Xa xã hội, gần tình thân: Rồi cũng chính từ giây phút này, các bạn trẻ bồi hồi nhận ra những giá trị gia đình vô cùng quen thuộc đằng sau chính ngôi nhà của mình.
Gần 4 tháng sống chung với chuỗi ngày "không bình thường", người ta cũng đã bình thường trước những điều vốn "không bình thường" nữa. Ban đầu người ta còn thấy sợ khi tiếng xe cấp cứu cứ kéo còi khắp cả thành phố, người ta thảng thốt khi con virus cứ xâm nhập vào cơ thể vô tội vạ. Nhưng rồi thôi không còn bận tâm nữa, phó mặc! Riết người ta cũng dần quen với những chiếc avatar màu đen nhan nhản khắp Facebook. Chợt nhận ra, mình chẳng còn ngỡ ngàng vì Covid...
Nội dung liên quan
Ngần ấy thời gian dịch bệnh hoành hành khắp thành phố, Gen Z cũng kéo về quê để lánh tạm cơn bão bệnh của Sài Gòn. Rồi cũng chính từ giây phút này, các bạn trẻ bồi hồi nhận ra những giá trị tình thân vô cùng quen thuộc đằng sau chính ngôi nhà của mình.
Bởi lẽ có quá nhiều nỗi đau chia cắt, chúng ta nhận ra gia đình có ý nghĩa như thế nào khi nhìn thấy đôi vợ chồng trung niên vượt cái rét trong đêm, xin qua chốt chặn để nhìn mặt mẹ già lần cuối trước khi rời xa cõi đời vì Covid. Chúng ta nhận ra gia đình có ý nghĩa ra sao khi nhìn những đoàn xe máy vượt vài nghìn cây số của người công nhân từ Sài Gòn, Bình Dương mong trở về quê hương.
Ngay cả những lựa chọn hậu sự cuối cùng cho người mình yêu quý cũng không có cơ hội để làm. Trái tim nghe thắt lại khi dịch Covid chưa hẳn là qua đi nhưng có nhiều gia đình giờ đây chỉ còn 1 người ở lại. Nhiều đứa trẻ thơ dại cũng vĩnh viễn mất đi đấng sinh thành. Sự cô đơn đã biến thành nỗi sợ hãi khi những cảnh tượng không ai dám hình dung lại ám ảnh cả cuộc đời.
Covid kéo giãn những khoảng cách trong xã hội nhưng xích gần tình thân lại với nhau, bằng cách này hay cách khác, ở nhà này hay ở ngôi nhà khác đều có sợi dây bền chặt này. Cùng lắng nghe lời tâm sự của những bạn trẻ trong mùa giãn cách để thấy gia đình có ý nghĩa to lớn như thế nào?
"Lời càm ràm của ba, tiếng "mắng chửi" của má - nghe riết mà thấy thương!"
Suốt 18 năm, mọi đứa con đều được nuôi lớn và trưởng thành trong tình yêu cao thượng của cha mẹ. Cũng suốt 18 năm qua, nhà là nơi gắn bó, là nơi đi xa cũng vài ngày rồi thấy nhớ lại về. Thời gian cũng qua, thấm thoát con đã bước sang cột mốc cuộc đời - năm con 18. Không quá lớn những cũng đủ trưởng thành để vỗ cách tập bay.
Chúng ta thường bực dọc khi phải nghe những lời càm ràm của bố mẹ. Lúc đó chỉ biết nghĩ sẽ sớm rời khỏi nhà để không còn bị mắng, bị chửi. Nhưng khi bước vào đời, chúng ta mới chợt nhận ra rằng chỉ có ba mẹ mới đủ thời gian để quan tâm đến những chuyện chúng ta quấy, đủ kiên nhẫn để dạy bảo chúng ta.Còn xã hội này thì sòng phẳng, ai nấy phải tự sống cho cuộc đời của mình.
Chia sẻ với , bạn Huỳnh Ngọc My, quê Đồng Tháp có trải lòng: "Là một sinh viên xa nhà để đi học trên Sài Gòn, giãn cách và được ở nhà lâu thế này phải nói cũng là một cơ hội để mình được gần gũi với gia đình. Là sinh viên rồi thì mới hiểu và trân trọng buổi cơm gia đình biết nhường nào! Nó ấm cúng và rộn ràng như Tết. Bình thường thì đi học xa, lâu lắm mới về, nhưng bây giờ thì được ở suốt bên gia đình, cảm giác được sống ở nơi gọi là nhà nó dễ chịu khó tả lắm. Ở nhà bị ba la, ba rầy suốt; vờn nhau như chó với mèo cùng đứa em cũng thấy thích nữa!"
Với My hay với bao bạn trẻ khác, gia đình là nơi ấm áp nhất trên vũ trụ này. Dù có đi bao lâu, bao xa thì gia đình vẫn là nơi mà ta mong muốn được trở về nhất. Dù cho cuộc sống có bạc bẽo, vùi dập ta thế nào, thì gia đình vẫn ở đó, sưởi ấm ta, đồng hành và tiếp thêm động lực.
