Tất tần tật về nghề quản lý truyền thông cho ca sĩ

Làm quản lý truyền thông cho ca sĩ sẽ giúp đẩy người đó ra hào quang ánh sáng hay sẽ nhận hào quang của ca sĩ về mình?

Vụ ồn ào Trịnh Thăng Bình bị "quỵt tiền", nhiều người bắt đầu tìm kiếm về công việc "Quản lý truyền thông ca sĩ là gì?". Bởi ở Việt Nam, nghề Quản lý truyền thông ca sĩ vẫn được đào tạo hẳn hoi. Công việc này thường xuất phát do nhu cầu ca sĩ muốn tìm người quảng bá cho dự án âm nhạc; hoặc là bạn bè thân thiết, hỗ trợ nhau đường hướng để phát triển.

Nhưng trước tiên cần phân biệt quản lý và quản lý truyền thông bởi vai trò hoàn toàn khác nhau. Quản lý truyền thông là người giúp cho ekip đó về mặt truyền thông. Còn người quản lý nghệ sĩ sẽ đi chung với việc chọn người làm truyền thông hợp với ca sĩ và có những đường hướng phát triển cụ thể. Người quản lý sẽ bao quát cả quản lý truyền thông.

tat tan tat ve nghe quan ly truyen thong cho ca si - anh 0

"Sự cộng sinh" giữa nghệ sĩ và quản lý truyền thông

Một ca sĩ cần nhiều yếu tố để nổi tiếng: tố chất, giọng hát, chất lượng sản phẩm… và định hướng truyền thông cũng là một trong những điều kiện giúp sản phẩm của người ca sĩ đến với công chúng. 

Với mỗi người, mối quan hệ này có tên gọi khác nhau, như "chiếc cầu nối" chẳng hạn. Nghĩa là người quản lý truyền thông phải làm sao để kể những câu chuyện sản phẩm của ca sĩ đến khán giả.

Chị Phương Nam (Thịt Kho), đang quản lý truyền thông cho loạt nghệ sĩ/ca sĩ cho biết mối quan hệ giữa ca sĩ và quản lý truyền thông sẽ là cộng sinh - hai bên sẽ hỗ trợ nhau. "Việc định hướng, giữ mối quan hệ truyền thông quyết định 40-50% sự thành công của nghệ sĩ nên quản lý truyền thông rất quan trọng. Nhưng ở thời điểm hiện tại, ngành này chỉ đang ở mức phát triển và chưa được nhìn nhận đúng theo tầm quan trọng của nó".

tat tan tat ve nghe quan ly truyen thong cho ca si - anh 0
Phương Nam (Thịt Kho) hiện đang là quản lý truyền thông cho loạt nghệ sĩ/ca sĩ trong showbiz Việt

Còn đối với anh Chu Nguyên, từng quản lý truyền thông cho ca sĩ Vũ Cát Tường chia sẻ mối quan hệ đó còn tùy thuộc mối quan hệ hiện có của cả hai bên, khả năng và độ phù hợp. "Đó không phải bạn, cũng không phải đối thủ. Nhưng họ phải là hai người có thể hiểu nhau, ít nhất là về âm nhạc. Ví dụ mình phải hiểu sản phẩm âm nhạc người đó ra là như thế nào, mình có thích cái nhạc của người đó không.

Công việc nào cũng cần có sự thích hợp. Và bản thân từ 'thích hợp' nghĩa là phải 'thích' thì mới 'hợp' được chứ chưa nói đến cá nhân của người ca sĩ đó".

