Đen Vâu quên mang những thứ mạnh nhất của mình vào trong sản phẩm này, rườm rà và lỏng lẻo trong cách triển khai ý của ca khúc và còn nhiều thứ khác.
2022 chắc chắn là một năm mà Đen Vâu mong muốn "nâng tầm" bản thân nhất. Sau một khoảng thời gian dịch bệnh, Mang Tiền Về Cho Mẹ của anh chính là bản hit lớn nhất trong giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022.
68 triệu lượt xem sau hơn 5 tháng, đó là một con số biết nói để chứng minh độ viral của Đen Vâu là không cần bàn cãi. Tuy vậy, verse rap chưa-đã-lắm trong Let's Shine - ca khúc chủ đề của SEA Games 31 - đã khiến tên tuổi của anh bị đặt một dấu chấm hỏi bởi một bộ phận khán giả.
Tối 9/5, anh vừa cho ra mắt sản phẩm âm nhạc tiếp theo của mình kết hợp với nhạc sĩ Trần Tiến mang tên Đi Trong Mùa Hè. Đây là sự kết hợp cho thấy rõ định hướng của Đen Vâu với âm nhạc.
Khi Đen làm nhạc... chuẩn quốc tế nhưng lại rap tiếng địa phương
Mười Năm (Ngọc Linh), Trốn Tìm (MTV Band), Mang Tiền Về Cho Mẹ (Nguyên Thảo) và giờ là chủ nhân của Mặt Trời Bé Con, Đen cho thấy mình thực sự mong muốn trở thành một cầu nối thế hệ với việc chiều chuộng cả những người của thế hệ trước lẫn những người trẻ, thỏa mãn những "tiêu chuẩn kép" mà khán giả luôn đề ra cho các nghệ sĩ.
"Khi viết một bài nhạc, lúc giai điệu hay câu hát xuất hiện trong tâm trí thì luôn đi kèm với một giọng ca vang lên trong đầu để tôi hình dung phần hát sẽ như thế nào. Với ca khúc này, ngay khi đang viết, tôi đã khát khao mong chú Trần Tiến góp giọng. Tôi không lựa chọn, mà thực ra lời bài hát đã quyết định giúp tôi rồi" - Đen chia sẻ về cơ duyên hợp tác cùng nhạc sĩ Trần Tiến.
Và đúng như anh nói, ca từ của sản phẩm âm nhạc này thực sự phù hợp với nhạc sĩ Trần Tiến. Khi tìm hiểu về nhạc sĩ này, định nghĩa nổi bật nhất chắc chắn sẽ là "nhạc sĩ sáng tác ca khúc quần chúng". Đây là một thứ đã luôn gắn bó với ông trong suốt hành trình du ca của mình.
Đen cần một nhân vật có đủ sự "từng trải" để thể hiện rõ nhất tính cộng đồng của Đi Trong Mùa Hè. Còn ai tương thích tốt hơn với vị trí này ngoài nhạc sĩ Trần Tiến - chủ nhân của ca khúc cổ động Tôi Yêu Bóng Đá vẫn đang xuất hiện với tần suất dày đặc trên các sân cỏ Việt Nam, đặc biệt là tại kỳ SEA Games 31.
Lựa chọn này cũng tỏ ra rất hiệu quả, khi khán giả đều đánh giá cao phần hát (dù ngắn ngủi) của nhạc sĩ Trần Tiến. Phần hát của ông có ca từ đơn giản, dễ nghe, dễ thuộc. Tuy nhiên, việc lựa chọn Michael Choi - producer có kinh nghiệm lâu năm trong việc sản xuất nhạc hip-hop cho những nghệ sĩ quốc tế - dường như đã khiến phần điệp khúc hơi "sạch sẽ" quá mức.
Không thể phủ nhận rằng, Đi Trong Mùa Hè là một sản phẩm có chất lượng âm thanh ở mức rất cao, thậm chí sử dụng định dạng Dolby Atmos chuẩn quốc tế. Tuy vậy, chính sự trau chuốt này đã khiến ca khúc có cảm giác thiếu đi độ "thật" cần có của một sản phẩm âm nhạc dành cho quần chúng.
Cách phối để giọng hát nhỏ hơn tiếng beat quen thuộc của các sản phẩm nhạc Pop cũng được sử dụng trong ca khúc này. Chính vì thế, giọng hát của nhạc sĩ Trần Tiến không thực sự nổi bật như những sản phẩm do chính ông sáng tác và sản xuất.
Phần hát ngắn ngủi với vỏn vẹn 4 câu, lặp lại 3 lần với khoảng hơn 1 phút trong một sản phẩm tận 4 phút cũng là chưa đủ để nhạc sĩ Trần Tiến thổi hồn của mình vào trong. Tuy vậy, dấu ấn của ông với Đi Trong Mùa Hè vẫn là có, đặc biệt là khi thực hiện đoạn melodic rap - thứ thân thuộc với khán giả trẻ ở thời điểm hiện tại nhưng đầy lạ lẫm với những nhạc sĩ gạo cội.
