Hứa hẹn là một phần trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng tại sao có những lúc chúng ta không thể "làm tròn" lời hứa của mình?
Không biết tự bao giờ, hứa hẹn như trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Hôm nay, bạn hứa với bản thân rằng từ mai sẽ chăm chỉ đọc sách, ấy là hứa. Vào ngày kết hôn, cả cô dâu lẫn chú rể đều đồng ý sẽ bên nhau trọn đời, đầu bạc răng long cũng không chia lìa, ấy cũng là hứa.
Hứa không chỉ là một lời nói mà nó còn là hành động. Nói rất dễ, nhưng làm lại rất khó. Thực vậy, tại sao chúng ta lại "hay" hứa hẹn vậy chứ?
Tại sao chúng ta lại hứa hẹn với nhau?
Lý do đầu tiên có thể kể đến là để làm hài lòng và gây ấn tượng với những người mà chúng ta hứa. Đặc biệt, nếu ai đó cần chúng ta làm điều gì đó cho họ, lúc ấy, chúng ta có thể hứa rằng sẽ làm điều đó cho họ để họ cảm thấy thoải mái hoặc khiến họ hạnh phúc. Đôi khi chúng ta cũng muốn "ghi điểm" với người khác rằng chúng ta quan tâm đến mọi người bằng cách hứa làm điều gì đó cho ai đó.
Không chỉ vậy, thi thoảng chúng ta còn hứa để bản thân cảm thấy xứng đáng, được biết ơn vì có thể làm điều gì đó cho người khác. Đây thường là những người có khuynh hướng nói nhiều hơn làm, muốn tạo dựng hình ảnh hoặc chỗ dựa cho người khác trong khi bản thân lại không đáng tin.
Lại cũng có những người luôn cảm thấy không an toàn đến mức mà họ đưa ra những lời hứa để thao túng tâm lý người khác hoặc chỉ để giải quyết xung đột mà họ hứa những điều bản thân biết rõ rằng chỉ là hứa suông.
Hoặc cũng có thể là do bị yêu cầu hoặc ép phải thực hiện một lời hứa.
Vậy thất hứa là do đâu?
Như đã nói ở trên, nói là một chuyện dễ dàng, hành động mới là chuyện khó khăn. Nếu hứa là một điều tồn tại hiển nhiên thì thất hứa cũng hiển nhiên không kém...
Người ta nhiều khi không cố ý thất hứa, chỉ là hứa để giúp người khác thấy thoải mái và khiến họ hạnh phúc nếu đang lo lắng. Cũng có người hứa chỉ để tỏ ra tự tin, xứng đáng và có khả năng làm điều gì đó cho ai, trong khi họ không thực sự tốt đẹp và có ích với người khác đến vậy.
Nhiều người khác thì nói nhiều, hứa nhiều mà không xem xét xem liệu họ có thể đáp ứng được chúng hay không, hoặc liệu họ có thể thực hiện lời hứa mà không cần lập kế hoạch về cách thực hiện lời hứa hay khả năng thực hiện của nó. Hứa những điều vượt ra khỏi khả năng.
Có người lại được nuôi dạy theo cách đó, họ không biết tầm quan trọng của những lời họ nói và dễ thất hứa. Một số thì bị thu hút và hứa những điều họ nghĩ rằng họ sẽ thực hiện, nhưng khi nhắc lại, họ lại kiểu "như chưa hề có chuyện đã hứa" hoặc do thời gian, con người và tình cảm đã thay đổi, bản thân họ của bây giờ không còn đủ khả năng giữ lời hứa của họ của ngày trước nữa.
Cũng có thể là do bị yêu cầu hoặc ép buộc phải thực hiện một lời hứa, nên họ không thể thực hiện cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Hai từ "thất hứa" nghe thì có vẻ nhẹ nhàng quá đỗi, nhưng mọi người từng nghĩ đến hậu quả chưa? Việc chúng ta không thể thực hiện lời hứa vừa khiến người khác thất vọng lại vừa khiến người khác không còn tin tưởng vào chúng ta. Bởi một lần bất tín vạn lần bất tin.
Việc thực hiện lời hứa còn thể hiện "trọng lượng" trong phát ngôn của chúng ta. Thất hứa quá nhiều sẽ dần khiến chúng ta trở thành người tồi tệ, mất đi hình ảnh của bản thân, mất đi sự tin tưởng của người khác. Và cuộc sống thiếu sự tin tưởng chưa bao giờ là dễ dàng và suôn sẻ.
4 câu hỏi giúp chúng ta "thức tỉnh" trước khi đưa ra bất kỳ lời hứa hẹn nào
Động lực gì đằng sau những lời hứa?
Tại sao tôi lại hứa? Ý định của tôi là gì? Tôi hứa điều này vì người nhận hay vì chính tôi? Đôi khi chúng ta làm điều gì đó hoàn toàn không có mục đích tốt. Lại cũng có lúc chúng ta làm điều gì đó không phải là vì bản thân mình.
Có lẽ chúng ta nghĩ rằng chúng ta cần phải "say yes" để đạt được những gì bản thân muốn hoặc để khiến ai đó có cảm tình tốt với chúng ta. Chúng ta nói với mọi người những điều chúng ta nghĩ rằng họ muốn nghe, để họ thấy vui. Hãy thành thật với bản thân về lý do tại sao bạn lại hứa và bạn nhận được gì từ nó.
Tôi có thực tế không?
Cuộc sống di chuyển với tốc độ ánh sáng và chúng ta thường phải chọn và lựa chọn cách chúng ta sử dụng thời gian của mình. Hãy xem xét lịch trình, kế hoạch của bạn và tự hỏi bản thân xem đây có phải là lời hứa mà bạn có thể giữ được hay không. Ít hứa hẹn và hành động nhiều vẫn luôn tốt hơn là hứa nhiều nhưng lại chẳng thực hiện được bao nhiêu.
Tôi có nhất thiết phải hứa điều này?
Không ai nói rằng bạn bắt buộc PHẢI hứa với người khác. Tất cả chúng ta đều không thích một người sếp nhìn thẳng vào mắt chúng ta và cam kết một thứ mà người ấy không thể làm. Đừng trở thành người như vậy!
Nếu không biết liệu mình có thể thực hiện được hay không, bạn chỉ cần đưa ra những kỳ vọng phù hợp là được. Nói với hàng xóm của bạn rằng bạn muốn giúp họ lên kế hoạch cho buổi liên hoan nhưng không chắc liệu bạn có thể thực hiện được hay không vì dạo này bạn khá bận rộn và bạn sẽ báo cho họ biết vào tuần tới. Mọi người tôn trọng sự thành thật ngay cả với câu trả lời khác với những gì họ muốn nghe.
Liệu tôi có thể xử lý tốt khi tôi không thể giữ lời hứa?
Khi một sự việc quan trọng phát sinh khiến chúng ta không thể gặp một người bạn như đã hứa, chúng ta có thông báo cho người bạn đó đủ sớm để người ấy có thể thực hiện kế hoạch khác? Việc kế hoạch bất ngờ bị thay đổi là một điều có thể hiểu, miễn là bạn có lời giải thích và tử tế về điều đó.
Ghi nhớ những điều này có thể giúp chúng ta "quản lý" lời hứa một cách hiệu quả hơn, giúp chúng ta cảm thấy tích cực về những gì chúng ta đã làm được! Giữ lời hứa vừa tốt cho chúng ta, lại vừa "tốt" cho người khác nữa.
Nguồn: TH&PL