Đâu là ranh giới giữa đánh cắp ý tưởng và lấy cảm hứng sáng tác?

Chúng ta có nên bình thường hóa "đạo nhái ý tưởng" bằng khái niệm: Chỉ vì nó là Trend?

Đây luôn là một câu chuyện không có hồi kết giữa những nhà sáng tạo nội dung trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống. Nói một cách dễ hiểu hơn, ở bất kỳ ngành nghề nào cần đến sự sáng tạo chúng ta đều có thể nhìn thấy sự "trùng lặp" ở: hội họa, âm nhạc, phim ảnh, văn học, thời trang, marketing,...

Đặc biệt giữa thời đại mạng xã hội lên ngôi, chúng ta càng dễ thấy sự trùng lặp ý tưởng ẩn mình sau từ "trend". Nghĩa là, người ta thường có xu hướng lấy trend làm cái cớ cho sự "đánh cắp ý tưởng" của mình. Xu hướng này xảy ra rất nhiều trong lĩnh vực marketing, quảng cáo, thiết kế hình ảnh,... và nhiều nhất là trong giới copywriter! Chỉ cần 2 thao tác click chuột là có thể hoàn thành trọn vẹn một màn "đạo văn" lý tưởng mà chẳng lo ai biết...

Mới đây trên mạng xã hội TikTok xuất hiện tài khoản @candy07042000 đã đăng video tố cáo người khác "đạo nhái" ý tưởng, kịch bản clip của mình đến 98,9% với một thái độ vô cùng bức xúc. Đoạn clip bóc phốt đã nổ ra một cuộc tranh cãi lớn, đáng buồn thay, hầu hết các bình luận đều "chỉ trích ngược" người đi bóc phốt! 

Cần làm rõ, "trend" và "cách thực hiện trend" là hoàn toàn khác nhau! 

Những năm gần đây, TikTok trở thành một mạng xã hội chia sẻ video chiếm được cảm tình rất lớn của người dùng bởi nó đáp ứng đủ mọi tiêu chí: hài hước, ngắn gọn và… trendy! 

Tính trendy của TikTok thể hiện qua việc nó được nhiều thực hiện lại và xuất hiện "tràn lan" trên top xu hướng của người dùng. Một trend thành công thể hiện qua độ phủ sóng của nó khi có nhiều người cùng nhau làm và cùng nhau lan tỏa. Tuy nhiên, chúng ta có nên bình thường hóa "đạo nhái ý tưởng" bằng khái niệm: Chỉ vì nó là Trend?

dau la ranh gioi giua danh cap y tuong va lay cam hung sang tac - anh 0
TikTok - mạng xã hội tạo trend đình đám hiện nay

Dưới phần bình luận của video bóc phốt "đạo nhái", không ít người cho rằng việc trùng lặp ý tưởng và nội dung trên TikTok là hoàn toàn bình thường, thay vì bóc phốt thì nên cảm thấy vui vì có người làm lại trào lưu mà mình đã tạo nên. Không dừng lại ở đó, nhiều người còn công kích chê bai video đạo nhái đã làm lại hay hơn bản gốc bằng những lời lẽ khó nghe. 

Và không biết từ bao giờ, người ta lại xem chuyện đạo nhái ý tưởng và lấy cảm hứng sáng tác thành một mà không có bất kỳ ranh giới nào? Mạng xã hội TikTok là nơi để trend được thịnh hành và nhiều người càng làm thì nó càng trở nên phổ biến. Nhưng mỗi video cần mang màu sắc khác nhau và đặc biệt là những Influencer có sức ảnh hưởng lớn càng cần phải tìm cách "đu trend" sao cho khác biệt.

dau la ranh gioi giua danh cap y tuong va lay cam hung sang tac - anh 0
dau la ranh gioi giua danh cap y tuong va lay cam hung sang tac - anh 0
Một số những bình luận gây tranh cãi dưới đoạn clip bóc phốt

Xét kỹ lại câu chuyện trên, rõ ràng đây là một video có kịch bản và có sự đầu tư về chất xám chứ không phải một trend đơn thuần. Tuy nhiên, chỉ vì "nhờ" người khác làm lại hay hơn thì người có quyền quên đi bản gốc như thế nào?