Vai trò của người làm quản lý truyền thông cũng căng não và đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều kế hoạch cho con đường của talent. Sẽ có kiểu quản lý truyền thông giúp xây dựng hình ảnh của ca sĩ từ "no name" đến "có name". Họ sẽ vẽ ra bức tranh để người ca sĩ/nghệ sĩ biết rõ định hướng họ và họ cần làm gì để phát triển. Hoặc, nếu như ca sĩ/nghệ sĩ đã có sẵn tên tuổi, họ sẽ đảm bảo thông tin của các dự án sẽ đến với càng nhiều khán giả càng tốt. Ví dụ như họp báo, viết thông cáo báo chí gửi đến các đơn vị truyền thông.

tat tan tat ve nghe quan ly truyen thong cho ca si - anh 0
Chu Nguyên - từng quản lý truyền thông cho ca sĩ Vũ Cát Tường

Nếu để đánh giá về độ quan trọng của một người làm quản lý truyền thông, có lẽ nhìn vào sản phẩm của ca sĩ sẽ thấy rõ nhất. Đôi khi có những ca khúc hot trên thị trường (và có thể viral trên mạng xã hội), nhưng nó chỉ mang tính thời điểm, không có tính lâu dài. Chính người quản lý truyền thông sẽ xây dựng "tính lâu dài" cho ca sĩ/nghệ sĩ. Cho nên với anh Chu Nguyên, mối quan hệ giữa quản lý truyền thông và ca sĩ cần sự gắn kết lâu dài, không phải chỉ gắn kết nhất thời.

Thế mới thấy với những hiện tượng nổi lên, nếu họ không tìm được người quản lý truyền thông phù hợp thì họ cũng chỉ là hiện tượng. 

Chị Phương Nam ví người làm truyền thông như là tổng của phép cộng giữa marketing và sale. Bởi tất cả sản phẩm đều cần có đội ngũ truyền thông để có thể quảng bá rộng rãi đến với người dùng, cụ thể ở đây là khán giả.

tat tan tat ve nghe quan ly truyen thong cho ca si - anh 0
Vũ Cát Tường

"Nếu ca sĩ làm MV tự đăng cũng có thể hot nhưng cần thời gian dài mới chạm đến đa số người nghe. Nghĩa là, nếu không có truyền thông, ca sĩ phải đi một quãng rất xa mới đưa sản phẩm đến công chúng. Nói không ngoa, truyền thông góp phần 50-60 thành công", chị Phương Nam chia sẻ.

Đối với anh K, không thể xác định sản phẩm sẽ khó thành công nếu không có quản lý. Vì có những bài hát không truyền thông vẫn thành công qua một đêm. Điển hình Hong Kong 1 của Nguyễn Trọng Tài đã trở thành hiện tượng: "Ngày nay, thế giới phẳng chứ không giống thời trước nữa. Có những sản phẩm vô tình nhận được phản hồi tốt từ khán giả mà không cần đến truyền thông. Tuy nhiên, có một ekip hoạt động chuyên nghiệp thì sẽ tốt hơn".

Cần - Đủ - Thêm ở người làm PR cho nghệ sĩ

Ngày trước, dường như công việc của người làm quản lý truyền thông chỉ có viết bài và gửi cho báo chí; giúp nghệ sĩ trả lời những câu hỏi phỏng vấn lắc léo. Nhưng bây giờ, người làm quản lý truyền thông phải sáng tạo liên tục. Đấy là điều kiện cần. Còn các mối quan hệ sẽ là yếu tố "đủ".

Nếu ca sĩ biết hát, diễn viên đóng phim, thì người làm quản lý truyền thông phải biết… vẽ. Vẽ bức tranh toàn cảnh để nghệ sĩ hiểu hình ảnh, sản phẩm, thông điệp họ cần mang đến cho khán giả là gì, truyền tải ra sao để đạt hiệu quả cao nhất.

tat tan tat ve nghe quan ly truyen thong cho ca si - anh 0
Ca sĩ Đức Phúc

Ngoài cần - đủ, người làm quản lý truyền thông phải có trí tưởng tượng bay cao, bay xa nhưng không được… bay luôn, để còn thấu hiểu sản phẩm và người đang làm việc cùng. "Mình không hiểu thì không làm việc được. Giống như ngày xưa học toán, mình phải yêu thích thì khó cỡ nào mình cũng tìm cách giải. Còn nếu mình không thích người nghệ sĩ đó, thì đến một giai đoạn khó khăn mình sẽ rời đi và bản thân mình cũng không muốn giải quyết tiếp", anh Chu Nguyên chia sẻ. 

