Hà Nội là tình yêu của nhiều người, Hà Nội “ốm” khiến lòng người cũng “ốm” theo.
Kể từ tháng 7 cho đến nay, Hà Nội đã bước sang đợt giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 lần thứ ba. Có những người bị mắc kẹt lại, có những người chẳng thể về với gia đình. Thời gian trôi qua nhanh đến nỗi đôi lúc chúng ta bị mất khái niệm thời gian và có những người thì hai, ba tháng, có những người thì đã bốn, năm tháng chưa được về quê.
Thật kỳ lạ, những con số chỉ thời gian lại có thể khiến người ta thấy được khoảng cách "xa vời vợi". Đường về nhà vốn chỉ vài chục cây số, giờ đây lại thành cách biệt quá đỗi chỉ vì dịch Covid.
Những ngày này, thay vì sốt sắng, nhiều người lựa chọn sống chậm lại để cảm nhận nhiều hơn. Cùng lắng nghe những lời chia sẻ đầy xúc cảm từ những bạn trẻ đang bị "mắc kẹt" tại Hà Nội nhé!
Những ngày Hà Nội giãn cách, bạn nhớ điều gì của một Hà Nội bình thường?
Hà Nội vốn khoác trên mình chiếc áo của sự nhộn nhịp, đông đúc. Ấy vậy mà Covid đến khiến Hà Nội trống trải vô cùng. Những con đường không còn tấp nập và tắc đường. Buổi tối không còn những dải "đèn đỏ" phát ra từ xe máy nối dài các nẻo.
Hà Nội có vô vàn điều khiến người ta phải nhung nhớ, và bạn Loan (sinh viên năm cuối trường Đại học Luật Hà Nội) thấy nhớ da diết công viên cùng những ngày còn được chạy bộ: "Tui ở gần hồ Thành Công, nhớ những ngày trời lạnh chạy bộ một mình xong thấy có những người câu cá cạnh hồ, còn có nhóm lửa bằng củi nữa, trông rất dễ chịu và thân thuộc. Thi thoảng chạy bộ còn được ăn 'cẩu lương', tuy không có người yêu nhưng mà thấy mọi người đang yêu nhau cũng rất là vui.
Cơ mà vừa rồi ở hồ có một chú vừa treo cổ tự tử và còn bị Covid nữa. Chắc hết giãn cách thì không khí hồ cũng sẽ khó trở lại như ban đầu ngay được. Chỉ mong mọi người luôn thật khoẻ mạnh, trân trọng những giây phút bên người yêu thương và mong đừng ai từ bỏ cuộc sống này quá dễ dàng".
Covid là một loại virus, nhưng hình như ta nhìn thấy nó "màu xám". "Màu xám" - chiếc màu u tối của bệnh tật, của những sinh mạng không qua khỏi, của sự cô đơn và của cả nỗi nhớ.
Có điều gì mà vì dịch giã mà lần đầu tiên bạn thử làm?
"Lần đầu tiên mình thử làm các món ăn mình chưa bao giờ làm nè. Vì có nhiều thời gian nên mình đã tìm hiểu và nấu những món mình chưa từng làm", bạn Hường (cử nhân Học viện Tài Chính) chia sẻ.
Còn bạn Lan (sinh viên năm cuối trường Đại học Ngoại Ngữ - ĐHQGHN) tiết lộ: "Lần đầu tiên mình kiên trì tập thể dục 2 tiếng mỗi ngày, đều đặn trong mấy tuần liền".
Dịch giã khiến chúng ta ở nhà nhiều hơn và chính vì vậy mà nhiều người tìm cách làm bản thân "bận rộn" hơn. Thử nấu ăn, thử quay vlog, thử đọc sách tiếng nước ngoài... quả đúng với đặc trưng của những người trẻ là luôn thử thách và luôn tiến về phía trước. Thời gian rảnh được lấp đầy bằng những lần đầu tiên đáng nhớ.