"Sau một ngày đi làm về và lướt Tik Tok mình đã thấy một video giống ý tưởng của mình đến 98,9%. Nhưng trong phần caption hay bình luận đều không có một thông tin nào cho biết rằng video đã lấy ý tưởng từ mình.

Mình biết kênh mình vẫn còn quá bé nhưng dẫu sao video cũng là đứa con tinh thần của mình, là công sức cả ngày mình dành ra để suy nghĩ ý tưởng, viết kịch bản,... cuối cùng bị ăn cắp một cách trắng trợn" - Bạn @@candy07042000 chia sẻ. 

Hãy dừng việc suy nghĩ sai lệch và tôn trọng hơn từ: Credit! 

Với một số lượng khổng lồ các sản phẩm được sáng tạo, thiết kế mỗi ngày thì không khó để chúng ta bắt gặp những sự trùng lặp về ý tưởng hoặc cách triển khai hay thậm chí là cả hai. Sẽ rất khó để chúng ta xác định đâu là sao chép ý tưởng và đâu là lấy cảm hứng sáng tác vì ranh giới giữa hai vế này là vô cùng mong manh. 

dau la ranh gioi giua danh cap y tuong va lay cam hung sang tac - anh 0
Ảnh: Lúp Phương

Những hiện tượng như vậy hoàn toàn không phải là hiếm, và mặc dù có bị mọi người lên án tới mức nào chăng nữa thì cũng không thực sự thuyên giảm. Chúng ta thường nghe câu "Hãy biết cách biến của người khác thành cái của mình", điều này không sai thậm chí còn được áp dụng hiệu quả bao đời nay. Nhưng, đó là lời khuyên để chúng ta học cách "biến hóa" lại, chứ không phải là "lấy" nguyên văn của người khác thành của mình.

Trên trang cá nhân, anh Lê Quang Vũ (Giám đốc điều hành Công ty Truyền thông Blue C) từng cho rằng: "Chuyện "đạo" của xứ mình thì "bình thường như cân đường hộp sữa", đến mức việc thản nhiên copy (sao chép) và paste (dán) một website cũng chả khiến chúng ta xao động là mấy. Chúng ta cứ gào lên đòi tự do sáng tạo, nhưng cái cách chúng ta lười nhác "tự do" vay mượn ý tưởng của người khác thế này thì thử hỏi bao giờ ngành công nghiệp sáng tạo của chúng ta mới ngóc đầu lên được, chưa nói gì đến cất cánh".

dau la ranh gioi giua danh cap y tuong va lay cam hung sang tac - anh 0

Những bạn trẻ làm trong ngành sáng tạo cũng đã chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này. "Chuyện làm sáng tạo và cho ra đời những sản phẩm na ná nhau là rất thường tình. Nhưng mình nghĩ đã là hai cái đầu khác nhau thì không thể cho ra 2 sản phẩm giống nhau như đúc.

Quan trọng là thái độ, nếu copy thì nói là copy chứ đừng giấu vì như vậy chẳng khác nào cổ xúy cho xu hướng bình thường hóa chuyện ăn cắp chất xám của người khác" - Bạn Hồng Hạnh, nhân viên sáng tạo nội dung tại TP.HCM. 

Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc hơn về vấn đề này. Chúng ta ở đây không chỉ riêng những người làm công việc sáng tạo mà còn là sự thay đổi góc nhìn của từng người một trong xã hội. Như đoạn clip bóc phốt trong câu chuyện, chúng ta cần nhiều hơn những bình luận "hiểu chuyện" thay vì xem nhẹ như… chẳng có gì đâu mà! 

TikToker Leng Keng kiếm 100 triệu: Định kiến giới vẫn còn tồn tại giữa thời hiện đại?

Fake News: Sự lừa dối cảm xúc của số đông giữa mùa dịch bệnh

5 triệu views cho 1 clip khoe mặt mộc gây tranh cãi: MXH đang khắc nghiệt hay tôn sùng cái đẹp?

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