Những cuộc hôn nhân "nửa vòng trái đất" là vì một bước đổi đời hay do chiến thắng của tình yêu đích thực?
Lấy "chồng tây" vẫn luôn là đề tài được quan tâm của hội chị em ngày nay, bên cạnh những cảm giác mới lạ, những lợi ích về kinh tế, câu chuyện này vẫn tồn tại nhiều "góc khuất".
Với tư tưởng thoải mái, Gen Z sẽ lấy chồng Tây vì "túi tiền" hay vì "tình yêu"?
Nội dung liên quan
Khi hai tâm hồn đồng điệu
Thời ông bà ta, các cuộc hôn nhân hầu hết đều là sắp đặt và mang nặng "xiềng xích" tài chính. Có những gia đình vì quá nghèo nên quyết định "bán" con sang nước ngoài để đổi đời, cũng từ đó tư tưởng lấy chồng Tây hình thành và tồn tại đến tận bây giờ.
Thế nhưng ở thời hiện đại với tiêu chí "con đặt đâu ba mẹ ngồi đó", những cuộc hôn nhân thông thường là kết quả của một tình yêu đẹp. Họ sẵn sàng cố gắng và hy sinh vì nhau, thậm chí là đi đến "xứ người" để xây dựng tổ ấm. Khi được hỏi suy nghĩ về việc lấy chồng Tây, cô bạn Hoàng Oanh (sinh viên ĐH KHXH&NV) không ngại chia sẻ:
"Mình thấy việc lấy chồng Tây là hoàn toàn bình thường nếu xuất phát từ tình yêu. Cả hai yêu nhau thì lấy nhau thôi. Đồng ý là cuộc hôn nhân này sẽ có người phải chịu thiệt thòi khi thay đổi quốc tịch, nơi ở các thứ nhưng mà nếu đó là tình yêu đích thực mình tin nó không phải là vấn đề lớn".
Tình yêu phá vỡ mọi giới hạn nếu cả hai chấp nhận hy sinh vì nhau, chỉ có khi vượt qua những khó khăn cuộc hôn nhân mới trở nên hạnh phúc. Cũng đồng quan điểm với Hoàng Oanh, bạn Phương Quyên (sinh viên năm 2) cho biết thêm:
"Mình thấy việc lấy chồng 'ta' hay chồng Tây đều là do duyên số và quan niệm tình yêu của mỗi người, đúng kiểu 'trời kêu ai nấy dạ' luôn. Thật sự là khi gặp được người thích hợp, bản thân sẽ tự động muốn gắn bó cả đời với họ, mà tuổi trẻ bây giờ muốn thì sẽ tìm được cách thôi".
Tham thì thâm!
Tuy nhiên, "tàn dư" của tham vọng vẫn tồn tại, đó là những suy nghĩ dựa dẫm, bám víu vào tài sản thông qua việc lấy chồng nước ngoài. Khi con người đang cố gắng hết mình để có thể độc lập, tự chủ trong kinh tế, tạo nên cuộc sống sung túc, thì đâu đó một số ít muốn "đổi đời" bằng cách lấy chồng Tây.
Khi bàn về vấn đề này, bạn Nguyễn Thu Thủy (sinh viên ĐH Kinh tế - Luật TP. HCM ) chia sẻ: "Nhiều người cứ nghĩ rằng lấy chồng Tây là sống sung sướng. Nhưng Tây cũng có 'Tây this Tây that', cũng có người xấu người tốt, người giàu người nghèo, báo chí cũng đã đưa tin rất nhiều về các trường hợp nuôi mộng đổi đời để rồi nhận cái kết đắng".
"Cho nên mình không đồng ý việc này cho lắm. Giá trị của người phụ nữ chưa bao giờ phụ thuộc vào tấm chồng của mình cả, phụ nữ, nếu cứ chờ may mắn trong một tấm chồng thì thật là yếu đuối. Giờ này mà còn ôm mộng lấy chồng Tây đổi đời, lấy chồng Tây thời buổi này không còn là điều đáng tự hào nữa đâu!", Thu Thuỷ nói thêm.
Nội dung liên quan
Chậm mà chắc!
"Khi kết hôn, nếu là người nước ngoài thì mình nghĩ nên dành thêm thời gian để tìm hiểu kỹ hơn vì hai nền văn hoá khác nhau có thể sẽ dẫn đến nhiều vấn đề trong cuộc sống hôn nhân". Đó là những suy nghĩ cũng như lời khuyên khá chân thành của Hoàng Oanh về vấn đề lấy chồng Tây. Trước những khác biệt về văn hóa, suy nghĩ,... cuộc hôn nhân "nửa vòng trái đất" sẽ mang đến rất nhiều khác biệt đôi khi là vỡ mộng.
Phương Quyên chia sẻ: "Đến múi giờ còn khác nhau thì cuộc hôn nhân ban đầu chắc chắn sẽ khá buồn cười. Mình hoàn toàn ủng hộ việc lấy chồng Tây nhưng đi kèm đó phải là sự đồng điệu và tìm hiểu rõ ràng. Từ quan niệm sống, cách sinh hoạt hay thói quen… mọi thứ nên được chia sẻ trước hôn nhân và có thời gian thích nghi chứ không sẽ dễ đổ vỡ lắm".
Tuy xuất phát điểm là tình yêu nhưng bất cứ cuộc hôn nhân nào cũng có rất nhiều ngoại cảnh tác động, không chỉ là gia đình mà còn là nơi ở, công việc, quan niệm sống. Khi đến với hôn nhân, là lúc cả hai cùng nhau hợp tác và phát triển thế nên cũng cần phải cân nhắc kĩ lưỡng.
Lấy chồng Tây tuy không sai nhưng nếu cả hai không hòa hợp được thì lại trở thành bước đi sai lầm. Cũng như cuộc hôn nhân không có tình yêu làm sợi dây ràng buộc thì đó chỉ là cuộc hôn nhân "ám" đầy mùi tiền và tổn thương.
Nguồn: TH&PL