Khi Á hậu Hoàng Oanh chia sẻ nỗi vất vả khi chăm con, 10 giờ đêm vẫn phải đứng rửa bát. Có rất nhiều bình luận xỉa xói cô “vạch áo cho người xem lưng”, “ai làm vợ mà chẳng thế”...
Những ngày qua, câu chuyện ly hôn của Á hậu Hoàng Oanh và chồng Tây thống trị khắp mạng xã hội. Nhưng có lẽ câu chuyện đã đi quá xa khi một bộ phận "cư dân mạng" có xu hướng đổ lỗi, thậm chí chê trách cô nàng Á hậu. Đa phần trong họ có xu hướng khuyên Hoàng Oanh nên cam chịu và lạc quan bởi "như thế có gì đâu mà khổ!".
Nội dung liên quan
Trên thực tế, lạc quan không thực sự tốt trong mọi trường hợp. Đặc biệt là khi đưa ra lời khuyên cho người khác, chúng ta thường dễ mắc phải chứng "toxic positivity" hay "sự tích cực độc hại".
Tích cực độc hại là gì?
"Toxic positivity" hay "sự tích cực độc hại" chỉ việc quá tập trung theo đuổi những suy nghĩ tích cực và bỏ qua những cảm xúc khác. Nó dẫn đến sự từ chối, đánh giá thấp, và xem thường những cảm xúc cũng như trải nghiệm thật của con người.
Cụm từ cũng ám chỉ một người phải giả vờ như đang vui vẻ, hạnh phúc và phớt lờ đi những cảm xúc tiêu cực, kìm nén nỗi buồn trong họ. Trong một số trường hợp, sự tích cực độc hại có thể là hành động nội tại cho chính chúng ta tạo ra để thể hiện mọi chuyện vẫn đang ổn. Nhưng, đôi khi đó cũng là áp lực hình thành bởi những lời "động viên" lạc quan, vui vẻ do những người xung quanh vô tình nói ra.
Một số ví dụ điển hình của sự tích cực độc hại mà chúng ta hay bắt gặp:
- Câu nói “Ôi giời thời tao còn khổ hơn đây này” của người lớn khi mình chia sẻ về những khó khăn trong cuộc sống.
- Lời khuyên “Hãy cứ lạc quan lên” của người thân khi mình đang phải đối mặt với những vấn đề bi thảm, bất hạnh nhất.
- Luôn luôn tự nhủ với bản thân rằng mình ổn, trong khi mình không hề ổn tí nào.
Dấu hiệu của sự tích cực độc hại là gì?
Nhiều người sẽ thắc mắc "Khuyên bảo người khác mà là độc hại ư?"
Những lời động viên là nguồn động lực to lớn để chúng ta vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một cách nghiêm túc nỗi đau thương của người khác. Một lời động viên cần có sự chân thành lắng nghe, xuất phát từ sự quan tâm của mình đến đối phương.
Suy nghĩ tích cực tạo cho chúng ta rất nhiều niềm tin và hy vọng. Tuy nhiên, trong một số tình huống, chính chúng ta biến những suy nghĩ tích cực ấy trở nên độc hại:
- Che giấu cảm xúc thật.
- Chối bỏ những cảm xúc tiêu cực của người khác bằng những lời nói tích cực sáo rỗng.
- Nói với người khác những triết lý, những bài học, câu chuyện của bản thân thay vì lắng nghe nỗi bi thương của họ.
- Hạ thấp sự nghiêm trọng của vấn đề mà người khác đang phải đối mặt.
- Loại bỏ những điều phiền muộn với suy nghĩ “Mọi thứ vốn dĩ là như vậy!”.
- Cảm thấy tội lỗi vì cảm xúc tiêu cực (giận dữ, xấu hổ, thất vọng...) của bản thân.
Nội dung liên quan
Hậu quả nặng nề khi lạm dụng sự tích cực độc hại
- Hình thành cảm xúc thứ cấp
Cảm xúc thứ cấp (meta/secondary emotion) là phản ứng của bạn trước cảm xúc của chính mình. Ví dụ, bạn buồn bã sau khi chia tay người yêu (cảm xúc) và bạn cảm thấy xấu hổ vì chính điều đó (cảm xúc thứ cấp).
Theo nhà trị liệu tâm lý Carolyn Karoll, cảm xúc là một phần của trải nghiệm con người và chỉ tồn tại nhất thời
Tự đánh giá bản thân vì những cảm xúc này dẫn đến những cảm xúc thứ cấp dữ dội hơn như xấu hổ, đau khổ, thất vọng, lo âu. Chúng khiến bạn bị phân tâm khỏi việc giải quyết vấn đề hiện tại và đánh mất lòng tự trắc ẩn.
- Gây ra cảm giác lỗi lầm
Sự tích cực độc hại đôi khi khiến người ta nghĩ rằng, nếu không chịu tìm cách để bản thân phấn chấn lên, đó là một sai lầm. Cảm giác có lỗi khiến bản thân thêm dằn vặt, vô tình khiến tâm trạng tồi tệ hơn.
- Động lực tiêu tan
Sự tích cực độc hại khiến người ta tránh né những cảm giác đau buồn, nhưng đồng thời nó cũng làm hao mòn khả năng chịu đựng những xúc cảm có thể khiến chúng ta vững vàng hơn trong cuộc sống và nhìn nhận rõ hơn về bản thân. Từ đó khiến niềm tin vào bản thân biến mất và nguồn động lực sống cũng bị lung lay trầm trọng.
Nội dung liên quan
Tạm kết
Rất ít người nhận ra bản thân đang mắc phải sự tích cực độc hại. Nếu bạn nhận ra những dấu hiệu của hành vi này, bạn sẽ hạn chế để bản thân rơi vào những tình trạng tồi tệ hơn, đồng thời có thể hỗ trợ những người đang lâm vào những cảm xúc tiêu cực một cách chân thành.
Chúng ta là người trần mắt thịt được tạo nên từ vô vàn những trải nghiệm và cảm xúc khác nhau. Đau buồn cũng là một trong số đó. Và dù mạnh mẽ đến mấy thì cũng không tránh khỏi những phút giây yếu lòng.
Mỗi người có giới hạn khác nhau. Không thể so sánh giới hạn người này với giới hạn của người khác. Do vậy bạn không cần phải quá áp lực khi không may trải qua những điều bất hạnh. Tôn trọng cảm xúc cá nhân chính là điều tuyệt vời nhất bạn có thể làm cho chính bản thân mình.
Nguồn: TH&PL