Phùng Thái Học - Định vị bản thân theo chất riêng

Gặp Phùng Thái Học - founder cộng đồng Tâm Sự Con Sen vào buổi chiều tà, đã có cuộc trò chuyện đầy sâu lắng xen lẫn tiếng cười về chuyện đời, chuyện nghề.

Phùng Thái Học - Định vị bản thân theo chất riêng

Định vị bản thân chưa bao giờ là dễ dàng. Đôi lúc, chúng ta tự hỏi: Mình là ai, mình muốn gì? Bối rối khi đặt bản thân vào cộng đồng, không tìm được chỗ đứng, không có tiếng nói riêng khiến ta trở nên nhạt nhoà, mất phương hướng.

10 năm khẳng định chất riêng trong mình, Phùng Thái Học đã đi một chặng đường dài với vô vàn những ngã rẽ và bước ngoặc. Chừng ấy năm kinh nghiệm đã "nhào nặn" nên một Phùng Thái Học hết lòng tận tuỵ, tâm huyết với nghề.

Hiện tại, anh đảm nhiệm vai trò Quản lý tại WOWAgency cũng như Tư vấn chiến lược và vận hành Digital Marketing cho doanh nghiệp SME. Anh có bề dày thành tích đáng nể khi trải qua nhiều vị trí, từ người điều hành đến đặt kế hoạch, từ lãnh đạo đến quản lý, từ trainee đến trainer.

Ngoài ra, anh còn sáng lập group Tâm Sự Con Sen - nơi mọi người có thể chia sẻ kinh nghiệm, tâm sự về nghề content và copywriting. Sau gần 2 năm phát triển, group nhanh chóng quy tụ được hơn 300 nghìn thành viên, hàng nghìn bài viết chia sẻ.

phung thai hoc dinh vi ban than theo chat rieng - anh 0

Hôm nay, đã có dịp trò chuyện cùng Phùng Thái Học để lắng nghe những trải lòng của "anh chủ quán" về cuộc hành trình hơn 10 năm sống đúng với cái "chất" con người mình.

Hành trình định vị bản thân

Là người học chuyên ngành Quản trị kinh doanh, bắt đầu từ đâu anh có hứng thú với content marketing?

Hành trình mình đến với content nói chung và Content Marketing nói riêng bắt đầu từ hơn 10 năm trước. Khi đấy, mình vẫn còn là sinh viên chưa tốt nghiệp. 

Phải gọi cũng là cái duyên khi mình thực hiện một dự án khởi nghiệp về ẩm thực với nhóm bạn. Đó là dự án về review ẩm thực và địa điểm ẩm thực, điểm đặc biệt trong dự án này là dự án song ngữ, hướng đối tượng đến ngoài nước. 

Khi mới bắt đầu dự án, mình phụ trách mảng social như quản trị fanpage. Vì tính chất công việc, mình phải làm mảng mà hồi đấy bản thân cũng không rõ. Chỉ đơn giản mình làm dự án nên mình phải quản trị và làm nội dung cho fanpage dự án đấy. Đó là khởi nguồn của việc mình "dấn thân" vào lĩnh vực Marketing.

Sau này được "dòng đời xô đẩy", từ kinh nghiệm quản trị fanpage đầu tiên của riêng mình, mình vào làm trong công ty thương mại điện tử rất lớn thời đấy là công ty Cổ phần Vật giá. Mình làm trưởng nhóm social, quản lý một nhóm làm content cho dự án công ty. 

Xuất phát điểm có dự án kinh doanh nhỏ, nhờ cơ duyên nho nhỏ đó mà mình có chút kinh nghiệm. Khoảng 10 năm trước người có kinh nghiệm về content rất ít, nên với chút kinh nghiệm ít ỏi mình được làm leader. Còn nếu ở hiện tại, chút kinh nghiệm đó không ăn thua đâu. (cười).

Và từ đó, mình mới tìm hiểu sâu hơn về marketing, Digital Marketing và đến như bây giờ.

Vậy đâu là cơ duyên khiến anh thành lập nên cộng đồng Tâm Sự Con Sen?

