Tại sao cha mẹ Việt khó chấp nhận xu hướng tính dục của con cái?

"Ba không chấp nhận việc mình có con dâu là đàn ông!", 5 năm trước, ba tôi đã từng thở dài như vậy…

Năm 30 tuổi, trong lúc cả gia đình nhà bác ngóng trông một người con gái dịu hiền về làm dâu trong gia đình, anh tôi lại "đùng đùng" dẫn một chàng trai về nhà rồi giới thiệu là người yêu. Mọi người cảm thấy sốc và thất vọng như thế nào về người con trai cả trong gia đình.

Trong những năm gần đây, xã hội chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi ngày càng nhiều trong tư duy và hành động đối với cộng đồng LGBTQ+. Dù vậy, không thể phủ nhận rằng, những rào cản nhất định trong việc hợp thức hoá tình yêu LGBTQ+ vẫn còn tồn tại. Thế hệ đi trước, đặc biệt là bậc làm cha mẹ, vẫn cực kỳ ái ngại khi đối diện với những xu hướng tính dục mà họ cho là "không bình thường" của những người trẻ.

tai sao cha me viet kho chap nhan xu huong tinh duc cua con cai - anh 0

Xu hướng tính dục và các khuôn mẫu của định kiến xã hội

Xu hướng tính dục (Sexual orientation) là cụm từ để chỉ khía cạnh bị hấp dẫn có tính bền vững về cảm xúc, tình cảm hoặc tình dục hướng tới người khác. Thuật ngữ này bao gồm nhóm xu hướng dị tính (bị thu hút bởi người khác giới), nhóm đồng tính (bị thu hút bởi người cùng giới), nhóm song tính (bị thu hút với cả hai giới).

Trong xã hội Việt Nam, chuẩn mực về giới tính được thể hiện ở việc chúng ta cố ép ngoại hình, cách ăn mặc cho đến sở thích, cách thể hiện bản thân,... vào hai khuôn mẫu "nam" hoặc "nữ". 

Không chỉ vậy, một bộ phận trong xã hội vẫn cho rằng đồng tính hay LGBT là bệnh, cần phải chữa. Thậm chí, dưới áp lực vô hình của xã hội, những người thuộc "cộng đồng cầu vồng" trong thời kỳ đầu tiên của quá trình nhận thức giới bản thân vẫn đang tự kỳ thị và đè nén tình cảm thật của chính mình. Từ định kiến xã hội đó, câu cửa miệng dễ thấy của ba mẹ không có thái độ chấp nhận là: "Đừng làm cha/mẹ mất thể diện!".

tai sao cha me viet kho chap nhan xu huong tinh duc cua con cai - anh 0

Cha mẹ được xem là những người định hướng và dạy dỗ con cái. Thế nên khi con cái là người đồng tính, cha mẹ thường bị đổ lỗi hoặc tự đổ lỗi cho chính mình là không biết dạy con nên con mới đồng tính. Họ cảm thấy mất mặt hoặc xấu hổ với mọi người xung quanh. Kết quả, họ sẽ có áp lực phải "sửa sai" bằng cách phản đối mạnh hoặc đưa con đi "bắt bệnh" để mong con mình thay đổi theo hướng "bình thường" mà họ muốn. 

Phần đông cha mẹ là người dị tính

Cha mẹ là những người thuộc thế hệ đi trước, họ lớn lên trong bối cảnh xã hội chưa đủ hiểu biểu về kiến thức giới. Chưa kể, việc họ kết hôn và sinh ra chúng ta cũng có nghĩa họ đã tự xem chính mình là người dị tính. Họ có thể ít nghe hoặc không biết gì về mối quan hệ giữa những người cùng giới. Chưa kể, phần lớn phụ huynh rất dễ vướng vào vòng xoáy của định chuẩn hoá dị tính.

