Chuyện về nhà khoa học phát minh ra vaccine AstraZeneca từ bỏ bằng sáng chế đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Từ khi thế giới bắt đầu ghi nhận về loại dịch bệnh truyền nhiễm mới, nhiều nước bước vào công cuộc "chạy đua" để tìm ra loại vaccine hiệu quả phòng chống dịch bệnh. Hàng loạt các cuộc nghiên cứu và thử nghiệm ra đời, cũng như những loại vaccine hiệu quả được phê duyệt, mở ra những cơ hội mới về việc ổn định cuộc sống và bảo đảm sức khỏe cho con người.
Nhưng ít ai biết đến câu chuyện về bà Gilbert với mong muốn chia sẻ công trình sản xuất vaccine của mình cho nhiều người được biết đến, góp công sức vào việc đẩy lùi dịch bệnh. Bà chính là những đại diện tiêu biểu, cùng vô số những cống hiến của rất nhiều người trong suốt những năm tháng dịch bệnh vừa qua, tất cả mọi sự cố gắng và hy sinh này đều đáng được trân trọng.
Từ chối độc quyền vaccine vì muốn chia sẻ đến nhiều quốc gia
Những ngày gần đây, nhiều trang thông tin chia sẻ về câu chuyện của giáo sư người Anh Sarah Gilbert với những lời ca ngợi về câu chuyện đầy ý nghĩa. Bà không chỉ được xem là người mẹ của 3 đứa trẻ, mà còn được công nhận là "mẹ đẻ" của vaccine AstraZeneca hiện đang được lưu hành tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Bà đã cùng nhóm đồng nghiệp của mình nỗ lực hết công sức để mong muốn tìm kiếm ra loại vaccine hiệu quả và giá rẻ đến với nhiều nước, kể cả những nước nghèo vẫn có điều kiện tiếp nhận. Đối với nhiều hãng vaccine "cuộc đua" này không chỉ dừng lại ở mức đẩy lùi dịch bệnh mà còn nhận được lợi nhuận lớn phía sau những liều vaccine được bán ra, nhưng với bà Gilbert cuộc chạy đua lần này không với mục đích kiếm tiền.
Bằng chứng là hiện nay liều vaccine này được bán ra với khoảng khoản 3 USD/liều. Vị giáo sư này cũng đã từng khẳng định: "Ngay từ đầu, chúng tôi coi đây là một cuộc chạy đua với virus chứ không phải một cuộc chạy đua với các nhà phát triển vaccine khác. Chúng tôi là trường đại học và chúng tôi không làm việc này để kiếm tiền".
Không chỉ từ chối việc kiếm lợi nhuận lớn với việc kinh doanh vaccine trong bối cảnh hiện nay, mà bà còn làm nhiều người ngưỡng mộ bởi những suy nghĩ và hành động đầy tính nhân văn của mình. Bà nói: "Tôi từ chối nhận bằng sáng chế vaccine. Tôi không muốn độc quyền sáng chế vì tôi muốn chia sẻ công nghệ này để mọi người có thể sản xuất vaccine".
Sự cống hiến không đơn giản chỉ là trách nhiệm
Có rất nhiều lý do để dẫn đến sự đóng góp của những cá nhân, tổ chức trong những ngày dịch bệnh vừa qua, nhưng chung quy đó không dừng lại ở tinh thần trách nhiệm mà còn đến từ sự tự nguyện cống hiến cho những điều tốt đẹp của cuộc sống. Đó là khi đứng trước giai đoạn khó khăn của dân tộc đất nước thì vẫn một lòng mang hết sức lực, trí tuệ và lợi ích của cá nhân để tạo ra rất nhiều giá trị.
Điều này có thể nhìn thấy thông qua những đợt dịch vừa qua hay giai đoạn hiện tại, đôi khi chẳng phải bổn phận nhưng họ vẫn tự dấn thân vào những hiểm nguy để cống hiến sức mình do dân tộc. Hàng loạt câu chuyện về các tình nguyện viên chỉ mới là những sinh viên nhưng đã nhận thấy được trách nhiệm bản thân. Những cuộc gọi vội vã về nhà khi làm nhiệm vụ, những chốt kiểm soát bất kể mưa gió hay những giờ ăn vội vã, những chuyến xe cấp cứu xuyên đêm…
Có thể đó sẽ chỉ là một phần trách nhiệm của họ nhưng hơn hết vẫn là tinh thần xung phong, tự nguyện cống hiến, không ngại khó khăn. Những tấm lòng đáng trân trọng này cũng có một cuộc sống bình thường như bao người, vẫn có gia đình và những mong muốn riêng của bản thân nhưng họ lại chọn theo đuổi những lý tưởng cao đẹp hơn. Sự cống hiến giờ đây không còn là những triết lý cuộc sống mà là chân tình giữa người với người trong mùa dịch.
Bất kể sự cống hiến dù nhỏ nào cũng đáng ghi nhận
Sự cống hiện không phải là những việc lớn lao như câu chuyện của giáo sư Gilbert, nó đơn giản chỉ là đóng góp những gì mà bản thân đang có vì lợi ích chung, quên đi lối sống vị kỷ chỉ biết tận hưởng. Khi ta nhận thức được bản chất thật sự của việc cống hiến thì thứ ta nhận lại không phải những giá trị vật chất, mà chính là sự giàu có về tâm hồn.
Đừng đặt nặng vấn đề về cống hiến, bởi mọi thứ cần được xuất phát từ chính tấm lòng của chúng ta để việc giúp đỡ cho cộng đồng đúng với cách nói "của cho không bằng cách cho". Dù đó đơn giản chỉ là những tin nhắn gửi đi để đóng góp vào quỹ vaccine, những lời chúc hay những phần thức ăn giúp đỡ người vô gia cư… Tất cả đều đáng nhận được sự trân trọng và ghi nhận.
Tuy những thứ hiện tại chúng ta cho đi sẽ có phần nhỏ bé, nhưng chính những điều đó sẽ góp phần tạo nên những điều lớn lao trong cuộc sống, thậm chí là giúp ích được rất nhiều những mảnh đời khó khăn hay góp phần vào công tác hỗ trợ đẩy lùi dịch bệnh.
Chính những sự cống hiến dù ít ỏi của chúng ta hôm nay cũng sẽ mang đến những hy vọng về cuộc sống bình yên phía trước. Đất nước đang đối mặt với những ngày tháng vô cùng đau thương nên đừng giữ mãi lối sống ích kỷ với những lợi ích cá nhân, bởi sự trở lại bình thường của cuộc sống nằm ở việc cả dân tộc, đất nước và thế giới đồng lòng chung tay trong "trận chiến" Covid-19 này.
Giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tiêm ngừa vaccine là một trong những biện pháp hữu hiệu để chúng ta bảo vệ sức khoẻ và trở lại cuộc sống bình thường. Tuyến bài Toàn cảnh Vaccine sẽ giúp độc giả có cái nhìn tích cực, lạc quan và sự hiểu biết nhất định về vaccine Covid-19 để nâng cao ý thức tiêm ngừa và phòng chống dịch bệnh.
Nguồn: TH&PL