Người dùng cho rằng Facebook là "mạng xã hội dành cho người già"

Facebook đang cố gắng thu hút người dùng trẻ trở lại với nền tảng, song Gen Z thì lại "từ chối" vì sự già cỗi của mạng xã hội này.

Người dùng cho rằng Facebook là "mạng xã hội dành cho người già"

Vào năm 2012, một cuộc khảo sát của Pew Research cho thấy, có đến 94% thanh thiếu niên độ tuổi từ 12 đến 17 sử dụng Facebook. Thế nhưng, sau gần một thập kỉ, con số này chỉ còn 27%, theo khảo sát năm 2021 trên 10.000 thanh thiếu niên do Piper Sandler thực hiện.

Facebook - mạng xã hội từng được giới trẻ ưa chuộng - giờ đây đã trở nên nhàm chán và kém thu hút trong mắt nhóm đối tượng Gen Z. 

Mạng xã hội già cỗi và tai tiếng

Trong cuộc phỏng vấn với Insider, một số thanh thiếu niên ở Anh và Mỹ chia sẻ rằng, họ từ chối Facebook do cơ sở người dùng lớn tuổi và những tai tiếng của Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg. 

nguoi dung cho rang facebook la mang xa hoi danh cho nguoi gia - anh 0
Giới trẻ không còn hứng thú với Facebook. 

Alexis, 14 tuổi, đến từ Bắc Virginia chia sẻ rằng, cô không sử dụng Facebook "vì nó dành cho người già": "Tôi luôn coi đây là nơi dành cho những người lớn tuổi, và tôi không muốn thấy trang cá nhân tràn ngập những nội dung về công việc kinh doanh, lời dị nghị của hàng xóm hay những meme mà họ cho là hài hước". 

Bên cạnh đó, Alexis thích TikTok và Instagram - những nơi cô thường xuyên gặp gỡ bạn bè và tìm hiểu về các xu hướng mới nhất. "TikTok là ứng dụng tuyệt vời để tạo ra các video hài hước" - cô nói.

Mark Zuckerberg nhận xét rằng, sự cạnh tranh giữa Facebook và các nền tảng khác đang ngày một trở nên gay gắt hơn. Trong đó, TikTok được coi là một trong những đối thủ cạnh tranh hiệu quả nhất mà Facebook từng đối mặt.

Thực tế này dễ dàng được nhìn thấy ở báo cáo của Piper Sandler vào năm 2021, khi chỉ 27% thanh thiếu niên cho biết họ sử dụng Facebook, 73% còn lại thì ưa chuộng TikTok - một ứng dụng non trẻ nhưng đang trên đà phát triển vượt bậc.

Trey Blevins, 19 tuổi, đến từ Michigan (Mỹ) cho biết, anh thích các nền tảng mạng xã hội khác như Twitter, Snapchat và Instagram. Anh không sử dụng Facebook do cảm thấy khó chịu với những tranh cãi xoay quanh CEO Zuckerberg và công ty này, điển hình là việc Facebook không can thiệp vào những bài đăng liên quan đến nhóm biểu tình và bạo loạn của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2020.

Bên cạnh sự không hài lòng do cơ sở người dùng lớn tuổi và tai tiếng của Giám đốc điều hành Zuckerberg, một số thanh thiếu niên còn cho biết, mối lo ngại về quyền riêng tư là một trong những nguyên nhân khiến họ không ưa dùng Facebook.

nguoi dung cho rang facebook la mang xa hoi danh cho nguoi gia - anh 0
Facebook đang phải đối mặt với những cáo buộc vì cố tình phớt lờ hậu quả đối với con người, xã hội và chính trị để thu hút tối đa sự chú ý của người dùng.

Báo chí trong nước và quốc tế từng ghi nhận rất nhiều trường hợp dữ liệu cá nhân riêng tư của người dùng Facebook bị đánh cắp hoặc bị rò rỉ. Nổi tiếng nhất là vụ việc xảy ra vào năm 2018, khi công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica của Anh đã khai thác trái phép dữ liệu của 87 triệu người sử dụng Facebook nhằm mục đích bầu cử. Mới đây nhất là vào tháng 4 năm nay, một hacker đã phát tán miễn phí thông tin cá nhân của hơn 500 triệu người dùng Facebook trên DarkWeb.

Ngoài ra, Facebook còn được giới trẻ cho là một nền tảng "quá độc hại". Ứng dụng này cùng Instagram hiện đang đứng trước nhiều cáo buộc nghiêm trọng, ví dụ như đặt lợi nhuận lên trên con người, gây trầm cảm, lo âu ở nhiều trẻ vị thành niên.

Làm gì để cạnh tranh?

Theo dữ liệu do The Verge cung cấp, Facebook dự đoán người dùng thanh thiếu niên sử dụng các nền tảng của họ sẽ giảm mạnh 45% trong hai năm tới.

"Sản phẩm của chúng tôi vẫn được thanh thiếu niên sử dụng rộng rãi, nhưng chúng tôi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ những ứng dụng như Snapchat và TikTok", Joe Osborne, phát ngôn viên của Facebook chia sẻ. 

nguoi dung cho rang facebook la mang xa hoi danh cho nguoi gia - anh 0
Facebook chật vật níu chân và thu hút người dùng trẻ, trước sự đe dọa từ các đối thủ cạnh tranh như TikTok và Snapchat.

Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg mong muốn sẽ chấm dứt tình trạng giới trẻ rời bỏ Facebook - nền tảng hàng đầu của công ty. Và để đánh bại các mạng xã hội đang rất được ưa chuộng khác như TikTok và Snapchat, Facebook chọn cách "đồng hóa" với Instagram - một ứng dụng được công ty này mua lại vào năm 2012. 

Tuy nhiên, ngoài phản ứng chán ngán của giới trẻ khi Instagram dần biến thành một "Facebook" thứ 2, lựa chọn này chưa cho thấy bất kì hiệu quả nào. Các thanh thiếu niên được phỏng vấn bởi Insider cho rằng, họ không biết Facebook có thể thêm yếu tố gì vào nền tảng để thu hút được giới trẻ: 

"Tôi không biết Facebook sẽ phải làm gì để khiến tôi sử dụng nó", Baron nói với Insider trên Twitter.

"Có quá nhiều lựa chọn thay thế tốt hơn Facebook", Jayden cho biết.

"Không có gì trên Facebook thực sự hấp dẫn tôi mà các ứng dụng khác chưa có", Blevins cùng quan điểm. 

Alexis thì nói một cách đơn giản: "Miễn là những người lớn tuổi còn ở đó, tôi sẽ không sử dụng Facebook".

Instagram - "vị vua rớt đài" trong lòng giới trẻ?

Instagram - Món lẩu thập cẩm tạp vị, thừa mứa và kén người ăn?

Facebook đổi tên, còn gì mới nữa không?

Facebook suy thoái, đổi tên không đổi nổi vận?

Facebook có trở thành "quá khứ" với sự phát triển vượt bậc của các nền tảng khác?

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