Từ lâu, hiệu quả công việc đã không còn được tính bằng giờ ngồi trên văn phòng mà là bằng số deadline hoàn thành.
Nhờ sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là internet, các mô hình làm việc cũng trở nên đa dạng và tiên tiến hơn nhằm đem lại sự tiện lợi cho nhân viên và nâng cao hiệu quả công việc.
Nội dung liên quan
Cụ thể, thay vì chỉ làm việc tại văn phòng theo đúng thời gian lao động quy định trên hợp đồng, nhân viên ngày nay đã có thể hoàn thành công việc ở bất cứ đâu qua hình thức online, chỉ cần chúng ta có kết nối internet và sở hữu cho mình một công cụ làm việc phù hợp, mà phổ biến nhất là chiếc laptop.
Tuy nhiên, chính bởi tính tiện lợi và linh hoạt của những mô hình này mà dẫn đến hệ lụy là không có giới hạn về lượng công việc phải làm trong ngày. Mọi nhân viên đều phải ở trong tâm thế sẽ bị sếp giao việc, bất kể ngày hay đêm, trong tuần hay cuối tuần, ngày làm việc hay ngày nghỉ lễ... Vì vậy, laptop - công cụ làm việc "thần thánh", dường như đang trở thành vật bất ly thân của người trẻ trong thời đại số.
Áp lực mang tên "Ủa em?"
"Ủa em?" từ lâu đã trở thành từ ngữ khiến ai cũng phải "rùng mình" khi nghe đến. Thậm chí đã có một thời gian dài, cụm từ này xuất hiện trong mọi ảnh chế về áp lực làm việc nơi văn phòng. Vậy nguyên nhân là do đâu?
Cụm từ này xuất phát từ việc các bạn trẻ thường xuyên phải nhận việc hoặc sửa chữa theo góp ý của khách hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, thậm chí là ngày nghỉ, vậy nên laptop luôn là vật bất ly thân của họ. Đôi khi, thiết bị điện tử này còn quan trọng hơn cả ví tiền.
Hùng Luân, hiện đang là video editor tự do chia sẻ: "Đỉnh điểm, mình từng bị 'dí' 4 deadline cùng một lúc, tuy nhiên điều đó không mệt mỏi bằng việc chỉ có 1 hoặc 2 task nhỏ nhưng phải chỉnh sửa từ ngày này qua tháng nọ. Không riêng ngày nghỉ, mình phải mang laptop theo trong cả thời gian dành cho việc đi cà phê với bạn bè".
Tưởng đùa mà thật, "Ủa em" chính là một trong số những tín hiệu báo động việc người trẻ đang phải chịu những áp lực vô cùng lớn, hầu hết quỹ thời gian đã phải dành cho công việc. Vân Linh, hiện đang là sinh viên ngành thiết kế tại Đại học RMIT đã bắt đầu làm công việc design từ rất sớm.
Chia sẻ về tình trạng sức khỏe trong các "mùa deadline", Vân Linh cho biết: "Nếu khoảng thời gian đó vừa phải học ở trường và làm việc thì mình sẽ bị rối loạn sinh hoạt hoặc cũng không còn cảm thấy tỉnh táo như trước vì đã lạm dụng nhiều cà phê".
Nội dung liên quan
Deadline có bao giờ là đủ
Guồng quay của công việc, của deadline còn kéo theo những biến chuyển trong văn hóa đời sống giới trẻ. Một trong số đó là sự lên ngôi mạnh mẽ của laptop khi nó đồng hành cùng người trẻ ở bất kỳ đâu: trong nhà, quán ăn, trên xe, bãi biển... hay bất cứ hoàn cảnh nào: gặp gỡ bạn bè, ăn uống, đi lại, nghỉ lễ...
Theo đó, những quán cafe được phát triển theo mô hình kết hợp không gian ăn uống và học tập, làm việc mọc lên ngày càng nhiều. Tại đây, hình ảnh những cá nhân hay nhóm bạn mở laptop lên và ngồi chạy deadline đến hàng tiếng đồng đồ đã quá quen thuộc với chúng ta.
Nhiều người cũng chia sẻ rằng, việc tìm đến những nơi như vậy sẽ tạo thêm nhiều động lực cho họ để hoàn thành công việc, thay vì ngồi chây lỳ và trì hoãn deadline ở nhà.
Hiển nhiên, sự thay đổi về mô hình kinh doanh này phụ thuộc phần lớn vào nhu cầu của khách hàng, nhưng ngược lại, nó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tư duy và nhận thức của chúng ta. Nếu trước đây, người ta thường hẹn nhau ở cafe để gặp gỡ và trò chuyện thì ngày nay, họ lại đến đây để cùng nhau... chạy deadline.
Nguồn: TH&PL