Chính sự sáng tạo thôi thúc người làm quản lý truyền thông họ phải tìm hiểu thêm những điều khán giả trẻ đang quan tâm. Nghệ thuật là phải đi lên và người quản lý truyền thông cũng phải đi lên song hành cùng nghệ sĩ như vậy.

Với anh K, người làm quản lý truyền thông phải luôn cập nhật, trau dồi mọi thứ, đặc biệt là các xu hướng và sự bùng nổ trong thời đại số ngày nay. Thứ hai, họ cần phải có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực này. Thứ ba, người làm quản lý truyền thông cho nghệ sĩ cần có mối quan hệ tốt với báo chí. Và cuối cùng là "thẩm thấu" được người nghệ sĩ để có đường hướng cụ thể.

tat tan tat ve nghe quan ly truyen thong cho ca si - anh 0
Ca sĩ, diễn viên, người mẫu Minh Hằng

Còn theo chị Phương Nam, yếu tố nổi trội và bắt buộc phải có là khả năng viết tốt; nắm được thị trường; nắm được điểm mạnh, yếu của người nghệ sĩ để có định hướng và chiến lược phù hợp. Còn phía Chu Nguyên, anh cho rằng rất khó để đo được thị trường: "Chuyện mình đang tưởng tượng trong đầu phải chia ra bước 1, bước 2, bước 3,... rồi mình phải tự phản biện lại những bước này của mình. Và khi dự án bắt đầu chạy, mình sẽ phải đo sự quan tâm có như mình mong đợi hay không. Nếu không, mình phải đổi kế hoạch ngay lập tức".

Quan trọng nhất trong tất cả vẫn là vấn đề nội dung. Nếu sản phẩm không thực sự hay thì người quản lý truyền thông có "vỗ béo" thế nào thì vẫn "bị bệnh". Người quản lý không thể khoác áo quá lớn để thổi phồng "đứa con", để rồi khi trình làng lại là cái vỏ rỗng tuếch.

Cái tên "quản lý truyền thông" trông thật kiêu ấy lại có rất nhiều khó khăn; người làm quản lý cần có đôi chân đủ cứng mới có thể làm đá mềm. Có khi việc khó khăn sẽ là giữ cho nghệ sĩ thực hiện theo đúng lịch trình; để nghệ sĩ tin tưởng hoàn toàn vào kế hoạch, đi cùng quản lý từ A đến Z, không rẽ ngang khi đến điểm C chẳng hạn. 

tat tan tat ve nghe quan ly truyen thong cho ca si - anh 0
Ca sĩ Jack

Và đặc biệt, kiểm soát phát ngôn của nghệ sĩ cũng là điều khó. Và câu chuyện này dễ dẫn đến xảy ra trường hợp: khủng hoảng truyền thông.

Tạo nút thắt - mở giữa khủng hoảng truyền thông

Một trong những kỹ năng quan trọng trong nghề quản lý truyền thông đó là "cái đầu lạnh" để giải quyết khủng hoảng truyền thông của nghệ sĩ. Với kinh nghiệm 8 năm làm nghề, chị Phương Nam cho biết khi xảy ra khủng hoảng, người quản lý truyền thông là người nhìn nhận và đánh giá để tìm cách xử lý cho hiệu quả.

"Quản lý truyền thông thường là tiếng nói đại diện, cân nhắc xem có nên trả lời hay không. Hay vấn đề đó xuất phát từ người khác thì cần lời chia sẻ từ ekip khác thì hay hơn. Hoặc có những vấn đề không thực sự là scandal mà chỉ là tranh cãi về chuyện đẹp - xấu chẳng hạn, thì người quản lý truyền thông cần xem xét để tư vấn cho nghệ sĩ rằng có nên lên tiếng hay im lặng. Điều này rất quan trọng trong phần công việc của người quản lý truyền thông".

