Mạng xã hội là một cộng đồng phức tạp và dường như nhiều người đang sử dụng nó sai cách.
Gần đây, Chloe Ting, "người bạn đồng hành" quen thuộc đối với những bạn trẻ quan tâm đến fitness, đã đăng tải một video tâm sự với tựa đề "I've had enough" (Tôi đã quá mệt mỏi rồi) lên kênh YouTube hơn 20 triệu lượt subscribe của mình.
Trong video, cô chia sẻ về tất cả những vấn đề khiến cô áp lực và những mệt mỏi mà cô đã phải chịu đựng trong suốt thời gian qua, những điều khiến cô có suy nghĩ giải nghệ và mất đi đam mê sản xuất nội dung khác.
Từ những lời tâm sự thẳng thắn này, có lẽ, Gen Z cũng nên một lần nữa nhìn lại những vấn đề đang diễn ra xung quanh mình và trên mạng xã hội để có thể trở thành một người dùng tỉnh táo và thông minh hơn.
1. Defamation - Đặt điều làm xấu người khác
Đặt điều làm xấu người khác (defamation) là việc làm đưa ra những khẳng định sai sự thật về một cá nhân, gây tổn hại đến danh tiếng của người đó. Đặt điều làm xấu người khác bao gồm hành vi vu khống và phỉ báng. Những hành vi này có thể được thể hiện dưới dạng tin tức, bình luận hay trả lời phỏng vấn.
Chloe Ting bị một người đàn ông đặt điều làm xấu cô trên mạng xã hội, nói rằng cô không có kiến thức về fitness, cô cổ xúy việc ăn socola dẫn đến chứng rối loạn ăn uống hay cô chỉ nổi nhờ mặc đồ tập hở hang và trang điểm…
Sự việc này khiến cô phải thuê luật sư xử lý hơn một năm trời nhưng câu chuyện vẫn không đi đến hồi kết, giờ đây cô quyết định đâm đơn kiện lên tòa và không nhân nhượng hay tha thứ nữa.
Những hành động này hoàn toàn có thể bị phạt và xử lý theo quy định của pháp luật. Vì vậy, các bạn trẻ nên cẩn thận với lời nói và hành vi của mình. Khi đưa một thông tin lên mạng hay bình luận về người khác cần có thông tin xác thực và tránh việc đặt điều làm xấu người khác vì làm xấu người khác cũng không thể khiến bản thân tốt đẹp hơn.
2. Mọi người đang bình thường hóa việc ai cũng có thể bị ghét trên mạng xã hội?
"Tất cả mọi người trên mạng xã hội đều có thể bị ghét và điều này đã được mọi người bình thường hóa", Chloe Ting chia sẻ rằng thực sự thử thách và đau đớn khi người khác cố ý biến mình thành một người tồi tệ.
Từ khi mạng xã hội phát triển, dường như chúng ta đã quen với những câu nói: "bị ghét là chuyện bình thường", "là người nổi tiếng thì phải chịu thôi". Đồng ý rằng mạng xã hội là một cộng đồng phức tạp và mỗi người đều có quan điểm, ý kiến và sở thích riêng. Tuy nhiên, có vẻ nhiều người bị nhầm lẫn giữa việc "tự do ngôn luận" và "cho mình quyền làm tổn thương, làm xấu người khác".
Và những hành vi thù ghét vượt quá giới hạn không phải là chưa từng xảy ra. Những dòng bình luận ác ý thực sự có thể khiến một người mắc các hội chứng về tinh thần, thậm chí có thể cướp đi một mạng sống mãi mãi.
3. Sử dụng tên tuổi của người nổi tiếng để kiếm lợi khi chưa được sự cho phép
Chloe Ting cũng là một "nạn nhân" của sự việc này. Nhiều người dùng tên tuổi của cô để in lên áo rồi đem bán hay sử dụng cho các ứng dụng mà không hề có sự hợp tác với cô. Thậm chí còn có người còn cố gắng giữ bản quyền tên của cô.
Vấn đề bản quyền dường như là một vấn đề không có hồi kết. Nếu mấy ngày trước, mạng xã hội xôn xao với tin tức Phimmoi.net bị khởi tố hình sự vì đăng tải và chiếu phim lậu thì đến hôm nay, vấn đề bản quyền lại được thể hiện dưới một dạng thức khác: đó là về việc sử dụng hình ảnh và tên tuổi của một cá nhân.
Hành động này hoàn toàn có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật hay phải bồi thường ngược lại đối tượng sở hữu hình ảnh và tên.
4. Nhìn lại nhận thức về việc tập thể dục và chế độ tập thể dục của bản thân
Các bạn trẻ cần nhận thức rõ một điều rằng tập thể dục là một việc làm cần sự kiên trì và để có một cơ thể "hoàn hảo" như mong muốn, đó là cả một quá trình. Một video hướng dẫn fitness không thể nào khiến bạn có vòng eo con kiến hay chiếc đùi nhỏ nhắn chỉ sau một lần tập. Giảm cân, để có cơ thể đẹp, không có con đường tắt nào ngoài việc phải liên tục tập luyện nhiều ngày, nhiều tháng.
Chloe Ting là một ví dụ. Có người nói rằng cơ thể của cô chỉ là "hàng fake", trong khi cô đã dấn thân vào con đường "fitness" được 5 năm và cô đã luyện tập rất chăm chỉ chứ không phải là một vóc dáng "trời cho" hay dễ dàng có được.
Và nếu đã tập luyện thể dục vất vả thì cũng nên có chế độ ăn uống lành mạnh để công sức không bị lãng phí. Rất nhiều người tập thể dục hăng say nhưng lại bỏ bữa hay ăn nhiều đồ ăn nhanh khiến những bài tập trở nên vô dụng và không đạt được kết quả gì. Rồi họ quay ra cho rằng những bài tập được hướng dẫn trên mạng chỉ là lừa đảo và không có hiệu quả.
Có thể thấy, mạng xã hội là một con dao hai lưỡi, vì vậy, chúng ta nên sử dụng công cụ này một cách thông minh để vừa đạt được nhu cầu của bản thân mà vừa không ảnh hưởng tiêu cực đến người khác.
Nguồn: TH&PL