Meta thực sự là cuộc cách mạng tương lai hay chỉ là lời nói mơ hồ?
Metaverse được ví như hiện thân của Internet. Trước đây, khi nói về Internet, chúng ta chỉ nhắc đến những thứ vô nhân dạng như đường truyền, kết nối wifi, 3G, 4G... Ở thời điểm hiện tại, Internet sẽ bắt đầu có hình hài rõ ràng nhờ vào Metaverse.
Và đây cũng chính là chìa khóa để các ông lớn công nghệ, truyền thông khai phá và nắm chiếm tương lai Internet. Để trở thành người giữ thế độc quyền như trong quá khứ, Zuckerberg đang đổ dồn mọi thứ cho Metaverse.
Khi cả thế giới đang bám víu mạng xã hội 2D và vẫn chưa quen với khái niệm thực tế ảo. Con đường 3D có thể là ngai vàng cũng, đồng thời là mồ chôn cho Facebook.
Nội dung liên quan
Có gì để mê?
Chúng tôi sẽ chuyển đổi sâu sắc từ công ty truyền thông xã hội sang công ty Metaverse.
Chúng tôi tin rằng Metaverse hay siêu vũ trụ số sẽ là sự kế thừa của internet di động. Chúng ta sẽ có thể cảm thấy như gặp nhau ở hiện tại – giống như chúng ta đang ở ngay đây với mọi người, bất kể khoảng cách là bao xa.
Dựa trên những gì Mark Zuckerberg đã nói, Meta đưa ra loạt hình ảnh như được trích từ các bộ phim khoa học viễn tưởng, có khi còn hơn thế.
- Mọi kết nối gói gọn trong chữ Meta
Người dùng có thể đánh cờ với bạn bè dù cách nhau hàng trăm cây số, các fan hâm mộ có thể tham dự concert của thần tượng thông qua Meta... đây là những gì xuất hiện trong đoạn clip giới thiệu về nền tảng tương lai.
Hiện nay, khi sử dụng Facebook hay Instagram, người dùng chỉ thực hiện được vài tác vụ cơ bản như đăng ảnh, like ảnh, bình luận... Khi có Metaverse, người dùng như bước vào một thế giới mới với đủ mọi phương thức giải trí.
Metaverse là nơi giao thoa giữa thế giới thực và thế giới ảo. Theo lời Mark, người dùng Facebook có thể dễ dàng đi chơi, họp mặt bạn bè khi đang ở nhà thông qua thiết bị thực tế ảo.
Lúc này, các avatar không còn đơn giản là những tấm hình nằm yên bất động. Mỗi avatar là một nhân vật di động 3D đại diện cho chính người dùng. Vì thế, người dùng có thể tay bắt, mặt mừng với bạn bè như ngoài thế giới thực.
Chưa hết, Facebook sẽ tạo trải nghiệm tương tự như tựa game Pokemon Go. Thế giới thực sẽ được phủ lớp kỹ thuật số để trở thành thế giới ảo. Điều này giúp người dùng có trải nghiệm sống động hơn.
- Tương lai của ngành quảng cáo
Đánh cược mọi thứ vào thế giới ảo, Mark đâu đơn giản chỉ dừng lại ở mức này. Theo Meta, các nhãn hàng và thương hiệu có thể dễ dàng tiếp cận người dùng. Nếu trước đây, các công ty, thương hiệu chỉ có thể phân loại khách hàng tiềm năng thông qua tuổi tác, giới tính và những trang họ thích.
Bây giờ, họ có thể có thể biết được ngôn ngữ cơ thể, phản ứng, mức độ tương tác và biểu cảm của khách hàng. Nhờ vậy, nhãn hàng sẽ đưa ra những quảng cáo phù hợp và tối ưu hơn.
Nội dung liên quan
- Cánh cổng cơ hội cho những người trẻ
Mark Zuckerberg cho biết Metaverse sẽ mở ra nhiều cơ hội cho những người sáng tạo và nghệ sĩ độc lập. Những người có mong muốn làm việc từ xa cũng có thể dùng metaverse như trợ thủ đắc lực. Với những người sống xa trung tâm hoặc ở những nơi có điều kiện học hành, làm việc hạn chế, metaverse sẽ là một trong những giải pháp hữu ích.
Nếu Elon Musk khai phá ngành công nghiệp ô tô bằng sản phẩm xe điện thì Mark đang lăm le tạo thế giới ảo cho loài người sống. Một cuộc đặt cược đầy rủi ro và thách thức có thể khiến Mark Zuckerberg đánh đổi tất cả những gì đã gây dựng. Tuy nhiên, đây lại là ván bài vô cùng đáng giá. Chúng ta sẽ có một cuộc cách mạng công nghệ vô cùng vĩ đại. Đây cũng có thể là nước đi thay đổi mọi lĩnh vực trên toàn thế giới.
