"Sự nghi ngờ, đổ lỗi, lên án, cô lập là điều mà các nạn nhân sợ nhất", tiến sĩ tâm lý Khuất Thu Hồng.
Những ngày qua câu chuyện mà nữ nhà thơ Dạ Thảo Phương tiết lộ về việc mình từng bị xâm hại tình dục 23 năm trước đã gây xôn xao giới văn đàn. 23 năm cho một lời tố cáo, phần nào đã giúp những nạn nhân của xâm hại tình dục có thêm động lực để lên tiếng và đòi lại công bằng cho bản thân mình.
Nội dung liên quan
Mới đây, tiến sĩ tâm lý học Khuất Thu Hồng cũng đã đăng tải một bài viết với tiêu đề: "Tôi cũng là một trong hàng triệu nạn nhân của quấy rối tình dục". Trong bài chia sẻ này, cô cho biết những gì xảy ra với bạn gái ở ĐH Ngoại Thương, câu chuyện đau buồn của Dạ Thảo Phương và làn sóng bình luận nhiều chiều trên mạng lại làm sống dậy những cảm xúc "xấu hổ, tức giận, sợ hãi của mình".
*Bài viết chia sẻ của tiến sĩ tâm lý học Khuất Thu Hồng từ ngày 18/5/2018
"Tôi không định viết về những trải nghiệm bị QRTD (PV: Quấy rối tình dục) của mình vào lúc này, không phải vì tôi sợ bị chê cười hay đổ lỗi. Tôi đã có dự định này từ lâu nhưng muốn viết ở góc độ khoa học hơn là kể chuyện. Tuy nhiên, những tranh luận xung quanh các cô gái là nạn nhân của vụ bạo lực tình dục mấy hôm nay khiến tôi thay đổi. Tôi thấy mình phải lên tiếng ngay bây giờ, vì trách nhiệm xã hội của một người nghiên cứu và vì trách nhiệm của một người phụ nữ, về BLTD (PV: Bạo lực tình dục), về nạn nhân và cả về thủ phạm của nó.
Thực ra đây không phải là lần đầu tiên tôi viết về BLTD. Hình như tôi là người đầu tiên ở Việt Nam thực hiện một nghiên cứu về quấy rối tình dục (QRTD) (nếu tôi nhầm, xin hãy thể tất, tôi chưa tìm thấy tài liệu nghiên cứu nào sớm hơn tập trung vào chủ đề này).
Năm 1997, khi đó đang là research fellow ở Population Council Hà Nội, với sự khuyến khích của bà Giám đốc Lynnellyn Long, tôi đã triển khai cuộc nghiên cứu định tính về QRTD tại trường học và nơi làm việc ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Gần 100 người bao gồm cả nam - nữ học sinh cấp 3 và những người lao động ở các lĩnh vực khác nhau ở hai thành phố đã trả lời phỏng vấn hoặc tham gia thảo luận nhóm.
Bạn thân của tôi là Văn Nguyễn đã cùng tôi thực hiện việc thu thập số liệu. Tôi đã sử dụng kết quả nghiên cứu này để viết bài "Sexual Harassment in Vietnam: A New Term for an Old Phenomenon" đăng trong cuốn "Gender Practices in Contemporary Vietnam" do Lisa Drummond và Helle Rydstrom chủ biên, xuất bản năm 2004 bởi Singapore University Press. Điều thôi thúc tôi thực hiện nghiên cứu này xuất phát từ sự bức xúc qua quan sát hàng ngày về tình trạng QRTD đối với phụ nữ nhưng chủ yếu từ động cơ cá nhân.
Vâng, tôi cũng đã từng bị QRTD. Và tôi đã bị quấy rối từ rất sớm. Lần đầu tiên là khi tôi 6 tuổi. Nó xảy ra trong thời gian miền Bắc bị ném bom, mấy anh em tôi về quê sống với ông bà nội trong khi bố đi chiến trường còn mẹ thì đi học dược sỹ. Hôm đó tôi theo anh trai đến chơi nhà hàng xóm. Tôi còn nhớ như in cảm giác nhột nhạt khó chịu, khi thấy ai đó cứ gãi vào bàn chân mình ở dưới gầm bàn. Tôi cúi xuống thì nhìn thấy thằng bé chủ nhà (gọi là thằng bé vì lúc đó nó còn là trẻ con nhưng chắc nó phải hơn tôi vài tuổi).