Trước khi có group Tâm Sự Con Sen, mình đã sáng lập và quản lý rất nhiều cộng đồng nhưng nhiều người không biết. Mình bắt tay vào xây dựng Tâm Sự Con Sen là đầu năm 2020, lúc đấy đã có rất nhiều group về content rồi. Nhưng mình nghĩ, bản thân cũng là người làm nghề, mình cũng có nhu cầu tìm đến những cộng đồng để sinh hoạt, trò chuyện.

Ban đầu, mình không định thành lập cộng đồng riêng mà chỉ tìm đến những group đã có sẵn để sinh hoạt. Tuy nhiên, đa số những cộng đồng tại thời điểm đó tương đối yếu về mặt tương tác cũng như chất lượng thành viên. Cũng có những cộng đồng sở hữu số lượng thành viên lớn nhưng lại không có bất kì cộng đồng nào nổi bật hẳn cả. "Nổi bật" mình muốn nói là độ nhận diện và văn hoá group.

Thế nên, mình quyết định tạo một sân chơi mới cho mọi người kèm một số kì vọng và đặc trưng riêng của bản thân. 

Lúc nảy ra ý tưởng xây dựng một cộng đồng chuyên môn về content như Tâm Sự Con Sen, giá trị mà anh muốn truyền tải là gì?

Thời điểm mình bắt tay vào xây dựng Tâm Sự Con Sen, có 3 giá trị mình hướng đến và vẫn theo cộng đồng đến tận bây giờ là Chia sẻ - Tâm sự - Truyền cảm hứng. Theo mình, đây cũng là điểm khác biệt của cộng đồng Tâm Sự Con Sen với những cộng đồng khác.

phung thai hoc dinh vi ban than theo chat rieng - anh 0

- Chia sẻ: Kiến thức, những kinh nghiệm. Key word này bắt buộc phải có nhưng không phải điều tạo nên sự khác vì tất cả cộng đồng khác đều có mục chia sẻ. Điều làm nên sự khác biệt ở cộng đồng nằm ở 2 key word sau. 

- Tâm sự: Làm nghề nào cũng có những tâm tư, những câu chuyện nhỏ nhặt bên lề. Không chỉ có mỗi việc làm content sao cho thật tốt, tương tác cao mà cũng sẽ có những câu chuyện đời thường. Vậy nên, mình nhấn mạnh tâm sự với mong muốn mọi người xem cộng đồng này như một nơi để chia sẻ tâm tư, rằng họ đã gặp những chuyện gì, họ có những nỗi buồn như thế nào trong nghề...

- Truyền cảm hứng: Những người đi trước sẽ truyền lại cảm hứng cho những người đi sau một chút. Đó có thể là cảm hứng về chuyện vào nghề và làm nghề, hoặc là cảm hứng để làm nghề tốt hơn, tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh hơn.

Và còn truyền cảm hứng để tự tin chọn lĩnh vực làm "nghiệp". Cái nghề chỉ là thứ ta làm kiếm tiền trong thời gian ngắn thô, còn khi ta đã có được tự tin biến cái "nghề" thành "nghiệp", ta sẽ đồng hành với nó trong quãng thời gian rất dài.

Trong suốt hành trình phát triển cộng đồng, câu chuyện nào đáng nhớ nhất với anh?

Chắc là lần mình đổi nhầm tên group! (cười).

Mình nghĩ đây là cột mốc rất lớn trong cả cuộc đời sự nghiệp và mãi mãi về sau. Bởi vì mặc dù là sự cố ngoài ý muốn, lỡ tay thôi nhưng lại rất... hợp lý.

Cụ thể là thế nào?

Hôm đấy, mình đang ngồi thử công cụ đổi tên. Mình chỉ điền bừa tên Tâm Sự Con Sen và thầm nghĩ, nếu không phải Tâm Sự Content mà tên này thì buồn cười lắm nhỉ! Cùng lúc đó mình đang nói chuyện dở trên Facebook, đáng lẽ sẽ nhấn enter tin nhắn nhưng không hiểu vì lý do gì mình lại enter ngay trang đổi tên. 

Mà Facebook có một điểm rất vô lý. Bình thường khi chúng ta làm công việc quan trọng như vậy, ít nhất phải có xác nhận đồng ý hay không. Nhưng không, khi mình enter, group đổi tên ngay! 