Khoảng thời gian này cũng là lúc chúng ta có thể học được nhiều điều mới. Có thể là học ngoại ngữ, học chỉnh ảnh, chỉnh sửa video, hay học vẽ, học làm mấy món bánh mới, trau dồi thêm kiến thức chuyên ngành. Thời gian thì cứ trôi, còn chúng ta là những người phải biết nắm lấy cơ hội. Và sẽ thật tuyệt vời nếu chúng ta biết cách biến nghịch cảnh thành cơ hội, vượt qua vỏ bọc cứng ngắc, chúng ta vẫn có thể vững vàng mà sống như xương rồng trên sa mạc.
Cuộc sống tự lập những ngày dịch bệnh tuy vấp phải những khó khăn, ràng buộc nhưng thật tích cực thay khi ai cũng muốn sống thật tốt cuộc sống của mình.
Vào những ngày Hà Nội bị giãn cách, bạn có đặc biệt nhớ ai?
"Mình nhớ bố mẹ, vì ở Hà Nội một mình không có người nói chuyện nên mong muốn về nhà để trò chuyện với người thân. Mình nhớ hải sản tươi, vì đã hai tháng rồi mình chưa đượcăn tôm, cá tươi, chỉ toàn ăn thịt và đồ đông lạnh...", Thiên Thanh (sinh viên năm cuối trường Đại Học Kinh Tế Quốc Dân) vốn là người con của "thành phố cảng" Hải Phòng - một thành phố nổi tiếng với những món đặc sản tươi ngon của vùng biển. Có lẽ những ngày này, khi nhìn tủ đồ đông lạnh, Thanh sẽ có lúc thấy khóe mắt cay cay, thấy tủi thân mà cũng thấy có gì đó nhớ da diết.
Và nỗi nhớ cha mẹ, nỗi nhớ người thân không cần phải kể về những điều gì quá lớn lao, nhiều lúc nỗi nhớ chỉ muốn hóa thành một cái ôm. Ôm không chỉ đơn giản là hành động gắn kết hai cơ thể với nhau mà còn đưa trái tim đến gần trái tim hơn. "Mắc kẹt" ở Hà Nội khiến Loan nhớ nhiều những vòng tay ấm áp: "Hà Nội giãn cách, tui thèm được ôm ghì ai đó. Tại thường là về nhà thì hay ôm ấp bố mẹ, ở đây có những ngày tui thấy thực sự cần một cái ôm từ người thân nhưng mà không có. Cái ôm làm người ta thả lỏng hơn thì phải. Giờ thì nắm tay thui là cũng sợ con virus rồi".
Còn nỗi nhớ người yêu có lẽ không phải chỉ là nỗi lòng của một mình Hường: "Mình cũng nhớ bố mẹ, nhưng để nói là đặc biệt thì mình nhớ 'người ấy' của mình. Bình thường chúng mình yêu xa, mỗi người một thành phố, một tháng chỉ gặp được nhau một hoặc hai lần. Nhưng vì giãn cách, chúng mình phải xa nhau, không được gặp nhau mấy tháng liền.
Mình nhớ những lúc không giãn cách, hai đứa đều dành một ngày để đến thành phố của nhau, mình nhớ chuyến xe đưa mình đến nơi của 'người ấy'. Thật là buồn nhỉ? Mong rằng các cặp yêu xa như chúng mình sẽ không vì dịch giã mà lạc mất nhau...Hãy yêu và trân trọng nhau nhiều nhé!".
Lúc dịch bệnh mới thấy mọi thứ thật xa cách, vốn đã yêu xa, giờ lại thấy càng xa hơn. Yêu xa chưa bao giờ là một chuyện dễ dàng, nỗi nhớ của yêu xa còn được ví như có thể khiến biển khơi khô cạn. Khoảng cách trong tình yêu là một thử thách cho cả hai người, thử thách để cùng chạy về phía sau, để cùng nhau cố gắng và cùng nhau trưởng thành.
Dịch giã có khiến bạn suy nghĩ chậm lại và trân trọng điều gì đó hơn không?
