Cộng đồng LGBTIQ+ tại Việt Nam ngày càng diễn ra mạnh mẽ, cho thấy một tương lai tươi sáng hơn về sự bình đẳng.
Những năm trở lại đây là thời điểm mà ta nhận thấy sự chuyển mình vô cùng rõ rệt của cộng đồng LGBTIQ+. Bằng sự đấu tranh cũng như nỗ lực cống hiến không ngừng nghỉ thì hiện tại cộng đồng LGBTIQ+ tại Việt Nam đã được đón nhận một cách tích cực và cởi mở hơn. Nhân sự kiện Pride Month hãy cùng điểm lại những thành tựu nổi bật của cộng đồng trong suốt thời gian qua.
Từ được xem là tệ nạn xã hội đến những thành tựu đầy tự hào
Trước những năm 2008 thì vấn đề đồng tính luôn nhận được cái nhìn tiêu cực từ xã hội, cộng đồng này luôn bị gán nhãn là tệ nạn do định kiến của phần đông dân cư chỉ tập trung chú ý và khai thác vào những góc khuất của cộng đồng. Thậm chí, trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 ở khoản 5 – điều 10 ghi rõ “Cấm hôn nhân giữa những người cùng giới tính".
Chính từ đó mà phần lớn những người trong cộng đồng phải chọn cách che giấu bản dạng giới của bản thân, phải nói ở thời điểm đó LGBTIQ+ tại Việt Nam mang nặng một màu xám xịt, nặng trĩu và u buồn. Bằng chính sự nỗ lực và đấu tranh thì năm 2008 được xem là một bước ngoặt khá lớn của cộng đồng này tại Việt Nam vì Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội và Môi trường (iSEE) với sự hỗ trợ của tổ chức Oxfam đã triển khai các dự án và chiến dịch xóa bỏ sự kì thị và định kiến xã hội đối với người đồng tính tại Việt Nam.
Với những thành công ban đầu và sự phát triển thì vào năm 2011, Trung tâm ICS tại Việt Nam được đưa vào hoạt động với sự mệnh vận động và bảo vệ quyền cho cộng đồng LGBTIQ+. Trong những năm sau đó, hàng loạt phong trào cho cộng đồng được ra đời. Điển hình như sự kiện “Yêu là yêu” vào năm 2012 đã thu hút sự quan tâm đông đảo của truyền thông và cộng đồng, vào tháng 5/2013 là sự kiện “Thức tỉnh cầu vòng” và tháng 8/2013 VietPride ra đời, như một cuộc diễu hành công khai đầu tiên đầy tự hào của cộng đồng.
Từ đây đã mở ra một chương mới trong tiến trình vận động trao quyền cho LGBTIQ+. Tháng 5/2014 Quốc hội chính thức thông qua Luật, bỏ cấm và không thừa nhận hôn nhân cùng giới. Ngày 24/11/2015, Quốc hội khóa XIII thông qua Bộ luật Dân sự hợp pháp hóa quyền chuyển đổi giới tính, trong đó ghi nhận sẽ có quy định pháp luật cụ thể điều chỉnh, mở ra một chương mới trong phong trào vận động quyền của người chuyển giới.
Phong trào LGBTIQ+ khởi sắc cùng bước tiến của những người trong cộng đồng
Đầu tiên, không thể không nhắc đến một nhân vật khá quen thuộc với cộng đồng LGBTIQ+ tại Việt Nam, là một trong những người tiên phong trong các dự án liên quan về cộng đồng - anh Lương Thế Huy. Hiện anh đang là giám đốc chương trình trao quyền LGBTIQ+, Viện nghiên cứu Kinh tế - Xã hội và môi trường (iSEE) - Tổ chức hoạt động vì quyền của những người đồng tình, song tính và chuyển giới.
