Chiếm đoạt văn hóa (cultural appropriation), rất nhiều người thấy khó hiểu và phức tạp, hoặc thậm chí có thể không nhận ra bản thân đang "vi phạm" chiếm đoạt văn hóa.
Khi nghe đến khái niệm chiếm đoạt văn hóa (cultural appropriation), rất nhiều người thấy khó hiểu và phức tạp, hoặc thậm chí có thể không nhận ra bản thân đang "vi phạm" chiếm đoạt văn hóa. Một khái niệm như thể "từ trên trời rơi xuống" vậy có đáng để Gen Z quan tâm?
Một vài năm trước, chiếm đoạt văn hóa có lẽ là một chủ đề hoàn toàn xa lạ với cộng đồng mạng Việt Nam, thì giờ đây, khái niệm này ngày càng nhận được sự quan tâm từ giới trẻ, cụ thể là Gen Z - khi thế giới "phẳng" hơn, các bạn tiếp cận nhiều thông tin hơn, đón nhận nhiều luồng văn hóa trên thế giới, và trong tương tác đó, lẽ dĩ nhiên là sẽ quan tâm đến nhiều vấn đề hơn.
Chiếm đoạt văn hóa là gì? Từ đâu lại xảy ra chiếm đoạt giữa các nền văn hóa?
Hiện tượng chiếm đoạt văn hóa đã gây tranh cãi từ trong quá khứ, là chủ đề nóng giữa các dòng văn hóa và chủng tộc, bắt nguồn từ mầm mống của chủ nghĩa thực dân, nơi những thực dân da trắng cướp phá và đánh cắp đồ tạo tác văn hóa.
Trong rất nhiều ví dụ từ lịch sử thế giới, có thể kể đến sự kiện vào những năm 1800, khi các nhà buôn nghệ thuật Tây phương đi muôn nơi để thu thập kho báu của người Mỹ bản địa, họ đã khai quật hàng ngàn ngôi mộ vô danh và đánh cắp rất nhiều đồ đồng, ngà động vật được tìm thấy để đem bán chúng ở thị trường châu u.
Hay những tượng vàng Asante được trưng bày tại bảo tàng nghệ thuật trang trí và ứng dụng lớn nhất thế giới Victoria & Albert (London, Anh) đã bị "cướp" đi từ Ghana - một quốc gia Tây Phi. Hiện nay bảo tàng Victoria & Albert vẫn đang đứng trước sức ép phải giải thích chính xác nguồn gốc của những bộ sưu tập được trưng bày tại đây, trong đó có những món đồ đã bị quân đội Anh đánh cắp.
Tuy nhiên, nhìn nhận theo một góc độ khác, khách quan hơn, thì khi có sự dịch chuyển cư dân giữa nhiều nhóm người thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau, hiện tượng hợp nhất hoặc pha trộn văn hóa xảy ra là lẽ thường tình. Trên thực tế, đã có nhiều phát minh và sản phẩm sáng tạo tuyệt vời được tạo ra từ sự kết hợp của các nền văn hóa như vậy, chẳng hạn như nhạc đồng quê.
Tuy nhiên ranh giới bắt đầu được vẽ ra khi một nhóm văn hóa thống trị (dominant culture) sử dụng các yếu tố của một nhóm văn hóa không thống trị (non-dominant culture) theo cách mà nhóm không thống trị coi là bị bóc lột.
Khái niệm chiếm đoạt văn hóa dùng để chỉ việc sử dụng những yếu tố hoặc đồ vật của một nền văn hóa theo cách không tôn trọng ý nghĩa ban đầu của chúng, không trích dẫn nguồn gốc (credit), dẫn tới hậu quả là góp phần củng cố định kiến hoặc tạo áp bức.
Ngày nay, sự chiếm đoạt văn hóa diễn ra dưới nhiều hình thức. Chúng ta thấy nó ở các lễ hội âm nhạc - nơi những người tham gia đôi khi sẽ mặc trang phục truyền thống thuộc về nền văn hóa khác. Chúng ta thấy nó xuất hiện trong thời trang - vào năm 2019, Gucci bán một chiếc khăn turban với giá 600 bảng Anh (khoảng 19 triệu VND) và bị "lên án" là thiếu tôn trọng với văn hóa Sikh.
