Vỡ mộng chồng Tây, vì đâu?

Nuôi mộng là có thật. Vỡ mộng cũng là có thật. Nhưng đâu phải trên đường đời kia, ai ai cũng bị "vỡ mộng".

Những ngày qua, Hoàng Anh và vị hôn phu Jack Cole đã "thống trị" các mặt báo vì xác nhận ly hôn sau 2 năm về chung một nhà. 

Không đơn thuần là một sự kiện thông báo ly hôn rồi "đường ai nấy đi" trong êm đẹp như những cặp đôi trước đó, mà sự việc lần này kéo theo cả định kiến trường tồn về "chồng Tây vợ Việt", như là: ham của lạ, sính ngoại thì phải trả giá, ai bảo tôn thờ chồng Tây?

vo mong chong tay vi dau - anh 0

Chẳng biết từ khi nào, mệnh đề "chồng Tây vợ Việt" lại có "ác cảm" với dư luận đến như vậy. Thấy một cô gái xuất ngoại theo chồng, chưa biết có hạnh phúc hay không, người ta sẽ gán ghép 7749 định kiến vào cuộc hôn nhân ấy. Thế nên chuyện một cô gái ly hôn với chồng Tây sẽ gấp đôi định kiến đến mức nào?

Bi kịch hôn nhân đều dồn vào những cặp "chồng Tây vợ Việt"?

Từng có một thời xu hướng lấy chồng ngoại quốc, đặc biệt là chồng Tây đã như một ước mơ đổi đời mà nhiều cô gái quyết tâm thực hiện cho bằng được. Rồi cũng có hàng loạt những cuộc "tháo chạy" khỏi chồng Tây với quá nhiều sự vỡ mộng.

"Cô dâu Việt kể chuyện chồng không bao giờ chia sẻ thức ăn", "cuộc sống chua chát khi lấy chồng Tây", "lấy chồng Tây, kinh hãi mỗi khi lên giường"... là một vài trong vô số những bài báo được chị em chia sẻ trên mạng xã hội để "cảnh báo" cho nhau. Số lượng này nhiều tới nổi, người đọc có cảm tưởng nếu thế gian này có cái gọi là bi kịch của hôn nhân thì đó chính là những cặp "chồng Tây vợ Việt".

Theo lời chuyên gia Nga My (Viện Khoa học Xã hội Quốc gia) trong quá trình điều tra xã hội học đô thị về những người phụ nữ lấy chồng nước ngoài, đã có không ít hoàn cảnh chị em vỡ mộng chồng Tây. Mặc dù ban đầu họ đều tự nguyện lấy chồng Tây vì tình yêu, nhưng sau một thời gian chung sống họ phải thốt lên: "Lấy chồng nước ngoài khổ quá!".

vo mong chong tay vi dau - anh 0
Chuyện tình từng đẹp như mộng của Hoàng Oanh và Jack Cole

Có lẽ, khi hai con người ở hai nền văn hóa khác nhau thì sẽ khó có tiếng nói chung. Những anh chồng Tây thường sòng phẳng đến tàn nhẫn trong chuyện tài chính. Sẽ không có chuyện "vợ là nóc nhà" và kiểm soát tiền bạc của chồng như nước ta. Chính vì thế, không ít "dâu Tây" cảm thấy thất vọng vì lấy chồng Tây "tưởng giàu sang" nhưng lại không phụ giúp gì được kinh tế cho gia đình tại quê nhà. 

Cần lưu ý tính chất "một trời một vực" giữa văn hoá Đông - Tây. Ở phương Tây, từ lúc trẻ mới chập chững, chúng đã được dạy cuộc sống tự lập, sòng phẳng, tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Họ sẽ không cho phép mình làm phiền tới người khác, nhưng cũng không thấy mình phải có nghĩa vụ hy sinh cho ai.

Và chồng Tây họ lấy vợ, chứ không có ý định cưu mang cả gia đình vợ. Với những cô gái Việt với tâm hồn mong manh, cần sự nuông chiều tài chính thì sẽ vỡ mộng ngay lập tức.