Là một trong những người có nhiều cống hiến cho cộng đồng thì vào ngày 12/3/2021 Thế Huy nộp hồ sơ để ứng cử vào Đại Biểu Quốc Hội khóa XV và Uỷ Ban Nhân Dân Hà Nội khóa 2021 – 2026. Anh được xem là đại diện công khai đầu tiên của cộng đồng LGBTIQ+ ứng cử vào Đại Biểu Quốc Hội.
Trên trang cá nhân mình, Thế Huy có chia sẻ: “Mình ứng cử QH và HĐND với mục đích duy nhất, chân thành là đóng góp sức mình vào sự phát triển của Thủ đô và đất nước, và tất nhiên là ôm cả mơ ước của những cộng đồng thiểu số, đa dạng trong xã hội mà mình cũng là thành viên hay ở xung quanh mình".
Tuy không có mặt trong danh sách trúng cử nhưng bằng chính sự nỗ lực của mình thì anh đã giúp các vấn đề về chính trị phần nào chạm gần đến các bạn trẻ và hơn hết đâu đó trong xã hội cũng đã có cái nhìn rộng lượng và bao dung hơn để đón nhận những điều mới mẻ của xã hội.
Tiếp theo đó là sự vinh danh của Youtube đối với top 4 nhà sáng tạo nội dung LGBTIQ+ tại Đông Nam Á, trong đó có sự xuất hiện của đại diện Việt Nam là Dustin Phúc Nguyễn. Được công chúng biết đến với vai trò là VJ của MTV nhưng vào năm 2016 anh từ bỏ sự nghiệp và lập ra kênh Youtube mang tên Dustin On The Go, mang đến những chương trình với màu sắc đặc biệt của riêng mình như: Bar Stories, Caraoke With Dustin.
Là một trong số ít các VJ thừa nhận bản thân là người đồng tính và không e ngại sự đánh giá từ những người xung quanh. Các talkshow về chủ đề LGBTIQ+ luôn được Dustin Phúc Nguyễn đề cao những giá trị cộng đồng, được xem là một nơi uy tín để có thể chia sẻ những kiến thức về nhiều khía cạnh của giới tính cũng như xu hướng tính dục, các trải nghiệm cũng như những câu chuyện đặc biệt từ chính những người trong cuộc.
Gần đây thì cộng đồng người chuyển giới cũng xuất hiện trên truyền thông rất nhiều. Nổi bật là chương trình thực tế - Miss International Queen Việt Nam do hoa hậu Hương Giang là giám đốc Quốc Gia nắm bản quyền và tổ chức thực hiện. Sau khi đăng quang hoa hậu chuyển giới Quốc Tế vào năm 2018 tại Thái Lan thì cô đã ấp ủ dự định về việc tổ chức một sân chơi có quy mô lớn, đầu tư chỉnh chu đầu tiên cho người chuyển giới tại Việt Nam.
Từ đó các chương trình như: The Tiffany Vietnam 2018 và Miss International Queen VietNam 2020 ra đời với sự thành công của hai cái tên là Nhật Hà và Trân Đài. Trong một chia sẻ Hương Giang cũng đã nói mục đích của mình khi thực các hiện các dự án này: "Tôi mong muốn tạo ra một thế hệ những người chuyển giới văn minh, hiện đại và sẵn sàng chinh phục những đỉnh cao mới”. Từ đây, tiếng nói và hình ảnh của người chuyển giới tại Việt Nam ngày càng gần hơn với xã hội, góp một phần không ít vào tiến trình vận động trao các quyền cơ bản cho người chuyển giới.
Bước đi mới cho các dự án thúc đẩy sự bình đẳng của cộng đồng LGBTIQ+
Vào ngày 12/9/2019, dự án “Quản trị quyền trẻ em - Trẻ em và thanh thiếu niên LGBT tại Việt Nam được tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế và dịch vụ xã hội” giai đoạn 2019 – 2021 được thực hiện tại Cần Thơ do tổ chức Vì Sự đa dạng giới Na Uy (FRI) tài trợ thông qua tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế (SCI) tại Việt Nam.