Định chuẩn hoá dị tính (heteronormativity) là khái niệm chỉ niềm tin dị tính là tuyệt đối. Bởi mọi thứ được xác định qua chuẩn mực nhị nguyên giới tính (chỉ có nam và nữ) nên chỉ có các mối quan hệ giữa những người khác giới mới được xem là khả thi và thực tế. Họ xem đồng tính, song tính là điều gì đó không đúng chuẩn và nên tránh xa

tai sao cha me viet kho chap nhan xu huong tinh duc cua con cai - anh 0
Vì chính bản thân mình là người dị tính, cha mẹ cũng nghĩ bạn là người dị tính

Vì thực tế xã hội vẫn chưa thể chấp nhận nên cha mẹ rất lo con mình sẽ bị kỳ thị hoặc bắt nạt nơi công sở hoặc trường học. Phụ huynh sẽ nghĩ đến sự an toàn của con khi nghĩ rằng chúng có thể gặp nhiều định kiến từ mọi người xung quanh khi là người đồng tính. Mất việc, mất thu nhập hoặc ảnh hưởng đến chuyện học hành là những chuyện có thể xảy ra.

Chưa kể, việc có con chung giữa các cặp đôi đồng tính vẫn là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi. Vậy việc nối dõi sẽ như thế nào, liệu chúng có hạnh phúc khi không thể có con cũng là nỗi băn khoăn có thể gặp phải của phụ huynh Việt, đặc biệt khi con của họ là người con trưởng trong gia đình.

Cha mẹ và con cái cần lắm sự thấu hiểu

Nhiều người đồng tính thấy rằng việc công khai xu hướng tính dục của họ với cha mẹ có thể làm sứt mẻ mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái. Do đó mà nhiều người đồng tính cảm thấy không cần thiết hoặc lo sợ khi phải công khai với cha mẹ của mình.

tai sao cha me viet kho chap nhan xu huong tinh duc cua con cai - anh 0

Hiểu được cha mẹ sẽ giúp các bạn trẻ trong cộng đồng LGBTQ+ có cái nhìn thông cảm, thấu hiểu hơn trong trường hợp họ bị phản đối. Điều này cũng sẽ giúp chúng ta có những bước chuẩn bị phù hợp về tinh thần trước khi "come out" với gia đình. Không chỉ vậy, con cái cũng cần một thời gian để chứng minh cho cha mẹ thấy rằng, việc dám sống thực với bản sắc giới và xu hướng tính dục của mình là hạnh phúc thật sự.

Dù có thế nào đi nữa, họ vẫn là những người con của cha mẹ với giá trị con người đáng quý, đáng trân trọng. Công khai chưa bao giờ được xem là điều dễ dàng, đặc biệt với gia đình của mình. Đây là hành trình tìm kiếm sự chấp nhận, cảm thông và hạnh phúc của những người thuộc cộng đồng LGBTQ+

tai sao cha me viet kho chap nhan xu huong tinh duc cua con cai - anh 0

Trở lại với câu chuyện của anh họ tôi. 5 năm dám đấu tranh để được chấp nhận là 5 năm anh học cách thấu hiểu tâm lý cha mẹ để có hành vi và thái độ ứng xử sao cho phù hợp. Nhờ vậy, giờ đây anh đã có thể sống một cuộc sống hạnh phúc, theo cách mà mình thực sự mong muốn.

__________ 

Pride Month - Tháng tự hào LGBT không chỉ dành riêng cho cộng đồng LGBT mà còn là sự kiện kết nối tất cả những ai đã và đang đồng hành cùng lá cờ lục sắc. Tuyến bài #PrideMonth của mục GenVie sẽ cùng bạn khám phá những góc nhìn, quan điểm và chia sẻ những câu chuyện đầy cảm hứng về cộng đồng LGBT. Chúng tôi hy vọng có thể gửi đến tất cả thông điệp: Hãy luôn là chính mình trong mọi khoảnh khắc!

Người song tính có đang bị kì thị trong chính cộng đồng LGBT?

Shayne Khánh Vân: "Giới tính không phải yếu tố làm một người trở nên hư hỏng!"

Có cần thiết phải come out, sống thật với gia đình?

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