Điều chỉnh tư thế và khoảng cách với màn hình thiết bị là những biện pháp phòng ngừa đơn giản nhất.
Giờ đây, việc học hành và công việc của chúng ta không chỉ phụ thuộc phần lớn vào máy tính, laptop, máy tính bảng và điện thoại thông minh mà các nguồn giải trí của chúng ta cũng vậy. Tuy nhiên, việc tiếp xúc nhiều với màn hình thiết bị thường xuyên, đặc biệt trong thời gian Work From Home, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thị lực.
Các chuyên gia cho biết hội chứng thị giác máy tính không chỉ ảnh hưởng đến người lớn mà còn cả trẻ nhỏ. Hội chứng thị giác máy tính (Computer Vision Syndrome), còn được gọi là mỏi mắt kỹ thuật số, thực chất là một nhóm các vấn đề liên quan đến thị lực và cơ bắp do sử dụng liên tục các thiết bị có màn hình kỹ thuật số.
Hội chứng này bắt đầu xuất hiện sau giữa thế kỷ 20 và đã gia tăng đáng kể trong thế kỷ 21. Thời gian làm việc tại nhà kéo dài tạo nên nguy cơ lớn khiến con số những người mắc hội chứng này ngày càng tăng nếu không biết cách phòng ngừa hiệu quả.
Các triệu chứng của hội chứng thị giác máy tính
Nhiều người vẫn cho rằng hội chứng này sẽ chỉ ảnh hưởng đến đôi mắt, nhưng thực tế là việc tương tác liên tục với màn hình kỹ thuật số cũng ảnh hưởng đến tư thế ngồi.
Do đó, các triệu chứng của hội chứng thị giác máy tính không chỉ liên quan đến mắt mà còn ở cổ, vai, lưng và cánh tay. Ở những người bị thoái hóa đốt sống, các triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn và thường có thể dẫn đến những cơn đau dữ dội.
Trên thực tế, ngay cả những người đeo kính cận hoặc kính áp tròng cũng có thể gặp phải vấn đề về khoảng cách nhìn, dẫn đến nhu cầu ngồi gần màn hình hơn hoặc nghiêng đầu để đọc tốt hơn. Điều này cũng có thể làm cho các triệu chứng của hội chứng thị giác máy tính tồi tệ hơn. Sau đây là một số triệu rõ nét của hội chứng mà bạn cần chú ý:
- Mỏi mắt
- Nhức đầu
- Mờ mắt
- Khô mắt
- Đau cổ và vai
Điều trị hội chứng thị giác máy tính
Phương pháp điều trị chính xác cho hội chứng này phụ thuộc vào các triệu chứng bạn gặp phải và các điều chỉnh cụ thể cần thiết để giải quyết chúng. Ví dụ: hầu hết mọi người được yêu cầu mang kính mắt và thấu kính hiệu chỉnh để đối phó với việc tiếp xúc ánh sáng xanh.
Những người khác có thể cần thay đổi tư thế và khoảng cách với màn hình. Trong trường hợp nghiêm trọng, khi khả năng tập trung và phối hợp của mắt bị suy giảm, họ có thể sẽ được khuyến nghị liệu pháp thị lực hoặc cải tạo thị giác.
Nội dung liên quan
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Các vấn đề sức khỏe mà hội chứng thị giác máy tính gây ra có thể ảnh hướng đến sức khỏe lâu dài và việc điều trị có thể đòi hỏi cả thời gian và tiền bạc. Rất may, việc ngăn chặn hội chứng này khá dễ dàng và có thể được thực hiện chỉ trong vài bước. Dưới đây là một số cách được các chuyên gia khuyến khích áp dụng:
- Sử dụng kính đeo mắt có khả năng bảo vệ khỏi phát xạ ánh sáng xanh ngay cả khi không có vấn đề về thị lực.
- Giảm thiểu ánh sáng chói từ màn hình bằng cách sử dụng bộ lọc, giảm độ sáng màn hình. Giữ cho màn hình sạch sẽ cũng có thể giúp kiểm soát ánh sáng chói.
- Không đặt màn hình quá gần với mắt. Màn hình máy tính nên cách xa mắt từ 40-75 cm và phần trên của màn hình nên nghiêng ra xa mắt một góc 10-20 độ.
- Ngồi đúng tư thế khi sử dụng máy tính xách tay hoặc máy tính để bàn. Điều chỉnh độ cao của ghế để đảm bảo hai bàn chân nằm vững trên mặt đất và đảm bảo rằng cánh tay có điểm tựa trong khi gõ. Cánh tay và cổ tay không được đặt trên bàn phím hoặc bàn vì điều này cũng có thể gây ra hội chứng ống cổ tay.
- Thường xuyên nghỉ ngơi để mắt được thư giãn. Nhìn vào cây cối hoặc các đồ vật có màu xanh lá cây khi nghỉ ngơi và đừng quên rửa mặt và mắt với nước lạnh.
- Chớp mắt nhiều hơn. Chớp mắt có thể giữ ẩm cho mắt và giúp mắt không bị khô.
----------------
Giãn Cách Không Sai Cách: Làm như thế nào để kỳ giãn cách xã hội của bạn không chìm trong mạng xã hội và những giấc ngủ? GenVie sẽ cùng bạn khám phá hàng loạt những hoạt động thú vị cho dịp ở nhà, cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích để có một mùa giãn cách "đúng cách".
Nguồn: TH&PL