Dự án cũng đã thu hút đông đảo sự quan tâm của cộng đồng. Cùng với đó dự án cũng đã cung cấp cho các thanh thiếu niên ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long những kiến thức về giới tính, giúp các bạn hiểu rõ và bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình. Ngoài ra, với mục tiêu đem lại những lợi ích trực tiếp thì dự án còn vận động sự bình đẳng và tạo điều kiện để thanh thiếu niên có thể tiếp xúc gần nhất với các dịch vụ như: Y tế, nghề nghiệp, giáo dục, giải trí, hành chính…
Hay quay lại vào năm 2017, tại Hà Nội cũng đã triển khai triển lãm đầu tiên về lịch sử của cộng đồng LGBT tại Việt Nam mang tên “Vietnam Queer History Month”, sự kiện do nhóm Hà Nội Queer, với sự ủng hộ và tài trợ của Quỹ Người Khởi Xướng, Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội và Môi trường (iSEE).
Buổi triển lãm đã góp phần cung cấp các thông tin về lịch sử hình thành của cộng đồng và cho thấy rằng cộng đồng LGBTIQ+ đã hiện diện từ rất lâu trong mọi tầng lớp của cuộc sống. Triển lãm bao gồm những câu chuyện vô cùng sinh động về tình yêu và cuộc sống của những người trong cộng đồng, tái hiện lại những giai đoạn lịch sử, những thay đổi và những dấu mốc quan trọng. Tạo tiền đề cho việc khẳng định vị trí và vai trò của cộng đồng LGBTIQ+ tại Việt Nam.
Đại diện LGBTIQ+ tại Việt Nam tham gia viết báo cáo về vấn đề quyền cho cộng đồng trong Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát nhân quyền (UPR) chu kỳ 3. Các vấn đề được viết trong báo cáo chủ yếu xoay quanh về quyền cho cộng đồng LGBTIQ+ tại Việt Nam như quyền được kết hôn đồng giới, quyền được chuyển đổi giới tính, các vấn đề về chăm sóc y tế…
Tuy tất cả đều chưa được thật sự thông qua nhưng từ đây cộng đồng LGBTIQ+ tại Việt Nam cũng đã dần được chú ý và công nhận như một bản dạng giới bình thường. Ngoài ra, còn có các dự án nhỏ vẫn đang được đẩy mạnh thực hiện và phát triển như: Bisexual Việt Nam, Asexual Việt Nam, NYN, My Life…
Cùng với những cống hiến và nỗ lực thì phong trào đấu tranh cho cộng đồng LGBTIQ+ tại Việt Nam ngày càng diễn ra mạnh mẽ, cho thấy một tương lai tươi sáng hơn về sự bình đẳng. Nhưng đây chắc chắn sẽ còn một chặng đường dài rất dài phía trước đòi hỏi chính bản thân những người trong cộng đồng phải không ngừng hoàn thiện mình và xã hội cần có cái nhìn tích cực hơn về đa dạng giới.
--------------
Ngày 28/6/1969 được coi là mốc đánh dấu bước khởi đầu của phong trào đấu tranh đòi quyền lợi cho cộng đồng LGBTQ+ trên toàn thế giới, cũng là căn nguyên của Tháng Tự Hào sau này, một dịp để toàn thế giới tôn vinh sự đa dạng về giới và tính dục. Sau 52 năm, ngày 28/6 năm nay, tập trung chia sẻ những câu chuyện về cộng đồng LGBTQ+ Việt nhưng đặt trong giá trị thiêng liêng của tình cảm gia đình vì 28/6 cũng là ngày Gia đình Việt Nam. Hãy cùng lắng nghe để xóa bỏ những định kiến còn tồn tại vì sự bình đẳng cho cộng đồng LGBTQ+!
Nguồn: TH&PL