Lúc đó anh thấy thế nào? Đứng hình mất 5 giây?

Lúc đó, mình "đứng hình" mất mấy phút chứ không chỉ 5 giây.

Mình không biết điều này sẽ tốt hay không tốt nhưng mình phải viết ngay bài giải thích rằng đó là nhầm lẫn. Facebook có luật sau 28 ngày mới được đổi tên, nên sau 30 ngày mình có lập bảng khảo sát nếu mọi người muốn đổi lại tên. Tuy nhiên, mọi người đều không muốn bởi vì cái tên mới tạo nên nét rất riêng!

Tâm Sự Content chỉ đơn giản là danh từ chung thôi, giống như con sông, con đường... vậy. Nhưng với Tâm Sự Con Sen hiện tại, nó trở thành danh từ riêng, thành "thương hiệu" của group.

Mặc dù nhầm lẫn nhưng may mắn, kết quả chuyển biến rất tích cực. Có thể nói, cái tên Tâm Sự Con Sen góp phần rất lớn tạo nên dấu ấn riêng cho cộng đồng này.

Vậy sau khi anh đổi tên, thành viên trong nhóm đã "bùng nổ" như thế nào?

Sau khi đổi tên, số lượng thành viên nhóm cũng không thay đổi quá nhiều. Sự thay đổi rất âm thầm và đến từ dấu ấn của cộng đồng này với những người tham gia.

Mọi người có thể tham gia 100 group. Nếu có tin hiện lên group đó họ sẽ đọc và với họ, đó có thể chỉ là trang tin bình thường. Nhưng khi cộng đồng có tên riêng và việc đổi tên trở thành chuyện "xì xào" trong group, mọi người sẽ nhớ về cộng đồng đấy nhiều hơn.

Và với những thành viên tham gia vào thời điểm đó, dấu ấn của cộng đồng này với họ trở nên khác biệt. Trong mắt họ, cộng đồng này không còn đơn giản là trang tin mà họ có thể chủ động vào đó và tìm thông tin, họ tương tác nhiều hơn trong cộng đồng đấy.

Cho nên, mình thấy sau khi đổi tên cộng đồng có phát triển. Nhưng không phải về số lượng thành viên mà về chất lượng, dấu ấn, văn hoá của cộng đồng và phát triển khá rõ rệt.

Mất chút thời gian đổi "mớ" thành tựu

Cuộc hành trình ngàn dặm nào cũng gặp phải gian nan, thử thách. Với riêng anh, những khó khăn gặp phải khi gầy dựng group là gì?

Thời gian đầu, mình gặp khó khăn trong việc kêu gọi nhiều người tham gia cộng đồng và cùng chia sẻ, tâm sự. Bởi vì một cộng đồng nếu chỉ có bản thân mình chia sẻ, nó chỉ đơn giản là fanpage tồn tại trong "vỏ bọc" cộng đồng thôi. 

Sau khi group "thành hình", có giá trị, số lượng thành viên lên đến hơn 30 nghìn thành viên thì cộng đồng lại gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa tiếng nói của người sáng lập group với tiếng nói của cộng đồng.

Đôi khi, tiếng nói của chủ group quá yếu. Có nhiều trường hợp chúng ta vào một cộng đồng, nhưng lại không biết người sáng lập là ai, cũng như không biết văn hoá, quá trình hình thành group. Cũng có những trường hợp, tiếng nói của chủ group lại lấn át tiếng nói của các thành viên. Khi đó, họ sẽ không còn muốn lên tiếng, cùng xây dựng cộng đồng nữa vì lời nói của họ không đủ giá trị. 

Vì thế, mình phải cân bằng trong việc vẫn có sức ảnh hưởng nhưng không khiến mọi người cảm giác đây là sân-chơi-của-Phùng-Thái-Học. Đây là sân chơi chung cho tất cả, nơi mọi người đều có quyền thể hiện bản thân. 

phung thai hoc dinh vi ban than theo chat rieng - anh 0

Khi thể hiện quan điểm về một chủ đề, nếu đăng vào cộng đồng, mình vẫn có thể nói lên quan điểm của bản thân nhưng bằng cách gợi mở để mọi người cùng tranh luận, chứ không thể hiện gay gắt. Nếu trường hợp quá rõ ràng, mình sẽ chia sẻ quan điểm trên blog cá nhân - là tiếng nói, đài phát ngôn. 