Nó thì thầm rủ rê tôi làm chuyện người lớn bằng những từ thô tục. Tôi đạp tay nó ra. Nhưng chỉ vài phút sau nó lại giật giật gấu quần tôi và thì thào những lời xấu xa đó. Thực ra khi đó tôi chỉ lờ mờ biết thế nào là làm chuyện người lớn qua những câu nói bậy bạ của bọn trẻ nhưng khi nghe mấy từ thô tục từ miệng nó tôi có cảm giác ghét và sợ. Tôi bỏ anh tôi ở lại và chạy về nhà ông bà nội. Sau hôm ấy, một đôi lần nó vẫn tìm cơ hội để tiếp cận tôi nhưng tôi tránh được. Tuy nhiên, cảm giác sợ hãi và khó chịu cứ đeo bám tôi một thời gian dài cho đến khi tôi chuyển đi nơi khác. Tôi không hề kể với ai chuyện này, cho đến ngày hôm nay, sau 52 năm.
Nội dung liên quan
Lần thứ hai tôi bị QRTD ở trong cửa hàng bách hoá phố Đội Cấn, ngay cổng chợ Ngọc Hà. Khi đó tôi 13 tuổi. Tôi đang đứng nhìn mấy mặt hàng trong tủ kính thì chợt thấy một người đứng sát vào lưng mình và có một vật gì đó rất cứng ép vào mông tôi đau điếng. Tôi nghĩ bụng, ai cầm cái cọc gì đi vào đây mà lại ép và người mình thế này. Tôi quay lại, thấy một người đàn ông trung niên lùn béo, mặc quân phục đã cũ, không đeo quân hàm nhưng đội mũ cối. Dù không biết đó là cái gì nhưng linh cảm có điều gì đó xấu xa, tôi đi sang quầy khác. Chỉ một lát sau tôi lại cảm thấy cái vật đáng ghét đó đang ép đằng sau mình. Quay lại, vẫn là lão đó.
Tôi sợ hãi rời khỏi bách hoá, đi về nhà ông ngoại ở khu tập thể CP16 gần vườn Bách Thảo (nay khu đó đã thành doanh trại của Bộ Tư lệnh Lăng). Tôi cứ nghĩ là mấy cô bán hàng cũng biết điều gì xảy ra với tôi. Cảm giác ghê ghê và tủi hổ cứ đeo bám tôi đến nỗi mấy năm liền tôi không dám vào cửa hàng bách hoá đó nữa.
Lần thứ ba xảy ra năm 1978, sau ngày sinh nhật 18 tuổi của tôi một tháng. Lúc này tôi đang học ở Khoa Lưu học sinh của trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội để chuẩn bị sang Nga học. Một người bạn vô cùng thân thiết của tôi giới thiệu anh họ của bạn ấy đang học ở một trường ĐH gần đó. Bạn tôi nói anh ấy lần đầu tiên ra Bắc nên chưa quen biết ai, bạn muốn tôi kết bạn với anh để anh đỡ cảm thấy buồn khi lần đầu tiên xa nhà.
Buổi chiều tối hôm đó, tôi vừa ăn cơm xong thì anh ta đến, ngồi nói chuyện trong phòng ký túc xá một lúc thì anh ta nói muốn đi về và ngỏ ý nhờ tôi đưa về vì tôi có xe đạp. Tôi đồng ý luôn vì lần đầu tiên gặp tôi cũng chẳng biết nói chuyện gì với anh ta, vả lại tôi cũng không chắc lắm là tôi hiểu hết những gì anh ta nói qua giọng nói miền Nam Trung Bộ. Ra khỏi cổng trường, khi anh ta ngỏ ý muốn đèo thì tôi cũng đồng ý luôn vì nghĩ anh ta to cao vậy mà mình đèo chắc cũng mệt.
Anh ta đạp xe ra đường Thanh Xuân đi một đoạn rồi rẽ vào một lối nhỏ. Tôi hỏi sao đi đường này, anh ta nói đi đường tắt cho nhanh và tránh ô tô. Đi chừng 10 phút thì anh ta rẽ vào một bờ cây, dưới ánh trăng lờ mờ tôi cũng không biết có phải là đường đi hay bờ đê. Anh ta dừng xe, tôi nhảy xuống. Tôi hỏi sao vậy anh. Anh ta nói ngồi đây nói chuyện chút cho vui. Nói rồi anh ra ngồi xuống vệ đường, bên một gốc cây. Tôi rất ngại nhưng nể bạn tôi nên đành ngồi xuống.
