MV thương mại là công cụ quảng cáo tiềm năng nhưng cũng mang đến nhiều thách thức cho các nhãn hàng.
Với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội, Influencer marketing và Music marketing là hai công cụ tiềm năng để các nhãn hàng tiếp cận người tiêu dùng. Ngược lại, khán giả cũng không còn xa lạ với sự xuất hiện của hàng loạt sản phẩm âm nhạc mang đậm tính giải trí, nghệ thuật mà vẫn truyền tải được hình ảnh thương hiệu và tính năng sản phẩm.
Nội dung liên quan
Một số nhãn hàng, thương hiệu nổi bật thường xuyên góp mặt với vai trò nhà đầu tư cho các sản phẩm âm nhạc ở Việt Nam có thể kể đến Tiki, OPPO, Samsung, Vivo… và gần đây nhất là Honda, hợp tác với Đen Vâu trong MV Đi Trong Mùa Hè.
Để tìm hiểu rõ hơn về hình thức MV thương mại này cũng như những câu chuyện đằng sau việc hợp tác với các nghệ sĩ, đã có dịp trò chuyện cùng chị Phương Thảo - phụ trách mảng PR của xe máy điện YADEA Việt Nam, và anh Lukas Anh Nguyễn - Group Brands Communication Manager của L'Oréal Việt Nam.
Khi nghệ sĩ trở thành cầu nối giữa thương hiệu và khán giả
Trong thời đại truyền thông - quảng cáo, sự đồng hành của nghệ sĩ thông qua âm nhạc đã giúp các thương hiệu dễ dàng tiếp cận những khách hàng tiềm năng, từ đó góp phần tăng độ nhận diện và tình yêu với thương hiệu.
Chia sẻ về việc hợp tác với các nghệ sĩ, anh Lukas cho biết: "Thực tế, đây được coi là một cách tiếp cận hiệu quả, đặc biệt là khi đối tượng của nhãn hàng đó là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi nghệ sĩ, người nổi tiếng. Khi đó, nghệ sĩ, người nổi tiếng sẽ đóng vai trò cầu nối, giúp chuyển tải thông điệp của brand đến khán giả một cách hiệu quả, gần gũi hơn".
Nội dung liên quan
Ngoài ra, việc hợp tác, nhìn từ góc độ kinh doanh vẫn là một hoạt động đầu tư, lấy nhuận chính làm một trong những ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, quy trình này cũng đòi hỏi sự linh hoạt và tinh tế nếu muốn đạt hiệu quả cao.
Chị Thảo chia sẻ: "YADEA luôn giữ nguyên tắc win-win, hợp tác cùng có lợi, đảm bảo quyền lợi của nhãn hàng và nghệ sĩ hài hòa, hài lòng cả hai bên. Trong quá trình hợp tác, chúng tôi không chỉ đưa 1 phương án hoạt động mà thường đưa nhiều lựa chọn khác nhau để nghệ sĩ có thể cân nhắc đâu là phương án phù hợp nhất".
Ranh giới giữa thương mại và nghệ thuật
Khi ra mắt các sản phẩm hợp tác giữa nhãn hàng và nghệ sĩ, tính cân bằng giữa thương mại và nghệ thuật thường là yếu tố bị soi xét hàng đầu. Lúc này, dễ dàng nhận thấy điểm hạn chế khi làm MV thương mại là nguy cơ sa đà vào thông điệp mà đánh đổi tính giải trí, nghệ thuật của một sản phẩm âm nhạc, thậm chí có thể làm mất đi cái "chất" của người nghệ sĩ.
Nội dung liên quan
Nhận định về vấn đề này, chị Phương Thảo bày tỏ, cần phân biệt các loại hình hợp tác mà đánh giá một MV/ bài hát, bao gồm: sponsored MV (sản phẩm thuộc quyền sở hữu của nghệ sĩ) và branded MV (sản phẩm thuộc quyền sở hữu của nhãn hàng).
Với loại hình thứ nhất, MV/ bài hát là một dự án độc lập của nghệ sĩ, mời gọi nhãn hàng tham gia tài trợ hoặc nhãn hàng sẽ chủ động tiếp cận nghệ sĩ để lồng ghép thương hiệu, sản phẩm. Khi này, hình ảnh của brand chỉ là phụ. Ngược lại, branded MV là sản phẩm thuộc quyền sở hữu của nhãn hàng, do nhãn hàng có nhu cầu đặt hàng với mục đích truyền tải thông điệp rõ ràng. Vì vậy, ở hai loại hình sản phẩm, người nghệ sĩ phải có phong cách thể hiện riêng.