Anh nói blog Quán Trà Đá là đài phát thanh riêng, có những khác biệt nhất định so với group Tâm Sự Con Sen. Vậy hành trình đi cùng blog cá nhân và cộng đồng chung khác biệt cụ thể ở điểm nào?

Như mình cũng đã chia sẻ, sự khác biệt lớn nhất giữa blog cá nhân và group Tâm Sự Con Sen là một bên đại diện cho tiếng nói riêng, một bên chứa đựng tiếng nói của nhiều người.

Mỗi nơi đều cho mình giá trị riêng. Đối với blog cá nhân, đấy là nơi mình được thoải mái chia sẻ quan điểm và cách suy nghĩ về những vấn đề trong xã hội. Còn group chung cho mình sức ảnh hưởng, có thể "quy tụ" được những anh em, những người cũng có tiếng nói trong ngành vào group và tâm sự.

"Chậm mà chắc" là điều nhiều người nhìn nhận về cộng đồng này. So sánh với những cộng đồng khác, anh thấy Tâm Sự Con Sen có điểm nổi trội gì?

Điểm nổi trội của Tâm Sự Con Sen ở việc mình nhấn mạnh vào "tâm sự". Mình vẫn ủng hộ mọi người vào group chia sẻ kiến thức nhưng giữa kiến thức và tâm sự, mình sẽ luôn ưu tiên cho những bài đăng về tâm sự.

Mình muốn thành viên thể hiện tâm tư, quan điểm về nghề nhiều hơn là chia sẻ chuyên môn.

Vậy còn những mặt hạn chế?

Mình nghĩ hạn chế này của các cộng đồng lớn nói chung chứ nếu nói về hạn chế của Tâm Sự Con Sen với các cộng đồng khác, mình có thể tự tin trả lời rằng không có

Hạn chế chung là khi cộng đồng quá lớn, sẽ luôn có những thành phần tiêu cực khiến mình gặp khó khăn trong việc quản lý họ. 

Tiếp theo khi đăng tải một bài viết, tỷ lệ tiếp cận có thể chỉ đạt được 30-50%. Từ đó, vấn đề truyền thông những thông tin quan trọng đến tất cả mọi người đôi khi bị hạn chế.

Chẳng hạn, ban quản trị group đăng bài thông báo, phổ biến quy định nhưng không phải tất cả các thành viên đều tiếp cận được bài viết đó, nên dễ xảy ra hiểu nhầm giữa ban quản trị với thành viên.

Trò chuyện một chút về bản thân anh, cộng đồng Tâm Sự Con Sen đã khiến anh "được - mất" những gì?

Nếu nói "mất" chắc chỉ mất chút thời gian thôi!

Để xây dựng và phát triển một cộng đồng mà có dấu ấn về mặt văn hoá, chúng ta phải đầu tư thời gian. Không có cách nào, không có phần mềm nào thay mình làm điều đó cả. Mình có các bạn trung gian làm những việc liên quan đến duyệt bài nhưng hiện tại, mình vẫn trực tiếp tham gia duyệt rất nhiều. 

Vì chỉ có mình đi theo cộng đồng từ ban đầu, mình biết được trong thời điểm đó mình nên cổ vũ nội dung nào và hạn chế nội dung nào.

Mình "nghiện" việc quản trị group đến mức 3 giờ sáng thức dậy để duyệt bài trong mục spam. Công việc cuối cùng mình làm trước khi đi ngủ là lọc spam. Và công việc đầu tiên mình làm khi mở mắt dậy cũng là cầm điện thoại lên... lọc spam (cười).

Khi tâm huyết với điều gì, yêu điều gì lâu rồi, nó gần như trở thành phản xạ.

Còn "được", mình được rất nhiều thứ. Kêu mình kể thì không hết mất!

Giới hạn lớn nhất là định kiến của bản thân

Quản lý một cộng đồng với 300 nghìn member, anh thấy mọi người thường lầm tưởng điều gì về nghề làm content? Mặt khác, sự thật về nghề content là gì?

