Nếu nữ quyền - quyền nữ là đương nhiên, tại sao chúng ta vẫn phải "đòi"?

"Phụ nữ mà tự tin, hay ho như thế thì làm gì phải đi đòi nữ quyền?", câu nói tưởng chừng như vô tình đó lại dấy lên một cuộc tranh cãi sôi nổi trên mạng xã hội về "nữ quyền".

"Nữ quyền - quyền nữ" và "bình đẳng giới" là câu chuyện tạo nên cuộc tranh luận lớn trên mạng xã hội trong những ngày gần đây. Từ nhiều phản ứng bất bình trước phát biểu vì sao nam sinh không nên mặc áo dài của thầy hiệu trưởng trường cấp 3, cho tới bình luận gây tranh cãi mà MC Trấn Thành dành cho tiết mục của bộ đôi cô - trò nữ rapper Suboi - TLinh tại Chung kết Rap Việt vào ngày 14/11, có thể thấy công chúng đang dần "nhận dạng" được nhiều "nếp nghĩ" thiếu bình đẳng vẫn còn tồn tại trong xã hội hiện đại.

neu nu quyen quyen nu la duong nhien tai sao chung ta van phai doi - anh 0
"Phụ nữ mà tự tin, hay ho như thế thì làm gì phải đi đòi nữ quyền?" - bình luận gây tranh cãi mà MC Trấn Thành dành cho Suboi - TLinh

Lật lại định nghĩa "nữ quyền": "Bình đẳng" và "giống nhau" là hai khái niệm tách biệt

"Ủng hộ nữ quyền đồng nghĩa chống lại nam giới" là một hiểu lầm tai hại về làn sóng nữ quyền. Cốt lõi của chủ nghĩa nữ quyền là sự bình đẳng cơ hội giữa nam và nữ, không phải sự "giống nhau". Trong một bài báo được đăng tải vào năm 2017, tạp chí Forbes (Mỹ) khẳng định lập luận bởi vì phụ nữ không "giống" nam giới, nữ giới và nam giới được sinh ra với những đặc điểm sinh học và khả năng thể chất khác nhau nên không thể có bình đẳng là không hợp lý. Vào năm 1981, nhà hoạt động xã hội người Mỹ Bell Hooks cũng có phát biểu: "Ý nghĩa chính xác của thuật ngữ 'nữ quyền' là mong muốn tất cả mọi người, cả nam lẫn nữ, được giải phóng khỏi các khuôn mẫu phân biệt vai trò giới tính, sự thống trị hay áp bức".

"Bình đẳng" và "giống nhau" là hai khái niệm hoàn toàn tách biệt. Nữ quyền là câu chuyện về vấn đề quyền bình đẳng và cơ hội tiếp cận bình đẳng. Đàn ông và phụ nữ không nhất thiết phải "giống nhau" về thể chất để có cơ hội ngang nhau trong việc tiếp cận các nguồn lực nhằm trau dồi khả năng bản thân. Nếu đi theo giải thích "giống" hay "khác", hãy tạm rời khỏi khái niệm giới, và lấy một ví dụ về sự khác biệt thể chất giữa hai cậu bé trong cùng một lớp học, liệu có hợp lý nếu chúng ta nói rằng vì một trong hai cậu bé "yếu" hơn người còn lại, nên không được tiếp cận quyền lợi học tập bằng người bạn kia?

neu nu quyen quyen nu la duong nhien tai sao chung ta van phai doi - anh 0
Cốt lõi của chủ nghĩa nữ quyền là sự bình đẳng cơ hội giữa nam và nữ, không phải sự "giống nhau"

"Phụ nữ mà tự tin, hay ho như thế thì làm gì phải đi đòi nữ quyền" - có thể khi phát biểu câu này, MC Trấn Thành cho rằng đây là một lời khen dành cho tài năng của hai nữ rapper Suboi và TLinh, nhưng "lời khen" này hóa ra lại để lộ cách nhìn còn phiến diện của nam MC: phải chăng chỉ khi tự tin và hay ho, phụ nữ mới được công nhận "quyền nữ - nữ quyền" của họ, thay vì đó là điều đương nhiên mà bất kỳ phụ nữ nào cũng được nhận? Bản thân Suboi cũng chia sẻ trên livestream cá nhân rằng cô không đồng tình với quan điểm của Trấn Thành. Suboi khẳng định: "Những người phụ nữ mạnh mẽ không có nghĩa là họ muốn tranh giành với đàn ông. Nhưng việc 'trọng nam khinh nữ' từ lâu của Việt Nam đã để lại những chuyện như người đàn ông gia trưởng, luôn muốn phụ nữ phải im lặng và đứng đằng sau. Nói chung là tư tưởng phụ nữ sinh ra là để sống cho người khác chứ không được sống cho mình".

Gen Z nghĩ gì khi nữ quyền nếu là lẽ đương nhiên, tại sao vẫn phải "đòi"?