Nội dung liên quan
...Đen Vâu lạc bước trong mùa hè
Theo giải thích từ Đen, ca khúc này được chia thành 3 phần. Phần 1 là cuộc đời thể thao của những cầu thủ, tuy gian truân nhưng đáng trân trọng; phần 2 là khung cảnh mọi người xuống đường ăn mừng chiến thắng, ngày mà tất cả gắn kết, có cùng một tiếng nói và niềm tự hào trong trái tim; phần 3 kể về tình yêu bóng đá của một gia đình nhỏ, khi đôi vợ chồng bông đùa lẫn nhau.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, Đen không tạo ra được một câu punchline cần thiết nào trong cả 3 phần. "Mang tiền về cho mẹ/ đừng mang ưu phiền về cho mẹ", "Thành công, đi về nhà/ Thất bại, đi về nhà",... là "đặc sản" trong các sản phẩm âm nhạc của rapper gốc Quảng Ninh.
Và thật khó để tìm ra được câu rap ấn tượng trong ca khúc này khi sự bất ngờ trong cách dùng từ dường như là thứ "xa xỉ". Nhưng, những cặp vần đôi của Đen Vâu vẫn tạo được những ấn tượng nhất định, ví dụ như:
"Đối thủ cũng như là người tình/ Bám theo mình theo cách đầy vấn vương
Nhưng người tình thì mong cho mình khoẻ
Còn đối thủ thì muốn mình chấn thương"
Tuy vậy, những câu rap có phần "khó hiểu" và tối nghĩa khi đặt vào vị trí đó cũng xuất hiện không ít lần xuyên suốt Đi Trong Mùa Hè. Ví như ở đoạn cuối cùng của verse 1, nhiều khán giả không hiểu được dụng ý của Đen là gì với câu:
"Đường vào tim em khó khăn, trắc trở/ Sau 90 phút phải thở bằng mồm
Tính anh chả mấy khi phải sồn sồn/ Anh ứ nói nhiều: Việt Nam vô địch"
Không thể hiện bộ vần, cũng chẳng có một hình ảnh ẩn dụ hoặc tứ văn đặc biệt nào, những câu rap này của Đen Vâu tỏ ra chệch choạc và thiếu sự ăn khớp, khác hẳn so với những sản phẩm âm nhạc trước của anh khi luôn duy trì rất tốt mạch nội dung và cách thể hiện.
Phần melodic rap của Đen trong sản phẩm này là một thứ mới mẻ, độc đáo. Nhưng, dung lượng quá ngắn khiến khán giả chưa kịp thẩm thấu cũng khiến phần này của anh dễ dàng bị quên đi sau khi nghe xong ca khúc.
Cũng phải nói rằng, Đen Vâu lựa chọn việc rap theo giọng địa phương ở một phần của bài hát cũng là một "con dao hai lưỡi". Nếu khán giả cảm thấy hay, đó sẽ được xem là "tôn vinh vùng miền". Còn với một số người không thoải mái, câu tục ngữ "Chửi cha không bằng pha tiếng" sẽ được đặt trực tiếp lên cái tên của Đen.
Tổng kết lại phần Rap, đơn giản chỉ là anh không tạo ra được một câu "đinh" nào để khán giả nhớ mãi về phần rap của anh. Đồng thời, dung lượng Rap quá nhiều, dàn trải nhiều nội dung khác nhau khiến khán giả nghe kỹ cũng sẽ có cảm giác hơi rối rắm và không thực sự đọng lại những câu chuyện mà Đen đang muốn truyền tải.
Cờ đỏ sao vàng tung bay ở các bối cảnh khác nhau như đường phố đến chung cư, ngõ hẻm, bữa cơm gia đình, cùng sự xuất hiện của rất nhiều diễn viên thuộc các độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp khác nhau đã cho thấy bóng đá gắn kết mọi người như thế nào.
Sự xuất hiện của nhạc sĩ Trần Tiến cùng loạt cameo như Nguyễn Lâm Thảo Tâm, các tuyển thủ quốc gia: Duy Mạnh, Quế Ngọc Hải, Văn Hậu cũng đã giúp Đi Trong Mùa Hè mang nhiều hơn tính cộng đồng.
Màn hòa giọng của ba thế hệ nghệ sĩ - Trần Tiến, Đen, Biên và Vũ Thanh Vân đã tạo nên những cung bậc cảm xúc khác nhau, từ bình dị, trong trẻo đến nhiệt huyết, hào hùng.
Từ các thế hệ khác nhau, tất cả đều chung tay để tạo ra một sản phẩm thật sự hoành tráng và chất lượng. Nhưng Đen Vâu cần tiết chế nội dung của mình sao cho cô đọng và gãy gọn hơn để khán giả có thể nhớ dễ dàng hơn thay vì trôi tuột.
Một sản phẩm hoành tráng nhưng chỉ ở mức tròn vai và nhạt nhòa của Đen Vâu!
Đen Vâu, tên thật là Nguyễn Đức Cường, là một nam rapper và nhạc sĩ người Việt Nam. Đen Vâu từng giành được 1 giải Cống hiến và là "một trong số ít nghệ sĩ thành công từ làn sóng underground và âm nhạc indie" của Việt Nam. Anh sở hữu những bài hát đạt hàng triệu lượt xem trên YouTube. Đen là chủ nhân hit Mang Tiền Về Cho Mẹ.
Nguồn: TH&PL