Phía sau một cuộc hôn nhân tan vỡ: Trẻ em là người hứng chịu mọi hậu quả!

Trong sự việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành, bên cạnh những bức xúc thì dư luận dành sự xót thương sâu sắc cho cuộc đời của đứa trẻ là một hệ quả của việc ly hôn.

Hôn nhân, một cụm từ trong quan điểm của nhiều người luôn gắn liền với nhiều điều thiêng liêng và ý nghĩa, đó là kết quả viên mãn cho một tình yêu của các cặp đôi mà nhiều người mong ước. Song đó thì cuộc sống hôn nhân lại mang đến một thực tế hoàn toàn khác với việc đôi lứa yêu nhau, khi bước sang giai đoạn này thì mỗi người sẽ cần nhận thức hơn nữa về trách nhiệm của bản thân với tất cả mọi thứ xảy ra xung quanh.

Sau một cuộc hôn nhân tan vỡ, con người thường có xu hướng tìm cho mình những đích đến mới hay mưu cầu những hạnh phúc riêng tư, điều này hoàn toàn không sai. Tuy nhiên, trong những hệ quả mà việc ly hôn mang đến lại là những tổn thương sâu sắc của những đứa trẻ về một tuổi thơ không được trọn vẹn, hay thậm chí là buộc chúng phải tự trưởng thành hơn so với bạn bè đồng trang lứa.

Sớm đứng trước một sự lựa chọn đáng ra không nên xuất hiện

Ai cũng muốn được có những quyền lợi của riêng mình, đó là tài sản chung, những tranh chấp về nhu cầu khác trong cuộc sống, còn với trẻ em đó là một cá thể sống có nhận thức và cảm xúc. Chúng còn quá nhỏ để hiểu được những gì đang diễn ra trong chính gia đình của mình, nhưng các em đã phải đứng trước sự lựa chọn sống với bố hay ở với mẹ.

phia sau mot cuoc hon nhan tan vo tre em la nguoi hung chiu moi hau qua - anh 0
Ở độ tuổi còn quá nhỏ, trẻ em buộc phải đứng trước sự lựa chọn sống với bố hay ở với mẹ (Ảnh: Pinterest)

Với những trẻ chưa trưởng thành thì với chúng tất cả đều là gia đình và rất khó để đưa ra quyết định của riêng bản thân, và rồi những tranh chấp được diễn ra về quyền nuôi dưỡng con cái giữa đôi bên. Cũng lần nữa là trẻ em buộc phải rời xa vòng tay của mẹ để đến một nơi ở mới hay phải chấp nhận không được sống bên cạnh bố vì thực tế cả hai đã ly hôn.

Ở một độ tuổi còn quá nhỏ, chưa kể sự lựa chọn này không phải việc được mất một cách thông thường bởi lẽ nó đến từ những nhu cầu về một tình cảm trọn vẹn nên rất khó để xử lý. Pháp luật và nhu cầu của một đứa trẻ hoàn toàn tách biệt nhau, chúng dường như bị động trước những quyết định của người lớn, để rồi mang đến cho các em một sự thật đáng ra không nên xuất hiện và cũng không biết lý do vì sao.

phia sau mot cuoc hon nhan tan vo tre em la nguoi hung chiu moi hau qua - anh 0
Khác với các nhu cầu vật chất, trẻ em là cá thể sống có cảm xúc và tình cảm trong mối quan hệ hôn nhân (Nguồn ảnh: Internet)

Khác với những lợi ích về vật chất mà vốn con người có thể dễ dàng xây dựng, với trẻ em đó là những câu hỏi thắc mắc về cuộc đời, là những cảm xúc đau buồn khi chứng kiến gia đình không trọn vẹn. Thậm chí, trước đó các em còn đã phải trải qua những giai đoạn mà bố mẹ liên tục xung đột với nhau trong gia đình, mỗi hành động của người lớn sẽ mãi mãi là một vết thương lòng rất khó để có thể xóa nhòa trong tâm trí của những đứa trẻ.

Một tuổi thơ không trọn vẹn từ cuộc tình không hạnh phúc

Thiếu đi tình yêu thương của mẹ hoặc sự dạy dỗ của bố, trẻ em sẽ phải trải qua một khoảng thời gian tuổi thơ thiếu vắng đi không khí của một gia đình, những thứ mà mỗi một đứa trẻ đáng ra phải nhận lấy được. Câu chuyện ly hôn giờ đây không còn là vấn đề của mỗi cá nhân, nó đang thuộc về một phần trách nhiệm của người lớn với đứa con mình sinh ra. 

phia sau mot cuoc hon nhan tan vo tre em la nguoi hung chiu moi hau qua - anh 0
Thiếu vắng đi tình cảm của mẹ, sự dạy dỗ của bố thì các em sẽ thiếu vắng đi không khí của gia đình trọn vẹn (Nguồn ảnh: TheAsianParent)

Trong khi tuổi thơ của các em, đáng ra phải nhận lại được sự quan tâm của cả hai bên trong một gia đình trọn vẹn, thì giờ đây chúng đã buộc phải trưởng thành để thấu hiểu được những hành động của người lớn hay phải tự thân để chăm lo cho cuộc đời của mình. Sự hồn nhiên, trong trắng cũng dần theo đó mà mất đi, thay vào là những ưu lo, muộn phiền và nỗi nhớ khôn nguôi dành cho bố mẹ.

