Phân tích tâm lý hành vi: Vì sao đứa trẻ muốn tự sát?

Diễn giả Nguyễn Hữu Trí đã phân tích vì sao những đứa trẻ lại tự sát và cách giáo dục con đúng dành cho người làm cha mẹ.

Phân tích tâm lý hành vi: Vì sao đứa trẻ muốn tự sát?

Ngày 1/4, mạng xã hội xôn xao trước tin nam sinh 16 tuổi nhảy lầu tự vẫn vì áp lực học hành. Nhiều người nổi tiếng đã chia sẻ về vụ việc này. Diễn giả Nguyễn Hữu Trí cũng tâm sự những ý kiến cá nhân xoay quanh câu chuyện thương tâm khiến nhiều người đau xót. Bởi bản thân là người làm về giáo dục, anh nghĩ mình nên chia sẻ những gì được biết để nhiều người không mắc sai lầm.

Chậm lại, ngừng chỉ trích, phán xét

Anh cho biết, bàng hoàng là cảm xúc lớn nhất khi tiếp xúc với tin tức, xem đoạn clip, đọc thư tuyệt mệnh của nam sinh và nghe tiếng la thất thanh của ông bố, bà mẹ. Là người bố có con mười mấy năm, Hữu Trí cho biết anh phần nào mường tượng được nỗi mất mát của bố mẹ cậu bé đó. 

phan tich tam ly hanh vi vi sao dua tre muon tu sat - anh 0
Diễn giả Nguyễn Hữu Trí chia sẻ xoay quanh việc nam sinh 16 tuổi tự vẫn.

Nguyễn Hữu Trí cho hay cả đêm anh suy tư, trăn trở về vấn đề này. "Tôi nghĩ việc đầu tiên chúng ta nên làm ở thời điểm này là ngừng phán xét, chỉ trích, lên lớp dạy đời, phân định đúng sai, vì điều mình thấy chỉ là bề nổi của sự việc. Người Việt có câu nghĩa tử là nghĩa tận, bạn đã mất rồi nên đừng thêm những lời chỉ trích nữa. 

Bố mẹ của bạn đã mất đi điều quý giá nhất cuộc đời, vì không sự mất mát nào có thể đau đớn hơn được nữa. Xin đừng trừng phạt họ bằng sự đay nghiến. Xin mọi người hãy thương họ, vì tôi tin trong câu chuyện này không có bất cứ người nào ác ý với người còn lại. Ba mẹ, thương con không hết mà", anh nói.

Anh cho rằng đôi khi chúng ta thương nhau, nhưng vì thiếu kiến thức, phương pháp, kỹ năng nên vô tình gây tổn thương cho nhau. Có khi, sự tổn thương tuổi thơ trong tâm hồn của bố mẹ chưa được chữa lành khiến họ gây ra tổn thương cho những đứa con, tạo nên những điều vô cùng hối tiếc. Bởi thế, thời điểm này mọi người nên đối đãi với nhau bằng tình thương hơn là sự chỉ trích.

Vì sao đứa trẻ muốn kết liễu cuộc đời?

Nguyễn Hữu Trí chia sẻ, nếu phân tích theo góc nhìn tâm lý hành vi, việc một người quyết định tổn hại đến thân thể mình, tự sát, điểm chung của người trẻ là luôn nhận tất cả lỗi sai về mình. Dù họ có chia sẻ vì lý do này, nguyên nhân kia, nhưng xu hướng chung luôn nhận mình là người sai.

Niềm tin "bản thân tôi là một sự sai lầm" dẫn đến hành vi cuối cùng, họ quyết định sửa sai bằng cách chấm dứt sự tồn tại của mình. Khi niềm tin đó đủ lâu và lớn, họ quyết định chấm dứt cuộc đời. Giống như việc con người ý thức được lười biếng, nói dối là không tốt, họ quyết định chấm dứt những hành vi đó. Và trong tiềm thức của những đứa trẻ, "tôi" ở đây tương tự "lười biếng, nói dối".

Theo chuyên gia về giáo dục, khi dạy một đứa trẻ, thay vì nói chúng sai, ta nên nói hành vi/ cách làm của chúng sai. Vì câu nói "mày sai rồi" vô tình tiêm vào đầu những đứa trẻ niềm tin rằng chúng là một lỗi lầm trong cuộc đời, dẫn đến hành vi tiêu cực, hủy hoại thân thể. 