Anh ta rút một chiếc dép cao su cho tôi ngồi. Nói chuyện chừng nửa phút (tôi không nhớ là chuyện gì vì thực sự tôi vẫn chưa quen giọng anh ta), thì anh ta ôm choàng lấy tôi và muốn đẩy tôi nằm xuống. Tôi hoảng hồn vùng dậy, nhưng hai cánh tay của anh ta rất khoẻ, ghì chặt lấy tôi. Tôi cuống cuồng giẫy đạp bằng tất cả sức lực của mình, chân tôi đạp, tay tôi cào vào mặt anh ta. Tôi chỉ muốn thét lên nhưng may sao lúc đó tôi vẫn đủ tỉnh táo để sợ rằng nếu có người đến thì có thể tôi sẽ gặp rắc rối vì cách đó không lâu đã có một đôi ở trường tôi bị bắt đang tán tỉnh nhau ở ngoài đồng, hình như cả hai đều không được tiếp tục học.
Nội dung liên quan
Tôi nói nhỏ: "Nếu anh không dừng lại em sẽ nói với …(tên bạn tôi)". Nghe đến đó anh ta dừng lại. Tôi đứng dậy đi ra chỗ xe đạp của tôi và nói: "Em đi về đây!" .Anh ta cũng đứng dậy tiến đến chỗ tôi, cầm ghi đông xe và nói "Anh sẽ đưa em về". Tôi bảo: "Em không cần, cứ về đến trường anh rồi em tự về". Chúng tôi đi trong im lặng. Đến cổng trường của anh ta, xe dừng, tôi nhảy xuống cầm ghi đông xe, quay bước không chào một tiếng.
Anh ta định nói gì đó nhưng thấy thái độ của tôi nên cũng im lặng đi vào. Tôi khóc suốt trên đường về nhưng khi đến cổng trường ĐHNN tôi phải đứng một lúc để bình tĩnh lại và lẻn về phòng lặng lẽ, hy vọng không ai nhận thấy thái độ của tôi. Tôi chưa bao giờ nói với ai về chuyện này, kể cả người bạn của tôi, bạn ấy đã mất rồi nên tôi càng không có ý định nói ra. Cho đến hôm nay, gần 50 năm sau.
Lần thứ tư xảy ra khi tôi học năm cuối đại học ở Moscow. Một người làm ở ĐSQ (tôi không nhớ là làm ở thương vụ hay gì đó), mang quà của gia đình tôi sang cho tôi. Vì cái ơn đó nên thỉnh thoảng ông ta đến ký túc xá của tôi chơi và tôi thường nấu cơm thết đãi ông ta. Năm đó tôi 24 tuổi, đã có gia đình, ông ta chắc gấp đôi tuổi tôi nhưng vì quan hệ bắc cầu nên tôi gọi ông ta bằng anh thay vì bằng chú.
Bữa đó ông ta đến, tôi lại nấu cơm, tôi đặt mấy thứ lên bếp rồi lại chạy vào trong phòng tiếp chuyện ông ta. Vì phòng tôi chỉ có hai cái ghế mà một chiếc thì cái chân đang lung lay, tôi mời ông ta ngồi lên cái ghế còn lại, còn tôi thì ngồi trên giường. Nói chuyện vài câu, ông ta kiếm cớ xem tờ lịch đầu giường rồi ngồi luôn xuống bên cạnh tôi. Tôi nhích xa ra thì ông ta lại xán đến, rồi còn đặt tay lên đùi tôi. Tôi bỏ tay ông ta ra, vẫn nói chuyện như không có gì xảy ra.
Ông ta đột nhiên ôm chặt lấy tôi. Tôi tức điên vùng đứng dậy nói to: "Anh đi ra ngay, cút về ngay!". Ông ta sững lại, vẻ mặt ngạc nhiên nhưng vẫn cười cười: "Anh quý em lắm mà!". Tôi gào lên: "Tôi không thèm. Anh cút ngay! Anh có muốn tôi kể với … (tên người nhà tôi) không?". Ông ta sượng sùng đứng dậy đi về. Tôi khóc nức lên một hồi trong phòng, rồi chạy ra bếp đổ hết thức ăn vào thùng rác và chỉ muốn đập tan mấy cái nồi cho hả giận. Cảm giác ghê tởm, nhớp nhúa ám ảnh tôi hàng tháng trời. Tôi sợ những người có khuôn mặt hay dáng người từa tựa như ông ta. Tuy nhiên tôi không hề hé răng với người nhà của mình cũng như bất kỳ ai về chuyện này, cho đến hôm nay, sau 34 năm.
