH&PL