Sau những sự việc của các cô gái bị quấy rối là vô số những ý kiến mang hàm ý trách móc phụ nữ trong các vấn đề về ăn mặc hay cử chỉ.
Trong bối cảnh bùng nổ của công nghệ số như hiện nay, vấn nạn quấy rối và xâm hại ngày càng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, và đôi khi nạn nhân trong hầu hết các sự việc lại trở thành đối tượng bị công kích của dư luận. Những câu nói đùa, ánh mắt đưa tình hay kể cả những hành động gợi dục… dường như được bình thường hóa trong cách nhìn nhận của nhiều người.
Khi những lời cầu cứu không còn giá trị, nạn nhân lại lựa chọn im lặng như cách để trốn tránh những nỗi sợ hãi của bản thân hay để chính mình có được một cuộc sống yên ổn. Tuy nhiên, càng phớt lờ đi những vấn đề đó thì những kẻ xâm hại càng hả hê với những mục tiêu của mình và ngày một lấn lướt, cho mình quyền có thể được lựa chọn để quấy rối một ai đó.
Đàn ông phạm tội, tại sao phải đổ lỗi cho phụ nữ?
Trong những lùm xùm liên quan đến người mới lọt vào top 30 Under 30 Forbes Việt Nam có hành vi quấy rối với nhiều nữ sinh. Bên cạnh những sự bức xúc từ dư luận thì đâu đó vẫn tồn tại những ý nghĩ xem đó là những lời nói bình thường, thậm chí cho rằng nạn nhân đang làm quá vấn đề lên, và đổ lỗi cho cô gái tại sao tiếp tục trò chuyện, không chịu phản ứng hay tố cáo.
Xã hội ngày càng phát triển, con người cũng "học" cách thay đổi nhưng sâu bên trong đó vẫn là những định kiến cổ hữu, độc tôn về vị trí của nam giới. Chính điều này đã khiến dư luận vẫn luôn nhìn nhận một chiều, dùng tư tưởng "không có lửa sao có khói" để cho rằng phụ nữ là nguyên do của những hành động không đúng từ nam giới.
Không riêng gì sự việc trên, đâu đó vẫn tồn tại rất nhiều những sự đổ lỗi cho phụ nữ, chính những tư tưởng ăn sâu với nhận định đó chỉ là một trò đùa, cùng sự chống lưng của những nam giới khác khiến nhiều sự việc cứ thế mà chìm xuống. Rõ ràng nam giới là người chủ động trước, song những lời trách móc lại dành cho phụ nữ, họ cho rằng cô ấy mặc váy ngắn, nhận định là do cô gái không chủ động chấm dứt, tệ hại hơn là cho rằng bản thân họ thích thú với điều đó.
Chính thái độ thờ ơ và vô cảm này, khiến nhiều người buộc phải lựa chọn giữ im lặng để chính mình tránh khỏi những tổn thương lần nữa. Người ta luôn dạy con gái cách để bảo vệ bản thân khỏi những điều xấu xa, nhưng lại chẳng ai dạy người đàn ông phải luôn tôn trọng và có giới hạn đối với người phụ nữ.
Hung thủ thật sự đôi khi chính là dư luận xã hội
Cũng có nhiều trường hợp các cô gái mạnh dạn đứng ra tố cáo người quấy rối mình, chắc chắn họ là những người phụ nữ thật sự rất mạnh mẽ để sẵn sàng đối diện với những bàn tán. Ngay cả khi sự thật được làm rõ, kẻ gây hại bị xử lý thì nạn nhân trong các sự việc cũng vô tình bị dư luận xã hội gán cho những cụm từ hết sức đau lòng: "nạn nhân của xâm hại", "nạn nhân bị hiếp dâm"…
Như một lẽ thường tình trong những sự việc đau lòng là vô số những lời bán tán, chỉ trích hay mỉa mai dành cho nạn nhân, họ chỉ nói lên những gì họ nghĩ trong cảm xúc nhưng chưa bao giờ đặt mình vào vị trí của người khác. Điều này đôi khi khiến những tiếng khóc than của các nạn nhân vô tình lọt thỏm trước những lời bình luận mang tính độc hại từ cộng động.
Sự tiêu cực trong cách đánh giá vấn đề của dư luận khiến hàng trăm cô gái phải chịu đựng những tổn thương, những đứa trẻ bị ám ảnh về tinh thần hay những phụ nữ trở nên thu mình lại với xã hội…Sau tất cả người nhận lại những "mũi dao" sắc bén từ dư luận xã hội vẫn là những cô gái trong các sự việc quấy rối và xâm hại.
Những kẻ quấy rối có phải chăng quá may mắn khi chỉ cần một bài đính chính sự việc, vài dòng xin lỗi đã đủ để xoa dịu dư luận, trong khi những tổn thương đã qua của các cô gái thì sẽ mãi mãi vẫn ở đó và như một vết nhơ với cuộc đời của họ. Đôi khi những tranh cãi của "tòa án mạng" xảy ra thì không chỉ kẻ gây ra tội ác phải nhận lại sự chỉ trích, mà nạn nhân cũng chịu nhiều tổn thương.
Trách nhiệm thuộc về những kẻ gây ra sự việc
Trong những vấn đề như cách ăn mặc, mối quan hệ xã hội hay những cử chỉ cũng chỉ mang tính chất cá nhân hay sở thích của một người, đó hoàn toàn không phải lý do để ai đó có thể xem đây là nguyên nhân của hành vi quấy rối. Nếu đủ bản lĩnh thì những người đàn ông sẽ biết đâu là những giới hạn và có được sự tôn trọng dành cho phụ nữ, thay vì những sự tùy tiện kém duyên.
Không có một ranh giới hay phân định đúng sai nào trong các sự việc quấy rối hay xâm hại, bản chất của những kẻ gây nên những tội ác luôn luôn sai dưới bất kể lý do nào. Có thể mọi thứ xuất phát từ những cảm xúc nhất thời dành cho đối phương, nhưng chúng ta vẫn là những con người có đủ ý thức để dùng lý trí của mình kiểm soát mọi hành động.
Suy cho cùng trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về những kẻ gây ra sự việc, bởi vì nạn nhân chưa bao giờ có tội với những gì đã xảy ra với cuộc đời họ. Những ai đáng nhận lại những hình phạt thích đáng, sự xử lý nghiêm minh từ pháp luật và những ai cần được bảo vệ, tôn trọng thì dư luận cũng nên có sự phân định rõ ràng.
Nếu không thấy có được sự đồng cảm với nạn nhân thì nên giữ thái độ im lặng, thay vì tiếp tay vào khiến người khác phải chịu đựng những tổn thương. Ai trong chúng ta, dù bất kể tầng lớp, địa vị xã hội, giới tính hay độ tuổi nào cũng có thể sẽ trở thành nạn nhân, nên ngoài việc tôn trọng người khác thì cũng nên có những giải pháp để chủ động bảo vệ bản thân mình.
Nguồn: TH&PL