"Mình sẽ trân trọng hơn những giây phút được ở cùng những người thân yêu của mình!", Hường nói.
Còn Loan thì chia sẻ rằng: "Siêu chậm luôn á. Tui trân trọng sự sống của mình, vì còn sống là còn biết vui biết buồn, hỷ nộ ái ố. Còn không có sự sống thì cũng chẳng thể than thở về nỗi buồn. Nhờ thế mà thấy đến nỗi buồn cũng thật dễ chịu".
Những ngày dịch bệnh, tìm thấy sự dễ chịu trong những nỗi buồn chẳng khác gì với được ánh sáng khi bị lạc trong u tối. Và cũng chính vào những ngày này, quan trọng hơn bất kỳ loại vật chất nào chính là tinh thần lạc quan.
Chúng ta thường chỉ nhận ra giá trị của sức khỏe khi bị mắc bệnh hoặc chứng kiến người khác mắc bệnh. Bình thường thì sống quá vô tư, cho đến khi phải trải qua những ngày Hà Nội "ốm", chúng ta mới nhận ra giá trị của sự sống. Cuộc sống là sự kết hợp của vô vàn cảm xúc nhưng thực sự, việc cảm nhận được mình đang sống vẫn luôn là một điều gì đó thật tuyệt vời.
Trong khi đó, với Hương, thời gian dịch bệnh là lúc Hương suy nghĩ lại về bản thân nhiều nhất, nhìn lại những điều đã qua và thấy bản thân phải cố gắng hơn cho tương lai phía trước.
Khi Hà Nội còn tấp nập, chính chúng ta cũng vô thức bị quay cuồng trong nỗi lo về cơm áo gạo tiền. Bộn bề của cuộc sống nhiều khi khiến chúng ta quên mất những điều cần phải trân trọng. Và bản thân chúng ta là một trong số đó. Chúng ta vội yêu đời, yêu người nhưng lại quên mất việc phải yêu chính mình. Hãy đi chậm lại hơn một chút, nhìn bạn bản thân nhiều hơn một chút, có lẽ bạn sẽ tìm ra cách để khiến bản thân hạnh phúc hơn.
Nội dung liên quan
Yêu Hà Nội, nhưng cũng buồn khi bị "mắc kẹt"
Hà Nội giãn cách, bị "mắc kẹt" ở Hà Nội có khiến bạn thấy buồn?
Buồn, chán nản, bị cuồng chân, cuồng tay... là những cảm xúc mà bất cứ ai ở trong vùng giãn cách xã hội cũng sẽ đều cảm nhận được ít nhất một lần. Chán nản vì nhiều kế hoạch bị trễ nải. Buồn vì cô đơn, vì mông lung và gánh trên vai áp lực của "tốt nghiệp". Tuổi 22, 23 là độ tuổi của cả tự do và chênh vênh. Tốt nghiệp rồi, được hoàn toàn "tự do", nhưng tốt nghiệp rồi cũng lại "chênh vênh" quá, lo lắng lại chồng chất lắng lo khi dịch giã thế này, mong muốn tìm việc làm ổn định của sinh viên mới ra trường lại càng khó khăn hơn bao giờ hết.
Nhưng là những người trẻ, sôi sục trong chúng ta là nhiệt huyết và đam mê, phải chăng chúng ta nên coi đó là thử thách để xem sức chịu đựng của chúng ta được đến đâu? Người xưa có câu "Lửa thử vàng, gian nan thử sức", mong mọi người sẽ nghĩ rằng đây chỉ là một trong rất nhiều những chướng ngại vật sẽ xuất hiện bất thình lình trên con đường mà mọi người lựa chọn, rồi tìm ra cho mình cách tốt nhất để phát triển bản thân và để vượt qua nghịch cảnh.
Hà Nội "ốm" thì người buồn. Đợi ngày Hà Nội "khỏi ốm" rồi chúng ta sẽ vui trở lại mà, đúng không?
Nguồn: TH&PL