Gen Z, được biết đến là một thế hệ quan tâm và theo đuổi nhiều vấn đề xã hội, là thế hệ cất tiếng nói khá mạnh mẽ cho phong trào nữ quyền. Gen Z coi trọng quan điểm nữ quyền, nhìn nhận đó như một điều tích cực, đặc biệt còn biết tận dụng lợi thế lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội khi thực hiện nhiều chiến dịch online, sử dụng các hashtag như #MeToo, #NeverAgain, #TimesUp,... Khác với Gen X và Y sống trong thời đại mà tư tưởng "trọng nam khinh nữ" bén rễ và ăn sâu vào nếp nghĩ, Gen Z có thể coi là một thế hệ "nhạy cảm" với những vấn đề bình đẳng: dám lên tiếng và bảo vệ cho những giá trị tốt đẹp mà mình tin tưởng.

neu nu quyen quyen nu la duong nhien tai sao chung ta van phai doi - anh 0
Gen Z - thế hệ cất tiếng nói khá mạnh mẽ cho phong trào nữ quyền

Mặt khác, theo kết quả khảo sát của báo Independent (Anh) công bố vào tháng 8/2020 mà đối tượng khảo sát là các bạn trẻ từ 16 đến 24 tuổi, 50% các bạn nam thuộc Gen Z cho rằng "nữ quyền" đang đi quá xa và khiến nam giới khó thành công hơn. Bên cạnh những quan điểm tích cực rằng nữ quyền mang lại sự bình đẳng chứ không tước bỏ quyền lợi nam giới, một bộ phận thanh niên cả nam lẫn nữ đồng tình với quan điểm phong trào nữ quyền có thể khiến các bạn nam dễ vướng vào những cáo buộc "oan". Những tiết lộ này cho thấy còn rất nhiều suy nghĩ trái chiều đang tồn tại đan xen.

Trên một vài phương diện, "nữ quyền" là một tư tưởng, nên sẽ có người mang tư tưởng tiến bộ, và có người không. Vậy nên, sẽ là một điều đáng mừng nếu tư tưởng "trọng nam khinh nữ" ngày càng được tháo gỡ. Nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng nỗ lực đấu tranh của hàng ngàn phụ nữ trên toàn thế giới là không cần thiết, nhất là khi những con số mất cân bằng tỷ lệ sinh, chênh lệch mức lương, thời gian lao động,... giữa hai phái nam và nữ vẫn được ghi nhận. Không thể phủ nhận làn sóng nữ quyền thực sự giúp phụ nữ "đòi" được những quyền lợi chính đáng. Tờ Pacific Standard (Mỹ) công nhận "nữ quyền - quyền nữ" góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống khi giúp nhiều trẻ em gái, thiếu nữ và phụ nữ được tự do sống đúng với điều mình muốn, giảm thiểu số lượng nữ giới gặp các vấn đề sức khỏe tâm lý.

neu nu quyen quyen nu la duong nhien tai sao chung ta van phai doi - anh 0
Không thể phủ nhận làn sóng nữ quyền thực sự giúp phụ nữ "đòi" được những quyền lợi chính đáng

Tạm kết: Nữ quyền là nhân quyền, nên mặt còn lại của nữ quyền là... nam quyền

Nữ quyền rõ ràng không đứng độc lập, mà nữ quyền bản chất là nhân quyền, thế nên mặt còn lại chưa được đề cập của nữ quyền chính là… nam quyền. Nỗ lực đem lại sự bình đẳng trên thế giới đang ngày một nhiều, và không khó để nhận ra những hiện tượng "nam quyền" bắt đầu xuất hiện. Đó là khi chàng thơ Timothée Chalamet khiến khán giả "giật mình" định nghĩa lại khái niệm "nam tính". Sự thu hút của một Timothée Chalamet mềm mại cho thấy dấu hiệu chuyển dần khỏi văn hóa tôn thờ sự nam tính đầy độc hại vì lợi ích của cả nam giới và nữ giới. 

Hay mới đây, nam ca sĩ Harry Styles xuất hiện trên trang bìa tạp chí Vogue với trang phục là một bộ váy, và bị một nhà bình luận người Mỹ chỉ trích nặng nề vì hình ảnh unisex này. Thế nhưng nhiều người nổi tiếng và người hâm mộ đã đồng loạt lên tiếng bảo vệ anh chàng, bởi vì không điều gì có thể cấm cản một người được mặc bất kỳ trang phục nào mà họ thích.

neu nu quyen quyen nu la duong nhien tai sao chung ta van phai doi - anh 0
Nam ca sĩ Harry Styles xuất hiện trên trang bìa tạp chí Vogue với trang phục là một bộ váy

Và tại Kpop, chúng ta có chàng rapper nam tính Bobby (iKON) cũng từng chụp bộ ảnh mặc croptop, hay thoải mái sơn móng tay để chứng minh rằng mọi người đều có quyền xinh đẹp (pretty) theo cách chúng ta muốn. Bobby không ít lần bày tỏ quan điểm cởi mở của mình rằng: "Không thể vì là nam giới nên người đó không được quyền bộc lộ khía cạnh dễ thương của mình". Amber (cựu thành viên f(x)) khi được hỏi "khi nào mới làm con gái" cũng mạnh dạn trả lời: "Tôi là một cô gái. Một cô gái nghĩa là được quyền trở thành bất kỳ ai mà cô ấy muốn". 

neu nu quyen quyen nu la duong nhien tai sao chung ta van phai doi - anh 0
Bobby (iKON) cũng từng chụp bộ ảnh mặc croptop, để chứng minh rằng ai cũng đều có quyền xinh đẹp theo cách chúng ta muốn

Điểm chung của những nhân vật truyền cảm hứng này là thông điệp mà họ mang lại: "nữ quyền" hay "nam quyền" chính là nhân quyền, là sự tự do lựa chọn của mỗi người. Bất kì chàng trai hay cô gái nào cũng có quyền lựa chọn hình ảnh mạnh mẽ hay yếu đuối cho bản thân, chứ điều đó không xuất phát từ tiêu chuẩn của xã hội buộc con gái chỉ có thể yếu đuối, mềm mại, hay áp đặt là con trai thì chỉ có thể mạnh mẽ, không được bộc lộ quá nhiều cảm xúc.

Mong thế giới hãy nhớ rằng, trước khi là con trai hay con gái, chúng ta đều giống nhau, vì là con người.

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