Love to Lớp: Bắt buộc phải có "nóc nhà" trong chuyện yêu đương?

Tôi yêu anh ấy da diết nhưng hình như...mọi ý kiến của tôi đều bị anh ấy phớt lờ.

Trong chuyện yêu đương, khi cả hai bằng lòng toàn tâm toàn ý đến với nhau, tại sao lại xuất hiện một người "trên cơ" người còn lại? Làm sao xác định được bạn là "nóc" còn đối phương thì không? Một mối quan hệ bình đẳng trong một xã hội bình đẳng thì "nóc nhà" có thật sự cần thiết? 

Trong từ điển của Gen Z, "nóc nhà" nghĩa là gì? 

Ngược dòng thời gian, quay về những năm tháng đất nước ta còn khó nhọc, những tháng năm tư tưởng "Trọng nam khinh nữ" còn hằn sâu vào ký ức của người dân thời đó. Đi kèm với tư tưởng phân biệt này là câu tục ngữ: "Con có cha như nhà có nóc".

Dần dà về sau một biến thể khác của câu nói được ra đời: "Nhà là phải có nóc", ý chỉ người đàn ông trong gia đình là người có tiếng nói nhất trong nhà, hay trong một mối quan hệ yêu đương thì người nam sẽ là người "trên cơ" để tỏ vẻ, để ra oai với bạn bè. 

love to lop bat buoc phai co noc nha trong chuyen yeu duong - anh 0

Còn "nóc nhà" trong mắt Gen Z thì sao? Xã hội ngày một hiện đại hơn cả về vật chất lẫn tư tưởng bên trong. Tư tưởng phân biệt nam nữ vì thế cũng đang dần được xóa bỏ. Suy nghĩ mọi người thoáng hơn và từ đó khoảng cách giữa nam giới và nữ giới dần được rút ngắn.

Nữ giới không còn phải cặm cụi bếp núc hay suốt ngày chỉ được ở nhà vun vén hạnh phúc gia đình nữa. Họ có thể đi làm, giao tiếp với xã hội, tự do lựa chọn lối đi riêng cho mình. Và trong chuyện tình cảm cũng thế, Gen Z sở hữu những tư tưởng phóng khoáng hơn, "nóc nhà" không chỉ là nam giới, về mặt sắc thái ngữ nghĩa cũng không gay gắt như xưa. 

Có nhất thiết phải có "nóc nhà" hay không? 

Tôi có một cô bạn thân, tính tình mộc mạc lại đảm đang, dưới quê mà, cổ hiền lắm. Phải nói rằng công, dung, ngôn, hạnh cô chẳng thiếu chữ nào. Trời xui đất khiến cổ thích anh chàng làng bên hơn cổ một tuổi. Ông bà già ta hay nói: "Nhất gái hơn hai nhì trai hơn một".

love to lop bat buoc phai co noc nha trong chuyen yeu duong - anh 0

Ai cũng nghĩ họ đẹp đôi. Cổ cũng nghĩ vậy. Nhưng rồi "trong chăn mới biết chăn có rận", sau hai năm quen nhau cô nhận ra cái người mà mình trao hết cả niềm tin và thân xác, chỉ là một người gia trưởng không hơn không kém. Hắn bắt cô ở nhà chăm lo bếp núc, trì hoãn việc học để cô sinh con cho hắn. Ở thời buổi này ai lại ép con gái người ta như vậy bao giờ?. 

Thật vậy, từ thế kỷ thứ 18 đến nay, rất nhiều làn sóng về nữ quyền nổ ra nhằm đòi lại công bằng cho nữ giới. Sau nhiều thập kỷ đấu tranh, vị thế của người phụ nữ dần dà được cân bằng so với nam giới. Dù là trong lĩnh vực kinh tế hay chính trị đều có sự xuất hiện của nữ giới. Trong quan hệ lứa đôi cũng có sự biến chuyển. 

Nam giới, họ bắt đầu lắng nghe ý kiến của phụ nữ hơn, biết suy nghĩ cho chị em nhiều hơn. Nói như vậy nhưng không có nghĩa người đàn ông phải chịu lép vế. Trong một xã hội bình đẳng, một mối quan hệ bình đẳng thì không nhất thiết phải phân biệt rạch ròi rằng ai sẽ là "nóc nhà". 

love to lop bat buoc phai co noc nha trong chuyen yeu duong - anh 0

Mối quan hệ tình cảm trưởng thành và tích cực là khi cả hai cùng lắng nghe ý kiến của nhau trong mọi cuộc tranh luận, và sự tôn trọng lẫn nhau là chìa khóa cho một mối tình lâu dài. Người đàn ông bản lĩnh không phải là người chuyên đi khoe với bè bạn mình là "nóc", hay hạ thấp người vợ, người yêu của mình để lấy oai.

Còn người phụ nữ khôn ngoan không bao giờ tự hào với hội chị em "bồ tao nó nghe lời tao lắm". Hạ thấp người mình yêu và nâng giá trị bản thân lên, đó không phải là tình yêu, mà đó là sự thương hại.  

"Nhà là phải có nóc" nếu lỡ một mai nhà "bay nóc" thì làm sao? 

Tình yêu cũng giống như việc xây nhà. Móng có chắc thì mới mong nhà được vững vàng. Móng không chắc thì dù có xây bao nhiêu cái nhà cũng bị đổ rạp khi mưa giông kéo đến. Trong tình yêu cũng vậy, nam nữ đến với nhau cùng vun đắp tình cảm từ sự tôn trọng, dẫu có bão táp mưa sa hay trái gió trở trời, đều bình yên mà vượt qua.

love to lop bat buoc phai co noc nha trong chuyen yeu duong - anh 0

Với thế hệ Gen Z năng động và yêu tự do cùng với lối suy nghĩ phóng khoáng, việc có "Nóc nhà" hay không tự khắc trong lòng họ sẽ có câu trả lời. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng không có tình yêu nào là bền lâu nếu không dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. 

Khi yêu, đồng nghĩa với việc mỗi người đang bước đến một lớp học mang tên tình yêu. Dù kết quả là đổ vỡ hay đi đến bến bờ hạnh phúc, lớp học này cũng dạy cho bạn nhiều bài học: học yêu thương, học trưởng thành, học chấp nhận và học cả sự cô đơn,... Tuyến bài Love To Lớp - Từ tình yêu đến lớp học của chuyên mục GenVie sẽ là những dòng tản mạn, câu chuyện, tâm sự, góc nhìn về tình yêu,... để đồng cảm, chia sẻ và cùng bạn học cách yêu mỗi ngày.

Love to Lớp: Cảm giác cô đơn trong một mối quan hệ như thế nào?

Love to Lớp: Nếu bạn từng bị tổn thương, hãy can đảm và yêu thêm vài lần nữa!

Love to Lớp: Muốn quên anh, thật sự rất khó!

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