Ở góc nhìn khác, người quản lý sẽ họp lại với với ca sĩ/nghệ sĩ để xem họ muốn gì. Nếu họ muốn lên tiếng, người quản lý tìm cách lên tiếng; ngược lại, người quản lý tìm cách im lặng. Tức là, người quyết định cuối cùng phải là ca sĩ.

tat tan tat ve nghe quan ly truyen thong cho ca si - anh 0
Ca sĩ Sơn Tùng M-TP

"Phải xem xét phần sự cố xảy ra thuộc về phần nào. Ví dụ trường hợp đạo nhạc, phía nhạc sĩ, hòa âm phối khí, sản xuất mới là bên lên tiếng. Còn sự cố về đời sống cá nhân lại thuộc về đời tư, thì quyết định sẽ thuộc về nghệ sĩ", anh Chu Nguyên cho biết.

Vậy, ca sĩ hay người quản lý truyền thông sẽ có quyền quyết định cao hơn? Câu trả lời là tuỳ. Vì phải dựa vào cách làm việc và nhiều yếu tố khác: có thể là ca sĩ, có thể là quản lý hoặc quản lý truyền thông. Theo chị Phương Nam, có 2 cách làm việc trong showbiz. Đầu tiên, quản lý là người "quyền lực" nhất vì lên kế hoạch toàn bộ, sản phẩm đã hoàn chỉnh và chỉ cần người truyền thông. Thứ 2, quản lý truyền thông tham gia ngay từ đầu dự án để có ý tưởng và đưa ra chiến dịch phù hợp. 

Nghề "danh tiếng" cao, lương thì sao?

Tiền bạc luôn là chuyện nhạy cảm và gần như chưa có con số chính xác về ngành này. Phần chi phí còn phụ thuộc vào chuyện họ có thể thương lượng với ca sĩ.

Anh Chu Nguyên cho biết: "Công việc này giống như freelancer, mình làm theo dự án thì nó có thể lên đến 20 - 30 triệu đồng. Còn nếu như mình làm theo tháng, như một phần không thể thiếu trong ekip của nghệ sĩ đó, họ sẽ trả hàng tháng từ 5 - 7 - 8 - 10 triệu đồng. Nói chung còn tùy thuộc rất nhiều vào khả năng của nghệ sĩ". 

tat tan tat ve nghe quan ly truyen thong cho ca si - anh 0
Diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc

Để tránh xảy ra tranh cãi chuyện tiền bạc, người làm quản lý truyền thông và nghệ sĩ cần làm việc rõ ràng. Theo anh K, nên hỏi trước phần ngân sách của nghệ sĩ và đong đếm có thể làm được gì từ khoản đó. Kế tiếp, thoả thuận với gói ngân sách đó thì sẽ đạt được những gì và góp ý của họ để tìm ra đường hướng.

Không chỉ rõ ràng từ ban đầu, kể cả khi báo cáo về booking đều cần thật chi tiết. "Ví dụ như mình cam kết với ca sĩ rằng bài hát này mình sẽ đi 30 trang tin, và mình sẽ gửi cho họ biết 30 trang đó là 30 trang nào. Báo cáo cũng phải có đúng 30 link trên 30 trang đó. Từ đó xem họ lên bài như thế nào, đúng như những gì mình và nghệ sĩ đã nói hay chưa. Và trang nào không lên được thì lý do là gì?", anh Chu Nguyên chia sẻ kinh nghiệm.

tat tan tat ve nghe quan ly truyen thong cho ca si - anh 0
Ca nhạc sĩ Trịnh Thăng Bình

Nhưng với quan điểm của anh K, anh cho rằng nghệ sĩ nên có ekip riêng, thay vì cộng tác với các freelancer: "Nói về trường hợp cụ thể của Trịnh Thăng Bình, ca sĩ này đã có khá nhiều sản phẩm, bài hát uy tín trước đó. Nên vấn đề của Bình không phải là đẩy một bài hát mang tính thời điểm mà cần một chiến dịch dài hơi. Social cũng giống như hơi thở, việc ăn, ở hàng ngày nên cần có ekip để hiểu nghệ sĩ và sản phẩm đó từ lúc thai nghén đến khi nó hình thành, phát triển. Người quản lý truyền thông có tầm quan trọng vì phải hiểu và thẩm thấu, có hoạch định lâu dài để đi cùng nghệ sĩ. 