Bạn Huyền Trang, quê Bình Thuận cũng bộc bạch tâm sự: "Trong những ngày giãn cách ở nhà lâu thì mình nhận ra chúng đã bỏ quên nhiều thứ. Thời gian quây quần bên gia đình, cùng nấu cơm, chăm vườn, mỗi thành viên có nhiều thời gian để chia sẻ hiểu nhau hơn. Qua mùa giãn cách này mình nhận ra gia đình mãi là tài sản quý giá nhất của mỗi người".
Tình yêu thương gia đình gói gọn trong bữa cơm của má, sợi len của bà... đơn giản nhưng nồng đượm!
Trong truyện "Chuyện con mèo dạy hải âu bay", tình yêu của những con mèo ở bến cảng dành cho chú hảu âu bé nhỏ cũng như tình cảm của bố mẹ. Thứ tình cảm vĩ đại nhất trên đời! Thứ tình cảm khiến bố mẹ biến thành những người cho đi mà không mưu cầu nhận lại .Ngày thành phố giãn cách, những đứa trẻ Gen Z cũng lánh tạm về quê. Giờ đây, nhà là bữa cơm của má, là con cá ba giăng, là nắm rau bà hái. Đủ vị, đủ hương, đủ tình, đủ ấm.
Sau những ngày xa xã hội, gần tình thân, bạn Đỗ Tiến Đạt, quê Hà Nội có chia sẻ: "Gia đình không có một khái niệm rõ ràng vì mỗi khoảng thời gian khác nhau trên con đường trưởng thành của mình thì gia đình lại mang một màu ý nghĩa. Vì từ Hà Nội vài tận trong Nam để đi học nên mình về nhà ít lắm! Thực ra khi đi học 2 năm trước, mỗi lần về nhà chỉ về được 1-2 tuần, nhiều thì 3 tuần như mỗi dịp Tết. Cảm thấy chớp mắt cái đã hết mấy tuần lễ. Lúc đi thì buồn vô cùng nên là đợt này được về nhà suốt 4 tháng, mình cảm thấy vô cùng trân trọng quãng thời gian này. Giá trị lớn nhất đối với mình đó là "tình thân". Đó là tình thương trong bữa cơm, là nụ cười của bà. Tất cả đều rất đỗi thiêng liêng".
Con cái trưởng thành đều là khách! Những ngày con lớn, con ở đời nhiều hơn ở nhà, có khi mấy tháng rồi mấy năm mới về. Một năm cùng lắm là về nhà được hai ba lần. Có khi những đứa con ngoài Bắc vào Nam lập nghiệp mấy năm mới về một lần. Nhưng tấm lòng cha mẹ con nào có hiểu, cả đời này chỉ trông mong con cái, nhà đủ mình ăn bữa cơm.
Dịch bệnh như bỏ lại phía sau cánh cửa gia đình, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng
Jose Carreras từng phát biểu: "Tôi có nơi ẩn náu tuyệt vời đó chính là gia đình". Những ngày dịch bệnh kéo đến vây quanh thành phố, người ta bất lực phải chôn chân tại chỗ, không thể đến công ty cũng không thể đến trường học. Người ta thèm lắm cảm giác được về nhà, về quê. Với những đứa trẻ Gen Z như chúng tôi khi kịp tháo chạy khỏi thành phố cũng là một phần may mắn. Dịch bệnh như bảo lại phía sau cánh cửa gia đình, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Chia sẻ với , bạn Lê Ngọc Tuấn, quê Đắk Lắk trải lòng: "Tình yêu bắt đầu ở nhà; tình yêu sống trong nhà, và đó là nơi an toàn nhất của mình... Đôi lúc mình nghĩ mình dường như đã quá vội vã vì những cuộc vui chơi tuổi trẻ, những khát khao của ngưỡng trưởng thành. Và đại loại như thế, đến nỗi mình có quá ít thời gian với cha mẹ mình. Những ngày dịch bệnh, được ở trong sự yêu thương của tình thân, mình nhận ra được nhiều giá trị.
Mình không còn cư xử cộc cằn như trước nữa mà thay vào đó là nói chuyện với mẹ nhiều hơn. Phụ giúp ba tỉa cây, chăm vườn. Thế là niềm hạnh phúc vỡ òa!"
Khi chúng ta rời xa mái ấm của mình, chúng ta mới nhận ra những giá trị tươi đẹp của cuộc sống. Và bẽ bàng nhất là những lúc dịch bệnh, khi không còn tiền trong túi. Và gia đình, dù ngặt nghèo hay khó khăn cũng luôn dành cho chúng ta những điều tuyệt với nhất.
Tất cả chúng ta cũng không biết bao lâu thì đại dịch sẽ kết thúc nhưng kể từ bây giờ cho đến khi mọi thứ bình thường như trước kia. Hãy dành khoảng thời gian này để yêu gia đình của mình nhiều hơn.
Nguồn: TH&PL