Các bạn mới vào nghề thường có lầm tưởng quen thuộc nhất là khi nhắc đến content, họ nghĩ ngay đến việc viết bài. Nhưng thật ra content có nhiều dạng hơn.

Mọi người cũng thường gộp chung mác content với sáng tạo. Content bản chất là sản phẩm được đúc kết từ cả quá trình tư duy. Ta cần tự đặt câu hỏi: Sản xuất nội dung gì, hướng đến ai, để làm gì... Và khi chúng ta biết câu trả lời cho câu hỏi đó, sáng tạo mới phục vụ cho việc sản xuất.

Những bạn mới vào nghề chỉ tập trung vào quá trình sáng tạo, làm sao để viết ra một bài. Các bạn chăm chăm viết bài, làm clip mà lại quên đi "đề bài". 

Ví như người làm mộc, người ta biết đục gỗ, biết bào. Khi đưa ra khúc gỗ, họ bào rất năng suất nhưng lại không biết rằng bào khúc gỗ cho khách hàng nào, nhằm mục đích gì. Lúc này, đề bài, những câu hỏi tư duy đó sẽ quyết định người thợ mộc bào khúc gỗ như thế nào.

Cho nên, một bài viết hay đến nhường nào, sáng tạo đến nhường nào nhưng sai ngay từ đề bài cũng đều vô nghĩa.

Theo anh, làm content ở Việt Nam có những thuận lợi gì?

Thuận lợi về nhu cầu công việc.

Làm content rất dễ kiếm việc vì nhu cầu hiện nay rất cao. Số lượng kinh doanh ra đời hàng ngày nhiều, rất nhiều người bắt tay khởi nghiệp. Và khi họ khởi nghiệp, kinh doanh, họ cần người làm marketing và trong marketing có công việc content. 

Còn hạn chế?

Mặt khác, kiến thức chung, nền tảng về content trên thị trường gần như không có chính là điểm khó khăn.

Vì kỹ năng này không có trường nào đào tạo cả, số trường đào tạo về marketing hiện nay rất ít, và trường đào tạo kỹ năng chuyên môn về content thì không có luôn. Họ có thể đào tạo chung chung về marketing hoặc Digital Marketing thôi, nên buộc những người đấy phải tự mày mò về riêng content.

Và khi một lĩnh vực không có kiến thức nền tảng chung, mỗi người sẽ tự đưa ra cách hiểu, cách đánh giá riêng của họ dẫn đến thị trường không được thống nhất. Cùng đưa ra một content nhưng 2 cách đánh giá khác nhau nên gặp khó khăn trong việc hợp tác giữa agency, client và các bên tham gia.

Người ngoài thường có suy nghĩ "làm content giàu lắm". Là người trong "kẹt", anh nghĩ như thế nào về quan điểm này?

Mình nghĩ đấy chỉ là câu nói đùa thôi! (cười).

Vì bản chất làm nghề này... không thể giàu được. Giàu hay không liên quan đến cách chúng ta ứng dụng.

Quay lại với câu chuyện người thợ mộc ban nãy. Một người làm mộc giỏi không có nghĩa người ta giàu. Nhưng người làm mộc giỏi có óc kinh doanh, biết làm ra những sản phẩm phù hợp thị hiếu khách hàng, người ta có thể sẽ giàu.

Làm content cũng vậy. Nếu bạn chỉ đơn giản viết bài rất giỏi, bạn có thể sống tốt, đủ ăn nhưng rất khó để dư dả, thoải mái mua sắm không phải nhìn giá. 

Bạn sẽ rất khó giàu nếu chỉ là "người thợ mộc" giỏi, chỉ đơn thuần viết tốt, làm ảnh, clip tốt. Người thợ giỏi nếu biết ứng dụng kỹ năng chuyên môn trong những việc khác như kinh doanh, quản trị thì người ta sẽ có thu nhập cao.

Vậy theo anh, các trường đại học tại Việt Nam hiện nay có cần ngành học chính thống để đào tạo "gốc rễ" về content? Hay chỉ cần học từ workshop, chia sẻ của người đi trước?

Với mình, không cần phải có chuyên ngành riêng giảng dạy về content trong đại học.