Hay Dolce & Gabbana phải đối mặt với phản ứng dữ dội sau khi đăng video một người mẫu Trung Quốc đang cố gắng ăn mì ống và bánh pizza bằng đũa, như một phần của chiến dịch truyền thông thương hiệu tại Thượng Hải. Victoria's Secret cũng là một cái tên thường xuyên "vi phạm" khi cho người mẫu trình diễn những bộ trang phục sử dụng mũ lông vũ, tua rua bằng da lộn, cho đến đồ trang sức bằng hạt.
Chúng ta thấy những ngôi sao ca nhạc cũng bị cho là "vi phạm" chiếm đoạt văn hóa. Justin Bieber từng bị chỉ trích vì tấm ảnh selfie để tóc dreadlock - chính kiểu tóc mà Miley Cyrus nhận về chỉ trích tương tự ở lễ trao giải VMAs 2015. Ngay cả Adele cũng bị "lên án" sau khi đăng lên Instagram một bức ảnh cô đang để kiểu tóc truyền thống của châu Phi tại lễ hội Notting Hill Carnival.
Hay ở Kpop, bộ hình chụp quảng bá album của nhóm nhạc nam EXO có hình ảnh các thành viên để tóc dreadlock bị nhận xét là chiếm đoạt văn hóa. Một màn trình diễn của nhóm nhạc nữ (G)I-DLE có sử dụng yếu tố âm nhạc và hình ảnh theo phong cách châu Phi (African style) cũng từng nhận về vô số tranh cãi của cộng đồng mạng.
Tại Việt Nam, gần đây khán giả quan tâm đến vấn đề chiếm đoạt văn hóa khi có luồng tranh cãi rằng tạo hình "hầm hố" của nhân vật Alex trong bộ phim Hàn Quốc Penthouse III là cổ xúy cho nạn phân biệt chủng tộc. Hay một vài tranh luận có sự chiếm đoạt văn hóa hay không đã nổ ra giữa các bạn trẻ trên nền tảng TikTok khi có một bạn nam đăng video chính mình với kiểu tóc "con sâu" dreadlock.
Trước đây, chúng ta cũng từng lên tiếng phản đối nữ ca sĩ nước ngoài Kacey Musgraves khi cô đăng ảnh mặc áo dài - trang phục truyền thống của nước ta, nhưng lại không "diện" quần. Cô ca sĩ nước ngoài coi đó là một hành động bày tỏ sự yêu thích với trang phục Việt Nam, nhưng rõ ràng, hầu như tất cả người Việt đều cảm thấy "phản cảm" nhiều hơn.
Làm sao để những người làm công tác văn hóa nói chung và khán giả có thể đứng vững bên "chiến tuyến" tôn vinh văn hóa (cultural appreciation) mà không giẫm qua "lằn ranh" chiếm đoạt văn hóa (cultural appropriation) là câu chuyện không dễ dàng ngã ngũ, còn rất nhiều thứ cần mổ xẻ, và có lẽ sẽ còn cả một chặng đường dài phải đi.
Chiếm đoạt văn hóa là nỗi đau thực sự của những nền văn hóa bị lợi dụng rồi bỏ quên, hay là sự nhạy cảm quá đà của một bộ phận khán giả và truyền thông?
Trong một video trên kênh YouTube DKDKTV đăng tải bài chia sẻ của Danny Kim - tức chủ kênh YouTube, trong một lần được mời về trường đại học Sogang (Hàn Quốc) để nói chuyện với sinh viên về chủ đề này, Danny Kim đã đề cập đến khái niệm "đúng đắn chính trị" (political correctness) và từ đó, dẫn chứng về sự liên quan giữa đúng đắn chính trị và chiếm dụng văn hóa.
Bằng cách kể một ví dụ vui, Danny Kim có "hướng" đề cập vấn đề khôi hài nhưng khá thâm thúy. Nội dung câu chuyện là về hai anh chàng làm nghề thiết kế nhân vật game, một người nhờ đồng nghiệp của mình nhận xét về nhân vật mới vẽ. Để ủng hộ bình đẳng sắc tộc, anh bạn đồng nghiệp đề nghị chỉnh sửa nhân vật từ da trắng sang da đen.