Nhưng liệu Mark Zuckerberg sẽ làm nên điều đột phá như Elon Musk?
Meta làm gì để được ta mê?
Gã khổng lồ Facebook sẽ dành 150 triệu USD để phát triển các ứng dụng mới, game và các chương trình trải nghiệm sâu trong metaverse. Vào tháng 9, nền tảng này chia sẻ đã chi 50 triệu USD với mong muốn xây dựng Metaverse thật sự an toàn và trách nhiệm. "Ông lớn" cho biết metaverse trong tương lai sẽ phát triển theo cách bao trùm và trao quyền. Nghĩa là người dùng có thể kiểm soát tuyệt đối mà không lo sợ lộ thông tin cá nhân.
Nhưng liệu đây có phải là một lời hứa suông? Vì trong quá khứ, Facebook từng khẳng định bản thân trong sạch và an toàn nhưng vẫn dính vào loạt chỉ trích liên quan đến việc lộ thông tin người dùng.
Để tẩy trắng quá khứ và khiến siêu vũ trụ ảo được đánh giá cao, Facebook cần nỗ lực củng cố tính an toàn, bảo mật và đấu tranh cho quyền lợi người dùng. Nếu bê bối liên quan đến vấn đề lộ thông tin, đặt lợi ích người dùng sau lợi nhuận lặp lại, Facebook có thể bị khai tử.
Có lẽ nền tảng này hiểu được sự sẵn-sàng-bài-trừ thế giới đang dành cho mình. Vì thế, Facebook chọn hướng đến một tầm nhìn thương mại. Ông Vishal Shah - người phụ trách các sản phẩm metaverse của Facebook, cho rằng: Thương mại sẽ là một phần lớn của metaverse. Người dùng có thể bán cả các sản phẩm vật lý lẫn các sản phẩm số hóa tại đây.
Đây có thể được xem như chiêu bài đi trước trận đứng những khả năng bị tố giác hạ thấp lợi ích của người dùng không? Vì với phát biểu này, chúng ta có thể ngầm hiểu Facebook ngay từ đầu đã nhắm đến một sân chơi 1:1 - thương mại và người dùng có giá trị ngang nhau.
Nhưng đó là vấn đề của tương lai. Hiện tại, thế giới ảo do Zuckerberg vẽ vời vẫn chỉ nằm trong trí óc. Zuckerberg thừa nhận Metaverse lúc này chưa hoàn toàn tồn tại.
Không chỉ có Facebook chạy theo vũ trụ ảo. Hàng loạt ông lớn trong giới công nghệ đã chi hàng chục triệu đô để đem về những mơ hồ đầu tiên về Metaverse. Ít nhất, Facebook hãy đem đến một bản thử nghiệm Meta cho người dùng trước khi chắc nịch tuyên bố về những điều có thể khiến người ta say mê.
Mê hay ghê?
Meta không chỉ đơn thuần là trải nghiệm lướt tới lướt lui điện thoại để tương tác với bạn bè. Ở đây, người dùng sẽ vui chơi và làm việc như thế giới thực. Tính chân thực khi sử dụng sẽ giúp người dùng chìm đắm trong nền tảng này.
Điều này dấy lên nỗi sợ vô hình: Metaverse là tương lai đáng trông đợi hay đáng sợ?
Chỉ cần đeo một chiếc kính, gắn tai nghe và thiết bị nhỏ vào tai, bạn sẽ được đi chu du khắp nơi, trò chuyện với vô số người. Trong khi, để làm được điều này ở thời điểm hiện tại, bạn phải bước chân ra đường, hành động và tương tác trực tiếp.
Liệu Metaverse đang làm giảm sự kết nối thay vì đưa mọi người đến gần nhau hơn? Trong vòng 5, 10 năm tới, khi vũ trụ này được khai phá thành công, con người sẽ thôi nhìn vào màn hình. Họ sẽ chẳng còn bận nhìn nhau hay bất kì thứ gì khác. Vì chỉ cần dán mắt vào chiếc kính to đùng là đủ. Điều này có thể tạo ra một thế hệ không cần tính xã hội để phát triển.
Ngay lúc này, khi Zuckerberg chỉ vừa mới vạch ra những thực tại mơ hồ, anh đã ảnh hưởng lớn tới mọi thứ. Nếu Metaverse chào đời hoàn toàn, Zuckerberg sẽ dễ dàng thâu tóm thế giới thực lẫn thế giới ảo.
Nguồn: TH&PL