Facebook livestream sự kiện đổi tên công ty và ra mắt metaverse trên nhiều fanpage lớn nhưng chỉ khoảng vài chục nghìn người cùng theo dõi. Sau đó thì sao?
"Tôi đã suy nghĩ nhiều về bộ nhận diện của chúng tôi. Theo thời gian, hy vọng chúng tôi được nhìn nhận như một công ty vũ trụ ảo (Metaverse)", Mark Zuckerberg chia sẻ khi công bố đổi tên công ty Facebook thành Meta trong sự kiện Connect 2021.
Trong sự kiện, Zuckerberg cho biết trọng tâm của công ty sẽ vượt ra khuôn khổ một mạng xã hội. Horizon - nằm trong Metaverse - "vũ trụ ảo" cho phép người dùng làm việc, gặp gỡ bạn bè trong nhiều không gian khác nhau. CEO còn ấp ủ tham vọng vũ trụ ảo có thể trở thành nền tảng xã hội quan trọng, với sự tham gia của nhiều công ty công nghệ trong 10 năm tới.
Vậy ở một vũ trụ siêu việt này, mọi thứ có thật sự là đỉnh của chóp như tham vọng của Mark Zuckerberg?
Nội dung liên quan
Có gì trong một vũ trụ siêu việt?
Metaverse là một từ ghép bao gồm meta (siêu việt) và verse (universe/vũ trụ). Trong vũ trụ ảo này, mọi hoạt động đều dựa trên công nghệ AV (thực tế ảo), VR (thực tế tăng cường) và Internet. Nghĩa là, ở metaverse, con người tương tác với nhau trong thế giới thực tế ảo, hoạt động song song với thế giới thật dựa vào Internet.
Metaverse có gì?
- Chân thực: Theo Medium.com, đây là yếu tố tiên quyết khi Mark xây dựng hệ sinh thái này. Ngay cả thời gian, khi người dùng đăng xuất khỏi thế giới ảo, cuộc sống ở meta vẫn vận hành.
- Cải tiến: Hệ sinh thái sẽ luôn có những bản cập nhật mới về dịch vụ.
- Chủ động: Cho phép người dùng tự do kết nối hoặc ngắt kết nối, không giới hạn sự sáng tạo của người dùng trong thế giới ảo.
- Giao dịch: Thực tế ảo - Kinh tế thực, người dùng có thể chuyển đổi tài sản trong thế giới này. Nghĩa là người dùng cũng có thể kiếm tiền ở Metaverse và quy đổi thành tài sản thực.
Để vũ trụ siêu việt hoạt động tối ưu, người dùng phải có công nghệ Big Data và 5G, 6G cũng như có các thiết bị thực tế ảo như kính VR. Đồng thời, với tầm nhìn tạo ra thế giới ảo song song với thế giới thực, nền kinh tế trên Metaverse đóng vai trò quan trọng.
Nhưng liệu Metaverse có thật sự là giải pháp phù hợp để cứu rỗi hình tượng và mở ra cuộc chuyển mình mới? Vì rõ ràng khi Facebook làm điều này, họ đang chuyển tệp người dùng sang thế hệ alpha và Z. Lượng người dùng trung niên và cao tuổi có thể bị mất đi.
Hơn nữa, người dùng phải có công nghệ hiện đại như 5G, 6G và thiết bị thực tế ảo để trải nghiệm trọn vẹn bản "nâng cấp" của Facebook. Điều này khiến người dùng thông thường bị bỏ lại phía sau. Những người dùng có tài chính và niềm đam mê công nghệ được ưu ái hơn hẳn.
Nhưng liệu người dùng đam mê công nghệ hiện đại mà Facebook nhắm đến có thật sự mặn mà với nền tảng. Hay họ chỉ muốn trải nghiệm thử rồi quay về với những trò chơi thực tế ảo khác?
Metaverse là nỗ lực níu kéo người trẻ quay lại với Facebook?
Nhưng tất cả chỉ là tham vọng trong mắt của Mark Zuckerberg, người dùng thấy gì?
Buổi livestream chỉ là thông báo sẽ đổi tên, thực tế, công ty vẫn cần nhiều thời gian để xây dựng Metaverse. Nhưng khi thông báo ở thời điểm này có thể giúp Facebook "né" được những cáo buộc về những câu chuyện về thuyết âm mưu, phân biệt chủng tộc, nội dung "rác", ảnh hưởng sức khỏe tâm lý của và cả chuyện bị chính nhân viên của Facebook tố nền tảng đang trục lợi người dùng.
Zuckerberg mong muốn tạo ra thế giới ảo song song với thế giới thực, nhưng người dùng hiện nay lại ưu tiên để avatar ảo, ít đăng thông tin cá nhân. Nhưng họ lại đắm chìm trong trò chơi sinh tồn Don't Starve Together, cho phép người dùng xây dựng một thế giới và sống ở đấy! Ở đó, mọi người trở lại thời kỳ săn-bắn-hái-lượm để có thể sống; tự do lựa chọn mọi điều.
Rõ ràng, người dùng đang bỏ rơi Facebook.
Khi thông báo đổi tên, nhiều người nhầm lẫn Facebook sẽ đổi tên gọi thành Meta. Nghĩa là, thay vì hỏi: "Cho xin Facebook của bạn đi" sẽ chuyển thành "Cho xin Meta đi". Nhưng thực tế, Meta là tên gọi mới của công ty sở hữu mạng xã hội Facebook, cả Instagram, WhatsApp...
Ngay cả Anne Olderog, lãnh đạo cấp cao của công ty tư vấn Vivaldi với 20 năm kinh nghiệm về chiến lược thương hiệu - cũng dành cho Facebook một lời khen cho sự cố gắng nhưng không đáng kể này: Và thực sự, không ai hiểu về metaverse, đó cũng là một bước đi khôn ngoan.
Sự chuyển hướng này chỉ nhằm mục đích thu hút sự quan tâm của người dùng và dư luận. Giống như một người muốn chia tay, nhưng người còn lại luôn cố gắng chứng minh họ thú vị để níu chân. Chiêu bài "đánh lạc hướng" của Zuckerberg đã thành công khi những người đang mổ xẻ sự xuống cấp, nội dung "rác" của Facebook thành tìm hiểu "Meta là gì?".
Thời gian tới, để xem nỗ lực tạo ra vũ trụ ảo của Mark Zuckerberg có thực sự thu hút được người trẻ đã chán ngấy Facebook và tìm đến game thực tế ảo khác. Hay sẽ vô vọng như cách vị người yêu kia luôn tìm cách hàn gắn mối quan hệ đã cũ mèm? Nhưng dù sao đi nữa, Facebook vẫn không ngã ngựa vì đã có trong tay những người đang cần mạng xã hội để phát triển.
Còn hiện tại, Facebook chẳng có gì mới!
Nguồn: TH&PL