Love to Lớp: Làm sao để việc ở bên nhau không trở thành thói quen và trách nhiệm?

Có bao giờ chúng ta nghĩ, khi ở trong một mối quan hệ quá lâu, những hành động ấy cứ lặp đi lặp lại quá nhiều làm yêu thương dễ tự rơi vào chế độ mặc định?

Không phải tự nhiên mà người ta cứ rảo tai nhau về câu hát: "Đừng để thời gian bên nhau là thói quen…" trong ca khúc đình đám về sự chia ly Đừng Như Thói Quen của JayKii và Sara Lưu. Lời khuyên ấy chính là một sự "cảnh giác" cho tất cả những ai đang rơi vào cái bẫy tình yêu mà "ai cũng cam tâm lọt vào". Vì bất kì một mối quan hệ nào cũng thế, đều phải trải qua 3 giai đoạn cảm xúc: Nồng nhiệt lúc đầu, nhạt nhòa đoạn giữa,... và tịnh tiến đi lên bằng một cái kết có hậu đến trọn đời vì trách nhiệm.

Còn nếu không có hậu thì sao? Thì khi đó chúng ta sẽ bị "thói quen bên nhau" từ khoảnh khắc nồng nhiệt ban đầu làm cho đau khổ tột cùng!

love to lop lam sao de viec o ben nhau khong tro thanh thoi quen va trach nhiem - anh 0

Khi tình yêu trở thành thông lệ chứ không còn là điều tự phát từ trái tim 

"Cứ đến cuối tuần là mình gặp nhau nhé!", như những cuộc hẹn hò bình thường của các cặp đôi mới yêu nhau, một trong hai người hay thậm chí cả hai đều vô cùng háo hức chờ đợi đến cuối tuần để gặp mặt đối phương, hay thậm chí là chỉ ở bên nhau thế thôi là đủ. Chúng ta vui, hạnh phúc và mãnh liệt trong những ngày tháng yêu đương chớm nở đó. Nhưng có bao giờ chúng ta nghĩ, khi ở trong một mối quan hệ quá lâu, những hành động ấy cứ lặp đi lặp lại quá nhiều làm yêu thương dễ tự rơi vào chế độ mặc định? 

Từ sự tận hưởng và mong chờ lại chuyển hóa thành việc buộc phải làm, khiến người trong cuộc như ngột ngạt, nói hơi đau lòng thì giống như… làm nhưng mà trong lòng chẳng còn cảm giác thú vị nữa. Con người sẽ luôn thay đổi theo thời gian, không cần đợi đến khi kết hôn thì ta mới thấy được sự thay đổi của người ở bên cạnh mình mà đôi khi, chính chúng ta cũng là người thay đổi mà chẳng hề hay biết. Vậy tại sao cứ một mực đòi yêu nhau như lúc ban đầu?

love to lop lam sao de viec o ben nhau khong tro thanh thoi quen va trach nhiem - anh 0

Khi thói quen không còn là thói quen, "vô tâm" hóa thành lời trách cứ! 

Sẽ không ít cô gái và chàng trai dễ rơi vào trạng thái "suy diễn" khi người yêu của mình bất chợt không còn giữ “thói quen” như lúc mới yêu. Những dòng tin nhắn vơi dần đi, những cuộc hẹn trở nên khan hiếm, những lời chia sẻ tâm sự cũng chẳng còn cảm giác mới mẻ… Vâng! Thực tại của tình yêu sẽ luôn là như vậy, mà đã là thực tại chẳng ai tránh né được điều này.

Người ta cần thói quen để duy trì mối quan hệ, cần trách nhiệm để đi được xa, nhưng cần cảm xúc để quan tâm nhau. Hành động quan tâm nhau, dù ít, thì đó vẫn là điều tối thiểu cần có để mang lại cho đối phương cảm giác được yêu thương và an toàn trong mối quan hệ đó. Nhưng quan tâm từ trái tim và quan tâm từ trách nhiệm "phải làm", bạn cảm thấy hạnh phúc hơn khi đón nhận từ khía cạnh nào? 

love to lop lam sao de viec o ben nhau khong tro thanh thoi quen va trach nhiem - anh 0

Dĩ nhiên, ai cũng sẽ hạnh phúc hơn nếu được đón nhận "thói quen bên nhau" từ chính cảm xúc "muốn" quan tâm của đối phương hơn là một trách nhiệm khô cứng hoặc… đợi nhắc rồi mới quan tâm. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, chính vì những suy nghĩ nuông chiều cảm xúc thế này mà nhiều người hiểu lầm rằng: Sự vô tâm của đối phương là vì không còn yêu mình nữa! 