Đó chỉ là một trong những ví dụ nhỏ của khác biệt văn hoá.

vo mong chong tay vi dau - anh 0
Khác biệt văn hoá Đông - Tây khiến nhiều cặp vợ chồng rơi vào bi kịch hôn nhân

Miễn là đừng nuôi mộng thì sẽ không vỡ mộng!

Cần phải khái niệm "sương sương" lại về định kiến "chồng Tây - vợ Việt" trong mắt nhiều người.

Chồng Tây - từ ám chỉ những anh chàng cao to, mũi thẳng tắp, trắng trẻo, đẹp trai và... khoẻ. Họ cưới vợ Việt vì mong muốn tìm một người phụ nữ biết chăm lo cho gia đình và công - dung - ngôn - hạnh.

Vợ Việt - những cô gái nuôi mộng đổi đời, ước vọng bước sang trang mới nơi đất khách. Mà khi nhắc đến "vợ Việt", nhiều người còn mường tượng ngay đến khái niệm "ham của lạ với một đời sống tình dục thăng hoa". 

Không thể phủ nhận rằng đâu đó vẫn có những cuộc hôn nhân "chồng Tây vợ Việt" đến với nhau vì mục đích như vậy. Thế nhưng nó không đồng nghĩa với tất cả những "chồng Tây", hay tất cả những "vợ Việt" đều là như thế! Giữa nhiều cặp đôi vẫn có tình yêu, chứ không chỉ "chăm chăm" vào tiền tài hay tình dục để đưa ra quyết định kết hôn - ảnh hưởng đến danh dự cả đời người.

Công tâm mà nói, "chồng Tây vợ Việt", bản chất không hề xấu! Vì vẫn còn "nhan nhản" những cặp đôi đến với nhau từ hai phía địa cầu, nhưng vẫn có một cuộc sống hôn nhân "như mơ". Có lẽ, vì họ biết "dung hoà" cái tôi và văn hoá. 

vo mong chong tay vi dau - anh 0
Dũng Gee và Vy Phạm - đôi "chồng Tây vợ Việt" có 3 năm sống chung và vẫn vô cùng hạnh phúc

Sự vỡ mộng đớn đau, có lẽ đến từ việc nuôi mộng và "tưởng" quá nhiều. Chồng Tây - vợ Việt, suy cho cùng họ cũng đều là con người và có những ao ước chung cho một đích đến cuối cùng là hạnh phúc. 

Chỉ là, nếu như lấy chồng Việt, bạn cần phải cân nhắc cẩn thận thì lấy chồng Tây bạn buộc phải cân nhắc kỹ hơn gấp trăm lần. Vì sự khác biệt về văn hoá, quan điểm, ngôn ngữ, giáo dục,... với người này chỉ là trải nghiệm đầy thú vị, nhưng với người khác là cả một bờ vực vô vọng chỉ muốn "chạy dài".

vo mong chong tay vi dau - anh 0
Vợ Việt Nguyễn Hồ Trà My và chồng Tây Emre Yusuf Sigura có 2 năm chung sống và đang có tổ ấm nhỏ hạnh phúc

Tạm kết

Bản chất "chồng Tây vợ Việt", nhìn trước nhìn sau chẳng có gì là sai. Họ vẫn là hai con người bình thường, xuất phát từ hai trái tim rung cảm, được pháp luật cho phép, rồi đến với nhau. Lỡ có chia tay, hãy "bình thường hoá" chuyện của họ như những cặp chồng Việt - vợ Việt khác: "Không ở với nhau được thì thôi, chia tay để tìm kiếm một hạnh phúc mới tốt hơn".

Chẳng phải chúng ta đã chứng kiến quá nhiều những đổ vỡ hôn nhân từ chính những gia đình Việt. Vậy thì tại sao là thấy sự đổ vỡ của một cặp "chồng Tây vợ Việt" là khác thường? 

vo mong chong tay vi dau - anh 0

Nuôi mộng là có thật. Vỡ mộng cũng là có thật. Nhưng đâu phải trên đường đời kia, ai ai cũng bị "vỡ mộng". Chỉ cần chân thành và đối đãi với nhau bằng con tim, viên mãn sẽ xảy ra. 

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