Việc tìm freelancer là vấn đề ngắn hạn, nó hoàn toàn không thể chủ động cho một kế hoạch nào mang tính chiến lược lâu dài. Chưa kể các bạn freelancer làm cho rất nhiều ca sĩ. Đến một thời điểm, chất xám của họ bị khai thác một cách triệt để sẽ khiến chất lượng dự án bị giảm. Chưa kể đến chuyện có thể gây nên một số mâu thuẫn, xung đột lợi ích giữa các bên".

Thời thế thay đổi: Khi làm truyền thông không còn là truyền sao cho thông!

Tốc độ thay đổi của xã hội tác động mạnh mẽ đến truyền thông và cả ngành quản lý truyền thông. Ngày trước, ca sĩ tập trung toàn tâm vào chất lượng bài hát, giờ họ phải quan tâm hơn về vấn đề quảng bá sản phẩm. Hiện tại, mỗi người dường như đều có ekip riêng. 

tat tan tat ve nghe quan ly truyen thong cho ca si - anh 0
Ca sĩ Erik

"Mình không phải người được đào tạo bài bản từ báo chí - truyền thông. Nhưng theo kinh nghiệm của mình trong giai đoạn từ những năm 2010 - 2017, vai trò của báo chí rất mạnh. Và việc làm truyền thông phụ thuộc vào việc mình thân thiết với trang tin đó như thế nào. Báo chí là quan trọng nhất, tiếng nói trên báo chí là chính thống nhất.

Còn giới trẻ bây giờ họ đâu thích đọc báo, nghệ sĩ thì thích cập nhật xu hướng, chinh phục những cái mới mẻ. Khi Gen Z nổi lên trên các nền tảng khác như TikTok, Podcast,... đó đều những cái họ coi rất là ngắn hạn. Nếu mình là một quản lý truyền thông không chơi TikTok để biết trend của giới trẻ là gì, thì mình thua", anh Chu Nguyên nhận định. 

Chuyện một nghệ sĩ ra mắt sản phẩm thời nay cũng khác xa thời trước. Nếu ngày trước chỉ việc ra mắt một bản audio, rồi chụp một bộ ảnh gửi đi các báo là xong chuyện, thì thời nay các sản phẩm phải có những bước đi truyền thông thật bài bản và có - câu - chuyện. Vì khán giả ngày càng khó tính và yêu cầu nhiều hơn.

tat tan tat ve nghe quan ly truyen thong cho ca si - anh 0
Ca sĩ Văn Mai Hương 

"Phải làm sao để khán giả xem MV cũng giống như khi họ xem phim. Họ cần cú twist, thì cú twist trong những sản phẩm đó sẽ là gì, câu chuyện MV ra sao, lyrics có ý nghĩa thế nào, hậu trường MV có gì,... Tất cả những yếu tố đó, người làm quản lý truyền thông phải khai thác hết. Tức là mình phải thêm short content, thêm câu chuyện và hướng đi mà nghệ sĩ mong muốn", anh Chu Nguyên nói. 

Sự thay đổi thời thế đã khiến cho công việc quản lý truyền thông ngày càng khó hơn, đó không còn dừng lại ở việc "truyền sao cho thông" mà phải ngày càng "mánh khoé", "dẫn dụ" và "nắm thóp" được thị trường. 

Nghề quản lý nghệ sĩ và quản lý truyền thông nghệ sĩ khác nhau ra sao?

Nghề Quản lý truyền thông mạng xã hội (Social Media Manager)

Nghề quản lý truyền thông ca sĩ lương bao nhiêu, có khủng như lời đồn?

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