Vì ngành này mặc dù lớn, nhưng bản chất content cũng là tư duy của marketing, "hô biến" những gì mình hình dung trong đầu thành sản phẩm. Marketing sẽ có những kiến thức nằm ở tầng chiến lược, cũng sẽ có những phần nằm ở tầng ứng dụng. Và content nằm ở tầng ứng dụng, tức phần cuối cùng của marketing.

Cho nên, chúng ta chỉ cần thống nhất nền tảng kiến thức cơ bản, thuật ngữ bằng vài môn về content trong ngành marketing ở đại học là đủ. Những lớp học ngắn hạn bên ngoài sẽ thiết thực hơn, sát với hơi thở của thời đại hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ những bạn trẻ mới phù hợp nghề content bởi sự nhanh nhạy, linh hoạt của họ. Theo anh, nghề này có giới hạn? 

Mình nghĩ nghề này không giới hạn về mặt tuổi tác. Nhưng với mình, nếu chúng ta tự cho rằng bản thân không sáng tạo, đó chính là giới hạn.

Sáng tạo có rất nhiều hình thức, có thể là sáng tạo ra cái mới, hoặc đơn giản sáng tạo là làm tốt hơn. Mình tin rằng tất cả mọi người đều có khả năng sáng tạo, chỉ là chính chúng ta phải cho phép bản thân sáng tạo. Giới hạn lớn nhất là định kiến của bản thân. Nếu chúng ta tự cho rằng mình không sáng tạo, ta sẽ chỉ giới hạn khả năng, sự linh hoạt của chính mình.

Bản chất tuổi tác không phải vấn đề. Theo kinh nghiệm và các mối quan hệ của mình, rất nhiều anh chị U40, U50 vẫn có thể làm content bình thường.

phung thai hoc dinh vi ban than theo chat rieng - anh 0

Làm nghề mình yêu theo cách mình yêu

Thành công như bây giờ, ai là người truyền cảm hứng cho anh?

Năm 2013, mình tham gia một khoá học về thương hiệu cá nhân. Nhờ đó mình biết được anh Nguyễn Ngọc Long - người ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc đời và sự nghiệp mình.

Nếu chỉ đơn giản học hỏi thì ngay cả trong cuộc sống thường ngày, mình học hỏi được từ rất nhiều người. Nhưng nói đến hình tượng sống thì lớn hơn rất nhiều, nên chỉ có duy nhất một người là anh Nguyễn Ngọc Long.

Sau chừng ấy năm làm nghề, đâu là điều khiến anh tự hào nhất? 

Điều tự hào lớn nhất là mình đã xây dựng được thương hiệu cá nhân khá tốt mà không cần chiêu trò. Mình gầy dựng cộng đồng bằng giá trị lành mạnh.

Nhiều người xây dựng thương hiệu cá nhân có thể sử dụng rất nhiều thủ thuật, người ta "tung" cái này ra, "tung" cái kia ra. Điều đó có thể làm nên sức ảnh hưởng của họ trong một thời gian, nhưng những thứ gì quá vật chất sẽ dễ dàng bị mất đi.

Mình chưa bao giờ tự nhận là chuyên gia. Tức là, mình không "làm màu", không "thần thánh hoá" bản thân mà chỉ sống thật, sống đúng với chính mình. 

Vậy còn một điều anh không thích nhất ở công việc mình làm?

Mình làm nghề hơn 10 năm, nó ngấm vào máu rồi. Mình chỉ có những khó khăn gặp phải thôi chứ chẳng có gì không thích ở nghề cả.

Nếu hỏi về khó khăn trong nghề sẽ có rất nhiều, nhưng bản thân khó khăn đó mình tự hiểu là một phần của công việc nên mình không ghét. Mình phải chấp nhận và vượt qua thôi.

Nếu được thay đổi một quyết định trong quá khứ, anh muốn thay đổi điều gì?

Mình chẳng muốn thay đổi gì cả! Nếu có chắc chỉ thay đổi để mua Vietlott thôi. (cười).

