Liệu hôn nhân đồng giới có thực sự đi ngược lại giá trị truyền thống phương Đông?
Động thái ủng hộ cộng đồng LGBT đang diễn ra trên toàn cầu và Châu Á cũng không ngoại lệ. Các nhà hoạt động vì nhân quyền đang nỗ lực nhằm cải thiện quyền lợi liên quan đến khuynh hướng tính dục và bản sắc giới tính ở tất cả các quốc gia châu Á.
Dù vậy, thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe thấy những ý kiến cho rằng hôn nhân đồng giới là một khái niệm “phương Tây” hay hôn nhân đồng giới đi ngược lại với “giá trị quan truyền thống” của khu vực châu Á. Nhân tháng Tự hào (Pride Month), chúng ta cùng tìm ra câu trả lời cho những thắc phổ biến nhất về hôn nhân đồng giới nhé!
1. Hôn nhân đồng giới đi ngược lại với đạo đức truyền thống châu Á?
Nhìn vào tình hình được cải thiện gần đây, có thể thấy hôn nhân đồng giới ngày càng được chấp nhận ở châu Á.
Sau khi “Luật thi hành giải thích số 748 của Viện Tư pháp” được thông qua vòng 3 tại phiên họp ngày 17/5 năm 2019 tại Viện Lập pháp, luật đảm bảo cho 2 người cùng giới tính có thể đăng ký kết hôn tại cơ quan quản lý hộ khẩu, Đài Loan trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Do đó hôn nhân đồng giới ở Đài Loan chính thức trở thành hợp pháp kể từ ngày 24 tháng 5 năm 2019.
Tại Hồng Kông, một phần quyền lợi của các cặp vợ chồng đồng giới kết hôn ở quốc gia hợp pháp hôn nhân đồng giới đã được thừa nhận. Tất cả những động thái này cho thấy một điều rằng quyền tự do và quyền bình đẳng trong hôn nhân đang ngày càng được bảo đảm. Rõ ràng, sự phân biệt, coi thường hay ngược đãi vì giới tính không mang đến lợi ích gì.
2. Việt Nam cấm kết hôn đồng giới?
Hiện nay, Nhà nước Việt Nam không còn cấm những người có cùng giới tính kết hôn mà chỉ “không thừa nhận” mối quan hệ hôn nhân này. Đồng nghĩa, những người đồng tính có thể tổ chức đám cưới, sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không được thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Khi đó, hôn nhân giữa hai người có cùng giới tính sẽ không tồn tại và không được pháp luật thừa nhận nên không phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng; cấp dưỡng; thừa kế; tài sản chung vợ chồng…
3. Vợ chồng cùng giới không thể sinh con, đó là cuộc hôn nhân trái với tự nhiên?
Có rất nhiều cá nhân và cặp vợ chồng không thể hoặc không có con vì nhiều lý do, bao gồm vô sinh, điều kiện kinh tế và lối sống mà họ lựa chọn, nhưng xã hội không coi đó là “trái tự nhiên”.
Quyền con người được trao cho một cá nhân không phải là vì họ có thể hoặc quyết định sinh con. Trái lại, tất cả các cặp vợ chồng và cá nhân đều có quyền tự do quyết định thời gian, khoảng cách và số lượng con muốn sinh, bất kể khuynh hướng tính dục và giới tính. Tất nhiên, họ cũng có thể quyết định không sinh con.
4. Bộ tư pháp không nên can thiệp vào giá trị quan của xã hội?
Khi một xã hội thực hiện triệt để luật pháp, chế độ và khuôn phép thì sự bình đẳng mới có ý nghĩa. Việc bảo vệ quyền bình đẳng và chống phân biệt đối xử là nguyên tắc cơ bản của luật nhân quyền quốc tế. Ví dụ có thể kể đến như nguyên tắc cơ bản của “Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị”, có hiệu lực pháp lý ở hầu hết các quốc gia châu Á.
