Đừng biến lời xin lỗi thành câu nói trống rỗng và thiếu mất giá trị đang có của nó.
Trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, lời xin lỗi dường như đã trở thành văn hóa giao tiếp của người trẻ. Lời xin lỗi có từ trong nếp sống, nếp ăn, nếp nói. Nhưng hình như người trẻ đang thiếu trách nhiệm và biến lời xin lỗi thành câu cửa miệng có thể dễ dàng tuôn ra bất kì lúc nào.
Lời xin lỗi - nét giao tiếp văn minh của người hiện đại
Giới trẻ ngày nay đa phần là Gen Z, đây là thế hệ được đánh giá là có khả năng ứng xử tốt, giao tiếp thông minh. Kèm theo đó, văn hóa cảm ơn và xin lỗi đã trở thành thói quen của những người hiện đại.
Lời xin lỗi được sử dụng rộng rãi như một phép giao tiếp lịch sự. Lời xin lỗi được nói ra từ những người trong gia đình với nhau, từ những câu hỏi quen thuộc hàng ngày, "Xin lỗi, cho tôi hỏi đường này đi về đâu?", "Xin lỗi, bạn có thể vui lòng cho tôi biết bạn đến từ đâu không?'', hay xin lỗi chỉ đơn giản là "mình không thể giúp gì được cho bạn". Thậm chí lời xin lỗi còn được nói để thay lời cảm ơn.
Trên thực tế, hai chữ "xin lỗi" có giá trị vô cùng to lớn trong việc hóa giải các cơn giận và ngăn chặn các hiểu lầm có thể có trong tương lai. Xin lỗi không chỉ có ích cho người bị hàm oan mà nó còn mang lại nhiều giá trị cho người gây ra lỗi. Vì vậy, nói lời xin lỗi được xem như là hành động của nền văn hóa lịch thiệp, tôn trọng và đạo đức trong lối sống ngày nay.
Xin lỗi là tốt nhưng đừng lạm dụng như một câu cửa miệng
Bởi lẽ, trong rất nhiều trường hợp lời xin lỗi được xem như cách giải quyết trong một vấn đề có "lỗi". Không những học sinh, sinh viên, nhiều người trẻ đi làm ngày nay vẫn thường hay nói lời xin lỗi.
Bạn Thanh Tuyền chia sẻ rằng: "Mình đã từng viết 10 tin nhắn xin lỗi gửi cho sếp trong một tháng với cùng một lý do là đi trễ". Vấn đề đặt ra ở đây là lời xin lỗi được nói ra nhiều lần nhưng thật ra nó như một câu nói qua loa và thiếu trách nhiệm.
Chúng ta thường có thói quen lạm dụng lời xin lỗi trong những lần phạm sai lầm. Lời xin lỗi lúc này được nói ra có thể đã thành văn hóa chối lỗi và nó chỉ là cái bóng của hành động bỏ mặc cái sai. Việc nói lời xin lỗi nhưng không chịu sửa lỗi mà dùng nó để biện hộ cho hành vi chối lỗi thường dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc sau này.
Lời xin lỗi mà buộc miệng thốt ra như cách để bỏ qua lỗi lầm là điều không tốt. Đại loại như xin lỗi để tìm cách đổ lỗi, lời xin lỗi để cố gắng thoát khỏi tình huống khó xử,… Vì về lâu nó sẽ biến thành một thói quen xấu của những người thiếu trách nhiệm. Việc lạm dụng quá nhiều lời xin lỗi sẽ khiến người khác khó chịu, ít tin tưởng và bị phản tác dụng.
Xin lỗi thôi, đừng "Xin lỗi được chưa?"
Cái đáng nói nhất ở đây là "xin lỗi được chưa?" không dừng lại ở câu nói giỡn được nữa. Lời xin lỗi phải gắn liền với việc chịu trách nhiệm, bởi vì nó là cách để chúng ta tạo lòng tin cho mọi người xung quanh. Ông bà ta có câu "Quý chữ tín hơn chữ vàng", vàng sẽ không mua được chữ tín, chữ tín còn đáng giá hơn vàng nên đừng để trăm ngàn lần xin lỗi rồi hứa hẹn trở nên "lờn thuốc" đối với việc làm sai trái.
Người thiếu trách nhiệm với lời xin lỗi của mình thường là người không thành công trong cuộc sống. Bởi lẽ, họ dùng lời xin lỗi để biện hộ cho lỗi lầm của mình mà không biết sửa lỗi một cách có tâm. Điều này về lâu dài sẽ trở thành thói quen xấu và làm mất lòng tin đối với người khác.
Chúng ta cứ mặc nhiên nói lời xin lỗi như một câu nói qua loa thì trong nhiều trường hợp nó sẽ đem đến những hệ lụy đáng tiếc xảy ra. Nhân viên dễ làm mất lòng tin đối với sếp, công việc không được hoàn tất. Lời xin lỗi chỉ thực sự có giá trị khi chúng ta nhận thức được lỗi lầm của mình và không muốn lặp lại hành vi sai trái đó một lần nào nữa.
Nội dung liên quan
Thậm chí, do sự phát triển của mạng xã hội, nhiều bạn trẻ nói lời xin lỗi bằng cách đăng tải những dòng trạng thái dài miên man, chia sẻ những video về việc nói lời xin lỗi rồi gắn tên của bạn bè vào. Đây là cách xin lỗi không mấy thiện chí và rất sượng sùng. Việc trình bày dài dòng để giải thích lý do, để chứng minh là tôi không sai là việc không nên làm nhất khi nói lời xin lỗi.
Chúng ta là những người trẻ văn minh và hiện đại, vậy thì hãy học cách nói lời xin lỗi một cách giá trị và có trách nhiệm. Đừng biến lời xin lỗi thành câu nói trống rỗng và thiếu mất giá trị đang có của nó.
Nguồn: TH&PL