"Vô tâm" là một thực tại của mọi mối quan hệ và bạn sẽ là người thiệt thòi nếu chỉ biết bám víu vào hai chữ “vô tâm”, bám víu vào những thay đổi không còn là thói quen để chọc xoáy nhau rồi tan vỡ. Bạn cần phải chấp nhận để hiểu rằng: Không có ngọn lửa nào cháy lớn mãi được, muốn giữ lửa chỉ còn cách thêm dầu vào lửa. Và ngọn lửa tình yêu cũng chẳng là ngoại lệ của hiện tượng ấy, lúc mới yêu cảm xúc trái tim của ai cũng lớn, lấn át cả sự tỉnh táo của lý trí. Nhưng sẽ đến lúc, một trong hai mất sức rồi dần hạ nhiệt. Cách duy nhất để không làm ngọn lửa tắt là cả hai trái tim đều phải cùng nhau vun vén, nhè nhẹ, chầm chậm và âm thầm duy trì.

love to lop lam sao de viec o ben nhau khong tro thanh thoi quen va trach nhiem - anh 0

Hãy để thói quen xuất phát từ sự chân thành bằng cách tin tưởng và chấp nhận 

"Thói quen" thật sự rất đáng sợ, dù là thói quen gì đi chăng nữa không kể tình yêu thì nó vẫn đáng sợ. Vì không ai dễ dàng thoát ra khỏi những điều thường nhật hay làm hoặc phải cần một khoảng thời gian để thích nghi và thay đổi. Thậm chí thói quen sẽ trở thành yếu tố ám ảnh của mọi cuộc chia ly vì nó làm chúng ta gợi nhớ, sầu khổ và luôn miệng trách: Tại sao? 

Nhưng trước khi hỏi cuộc đời "tại sao" thì bạn cần hỏi lại chính mình câu đó! Tại sao chúng ta không thoải mái đón nhận những điều bất ngờ từ cuộc sống, những điều không lường trước từ tình cảm của ai đó? Nó chẳng thú vị hơn một lịch trình nhàm chán mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng hay sao? 

love to lop lam sao de viec o ben nhau khong tro thanh thoi quen va trach nhiem - anh 0

Tại sao không thể yêu thương thoải mái trong một mối quan hệ mà suốt ngày cứ nơm nớp lo sợ vì một thói quen chẳng còn tồn tại? Cách để yêu thương rất muôn hình vạn trạng và tình yêu vốn dĩ cũng chẳng phải là một chiếc hộp để chúng ta gò bó ai ở mãi trong đấy. Khi tình yêu đủ lớn, sẽ hóa thành hành động, không cần quá lớn lao, không cần nhất nhất "phải làm" vì trách nhiệm, hãy làm chỉ vì muốn làm. Một cái ôm ấm áp vì quá nhớ… cũng đủ để khiến trái tim ai đó hạnh phúc rồi. 

Khi yêu, đồng nghĩa với việc mỗi người đang bước đến một lớp học mang tên tình yêu. Dù kết quả là đổ vỡ hay đi đến bến bờ hạnh phúc, lớp học này cũng dạy cho bạn nhiều bài học: học yêu thương, học trưởng thành, học chấp nhận và học cả sự cô đơn,... Tuyến bài Love To Lớp - Từ tình yêu đến lớp học của chuyên mục GenVie sẽ là những dòng tản mạn, câu chuyện, tâm sự, góc nhìn về tình yêu,... để đồng cảm, chia sẻ và cùng bạn học cách yêu mỗi ngày.

Love to Lớp: Phải làm gì khi gặp được người mới tốt hơn hiện tại?

Love to Lớp: Yêu người nhỏ tuổi hơn là trải nghiệm như thế nào?

Love to Lớp: Làm sao để biết được bạn đang yêu thầm một ai đó?

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