Nguyễn Hữu Trí cho biết, để một đứa trẻ nhận biết chúng sai, ta phải cho chúng nói và phản biện. Bởi trong thời gian đó, ta mới có thể phân tích, chỉ ra những điểm sai của chúng. "Trong văn hóa gia đình và trường lớp ngày nay thường không cho những đứa trẻ cơ hội được phản biện, tranh luận, trình bày suy nghĩ, đó là điều đáng tiếc", diễn giả nói.

Anh cho biết, quan điểm "phải chỉ ra cái sai để nó tốt hơn" là điều sai lầm. Việc chỉ ra cái sai vô tình bỏ mất những cái đúng, những nỗ lực chúng đã làm. Nên nếu muốn chúng tốt hơn, phải chỉ ra điểm "tốt" thì chúng mới "hơn" được.

phan tich tam ly hanh vi vi sao dua tre muon tu sat - anh 0
Nguyễn Hữu Trí là diễn giả nổi tiếng mảng giáo dục.

Những đứa trẻ ngày nay quá mong manh?

Trước câu hỏi: "Vì sao bây giờ những đứa trẻ quá mong manh, chuyện nhỏ như vậy cũng tự sát?", Nguyễn Hữu Trí mổ xẻ vấn đề. Bởi "tổn thương về tâm lý không nhất thiết tương xứng với tác động về mặt vật lý", khi những đứa trẻ so sánh những gì chúng phải chịu với người xung quanh, chúng cảm thấy bản thân bị ngược đãi.

Ngày xưa, bị đánh xong người ta vẫn cười đùa, vui vẻ vì cả xóm đều thế, đứa trẻ nào cũng bị. Còn ngày nay, khi bị đánh, đứa trẻ đem lên lớp so sánh với bạn bè, bạn chúng không bị thế và chúng cảm thấy tổn thương tâm lý nhiều hơn, dù tác động vật lý không nhiều.

Theo anh, những người lớn sinh ra trong làng, xã, khu phố, còn những đứa trẻ ngày nay sinh ra trong thế giới mạng xã hội. Những bạn trẻ ngày nay lớn lên trong sự kết nối cực cao, biết được những đứa trẻ ở nơi khác được nuôi dạy, cư xử như thế nào.

Sự cải tiến về giáo dục của bố mẹ và thầy cô chậm hơn rất nhiều so với sự tiếp cận của giới trẻ. Một đứa trẻ lớn lên trong góc nhìn toàn cầu nhưng lại được đối xử bằng tư duy làng xã là bi kịch lớn nhất, khiến chúng cảm nhận bản thân bị ngược đãi. 

"Đây là sự trả giá rất lớn cho sự phát triển của công nghệ 4.0 và internet. Bởi thế, tổn thương về tâm lý ta gây ra cho những đứa trẻ lớn hơn rất nhiều so với những gì ta trải qua ngày còn bé", diễn giả chia sẻ.

phan tich tam ly hanh vi vi sao dua tre muon tu sat - anh 0
Tính đến nay, anh đã theo đuổi công việc giáo dục được 15 năm.

Tìm nhiều nơi nương tựa

Nguyễn Hữu Trí cho biết, phụ huynh phải học, phải không ngừng tiến bộ để đồng hành với con mình. Tuy nhiên, trong xã hội bộn bề, công việc bận rộn, phải chăm lo kinh tế, đời sống hằng ngày, đôi khi họ áp lực và không có thời gian. Các bạn nhỏ nên đồng cảm với cha mẹ và tự tìm cho mình điểm tựa, để bản thân không rơi vào bế tắc, tuyệt vọng. 

Nam diễn giả cho biết, trong xã hội ngày nay, các bạn trẻ nên tìm cho mình nhiều nơi để nương tựa, để khi gãy nơi này vẫn còn nơi khác giúp mình bớt cô đơn. Những điểm tựa này có thể xuất phát từ gia đình, họ hàng, bạn bè, thầy cô, xã hội, tôn giáo... Những mối quan hệ xã hội này sẽ giúp ta bớt tuyệt vọng trong những lúc bế tắc nhất.

Tại sao Võ Hà Linh được mệnh danh là 'chiến thần'?

Một Social Star bị tố đi trễ, 'thái độ' với ekip dù 'chưa nổi được bao lâu'

Quiz: Vì sao Trí Thịt Bòa là Trí Thịt Bòa?

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