Một người em thân thiết, gắn bó với Dạ Thảo Phương từ nhỏ đã kể lại khoảng thời gian nữ nhà thơ bị cưỡng hiếp, đau khổ đến cùng cực, chỉ muốn "được chết".
Mạng xã hội đang xôn xao trước bài viết "Người cưỡng hiếp tôi là đang là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam" của nhà thơ Dạ Thảo Phương. Trong bài, cô chủ động đứng ra tố cáo người đã cưỡng hiếp, vu khống mình 23 năm trước, làm bản thân mang nỗi ám ảnh đến tận ngày này.
Nữ nhà thơ cho biết câu chuyện được cô giấu kín suốt 23 năm liền. Tuy nhiên, đến nay "kẻ đó" vẫn chưa từng có hành động hối cải, lại còn nắm giữ chức vụ cao trong một tờ báo lớn và Hội Nhà văn Việt Nam, có thể quyết định công việc của nhiều người, trong đó có phụ nữ trẻ. Bởi thế, cô lên tiếng để không còn ai phải là nạn nhân của người này.
Liên quan đến vụ việc này, nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương, người em thân thiết từ thuở nhỏ với Dạ Thảo Phương đã chia sẻ câu chuyện từ góc độ của cô. Quỳnh Hương cho biết cô quen Dạ Thảo Phương từ năm học lớp 9, trong một lần đi trại sáng tác. Năm đó, Dạ Thảo Phương đậu vào Đại học Tổng Hợp, thương cô như em gái.
"Chị Phương của tôi xinh đẹp, như mọi thiếu nữ lớn lên giữa văn chương và chăm bẵm nâng niu của bố mẹ, chị lãng mạn và nhìn cuộc đời với ngập tràn mộng mơ tin cậy", nữ nhà báo kể.
3 năm sau đó, cô vào đại học và Dạ Thảo Phương năm cuối sắp ra trường. Nơi cô vào thực tập là chỗ người chị làm việc sau này - cũng là nơi Thảo Phương bị cưỡng hiếp. Thời gian đó, gia đình cô và Dạ Thảo Phương thân thiết, coi nhau như ruột thịt trong nhà.
"Năm 25 tuổi, ở đúng thời điểm đẹp nhất của tuổi trẻ, chị Phương đã gặp một tai nạn man rợ và huỷ hoại nhất: chị bị cưỡng hiếp (type đến chữ này, tôi còn run rẩy).
Tôi vẫn nhớ những ngày mình đạp xe về ngôi nhà nhỏ phía sau chợ Bưởi, chị Phương ở đó canh nhà cho bố mẹ (ngôi nhà này mua thêm chờ chị cả khi về nước sẽ dọn vào ở). Chị Phương đi làm về là nằm chết lặng trên giường, lả như lá héo. Chị cứ nằm nhìn vào vách tường, nước mắt lặng lẽ chảy.
Nội dung liên quan
Tôi không biết dỗ chị thế nào, ngồi im trên ghế và đến giờ thì đi về. Rồi đỉnh điểm là một ngày chị hẹn: 'Mai chị sẽ phải thực hiện một việc khủng khiếp, em học về sớm rồi rẽ qua với chị'.
Trưa, tôi đạp xe từ Cầu Giấy về thẳng nhà chị. Nhìn thấy tôi, chị khóc như một con đập bị vỡ. Trên bàn là miếng giấy ghi đơn thuốc, chữ lằng nhằng như nắm len rối. Đọc phần ghi chú của bác sĩ thì tôi hiểu, đây là đơn thuốc kê để chống nhiễm trùng sau cuộc huỷ thai", Nguyễn Quỳnh Hương kể.
Cô cho biết, từ ngày đó Dạ Thảo Phương như một người khác. Cô trầm lặng, cáu gắt hơn, từ chối sự quan tâm, chăm sóc của người thân và một lòng muốn "được chết".
Nhà báo kể: "Từ ngày đó, chị Phương là chị Phương khác.
Cô gái vui tươi rực rỡ, trong trẻo và tin yêu cuộc đời, mang trái tim xốp mềm háo hức đã biến mất. Đôi mắt mắt lấp lánh như có nắng soi của chị đổ đầy bóng tối. Chị thất thường, trở nên đáng sợ và hắt hủi từ chối những chăm sóc của người thân, chị tự rào mình trong cô độc tuyệt đối.
Mỗi người ai cũng có một mục đích sống cho riêng mình, với chị Phương những năm tháng ấy, mục đích của chị là được chết. Chị cố gắng tự tử, gia đình chị cố gắng ngăn chị tự tử, và không người thân nào thật sự hiểu được lý do sâu thẳm bên trong. Gia đình chị chỉ được biết 1 góc sự thật, là có 1 kẻ cùng cơ quan dùng vũ lực tấn công và quấy rối chị. Từ 'quấy rối' ở thời điểm đó, được hiểu là ở mức gạ gẫm, sàm sỡ.
Nội dung liên quan
Hình như cách đây hơn 2 thập niên, chưa mấy ai nói về khái niệm 'trầm cảm'. Cuộc sống của toàn bộ người thân chị trở thành địa ngục. Mọi người cố nhẫn nại rồi mệt mỏi với chị, cho đến ngày chị lấy chồng và theo chồng ra nước ngoài sống. Gia đình và bạn bè thở phào, nhìn ngoài chị có cuộc đời may mắn".
Nhưng vết thương đó vẫn kéo dài đằng đẵng suốt 23 năm liền. Một cô gái non nớt, ngây thơ, yêu đời bị hành hạ, đánh đập, thao túng, làm nhục... phải sống từng ngày trong cô độc, dày vò. Đến nay, họ đã quyết định nói ra sự thật.
Nhà thơ Dạ Thảo Phương cho biết đã gửi đơn tố cáo lên Hội Nhà văn và sẽ chiến đấu vụ việc này đến cùng.
Nguồn: TH&PL