“khum”, “j v tr”, “trầm zn”… là những từ ngữ không còn xa lạ khi nó được phổ biến rộng rãi tại nhiều nơi, song đó vấn đề này đã đặt ra nhiều tranh cãi xoay quanh.
Thời gian gần đây cùng với mức độ phủ sóng của gen Z trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau, không khó để bắt gặp một loại ngôn ngữ đặc trưng riêng của các bạn. Nó đang dần xuất hiện ở khắp mọi nơi, không chỉ là những content giải trí mà hiện tại còn có trong văn hóa giao tiếp thông qua tin nhắn và lời nói.
Gen Z được xem là thế hệ đầu tiên sinh ra và lớn lên trong thời đại công nghệ số, họ được mệnh danh là những con người đa năng trên nhiều lĩnh vực và hoàn toàn không có những giới hạn trong tìm tòi và sáng tạo. Tuy nhiên, với Tiếng Việt và sự sáng tạo từ nó đang bị nhiều người làm dụng và sử dụng bừa bãi, điều này có thể dẫn đến nhiều nguy cơ về sự lệch chuẩn.
Sự trở lại của teencode từ xu hướng chung của người trẻ
Đây không phải là lần đầu tiên những loại ngôn ngữ này được hình thành trong giới trẻ, trước đó thế hệ 8x hay 9x cũng đã có những mã ký tự riêng đặc biệt để dùng trong nhắn tin giao tiếp vào giai đoạn những năm 2000 khi họ cho đây là xu hướng lúc bấy giờ, đồng thời để có thể tránh được sự giám sát và theo dõi từ phụ huynh.
Sau một thời gian được lưu truyền trong giới trẻ nó dần trở thành thứ ngôn ngữ đặc trưng và phổ biến rộng rãi cùng với sự phát triển của internet và mạng xã hội.
Tuy nhiên, đến những năm 2015 đó dần bị quên lãng và nhận được những ý kiến trái chiều từ các bạn trẻ, teencode dần bị thay thế bởi lối soạn thảo chuẩn mực và rồi nhiều người lại mang chính những lỗi sai trong cách dùng từ hay chính tả để mỉa mai và châm biếm, dường như người trẻ giai đoạn này xem đây là một điều tối kỵ.
Ngày nay gen Z đã khoác lên mình một "chiếc áo mới" cho teencode, dường như không còn dừng lại ở những kí tự mà là những cách nói lóng, mượn từ tiếng anh hay ẩn dụ với nhiều hình ảnh khác nhau, thậm chí là có những kiểu "từ điển gen Z" trên mạng xã hội, chẳng còn ai quan tâm đến vấn đề chính tả đơn giản vì nó vui và phù hợp với thời đại. Nếu không phải một người trẻ với sự cập nhật nhanh chóng chắc chắn sẽ không thể hiểu được nội dung.
Sự sáng tạo của các bạn là không ngừng đến mức chẳng có bất kỳ quy tắc nào khiến nhiều người khi nhận ra cũng phải bật cười cho sự hài hước và độc đáo này. Từ TikTok đến Facebook hay những dòng tin nhắn thì ở đâu cũng sự xuất hiện của vô số những từ ngữ mới lạ, có thể nhờ sự nhanh chóng và lan tỏa của mạng xã hội mà hiện nay teencode của gen Z được phủ sóng khắp mọi nơi.
Vấn đề gây nên nhiều sự tranh cãi giữa các thế hệ
Tuy có được nhiều góc nhìn đa dạng hơn nhưng có thể thấy ở thế hệ nào thì teencode cũng vấp phải nhiều tranh cãi, thậm chí có nhiều người còn gay gắt cho rằng đây là hành vi làm mất đi sự trong sáng và thiếu tôn trọng trong giao tiếp. Điều này có thể vô tình khiến tiếng Việt dần bị mai một bởi chính sự sáng tạo và những trò vui không có giới hạn của người trẻ
Bạn M.P là một sinh viên tại Sài Gòn, đồng thời cũng là một gen Z nhận định: "Cá nhân mình thấy điều này thật không hay, giao tiếp là vấn đề mang tính cộng đồng nên việc sử dụng ngôn từ trong giao tiếp là để đối phương và chính bản thân mình cùng hiểu, nếu dùng những từ ngữ không tuân thủ theo bất cứ quy chuẩn nào khiến người khác không hiểu thì đó là một sự thất bại lớn trong giao tiếp".
Bên cạnh đó thì nhiều người đánh giá đây là vấn đề sáng tạo của người trẻ và không nên có cách nhìn nhận quá khắt khe khi vốn các bạn chỉ đang dùng nó cho những nhu cầu về giải trí, góp phần khiến cuộc giao tiếp được trở nên vui vẻ và sinh động. Sự thay đổi bao giờ cũng mang đến những phản đối nhưng đây chỉ đơn giản là sự phát triển của một ngôn ngữ riêng đặc biệt trên nền của tiếng Việt và chắc chắn sẽ không liên quan đến việc làm mất đi vẻ đẹp vốn có.
Trái với ý kiến của M.P, thì bạn M.V cũng đã có những quan điểm riêng của bản thân khi cho rằng đây vốn là điều bình thường: "Teencode được nhiều bạn sáng tạo ra cũng chỉ để hướng đến nhóm đối tượng là những người trẻ vì nó độc đáo và vui nhộn lại còn giúp giải quyết nhanh chóng các vấn đề về văn bản, hơn hết là việc này cũng không có bất kỳ sự thay thế nào dành cho tiếng Việt. Tuy nhiên, mình sẽ không đồng tình nếu ai đó sử dụng chúng một cách bừa bãi hay cho những mục đích xấu".
Sự sáng tạo của người trẻ trong văn hóa cần có giới hạn
Vấn đề này vẫn còn phụ thuộc nhiều vào quan điểm và cách nhìn nhận của mỗi người nên sẽ không thể nào nhận định việc sử dụng teencode của gen Z là đúng hay sai. Tuy nhiên ranh giới trong sự sáng tạo từ tiếng Việt là rất mong manh nên cần có những quy định giới hạn trong việc sử dụng của bản thân, với những hoàn cảnh và đối tượng khác nhau cần có cách giao tiếp phù hợp.
Nội dung liên quan
Cộng đồng xã hội rộng lớn, người trẻ của chúng ta hoàn toàn không phải trung tâm của mọi thứ mà đơn giản chỉ là một thành phần nhỏ trên một ốc đảo rộng lớn. Vì vậy cần nên chỉ dừng teencode ở mức sáng tạo với những chừng mực trong giao tiếp của người trẻ, đừng nên lạm dụng chúng trong hầu hết các vấn đề của cuộc sống, đặc biệt là những công việc đòi hỏi sự nghiêm túc và chính xác.
Tiếng Việt chính là một bản sắc không thể thay đổi, nó là một minh chứng hùng hồn cho những giai đoạn lịch sử và sự phát triển của nước ta, nên hãy dùng chính sự sáng tạo và năng động vốn có của người trẻ để góp phần làm cho chúng trở nên ngày một giàu đẹp, đa dạng hơn. Đồng thời cũng đừng dùng chính sự sáng tạo này để bao biện cho sự cẩu thả và thiếu tôn trọng trong giao tiếp.
Nguồn: TH&PL