Tâm lý nạn nhân là vấn đề ở mọi lứa tuổi nhưng với những người trưởng thành đó là xu hướng đổ lỗi và né tránh trách nhiệm, nói cách khác là không nhận lỗi sai về mình.
Cuộc sống càng có nhiều nỗi lo toan thì mong muốn nhận được sự đồng cảm và sẻ chia gia tăng, đây chính là điều kiện để hình thành nên tâm lý nạn nhân. Đó là những lời than thở về sự công bằng, trách móc người khác, lấy lý do nỗi khổ riêng để bao biện sai lầm… tất cả đều đến từ suy nghĩ đổ lỗi và khát khao nhận được sự quan tâm.
Tâm lý nạn nhân (Victim mentality) là sự rối loạn chức năng trong tư duy, luôn tìm kiếm cảm giác đau khổ để được quan tâm, chú ý hoặc tránh việc chịu trách nhiệm. Họ tin rằng cuộc sống không chỉ nằm ngoài tầm kiểm soát mà còn cố tình làm tổn thương họ. Nói cách khác, không bao giờ nhận lỗi sai về mình mà tìm cách đổ lỗi hoặc cho rằng hoàn cảnh đã gây ra những điều bất hạnh.
Tử tế với chính mình là vấn đề bị nhiều người bỏ quên
Tâm lý nạn nhân cốt lõi đến từ những tổn thương bên trong do điều kiện ngoại cảnh tác động, nhưng trong cuộc sống hiện đại ngày nay thì nhiều người lại đang tự biến mình trở thành nạn nhân trong hầu hết câu chuyện. Điều này đã khiến tâm lý nạn nhân vô tình gắn liền với thói quen tiêu cực, đó là từ chối trách nhiệm của bản thân, xem các vấn đề xảy ra không phải của họ mà là những người xung quanh.
Họ vốn đã quen với việc được an ủi và cảm thông sau những chia sẻ, lấy đây làm cớ để tránh né mọi lỗi lầm, xem những chuyện đau khổ của mình như vỏ bọc để bảo vệ trước mọi sự tác động. Những người mắc hội chứng này thường chẳng bao giờ để tâm đến những lời khuyên chân thành, thứ mà họ mong muốn là sự quan tâm hay đứng về phía họ và khi ai đó có những lời góp ý thì lại nhìn nhận đó như lời chỉ trích để tiếp tục đổ lỗi.
Trong cuộc sống ngày nay, nhiều bạn trẻ cũng đang quên mất việc tử tế với chính bản thân mình bằng cách lắng nghe người khác nói về mình, nhận thấy những tổn thương của bản thân để tìm cách khắc phục hay đơn giản là nhận thức được trách nhiệm. Sự tử tế không phải vấn đề quá xa xỉ, nó đơn giản chỉ đến từ việc hiểu mình nhiều hơn thay vì cứ nhìn về người khác.
Thật ra không ai muốn mình có tâm lý nạn nhân, nhưng tất cả đều đến từ những thói quen của bản thân đã hình thành nên một phần tiêu cực. Cụ thể, là lối sống đổ lỗi cho mọi thứ xung quanh, từ những việc nhỏ nhất trong sinh hoạt đến lớn hơn ngoài xã hội, dần dần tự cho mình được quyền buộc người khác phải yêu thương và tội nghiệp thay vì nhận thấy lỗi và tìm cách sửa chữa.
Đừng cố dùng tâm lý nạn nhân để nhận lại sự yêu thương
Tâm lý nạn nhân thật sự có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống mỗi người, nó vô tình biến chúng ta thành một kẻ bị động trong các vấn đề. Trong mắt mọi người chúng ta cũng trở nên có phần thấp bé, thậm chí tiếng nói không có được giá trị và dễ dàng bị đám đông phớt lời đi bởi họ luôn cho rằng ta là kẻ yếu đuối, thiếu suy nghĩ.
Đừng ảo tưởng rằng tự biến thành một nạn nhân với những câu chuyện đầy nỗi niềm hay lúc nào cũng cho mình là chịu nhiều tổn thương để tránh né mọi việc sẽ nhận lại được tình yêu thương. Thực tế cho thấy điều ngược lại, không ai lại muốn làm việc với một kẻ lúc nào cũng than thở và không hoàn thành được công việc hay không có ai muốn bắt đầu một mối quan hệ với một người không có trách nhiệm.
Đúng là khi được trở thành nạn nhân ta sẽ không chịu trách nhiệm, có được sự quan tâm, giúp đỡ và không bị chỉ trích. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, tất cả những điều này sẽ tạo nên gánh nặng rất lớn đối với các mối quan hệ xung quanh, đặc biệt là công việc và chắc chắn đến một thời điểm thì ta sẽ bị đào thải.
Chúng ta cần chấp nhận hiện thực là ai cũng có những sai lầm của mình, dù lớn hay nhỏ nhưng đó không phải lý do lớn nhất để lo sợ người khác sẽ đánh giá mình. Đáng để lên án là những người đã có lỗi sai nhưng chối bỏ và không dám đối diện hay tìm cách để người khác gánh lấy phần trách nhiệm từ những điều mình đã gây ra.
Để trưởng thành hãy học cách ngừng buộc người khác "tội nghiệp"
Nhìn nhận trước mắt có thể thấy tự biến mình thành nạn nhân đã phần nào giúp con người nhẹ nhàng hơn trong việc gánh vác trách nhiệm. Nhưng song đó là cách nhìn của nhiều người, chúng ta chỉ là những đứa trẻ chưa lớn hay có tư duy chưa phát triển bởi việc đổ lỗi thường vốn chỉ xuất hiện ở những đứa trẻ chưa có đầy đủ nhận thức về các vấn đề.
Việc phân định giữa trẻ con và trưởng thành không phải nằm ở độ tuổi mà là ở việc ta hiểu được bản thân cần có trách nhiệm với những việc mình làm và các mối quan hệ xung quanh. Mọi rủi ro có thể xảy ra trong suốt quá trình nên phải do chính mình đứng ra để nhìn nhận và khắc phục, thay vì than thở hoàn cảnh hay tìm kiếm sự đổ lỗi.
Tâm lý nạn nhân còn xuất hiện trong tình yêu, khi sự trưởng thành chưa có và luôn cho mình là kẻ "tội nghiệp" thì việc bắt đầu một mối quan hệ cũng trở nên rất khó. Trong mắt đối phương những người nạn nhân này đơn giản như những đứa trẻ và họ không đủ can đảm để yêu một người lúc nào cũng tìm đủ mọi lý do để bao biện.
Không có gì khiến con người trưởng thành và trở nên mạnh mẽ bằng việc vấp ngã và nhận thấy lỗi sai, từ đó tìm thấy những điểm chưa hoàn thiện để khắc phục. Song đó thì đừng cố khiến bản thân trở thành nạn nhân hay cho rằng đời thiếu đi sự công bằng, bởi ta chỉ đang là nạn nhân của chính bản thân mình cùng những ám ảnh tư tưởng về sự an toàn.
Nguồn: TH&PL