Sau gần một năm mọi thứ dang dở vì dịch bệnh thì cánh cổng giảng đường cũng dần được mở cửa trở lại báo hiệu ngày những chú chim non rời tổ.
Đại học vốn dĩ vẫn luôn là ước mơ với nhiều người trẻ, một môi trường sống và làm việc mới cho con người những cơ hội để thay đổi bản thân, cũng như hoàn cảnh cuộc sống. Rời xa mái nhà cũng là lúc những cô cậu học sinh ngày nào bắt đầu học cách tự chăm sóc bản thân hay hiểu được trách nhiệm của mình đối với những hy vọng và sự cố gắng của bố mẹ.
Cánh cổng đại học cũng chỉ vì những tác động của dịch bệnh mà trở nên khó khăn, nhiều tân sinh viên không có được điều kiện đến trường, nhưng giờ đây khi mọi thứ đã dần ổn định, cũng là lúc những bước chân bé nhỏ phải chuẩn bị cho một hành trang mới nơi xứ lạ. Vô số những cảm xúc khác nhau trước ngưỡng cửa bắt đầu cuộc sống xa nhà, nhưng chung quy vẫn là cảm giác hồi hộp, lo lắng cùng kỳ vọng về những năm tháng đại học tươi đẹp.
"Nhận thông báo nhập học trực tiếp mình đã như giọt nước tràn ly"
Sau một học kỳ trở thành sinh viên thông qua những hoạt động học tập và sinh hoạt trực tuyến, chắc chắn nhà trường cũng đã luôn tạo điều kiện để mọi thứ vẫn được duy trì nhưng dường như tất cả vẫn không thể được trọn vẹn. Chính những háo hức về một môi trường sống mới cũng đã khiến nhiều tân sinh viên không khỏi có những cảm giác nôn nao được trở lại giảng đường để được gặp gỡ bạn bè và thầy cô.
Với Huyền Diệu (2003, Tây Ninh) đó chính là hàng ngàn câu hỏi được đặt ra và những viễn cảnh tươi đẹp khiến cô bạn không ngừng mong chờ vào những tháng ngày sắp tới. "Đó chính là sự hồi hộp xen lẫn háo hức trước môi trường mới đầy lạ lẫm, những cảm xúc ấy vẫn luôn âm ỉ kể cả khi bản thân chỉ được trải nghiệm một phần của năm nhất qua màn hình máy tính. Lúc nhận được thông báo học trực, thì những cảm xúc ấy như giọt nước tràn ly, bùng nổ hơn bao giờ hết".
Chia sẻ trước thềm bước vào kỳ học trực tiếp xa nhà đầu tiên, Diệu tâm sự: "Đối với mình đây không phải là lần đầu tiên xa nhà nhưng mình nghĩ lần thứ mấy đi chăng nữa, thì cảm xúc của bố mẹ dành cho mình vẫn không thay đổi. Đó chính là sự lo âu trong lòng rằng liệu đứa con ở xa có sống tốt, có đủ ăn đủ mặc hay ốm đau gì không. Xen lẫn đó sẽ là cảm xúc nhớ thương khi chứng kiến sự thiếu vắng của mình trong căn nhà".
"Với môi trường mới mình như một chú nai vàng ngơ ngác"
Môi trường học thay đổi luôn khiến nhiều tân sinh viên không giấu nổi những lo lắng và bỡ ngỡ, với An Khang (tại Vĩnh Long) thì cảm giác đó còn xen lẫn sự nôn nao về cuộc sống mới.
"Cảm giác đầu tiên của mình là hồi hộp và lo lắng vì mình chưa từng tự lập ở một nơi xa lạ. Không biết lên đó sẽ như thế nào, môi trường có hòa hợp với mình không vì mình ở ký túc xá và là sinh viên năm nhất nên việc gì cũng khá bỡ ngỡ như một chú nai vàng ngơ ngác".
Chia sẻ về những dự định tiếp theo của bản thân sau khi kết thúc kỳ quân sự, Khang nói: "Mình mong là cuộc sống sinh viên của sau này sẽ thật vui vẻ, ý nghĩa. Bản thân cũng dự định mỗi tháng về hai lần để thăm mẹ, tháng nào bận quá mình sẽ cố sắp xếp về một lần, nhất định phải về thăm mẹ. Và mình cũng sẽ gọi điện thường xuyên cho mẹ và ba để họ không lo lắng cho mình và biết là mình vẫn sống tốt".
"Mình là con một nên chắc chắn bố mẹ sẽ lo và buồn lắm"
Xa nhà cũng là lúc những đứa con thấm thía nỗi nhớ quê hương và bố mẹ, cũng như hiểu được tình cảm thiêng liêng mà đấng sinh thành dành cho chúng ta. Có thể đại học chỉ đơn giản là một mục tiêu, ước mơ của người trẻ trong cuộc sống nhưng gói sau đó là cả vùng trời hy vọng của những bậc phụ huynh về một tương lai tươi sáng dành cho những đứa con.
Trong những ngày cuối cùng được ở cạnh bố mẹ, Minh Hải (Đà Nẵng) tâm sự: "Mọi thứ diễn ra như một cái chớp mắt vậy, thời gian quả thật rất nhanh. Vì mình là con một nên chắc bố mẹ sẽ lo và buồn lắm. Gần đây, bố mẹ cũng dành rất nhiều thời gian để nói chuyện cũng như khuyên nhủ đủ điều nên đôi khi bản thân lại có chút tủi thân và chẳng muốn lên Sài Gòn nữa".
Cũng như rất nhiều những cô cậu sinh viên xa quê khác, với cô bạn thì việc học tập vẫn là những dự định tiếp theo của bản thân. "Điều quan trọng nhất với mình chắc là học tập. Thú thật thì mình cũng đang rất tham vọng trở thành 'chiến thần học bổng' của khoa. Ngoài ra, thì còn có bạn bè, mình mong bản thân sẽ quen được nhiều bạn mới và cùng nhau có một tuổi trẻ thật đẹp tại đại học".
"Mong bản thân sẽ không bị đa cấp 'chiêu mộ' trong thời gian tới"
Việc có cho mình những nỗi lo lắng, thắc mắc dường như không còn là câu chuyện của riêng ai khi môi trường học tập, cũng như sinh hoạt có nhiều sự chuyển biến lớn. Đó còn chưa kể, vô số những lời đồn đại được truyền tai nhau như một lời cảnh cáo về những điều tiêu cực ở cuộc sống đại học, điều này đã khiến không ít những tân sinh viên rơi vào cảm giác sợ hãi với nhiều điều.
Một mặt nó giúp ta có được sự phòng bị, cảnh giác nhưng đôi khi khiến nhiều vấn đề trở nên nghiêm trọng trong suy nghĩ của các bạn.
Hoài Trang (tại Tây Ninh) chia sẻ: "Cảm giác khi chuẩn bị bước vào cuộc sống đại học rất bỡ ngỡ và bồi hồi xao xuyến đến khó tả, khi bản thân từ trong vòng tay của bố mẹ nay phải tự lập và thích nghi ở một môi trường mới. Điều mà mình hy vọng vào thời gian tới là sẽ không bị đa cấp 'chiêu mộ', làm quen với nhiều người bạn mới hơn, hơn hết là được trải nghiệm với một công việc có thể tạo ra thu nhập".
Nguồn: TH&PL