Thế hệ người trẻ sau những ngày “mắc kẹt” ở nhà chắc chắn đã có cho mình những sự thay đổi trong tư duy về cuộc sống.
Trải qua một thời gian dài ở nhà vì lệnh giãn cách do những ảnh hưởng từ dịch bệnh, mọi hoạt động sinh hoạt từ vui chơi, học tập buộc phải duy trì qua Internet, cùng với đó là sự chứng kiến những đau thương từ một thời kỳ khó quên của dân tộc… Tất cả những sự thay đổi và tác động đó, không chỉ mang đến những điều tiêu cực với người trẻ mà còn là những bài học quý giá mà các bạn đã nhận ra sau giai đoạn này.
Mỗi người đều có cho mình những cách đối diện với vấn đề khác nhau, có mất mát và đau thương, chán nản và căng thẳng nhưng cuối cùng mọi cảm xúc đọng lại trong ký ức người trẻ vẫn là sự biết ơn đầy chân thành. Bởi rõ ràng chúng ta đã rất may mắn hơn nhiều người khi vẫn còn có cơ hội để "phục hồi" sau những tổn thương từ dịch bệnh.
Hãy cùng lắng nghe những lời tâm sự của gen Z ở các tỉnh thành về những điều đã trải qua thời gian bình phục như thế nào?
Những kế hoạch bỗng chốc bị thay đổi bởi dịch bệnh
Trở về quê nhà trước khi Sài Gòn "mắc bệnh", cứ tưởng sẽ là khoảng thời gian được nghỉ ngơi nhưng mọi thứ trở nên xáo trộn vì dịch bệnh. Với Tiến Thành (sinh viên ĐH Tài Chính – Marketing) hiện tại ở Gia Lai thì dịch bệnh đã lấy mất đi khá nhiều thứ trong kế hoạch tương lai của bản thân nhưng cũng giúp nhận ra nhiều điều quý giá trong cuộc sống từ những điều tiêu cực.
"Trải qua thời gian dài mình nhận thấy bản thân có nhiều thời gian ở bên gia đình hơn, có nhiều thời gian và cơ hội để học tập, trau dồi trở nên hoàn thiện hơn. Bên cạnh đó thì mình cũng mất đi những kế hoạch của bản thân. Ví như việc sẽ đến trung tâm Anh ngữ luyện thi IELTS để có thể học tập và thi cùng mục tiêu ra trường đúng hạn, hay sẽ tìm cho mình một công việc phù hợp để lấy kinh nghiệm, tạo được tiền đề cho tương lai", Tiến Thành chia sẻ.
Nhận ra gia đình là điều bản thân cần phải trân trọng
Thủy Trúc (sinh viên ĐH KHXH&NV), trở về quê nhà ở Đồng Nai khi trường bắt đầu cho sinh viên chuyển hướng sang học online. Sau khoảng thời gian dài này, tuy vẫn có nhiều những thay đổi khiến bản thân mệt mỏi nhưng Trúc vẫn luôn biết giữ cho mình trạng thái tích cực, lạc quan và đặc biệt là biết trân trọng sức khoẻ hơn xưa rất nhiều và dành tình cảm, sự sẻ chia cho gia đình nhiều hơn.
Nhận ra sự yêu thương từ gia đình, với Thủy Trúc thì bản thân được nhiều hơn là mất: "Thứ mất đi là không được gặp gỡ mọi người, tuy nhiên điều mình nhận lại thì nhiều vô kể, mình có nhiều thời gian hơn để bên cạnh gia đình, điều mà trước giờ mình luôn chán ghét, qua đó mình nhận ra được giá trị của gia đình, được tâm sự với mẹ và quan sát mọi người trong cuộc sống thường ngày nhiều hơn. Song đó, mình cũng có nhiều cơ hội kết bạn, làm quen thêm nhiều bạn mới không kém gì hoạt động offline".
