Những người trẻ làm nhạc tử tế không nên bị đánh đồng với những ca khúc bị gắn mác "nhạc rác".
Nhạc trẻ phải "nóng"?
Chủ đề về những MV "nóng" đang tiếp tục trở thành đề tài bàn luận trong những ngày gần đây sau khi Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội gọi ca khúc Ghệ Iu Dấu Của Em Ơi từ tlinh là "nhạc rác".
Theo quan điểm từ cơ quan này, ca khúc có chứa phần nhìn không phù hợp, đồng thời phần lời cũng không có sự chắt lọc cần thiết. Chính điều này cũng khiến nhiều khán giả liên kết với những MV trước đó của Chi Pu từng nhận nhiều trái chiều.
Đài truyền hình Quốc gia gọi tên Sashimi với cụm từ "nhạc rác". Chương trình Góc Nhìn Văn Hóa với chủ đề: "Xóa bỏ ca khúc phản cảm, dung tục: Quyền lực trong tay khán giả" đã nhắc đến MV Sashimi của Chi Pu như một ví dụ.
Black Hickey với làn sóng phản đối mạnh mẽ cũng bị ẩn khỏi YouTube. Từ những sản phẩm âm nhạc này, một số ý kiến cho rằng nên "cởi mở" hơn với chủ đề tình dục trong âm nhạc, thậm chí coi đây là một cách để đa dạng hóa nhạc Việt.
Cũng từ những suy nghĩ này, khán giả từ nhiều độ tuổi khác nhau bắt đầu đặt ra câu hỏi rằng "cứ nhạc trẻ là phải 'nóng'?". Đây cũng là câu hỏi tạo ra nhiều trái chiều mỗi khi được đưa ra. Nhìn vào những bảng xếp hạng âm nhạc, những Sashimi, Black Hickey hay Ghệ Iu Dấu Của Em Ơi chưa bao giờ đứng ở top đầu.
Chính vì thế, những bài hát này không thể được xem là đại diện âm nhạc dành cho những người trẻ. Vpop vẫn còn vô số những người trẻ với thứ âm nhạc tử tế, văn minh và không thể bị trộn lẫn. Do đó, nhận định từ nhiều khán giả là chưa hợp lý.
Nội dung liên quan
"Sáng tạo cần phù hợp văn hóa Việt..."
Là một nhạc sĩ kì cựu, Huy Tuấn chiêm nghiệm trong một chương trình cùng Mars Anh Tú: "Bản thân tôi nghĩ đây là 1 chủ đề khá nhạy cảm, liên quan đến nhận thức của mỗi cá nhân, có người cho đấy là 'rác' nhưng có người vẫn chấp nhận được, tôi nghĩ đó chỉ là 1 quan điểm.
Thế nào là 'rác' thì chúng ta có thể ngồi đây phân tích và tìm hiểu với nhau. Trong âm nhạc, có nhiều thể loại, nhiều âm nhạc cho nhiều tầng lớp khác nhau, chứ ai đó không thể tự nói nhạc họ đang nghe là văn mình, còn thứ người khác nghe là 'rác rưởi'".
Nam nhạc sĩ khẳng định những thứ khán giả bàn tán liên quan rất nhiều đến MV chứ không chỉ còn là ngôn ngữ hay chất liệu âm nhạc. Ông cho rằng vấn đề chỉ nằm ở "hình ảnh chưa được phù hợp với thị trường Việt Nam".
Hứa Kim Tuyền - người sáng tác Sashimi - cũng thẳng thắn trong một talkshow: "Dù ban đầu ê kíp chỉ muốn tạo ra một sản phẩm giải trí vui vẻ, vô tư, nhưng để khán giả khó chịu đến vậy, thì lỗi trước hết là của bản thân người nhạc sĩ.
Từ đó tôi rút ra kinh nghiệm để đời. Sáng tạo là sáng tạo. Nhưng cần phải nhớ là mình đang ở Việt Nam, cần phải làm những gì phù hợp với văn hóa Việt".
Anh cũng cho rằng ca khúc này đơn thuần chỉ là một "sự cố", không phải thất bại đối với âm nhạc của Hứa Kim Tuyền.
Nội dung liên quan
Bài học về giới hạn
Như những ý kiến chuyên gia đã khẳng định, "nhạc rác" dường như là một định nghĩa quá khắt khe và tương đối nặng nề để gán lên một ca khúc nào đó. Phần lớn thứ bị chỉ trích trong các MV đến từ phần nhìn quá phản cảm, dung tục và tương đối "phô".
Đây có thể là bài học cho nhiều nghệ sĩ Việt, đặc biệt là trong cách tiết chế những khung cảnh "hở" quá đà hoặc tập trung quá nhiều vào "cái tôi nghệ thuật" mà quên đi những quy chuẩn cần thiết để giúp sản phẩm có thể tiếp cận đông đảo khán giả hơn.
Hoặc nếu đây là những sản phẩm có đối tượng người nghe đặc thù, cần có giới hạn độ tuổi trên nền tảng YouTube. LowG từng làm điều này với ca khúc Thiên Thần Ác Quỷ - một bài hát không mang chủ đề nhạy cảm nhưng lại đậm màu kinh dị. Chính cách làm này giúp anh nhận về nhiều lời khen.
Sự "thật" đôi khi không cần phải được bộc lộ ra toàn bộ như cuộc sống bình thường, để nhạc trẻ không còn bị gắn mác "nhạc nóng", các nghệ sĩ và ekip có lẽ cũng cần nâng cao "chuẩn" của bản thân trong việc tự kiểm duyệt chính mình.
Nguồn: TH&PL