Gia đình là cái nôi hình thành hành vi tính cách của một con người.
Gia đình là môi trường nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ, gia đình tốt thì đứa trẻ tốt, gia đình "độc hại" thì đứa trẻ chịu ảnh hưởng rất nhiều và chi phối theo nhiều tính cách "độc hại" tương tự.
The Hero: Đôi vai gồng gánh sự chịu trách nhiệm
Đúng như cái tên "người anh hùng", bên ngoài là một người hoàn hảo, có được nhiều thứ mà người khác mong muốn như học vấn, điều kiện kinh tế, các mối quan hệ... thường có xu hướng muốn nhận được nhiều lời khen ngợi và sự quan tâm tích cực.
Sâu bên trong The Hero có một nỗi sợ hãi lớn về sự thất bại và không muốn người khác thất vọng về mình. Áp lực lớn về thành công khi phải trở thành "bộ mặt" của gia đình, áp lực bởi gia đình nên "gắng ép" bản thân phải học xuất sắc, theo học các lớp danh dự, theo đuổi con đường học vấn cao hơn và không bao giờ thất bại. Áp lực trở nên hoàn hảo hơn để được yêu thương đúng mực.
The Hero có thể học các kỹ năng quyết đoán như nói "không", phần nào đó khiến tình trạng của bản thân tiến triển theo hướng tích cực hơn. Họ cũng nên học cách chấp nhận phạm sai lầm và thất bại là điều bình thường. Thay vì áp lực về thành công, The Hero có thể định hướng về những thành tích, lường trước rủi ro và có kế hoạch dự phòng.
The Scapegoat: "Hố đen" của gia đình chuyên gây rắc rối
The Scapegoat đối lập với The Hero, Scapegoat còn được coi là "con cừu đen" khi khó gắn kết các thành viên khác trong gia đình. Họ hoài nghi về mọi thứ nên có xu hướng phòng thủ, tích cách nổi loạn và dễ nóng nảy nên có vẻ bốc đồng. Họ làm vậy để giải tỏa cảm xúc hỗn loạn hoặc gây ấn tượng, thu hút sự quan tâm. Thiên hướng "làm trái" để phản chiếu "bộ mặt thật" của những quy củ, nguyên tắc trong gia đình.
Scapegoat hội tụ những tính cách được cho là sẽ khiến người khác tránh xa, nhưng thực chất bên trong Scapegoat chứa đầy sự xấu hổ, tổn thương khi bị khước từ. Scapegoat có rất ít động lực để thành công bởi vì họ cảm thấy mình là kẻ thất bại và thua cuộc, nhất là khi trong gia đình có một The Hero.
The Scapegoat nên học cách trở nên tốt hơn và cảm thấy bản thân mình có thể tốt hơn hiện tại. Đừng áp lực về vấn đề bản thân mình đã đủ tốt hay xấu hay chưa.
The Mascot: Dùng nụ cười che nỗi đau thương
The Mascot cố gắng biến những xung đột căng thẳng trong gia đình bằng cách bỡn cợt, cố gắng hòa hoãn và mang lại sự bình yên cho gia đình bằng những trò mua vui. Dường như họ là một người hài hước, bề ngoài vui vẻ, hoạt bát và nhiều năng lượng tích cực.
Nhưng khi nỗi đau tiếp tục tích tụ và vẫn được che đậy hoặc tránh né bằng cách bỡn cợt, The Mascot trở nên nặng nề hơn và có thể dẫn đến trầm cảm. Họ cảm thấy áp lực khi phải luôn che đậy nỗi đau của người khác bằng cách khiến người khác cười hoặc vui lên thay vì giải quyết các vấn đề.
The Mascot nên "ứng dụng" sự hài hước của mình trong những tình cảnh khác, trong những vấn đề nghiêm túc của gia đình cần chín chắn và sâu sắc hơn để giải quyết vấn đề. Thay vì hời hợt, cho qua mọi chuyện hãy đào sâu và "diệt cỏ tận gốc".
The Lost Child: Mộng mơ, thu mình vào những không gian riêng
The Lost Child đề cập đến một cá nhân trong một gia đình thường được coi như "vô hình", vì chúng trốn tránh những xáo trộn và lục đục gia đình, tìm vào những không gian riêng của bản thân. Chính vì thế ít gặp rắc rối với người xung quanh và được coi như một đứa trẻ ngoan.
Chúng thường nhút nhát, đam mê với không gian của riêng mình, quen với cô đơn và hiu quạnh. Vì ít giao tiếp nên thường thiếu kỹ năng tự lập và duy trì những mối quan hệ, khó xây dựng mối quan hệ với người khác.
The Lost Child có xu hướng giữ ý kiến của mình và cảm thấy lời nói của mình không đủ trọng lượng trong các câu chuyện. Tình trạng The Lost Child nếu theo chiều hướng tiêu cực có thể dẫn đến trầm cảm hoặc thậm chí là kết thúc cuộc sống nếu gặp biến động tinh thần quá lớn.
The Lost Child nên được dạy và học cách chấp nhận cảm xúc, học cách thể hiện cảm xúc một cách thích hợp. Chúng có thể rất sâu sắc trong việc giải quyết vấn đề vì thường suy nghĩ mọi thứ và chú tâm lắng nghe trước khi nói. The Lost Child cũng rất sáng tạo qua những sở thích hướng nội như viết lách.
The Mediator: Người đứng giữa, trung lập và khoan dung giảng hoà
Xu hướng dung hòa mọi thứ với vai trò người đứng giữa là một đặc điểm thường thấy ở The Mediator. Quan tâm sâu sắc đến người khác, tận tâm với mọi người trong gia đình. Cũng vì thế, vì nghĩ cho người khác quá nhiều mà The Mediator khó khăn trong việc giải quyết những vấn đề chiều sâu của bản thân.
Bởi vì thường bị chi phối nhiều hơn bởi trực giác và cảm xúc, The Mediator cần học cách đấu tranh, dứt khoát trong việc bày tỏ quan điểm cá nhân. Hoặc học cách phát triển chức năng tư duy hướng ngoại có thể giúp những người có kiểu tính cách này tạo ra cảm giác cân bằng tốt hơn.
"Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng", gia đình là một phần tử quan trọng trong xã hội, phần tử tốt thì xã hội văn minh. Gia đình là bước đệm để hình thành nên những con người có ích cho tương lai.
Nguồn: TH&PL