Đúng là trong một cuộc hôn nhân không còn có tiếng nói chúng thì việc ly hôn được xem là sự tiến bộ và văn minh của thời đại, con người có quyền tìm kiếm những nhu cầu mới là điều không sai. Nhưng đứng trước những quyết định mang tính ảnh hưởng, thì cần nên xem xét nhiều hơn đến các khía cạnh liên quan, nếu đã thật sự đưa ra quyết định ly hôn thì hãy có trách nhiệm về cuộc đời của một đứa trẻ.

phia sau mot cuoc hon nhan tan vo tre em la nguoi hung chiu moi hau qua - anh 0
Nếu đã đưa ra quyết định đi đến việc ly hôn thì hãy có trách nhiệm về cuộc đời của một đứa trẻ (Nguồn ảnh: Straitstimes)

Thật ra thì chúng cũng chẳng bao giờ trách người lớn, cũng chưa bao giờ giận hay không đồng tình với việc bố mẹ không còn ở bên nhau, chỉ có điều chúng đang lo sợ về một tuổi thơ không còn gia đình bên cạnh. Vì vậy, đừng vì sự ích kỷ trong hạnh phúc của đời mình mà quên mất đi cảm xúc của con trẻ, bởi lẽ đó là những bông hoa thuần túy rất cần bố mẹ tiếp tục nuôi dưỡng để có dịp nở rộ.

Liệu hạnh phúc đi về đâu khi bố mẹ "tiến thêm bước nữa"?

Một thực tế đáng buồn hơn nữa, chính là việc bố hoặc mẹ có thêm một hạnh phúc mới, đặt mình vào một cuộc hôn nhân sau những thất bại trong chuyện tình cảm. Các em lại một lần nữa phải làm quen cuộc sống mới với những thành viên mà với chúng là hoàn toàn xa lạ, và chấp nhận mọi thứ vì theo lẽ thì đôi lúc trẻ hoàn toàn bị động và không được phép lên tiếng trước những sự lựa chọn đó.

phia sau mot cuoc hon nhan tan vo tre em la nguoi hung chiu moi hau qua - anh 0
Mọi rủi ro về những tổn thương của đứa trẻ vẫn có thể lập lại khi bố hoặc mẹ xây dựng hạnh phúc mới (Nguồn ảnh: Facebook)

Tuy nhiên, nếu may mắn thì cuộc hôn nhân mới này cũng sẽ bù đắp phần nào tuổi thơ không trọn vẹn của các em bằng tình yêu thương của gia đình. Song một thực trạng đáng quan tâm lại là việc khiến nỗi đau của các em lại lần nữa được lập lại, đó là những sự việc thương tâm liên tục xảy ra với chính những người dì kế hay cha dượng.

Điển hình như trong sự việc của bé V.A bị mẹ kế bạo hành, điều này đã đặt ra một câu hỏi rất lớn về việc cuộc hôn nhân mới của người bố có đang giải quyết những thiếu sót về tình cảm của con gái hay không? Câu trả lời là sự đánh đổi bằng cả mạng sống của một đứa trẻ hồn nhiên, tất cả lại đến từ sự ích kỷ, thiếu quan tâm, vô trách nhiệm của người bố ruột và việc chưa bao giờ xem trọng một tuổi thơ tươi đẹp của đứa trẻ.

phia sau mot cuoc hon nhan tan vo tre em la nguoi hung chiu moi hau qua - anh 0
Sự việc đau lòng của V.A là một hệ quả thực tế từ sự vô trách nhiệm của người bố sau cuộc hôn nhân tan vỡ (Nguồn ảnh: BBC)

Hôn nhân là một cuộc hành trình dài và không mang tính ổn định, đòi hỏi con người phải luôn cố gắng vì nhau để xây dựng nên gia đình trọn vẹn. Đứa trẻ chính là kết quả tuyệt vời của những tình cảm quý báu giữa các cặp đôi, vì vậy đừng khiến chúng phải gánh chịu những hậu quả từ sự ích kỷ của người lớn và hơn hết là chấp nhận những thực tế phũ phàng của cuộc sống khi còn quá nhỏ.

Từ chuyện từ thiện đến vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành: Những đám đông cuồng nộ vô tội vạ và nhất thời

Vụ bé gái 8 tuổi bị "mẹ kế" bạo hành đến chết tại TP.HCM: Không chỉ có một "thủ phạm"?

UNICEF lên tiếng vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành: "Các vụ việc thường chìm trong im lặng"

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