Tiếp tục, để ủng hộ bình đẳng giới, anh đồng nghiệp đề nghị để nhân vật là nữ thay vì nam. Để ủng hộ làn sóng tích cực cơ thể, anh đồng nghiệp đề nghị không được để nhân vật nữ có thân hình chuẩn. Để ủng hộ cộng đồng LGBT+, anh đồng nghiệp yêu cầu nhân vật không được nữ tính mà phải trông phải "men-lì" hơn. Để ủng hộ con người không được theo chủ nghĩa thượng đẳng, anh đồng nghiệp yêu cầu nhân vật có thể là người ngoài hành tinh.
Đặt để cả "hai mặt của đồng xu" vào "bàn tròn phân tích", nhiều nhà hoạt động xã hội đã nghiên cứu và chỉ ra rằng, chiếm đoạt văn hóa liên quan đến sự thiếu hiểu biết bối cảnh lịch sử ảnh hưởng đến hành động đang thực hiện. Tìm hiểu về bối cảnh của sự chiếm đoạt văn hóa là điều quan trọng để hiểu tại sao đây lại là vấn đề. Ví dụ, nếu lấy một vật linh thiêng từ một nền văn hóa và "biến" nó thành một phần của trang phục Halloween, thì đây là một hành động chiếm đoạt văn hóa.
Quay lại câu chuyện tấm ảnh của Adele, nữ ca sĩ chia sẻ bức hình ấy để bày tỏ sự quan tâm với lễ hội Notting Hill, thay vì khai thác yếu tố văn hóa này để thu lợi. Lễ hội này mang đến cho cộng đồng người da đen cơ hội thể hiện bản thân và văn hóa của mình. Đây là một ví dụ về tôn vinh văn hóa (cultural appreciation) thay vì chiếm đoạt.
Trong phần kết lại của buổi chia sẻ tại trường đại học, Danny Kim đưa ra quan điểm tham khảo, đó là cần mở rộng tầm nhìn của mình, đừng chỉ tiếp nhận và đánh giá phản ứng của những con người đến từ nhiều nền văn hóa khác biệt bằng chính những cảm quan cá nhân. Trong xã hội siêu liên kết hiện tại, mỗi người, và đặc biệt là Gen Z đang ngày càng tiếp cận với thế giới, cần phải thường xuyên trao đổi, đối thoại với những người đến từ những nền văn hóa khác mình.
Làm được điều này không dễ, vì mỗi người đều được sinh ra, học tập và trưởng thành ở môi trường văn hóa của riêng mình, chấp nhận sự khác biệt từ một nền văn hóa mới lạ không đơn giản. Danny Kim đưa ra "lời giải" gợi ý rằng đừng tự "giam" mình trong cái lồng của riêng mà bỏ qua ý kiến của người khác, cho rằng họ chỉ đang "nhạy cảm làm quá vấn đề".
Khi bước ra khỏi cái lồng sắt nhỏ bé, chúng mình sẽ hiểu thêm về cách nhìn, cách suy nghĩ của văn hóa các nước bạn và thấu hiểu được nỗi đau, nỗi khổ tâm của họ; và chiều ngược lại cũng là biết cách trân trọng văn hóa của chính cộng đồng mình. Khả năng thấu cảm ngày càng trở thành một phẩm chất cần có và cần "mài dũa" theo trải nghiệm sống để có thể kéo lại gần khoảng cách của những mâu thuẫn.
Một vài "tiêu chí" bạn có thể tự đặt ra cho mình để tránh "sa chân" vào chiếm đoạt văn hóa
Nếu còn nhiều băn khoăn, những tham khảo dưới đây có thể giúp bạn làm rõ được vấn đề của mình.
- Trích dẫn "nguồn cội" những yếu tố văn hóa bạn vay mượn hoặc đưa vào sản phẩm của mình, thay vì khẳng định chúng là ý tưởng ban đầu của riêng bản thân.
- Dành thời gian tìm hiểu trước khi bạn vay mượn hoặc tiếp nhận các yếu tố của nền văn hóa nào đó. Học hỏi từ những người là thành viên của cộng đồng hoặc nền văn hóa ấy.
- Nếu có thể, hãy ủng hộ các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp địa phương,... do thành viên đại diện cho nền nền văn hóa ấy điều hành, hơn là mua các mặt hàng sản xuất hàng loạt.
Nguồn: TH&PL