Theo Công ước này, để tất cả mọi người đều có thể hưởng quyền con người, các quốc gia liên quan phải đảm bảo rằng luật pháp và chế độ quốc gia không phân biệt đối xử theo khuynh hướng tính dục và bản sắc giới tính bất kể là trong thực tế hay trong nhận thức. Ngoài ra, các quốc gia cũng phải phải đối phó với hành vi phân biệt đối xử và nỗ lực để loại bỏ các điều kiện và thái độ kích động phân biệt đối xử.
5. Tại sao cần phải trao quyền lợi cho tập thể “đặc biệt” nhằm ưu tiên bảo vệ họ?
LGBT, từ cá nhân, vợ chồng đến cộng đồng đều là thành phần cấu tạo nên xã hội của chúng ta. Nếu thực sự mong muốn bảo vệ tất cả các thành viên của xã hội thì chúng ta cần chấp nhận và ủng hộ tính đa dạng.
Điều này cũng có nghĩa là phải nhận thức được rằng có thể cần sự bảo vệ đặc biệt thông qua luật pháp và chế độ vì những người khác nhau phải đối mặt với những khó khăn khác nhau và bị phân biệt theo hình thức khác nhau.
Việc đối phó với những khó khăn mà các cộng đồng khác nhau trong xã hội có thể gặp phải không phải là vấn đề ép buộc thay đổi giá trị quan hay thiên vị nhóm người nào, mà đây là vấn đề về thực tế rằng có những người hưởng ít quyền lợi hơn so với những người khác chỉ vì họ khác biệt.
6. Con cái của cha mẹ đồng tính sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực?
Khuynh hướng tính dục của cha mẹ không gây ảnh hưởng xấu đến con cái mà ngược lại, chính định kiến về con cái của vợ chồng đồng tính mới có hại với chúng.
Cho đến nay, gia đình có bố mẹ khác giới được coi là gia đình “truyền thống” và là lựa chọn duy nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, ở các vùng văn hóa khác nhau lại có hình thái gia đình khác nhau. Dù là hình thái gia đình nào thì người ta đều dành tình yêu, sự ủng hộ và động viên cho con cái.
Không có căn cứ mang tính hệ thống nào cho thấy ảnh hưởng tiêu cực của cha mẹ đồng giới. Việc quy định rằng cộng đồng đặc biệt không có tư cách hoặc năng lực làm cha mẹ chỉ vì khuynh hướng tính dục là biểu hiện của phân biệt đối xử và duy trì định kiến tiêu cực đối với cộng đồng LGBT.
7. Tại sao ở trường học lại giáo dục về LGBT?
Để trẻ em phát triển trong một môi trường lành mạnh, chúng cần được giáo dục toàn diện về bình đẳng giới, quan hệ tình dục, giới tính và nhận hỗ trợ, dịch vụ, thông tin liên quan đến sức khỏe giới tính. Phải khuyến khích trẻ nhỏ tự đưa ra những quyết định cơ bản dựa trên thông tin đúng đắn về cơ thể, sức khỏe của bản thân.
Việc không để trẻ nhỏ tiếp cận tới những thông tin về giới tính, bình đẳng hay khuynh hướng tính dục và bản sắc giới tính có thể sẽ vô tình bỏ mặc những trẻ em bị xa lánh, trêu chọc hoặc bị bắt nạt; thúc đẩy phân biệt do căm ghét đồng tính hay làm suy yếu sức mạnh của giáo dục giới tính.
Pride Month - Tháng tự hào LGBT không chỉ dành riêng cho cộng đồng LGBT mà còn là sự kiện kết nối tất cả những ai đã và đang đồng hành cùng lá cờ lục sắc. Tuyến bài #PrideMonth của mục GenVie sẽ cùng bạn khám phá những góc nhìn, quan điểm và chia sẻ những câu chuyện đầy cảm hứng về cộng đồng LGBT. Chúng tôi hy vọng có thể gửi đến tất cả thông điệp: Hãy luôn là chính mình trong mọi khoảnh khắc!
Nguồn: TH&PL