Có nhiều thứ mình có thể làm tốt hơn hoặc sớm hơn. Nhưng mình nghĩ để được như ngày hôm nay, tất cả những sai lầm đều có giá trị. Nếu mình thay đổi một sai lầm trong quá khứ, có thể mình sẽ tốt hơn lúc đó nhưng chưa chắc mình đã rút ra được bài học, và đến được như ngày hôm nay.

phung thai hoc dinh vi ban than theo chat rieng - anh 0

Dịch bệnh có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống và công việc của anh?

Nói không ảnh hưởng nhiều thì không đúng, vì bản chất mình làm trong ngành dịch vụ. Tất cả agency trong đợt dịch đều bị ảnh hưởng nhiều hoặc ít. 

Những khách hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, thời trang, thẩm mỹ viện, phòng khám... phải đóng cửa khoảng 2 tháng trong đợt dịch nên mình bị ảnh hưởng rất nhiều. Và mình nghĩ đây là khó khăn chung của cả ngành agency.

Giữa công việc bề bộn như vậy, làm sao anh tìm được điểm cân bằng cho cuộc sống?

Là người 10 năm trong nghề, mình chắc một điều: Marketing là lĩnh vực có rất nhiều cơ hội để kiếm tiền. Khi chưa có gia đình, mình đầu tư rất nhiều thời gian để mày mò, nghiên cứu công việc. Lúc còn trẻ, mình không đề cao sự cân bằng, mình chỉ biết lao vào làm kiếm tiền thôi. 

Nhưng khi có gia đình rồi, đã có những người để dành thời gian thì mình phải tự cho mình điểm dừng. Nếu mình không có mục tiêu cụ thể, mình cứ chạy theo công việc sẽ không có điểm dừng nào.

Trong tương lai gần, anh có dự định nào?

Dự án thứ nhất, mình dự định năm sau sẽ ra mắt cuốn sách chia sẻ lộ trình gia nhập content nói chung và Content Marketing nói riêng. 

Tiếp theo, nếu dịch "nguôi", mình sẽ làm những buổi offline lớn cho cộng đồng Tâm Sự Con Sen. Đầu năm nay, mình có chạy thử offline ở cả 3 miền và số lượng người tham gia cũng khá đông. Đáng lẽ nếu không có dịch, tháng 8 vừa qua mình đã làm thêm buổi offline cho group ở Hà Nội tầm 1000-1200 người. 

Mình nhớ một kỷ niệm hôm offline ở Sài Gòn, một bạn lên sân khấu chia sẻ và một bạn ở dưới hỏi, hai đứa tranh luận sao cãi nhau luôn. Tự nhiên 4 tháng sau, hai đứa công khai yêu nhau trong sự ngơ ngác, ngỡ ngàng và bật ngửa!

Có khá nhiều người, đặc biệt là những người trẻ còn chật vật với định hướng tương lai. Anh có lời khuyên nào dành cho những người ấy?

Bất cứ bạn trẻ nào có ý định tiếp cận về Content Marketing, mình muốn nói rằng nghề này rất đáng để tiếp cận.

Thứ nhất, nghề này đang có nhu cầu rất cao, cơ hội việc làm không bao giờ thiếu. 

Thứ hai, content chỉ là cánh cổng để dẫn ta đến môi trường lớn hơn. Khi tìm hiểu content, đó sẽ là bàn đạp cho bạn tìm hiểu về lĩnh vực marketing. Những bạn mới không được học chuyên ngành marketing, đây sẽ là hướng đi rất phù hợp cho họ. Sau này, bạn có thể làm chuyên về content hoặc nghiên cứu sâu về marketing.

Cảm ơn anh Phùng Thái Học vì những lời chia sẻ đầy chân thành và sâu sắc. cũng như các độc giả rất mong chờ những dự án tiếp theo của anh!

Cảm ơn đã dành cơ hội cho mình được trải lòng về chuyện nghề, chuyện đời. Hy vọng mọi người sẽ giữ gìn sức khoẻ thật tốt về mặt thể chất lẫn tinh thần!

Changmakeup công khai vết rạn khi mang thai khiến netizen đồng cảm

Cheri Hyeri chia sẻ cách làm tóc chuẩn idol Kpop, netizen thốt lên: Giống Rosé quá!

Cõi mạng chao đảo trước trào lưu tắt đèn khoe body

Bà Nhân gọi tên "thầy Lộc Fuho", nhưng netizen lại quan tâm điều này hơn

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