Lần thứ năm xảy ra vào năm 2001, ở Bắc Kinh. Một người bạn mà tôi rất quý nhờ một người quen đón tôi từ trường ĐH Ren minn về ĐSQ và hẹn sau đó sẽ đến đưa tôi về nhà bạn ấy. Gã người quen của bạn tôi đã làm tôi phát điên vì cứ xán lại gần để vuốt ve, động chạm vào người tôi rồi gạ gẫm tôi ngủ lại đấy với hắn. Tôi hết chạy ra cửa lại chạy ra bếp mong ngóng bạn tôi hơn cả mong xe cấp cứu. Tôi bị ám ảnh mãi bởi khuôn mặt dâm dê thiểu não của hắn. Nhưng vì nể bạn nên tôi không dám phàn nàn gì nhiều. Hôm nay là lần thứ hai tôi nhắc đến chuyện đó.
Và một trong những lần gần đây hơn cả là lần xảy ra trong bãi gửi xe của một bệnh viện lớn của Hà Nội. Tôi dắt xe của mình ra chỗ soát vé, đưa vé cho người giữ xe là một người đàn ông trạc 48-50 tuổi. Hắn ta một tay cầm vé, một tay gần như phát vào mông tôi. Tôi quay sang nói to: "Anh làm gì thế? Đồ mất dạy!". Hắn trở mặt chửi bậy:"Tao làm đ. gì. Tưởng báu lắm đấy! Đ. mẹ con dở người!". Máu tôi sôi lên. Tôi gần như hét lên: "Không báu thì sao lại động vào người tôi? Ai cho anh động vào người tôi?". Thấy tôi hét to, một vài người gần đó bắt đầu chú ý. Thấy vậy hắn lẩm bẩm: "Biến đi!". Tôi dắt xe ra khỏi bãi xe mà thấy tay mình run bắn vì sợ hãi và tức giận đến nỗi tôi phải dắt bộ ra đến cổng bệnh viện mới có thể ngồi lên xe nổ máy đi.
Trên đường về nhà, tôi vẫn không thể trấn tĩnh lại được, thấy cảnh vật cứ loáng qua mắt mình, cảm giác mặt mình nóng rực, mắt thì nhoà đi vì nước mắt cứ ứa ra. Năm đó tôi 43 tuổi. Về chuyện này tôi có kể cho bạn tôi và một lần trong một cuộc tập huấn về QRTD.
Đó là những vụ nghiêm trọng. Còn những câu tán tỉnh, những cái động chạm cố ý, những lời rủ rê, mời mọc, hứa hẹn của những người quen biết sơ sơ, những câu nói bậy bạ, những động tác sàm sỡ thô bỉ của những kẻ không quen… thì không thể kể hết, mà tôi cũng không nhớ hết vì chúng trải dài từ những năm tôi ở tuổi thiếu niên cho đến khi đã trở thành một người trung niên. Trên đường đi học, đi làm, trong cuộc họp, khi đón con, lúc đi siêu thị… Có lần tôi và mấy người bạn của mình bị tên thợ ảnh sờ soạng, tôi về nói với mẹ thì đã bị mẹ mắng tại sao trẻ con đi chụp ảnh mà không xin phép. Từ đó tôi không bao giờ kể về những vụ việc kiểu đó với mẹ nữa.
Nội dung liên quan
Tôi không làm việc trong giới showbiz, không làm ở quán ăn hay nhà hàng giải khát. Từ nhỏ đến lớn tôi không phải là người hay la cà quán xá, tụ tập đàn đúm nơi công cộng. Tôi cũng không phải là người có những hành vi gây chú ý. Tôi tin là tất cả những người đã từng biết tôi sẽ không ai thấy tôi ăn mặc hở hang, ăn nói ỡm ờ hay điệu bộ lả lơi… Vậy mà tôi vẫn bị QRTD, thậm chí bị tấn công tình dục. Tôi đã bị cảm giác sợ hãi, tủi hổ, tức giận, ghê sợ … giày vò, ám ảnh khá lâu sau mỗi sự kiện đó.
Tôi đã từng tự trách mình lơ là, mất cảnh giác, thậm chí có lúc lẩn thẩn đã tự trách mình tại sao đến chỗ đó, gặp người đó làm gì. Tôi thấy có lỗi với bạn tôi, với người nhà tôi vì đã để xảy ra những vụ việc tồi tệ ấy mà không thể giải thích với họ. Mãi sau này, khi đã nghiên cứu về chủ đề này, đã dày dạn hơn với cuộc đời tôi mới hiểu là mình không có lỗi và thôi tự trách móc mình. Tôi ghét những kẻ ấy - họ đã làm vẩn đục tuổi thơ tôi, đã làm tôi nhìn cuộc đời bằng cặp mắt nghi ngờ cảnh giác, khiến tôi chua chát, bất mãn với nam giới và đôi khi trở nên thô lỗ, bất lịch sự.