"Dựa trên cách phân biệt như vậy, chúng ta có cách đánh giá khách quan hơn, không thể quy chụp nghệ sĩ cứ đưa brand vào bài hát thì sẽ làm 'mất chất' của bản thân được. Thậm chí, có nhiều chiến dịch quảng cáo kết hợp giữa brand với nghệ sĩ lại tạo nên sự hợp lý và nâng tầm lẫn nhau", chị Thảo nhận định.
Mặc dù vậy, để cân bằng giữa giá trị nghệ thuật và thông điệp của nhãn hàng cũng không hề dễ dàng. Trên thực tế, đã có rất nhiều ý kiến phàn nàn từ khán giả về việc quảng cáo quá đà trong các MV. Theo quan điểm của chị Thảo, đây cũng là một bài toán khó, đòi hỏi các nhãn hàng phải có sự sáng tạo, thấu hiểu khán giả của mình.
"Khi xác định được thông điệp của chiến dịch quảng cáo, chúng tôi sẽ lựa chọn kỹ lưỡng nên hợp tác cùng nghệ sĩ nào để đảm bảo tốt nhất các yếu tố: khán giả mục tiêu, phong cách và tinh thần của nghệ sĩ. Chúng tôi sẽ xây dựng 'câu chuyện chung' giữa nghệ sĩ và sản phẩm, coi sản phẩm là một nhân vật có liên kết chặt chẽ với nghệ sĩ. Vậy nên khi truyền tải trong các MV/ bài hát sẽ bớt khiên cưỡng hơn khi đưa sản phẩm vào".
Còn với anh Lukas, cần phải cho khán giả thấy mình đã mang đến cho họ một sản phẩm nghệ thuật chất lượng, đúng với nhu cầu của họ trước khi quảng cáo về sản phẩm của nhãn hàng. "Trong marketing, mình hay gọi đó là 'telling the story before the sales message', khi bạn đã kể xong cho khán giả nghe 1 câu chuyện đủ hay, đủ chất lượng, thông điệp về brand đi kèm phía sau sẽ không bị họ phàn nàn".
Nhìn chung, khán giả ngày nay đã quen thuộc với công thức nhãn hàng kết hợp cùng nghệ sĩ hay các gương mặt đại diện. Nhưng câu hỏi liệu tần suất xuất hiện của quảng cáo có ảnh hưởng đến độ "hay", "dở" của MV thì vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Với vai trò là phía nhãn hàng, chị Thảo nhận xét: "Sẽ có rất nhiều yếu tố đánh giá một sản phẩm nghệ thuật. Nhưng khi đánh giá, chúng ta nên đi từ mục đích sản phẩm này ra đời để có sự đo lường, kết luận khách quan hơn. Nếu đó là tác phẩm phục vụ giải trí, sẽ có tiêu chí đánh giá riêng. Tác phẩm để phục vụ thương mại, sẽ có các chỉ số mục tiêu riêng. Bài hát sẽ hay nếu chúng ta không phá hỏng kịch bản của MV, gò ép câu chữ lời bài hát chỉ để lồng ghép sản phẩm. Thực tế, nhiều cách lồng ghép khéo léo lại khiến hiệu ứng tốt hơn, được khán giả thích thú và đón nhận hơn".
Mặt khác, anh Lukas lại cho rằng, giá trị phù hợp mới là yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm. "Giá trị đó có thể là giá trị về mặt cảm xúc (vui, buồn, hào hứng...) hoặc giá trị về mặt kiến thức. Hiểu được khán giả mình muốn gì và mang nó lại được cho họ thì đó là một sản phẩm hay. Do đó, việc trong sản phẩm nghệ thuật có chứa yếu tố quảng cáo không thì cũng không làm ảnh hưởng đến mức độ hay của bản thân sản phẩm, quan trọng là bạn có mang đến cho khán giả điều họ muốn trước khi ban quảng cáo sản phẩm hay không?" - anh nói.
Nguồn: TH&PL