Tạo cơ hội làm thêm tại quê nhà bằng việc kinh doanh
Công việc làm thêm tại Sài Gòn bị dang dở vì dịch bệnh, trở về quê hương học tập online cũng như hầu hết sinh viên khác thì Thái Vinh (sinh viên Đại học Văn Hiến) cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thay đổi trong hình thức học tập. Bên cạnh đó thì Vinh cũng đã tự tạo cho mình những cơ hội bằng việc kinh doanh online trên mạng xã hội, tuy có vất vả trong việc cân bằng thời gian nhưng nó đã giúp bản thân tạo thêm thu nhập phụ giúp gia đình.
"Trong thời gian dịch bệnh mình cũng có được điều kiện để kinh doanh online, đó là làm thêm những chiếc bánh bông lan trứng muối hay những món ăn vật nho nhỏ tại quê nhà. Vì dịch bệnh vẫn phức tạp nên việc giao bánh cũng có nhiều khó khăn nhưng mình thấy may mắn vì vẫn có thể kiếm thêm ít thu nhập để trang trải cuộc sống hằng ngày", Thái Vinh tâm sự.
Bản thân trở nên thích ứng và lạc quan trong mọi hoàn cảnh
Khánh An (sinh viên ĐH KHXH&NV) luôn duy trì trạng thái tích cực trong suốt khoảng thời gian dịch bệnh, cô bạn đã có cho mình rất nhiều những hoạt động trực tuyến khác nhau cũng như duy trì làm việc tại nhà. Tuy có một số khó khăn nhất định trong cuộc sống nhưng An vẫn luôn cố gắng để có thể cải thiện mọi thứ thay vì tiêu cực trong những ngày dịch bệnh.
Khánh An chia sẻ về những điều chính mình đã trải qua: "Mình nhận ra bản thân phải luôn trong trạng thái thích ứng với hoàn cảnh sống và luôn lạc quan. Nguồn thu nhập chính của ba mẹ mình bị cắt ngang, nhưng mình không lấy đó là niềm u buồn và bi quan mà ngược lại mình phải tìm cách để có thể tạo ra nguồn thu nhập cho bản thân mới có thể giúp ích cho gia đình".
Mối quan hệ bạn bè trở nên quan trọng trong giai đoạn này
Nhìn nhận thực tế các nhóm bạn đại học cũng bị hạn chế khi mỗi người đều ở một nơi khác nhau, teamwork hay sinh hoạt câu lạc bộ… tất cả đều diễn ra theo hình thức trực tuyến. Với Phương Đình (sinh viên ĐH KHXH&NV) tuy có nhiều khó khăn nhưng nhóm bạn đó chưa bao giờ giảm bớt đi không khí nhộn nhịp bởi deadline "dí" liên tục, cùng những hoạt động sôi nổi ở giảng đường.
"Thứ mình nhận được đó là sự quan tâm từ các bạn đại học của mình, dù không gặp được nhau nhưng vẫn thường xuyên quan tâm hỏi thăm nhau, cùng nhau học tập và hoàn thành các deadline, thêm vào đó là mình cũng được ở bên những người bạn cấp 3 nhiều hơn sau khoảng thời gian xa cách trên Sài Gòn. Hiện tại mình chỉ mong được trở về Sài Gòn để tiếp tục học tập và làm việc, tạo nhiều kinh nghiệm cho bản thân và hơn hết là gặp lại mọi người", Đình chia sẻ.
Trái tim kinh tế của Việt Nam - TP.HCM - và phần lớn lãnh thổ đất nước vừa trải qua khoảng thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt vì đại dịch Covid-19. Tất cả hoạt động đang tái khởi động về trạng thái bình thường mới sau những cố gắng của chính phủ và người dân. Tuy nhiên, những dư chấn ám ảnh của đại dịch sẽ khiến cho thế hệ chúng ta không bao giờ quên. Hơn 23.000 người Việt Nam đã ra đi mãi mãi (thống kê cho đến tháng 11/2021) và những tổn thương từ thể chất đến tinh thần khó có thể nào lành. khởi động chiến dịch #YouAreNotAlone với một mục đích duy nhất: góp phần hồi phục và chữa lành tất cả tổn thương hiện hữu. Chúng tôi, ban biên tập cùng với những người bạn đồng hành, thật tâm mong rằng, tất cả cùng chung tay để không ai phải lẻ loi một mình khi cuộc sống dần hồi phục.
Nguồn: TH&PL