Trong cuộc nghiên cứu về QRTD mà tôi thực hiện năm 1999, các nạn nhân của QRTD cũng trải qua những cảm giác như tôi. Kết quả nghiên cứu cho thấy, phụ nữ ở độ tuổi nào cũng có thể là nạn nhân của QRTD, bất kể hình thức của họ ra sao. Nữ sinh có thể bị quấy rối bởi bạn bè, thầy giáo hoặc những kẻ xa lạ. Phản ứng của cha mẹ khi nghe con gái kể lại thường là mắng mỏ, chất vấn hoặc cấm đoán.
Phụ nữ trưởng thành có thể bị quấy rối bởi đồng nghiệp, sếp, đối tác và cả những người không quen biết, ở văn phòng, công sở, nhà máy, bãi gửi xe, nhà vệ sinh công cộng… Họ có thể bị trêu ghẹo, tán tỉnh, sàm sỡ, sờ soạng, thậm chí bị tấn công tình dục. Có cô gái phải chuyển cơ quan đến 8-9 lần vì đi đến đâu cũng bị sếp quấy rối. Từ chối đi công tác qua đêm cùng sếp có thể là cớ để sếp "đì". Có nữ công nhân bị tên đốc công "ám" đến nỗi không thể đảm bảo năng suất khâu giày và bị trừ lương. Thế nhưng cô ấy lại bị các nữ đồng nghiệp ghen ghét nói xấu. Chuyện đến tai ông chồng, màn ghen tuông nổ ra… Hầu như nạn nhân không được thông cảm, giúp đỡ bởi bất kỳ ai. Nhiều người đã tự nhủ "sống để bụng, chết mang theo".
Còn những người đàn ông tham gia nghiên cứu thì thừa nhận rằng việc phụ nữ bị trêu chọc, sàm sỡ, quấy rối là phổ biến. Nhưng có người nói: "Từ cổ chí kim đàn ông làm chủ thế giới nên họ cho rằng họ có quyền làm như vậy". Người khác thì cho rằng QRTD phản ánh bản năng của đàn ông: "Đó là bản năng sinh học, giống đực phải chinh phục giống cái". Có người tin rằng QRTD là không tránh khỏi, là mặc định: "QRTD đã có từ thuở hồng hoang của nhân loại… Nhìn chung, đàn ông quấy rối đàn bà vì Ông Trời tạo ra họ như vậy". Thành ngữ: "Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu" được những người tham gia nghiên cứu trích dẫn nhiều lần.
Tôi kể lại những trải nghiệm tồi tệ và kết quả nghiên cứu của tôi như một câu trả lời cho những bình luận của một số bạn trên mạng XH về những nạn nhân của BLTD kể cả các cô gái trong giới showbiz. Có bạn khuyên là các bạn gái nên bớt khiêu khích, bớt ăn mặc khêu gợi, đừng tạo cơ hội cho kẻ quấy rối… thì sẽ không bị quấy rối, bị cưỡng ép. Có người còn nghi ngờ rằng các cô gái cố tình tạo scandal để được nổi tiếng. Không ít người cho rằng vụ việc có gì đâu mà làm ầm ĩ lên… Xin thưa, tôi bị quấy rối khi mới lên 6 tuổi, khi mới 12 tuổi, chẳng hề biết thế nào là khiêu khích, là khêu gợi, cũng chẳng mong được nổi tiếng… Và tôi đã sợ hãi, đã xấu hổ, đã sống trong nghi kỵ gần như suốt cả cuộc đời…
Khi vụ việc vỡ lở hoặc khi bị tố cáo, những kẻ quấy rối thường chối bay chối biến. Họ sẽ nói là họ không cố ý, họ bị hiểu lầm… Vì hầu hết nạn nhân của QRTD, tấn công tình dục, kể cả cưỡng hiếp thường không thể lưu giữ bằng chứng. Phần thì không biết cách lưu giữ nhưng phần lớn vì bị bất ngờ, vì sợ hãi, vì xấu hổ, vì sợ hậu quả,… và nhiều khi họ sợ những người không quấy rối nhiều hơn là kẻ quấy rối, đặc biệt là những người cùng giới. Sự nghi ngờ, đổ lỗi, lên án, cô lập là điều mà các nạn nhân sợ nhất.
Tôi kể lại những trải nghiệm tồi tệ của mình không phải để tìm kiếm fame, tôi cũng không định đòi lại công bằng cho mình. Tôi coi đó như một cách chia sẻ với cựu nữ sinh đại học ngoại thương, với Dạ Thảo Phương và những cô bé, những cô gái và những người phụ nữ đã từng là nạn nhân của BLTD ở đất nước này.
Nguồn: TH&PL